Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018

Vì sao VN không công khai sức khoẻ lãnh đạo cao cấp?

Vì sao Việt Nam không công khai tình trạng sức khoẻ lãnh đạo cao cấp?
Mỹ Lan RFA 2018-02-23 - Theo thông tin được phát đi từ truyền thông trong nước, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải nhập viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh từ trước Tết nguyên đán do có biểu hiện “xấu” về sức khoẻ và đang được theo dõi, điều trị tích cực bởi các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành hiện nay. Báo chí trong nước cũng cho hay ông Phan Văn Khải được chuyển từ một bệnh viện ở Singapore về bệnh viện Chợ Rẫy đêm 20/2, nhưng không cho biết cụ thể ông bị bệnh gì và tiên liệu ra sao. Trong khi đó, một số nguồn tin trên mạng chưa thể kiểm chứng cho biết ông Khải đang trong tình trạng “hết sức nguy kịch”.

Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến 
thăm Hoa Kỳ tháng 06 năm 2005  AP
Mặc dù báo chí trong nước không đưa tin cụ thể về bệnh tình ông Khải nhưng các báo đều đưa tiểu sử của ông, một việc thường được làm khi một lãnh đạo đã qua đời. Điều này khiến những người muốn biết thông tin càng thêm tò mò.

Như vậy, sau những nghi vấn về tình hình sức khoẻ của các ông Nguyễn Bá Thanh – cựu Bí thư Đà Nẵng hồi năm 2015, ông Đinh Thế Huynh – thường trực Ban Bí thư, nhân vật cao cấp số 5 trong Đảng, và gần đây nhất là trường hợp của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, dư luận lại tiếp tục đưa ra nhiều giả thuyết xung quanh diễn biến sức khoẻ của vị cựu quan chức cao cấp này.

Khi được hỏi về lý do vì sao Việt Nam chưa bao giờ công bố bất cứ thông tin cụ thể và chính thức nào về tình trạng bệnh của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, từ Sài Gòn, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng cho biết:

“Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa mà chúng ta hay gọi là khối cộng sản. Tất cả những thông tin về các vị lãnh tụ, không riêng gì chuyện sức khoẻ, thậm chí chuyện gia đình, con cái, vợ con cũng đều được coi là bí mật quốc gia. Thế nên cũng không lạ gì khi vì sao ở Việt Nam lại không công khai tình hình sức khoẻ của các vị lãnh đạo, đáng lẽ là điều này cần phải được công bố để người dân biết được vì sức khoẻ của những người này ảnh hưởng rất lớn đến việc của quốc gia”

Vấn đề sức khoẻ của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ lâu luôn là mối quan tâm của dư luận xã hội. Ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 11 năm 2017, nhiều đại biểu cũng đã đặt câu hỏi về tình trạng của chủ tịch nước Trần Đại Quang thời điểm đó, đồng thời yêu cầu Quốc hội làm rõ quy định “ sức khoẻ lãnh đạo có phải là bí mật nhà nước” hay không? Ông Bùi Đình Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng “ nếu là bí mật nhà nước thì phải thực hiện theo đúng tính chất, còn không thì phải hoàn toàn công khai”.

Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa mà chúng ta hay gọi là khối cộng sản, tất cả những thông tin về các vị lãnh tụ, không riêng gì chuyện sức khoẻ, thậm chí chuyện gia đình, con cái, vợ con cũng đều được coi là bí mật quốc gia - Nhà báo Ngô Nhật Đăng

Theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, nguyên nhân sâu xa của sự mập mờ và bưng bít thông tin này bắt nguồn từ ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội-cộng sản với mục tiêu kiểm soát hoàn toàn đời sống xã hội để từ đó phản ảnh lại hệ thống chính trị. 

“ Ở các nước như Việt Nam chẳng hạn thì điều đó lại hoàn toàn ngược lại, và tôi cho rằng điều đó cực kỳ vô lý và cực kỳ có hại. Tôi lấy ví dụ ông tổng bí thư bị tâm thần chẳng hạn nhưng lại bưng bít để ông không biết. Vậy một ông tâm thần, một ông sức khoẻ yếu hay bị ung thư chẳng hạn thì làm gì có thời gian hay sự tỉnh táo để suy nghĩ cho các vấn đề của đất nước? Những chuyện này vô cùng ảnh hưởng đến người dân và tôi cũng là người cực kỳ phản đối chuyện bưng bít thông tin như vậy”

Đảng cộng sản Việt Nam có riêng một Ban Bảo vệ sức khoẻ cán bộ Trung ương chuyên trách việc chăm sóc sức khoẻ cho các vị lãnh đạo cao cấp. Theo nhà báo Phạm Chí Dũng và những người biết về hoạt động của Ban bảo vệ sức khỏe này của Đảng thì hiện nay vai trò của ban này ngày càng mờ nhạt trong việc điều trị bệnh cho các lãnh đạo. Ông Dũng nói:
“Nhưng mà sau này với sự phát triển của các bệnh viện tư, rồi máy móc theo chiều sâu, mang tính chất chuyên sâu nhiều hơn, thì các Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh ủy, thành ủy và trung ương phần lớn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ. Vai trò lớn nhất của họ, theo tôi hình dung không phải là việc điều trị chữa bệnh một cách có kết quả như là các bệnh viện bên ngoài, mà là sự im lặng trong việc bảo mật những thông tin về sức khỏe của những cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.”

Một bác sĩ giấu tên từng làm việc ở Ban bảo vệ sức khỏe trung ương nói với đài RFA rằng khi các cán bộ lãnh đạo bị bệnh và được Ban bảo vệ sức khỏe trung ương điều trị, thì họ không có quyền công bố bệnh tình của bệnh nhân mà phải có quyết định từ cấp lãnh đạo cao hơn.Trên thực tế, trường hợp thông tin ông Nguyễn Bá Thanh được gia đình đưa sang Mỹ chữa bệnh chỉ được Ban Bảo vệ sức khoẻ trung ương công bố sau khi dư luận đặt quá nhiều câu hỏi xung quanh bệnh trạng của ông Thanh.

Vai trò lớn nhất của họ, theo tôi hình dung không phải là việc điều trị chữa bệnh một cách có kết quả như là các bệnh viện bên ngoài, mà là sự im lặng trong việc bảo mật những thông tin về sức khỏe của những cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý - Nhà báo Phạm Chí Dũng

Tương tự là trường hợp của Đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc phòng: Trong suốt thời gian dài ông này đều vắng mặt trong các sự kiện chính trị quan trọng ở trong nước như Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân hay cũng không tham gia chuyến thăm Hoa Kỳ cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm tháng 07/2015. Sau một thời gian dài mạng xã hội đồn thổi về ông, cuối cùng báo Tuổi trẻ mới có bài dẫn nguồn tin từ Ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ trung ương cho hay ông Thanh “đã đi Pháp trị bệnh” và cho biết ông “đã được phẫu thuật, đó có thể là một khối u phổi”.

Trường hợp vắng mặt trong thời gian dài của Chủ tịch nước Trần Đại Quang hay việc Thường trực Ban Bí thư ông Đinh Thế Huynh vắng bóng trên các diễn đàn chính trị ở Việt Nam kể từ sau Hội nghị trung ương V được tổ chức vào tháng 05/2017 cũng khiến dư luận hết sức hoang mang về sự tồn tại cũng như bệnh tình của những vị lãnh đạo cấp cao này. Trả lời báo Dân việt, ông Phạm Gia Khải người từng là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe cán bộ trung ương trong một thời gian dài cho biết:

Về quan điểm cá nhân, tôi thấy cái gì cần giữ bí mật thì nên giữ, còn cái gì có thể công khai được thì cũng nên công khai để nhân dân nắm được.

Tuy nhiên, ông Khải cũng khẳng định ở nhiều nước trên thế giới, chứ không riêng ở Việt Nam, tình trạng sức khỏe của các yếu nhân, đặc biệt là những người nắm giữ vị trí chủ chốt của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, cũng là những thông tin cần phải được giữ bí mật. Cho đến nay, người ta cũng không có công bố chính thức về sức khỏe của ông Yasser Arafat hay như trường hợp của vị tướng quân đội Việt Nam đã được theo dõi, điều trị ở Paris (Pháp) vì bệnh gì cũng không ai được biết trừ một số rất ít người. 

Nhưng ở Hoa Kỳ, điều này có khác chút: Như Thượng nghị sĩ John McCain bị u não, ứng viên Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton bị ngã gây máu tụ dưới màng cứng là báo chí biết và đăng tải ngay…”

Ông Phan Văn Khải, năm nay 85 tuổi, là người giữ chức Thủ tướng Việt Nam giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2006. Ông được xem là người đã dẫn dắt Việt Nam bước qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong thời gian gần 9 năm lãnh đạo.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vi-sao-viet-nam-khong-cong-khai-tinh-trang-suc-khoe-cao-cap-02232018151506.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét