Bát nháo ăn xin, bói toán dịp tết
SGGP Thứ Tư, 21/2/2018 Dù TPHCM đã có chỉ đạo cấm các hoạt động bói toán, mê tín dị đoan, ăn xin, nhưng trong những ngày tết, tại nhiều đình, chùa, công viên và trên đường phố xuất hiện những người công khai hành nghề xem bói, ăn xin.
Hoạt động bói toán diễn ra công khai tại Lăng Ông (quận Bình Thạnh)
Bói toán rầm rộ
Vào ngày tết, chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) luôn có rất đông người tới viếng. Hàng chục người bán sách tử vi tranh thủ dịp này để kiếm tiền. Họ ngồi la liệt từ ngoài đường vào tận trong sân chùa.
Vào ngày tết, chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3) luôn có rất đông người tới viếng. Hàng chục người bán sách tử vi tranh thủ dịp này để kiếm tiền. Họ ngồi la liệt từ ngoài đường vào tận trong sân chùa.
Ngoài việc bán sách, họ còn gạ gẫm người đi chùa xem bói để biết vận mệnh trong năm mới. Cách xem bói chủ yếu là xem chỉ tay và chữ ký. Tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1), những người xem bói dạo thường giả danh là khách viếng chùa. Cũng cầm trên tay thẻ nhang, quần áo chỉnh tề, họ trà trộn vào dòng người viếng chùa để tiếp cận, chào mời xem bói.
Chiều mùng 3 tết, chúng tôi quan sát thấy có khoảng 5 thầy bói hành nghề tại chùa Ngọc Hoàng. Bà Trâm (một thầy bói có nhiều khách nhất ở đây) tỏ ra khá tinh ý khi tiếp cận và chào mời khách xem bói.
Chỉ vài câu xã giao, bà Trâm đã biết một cặp vợ chồng quê ở Đồng Nai bị hiếm muộn đi cầu con.
Sau màn chào hỏi, bà Trâm gạ: “Cô chú vào thắp nhang xong ra đây tôi gieo quẻ cho, xem năm nay cô nhà có sinh quý tử hay không nhé! Tôi công quả ở đây bao năm nay, cũng được các thầy chỉ dạy nhiều, Phật độ hay không là biết ngay”.
Tương tự, hàng chục người hành nghề xem bói tại chùa Xá Lợi (quận 3) cũng dùng chiêu giả khách viếng chùa để tiếp cận khách và qua mắt cơ quan chức năng.
Đông nhất vẫn là đội ngũ xem bói dạo ở Công viên 23-9. Với cuốn sách tử vi nhỏ, cây viết, bộ bài, họ rảo quanh công viên và thường chào mời những cặp nam nữ xem bói về tình duyên, học hành, công việc.
Tại khu vực Lăng Ông (quận Bình Thạnh) trước đây, có nhiều thầy bói dạo hành nghề ngay trong khuôn viên lăng và phía ngoài. Đến năm 2017, chính quyền quận Bình Thạnh và Ban quản lý Lăng Ông đã mạnh tay chấn chỉnh, nhưng một số thầy bói dạo vẫn tiếp tục hành nghề, giả là người bán nhang đèn, cá và chim phóng sinh, để chào mời khách xem bói.
Tuy việc chào mời có vẻ kín kẽ, nhưng khi có khách đồng ý xem bói thì họ ngang nhiên bày bài tây, quẻ xăm trên bàn nhựa đặt ngoài cổng sau để xem bói.
Chiều mùng 4 tết, có mặt tại đây, chúng tôi bị một nhóm 6 người bao vây mời mua nhang, chim phóng sinh và xem bói. Ở phía các bàn nhựa đều có khách đang xem bói, nhiều khách phải xếp hàng ngồi chờ đến lượt mình.
Ăn xin tràn lan
Trước tết, chính quyền các phường, quận và Sở LĐTB-XH TPHCM đã tập trung chấn chỉnh tình trạng ăn xin trên địa bàn. Tuy vậy, ngay từ những ngày giữa tháng Chạp, số người ăn xin xuất hiện ở các tuyến đường tăng đột biến.
Tại các đường khu vực trung tâm thành phố như Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo (quận 1), Nguyễn Văn Cừ (quận 5), Ba Tháng Hai (quận 10), Hoàng Diệu (quận 4), cầu Ông Lãnh, cầu Calmette, cầu Nguyễn Tri Phương…, cứ vài chục mét lại thấy có người vô gia cư và ăn xin ngồi chờ nhận quà từ thiện và xin tiền người đi đường.
Tham gia phát quà từ thiện vào dịp tết đã nhiều năm nay, nhưng chị Phạm Thúy Hằng (ngụ quận 3) không khỏi ngạc nhiên khi thấy tết này lượng người vô gia cư và người ăn xin tăng nhiều đến vậy.
Chị Hằng cho biết: “Chưa năm nào tôi thấy người vô gia cư và người ăn xin xuất hiện nhiều như năm nay. Trước đây, tôi chở theo 50 phần quà cũng phải đi vài tuyến đường mới tặng hết, năm nay chỉ đi một đoạn đường đã hết.
Đếm sơ sơ trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) từ giao lộ Nguyễn Văn Cừ tới giao lộ Nguyễn Thái Học có khoảng 40 người ngồi ở bồn cây xanh, hay cầu Ông Lãnh từ quận 1 sang quận 4 cũng có hơn 10 người ngồi chờ nhận quà và xin tiền người đi đường”.
Đáng nói, trong số đó rất nhiều người có nhà cửa, nhưng để lợi dụng lòng tốt của người khác nên ra vỉa hè giả làm người vô gia cư. Thậm chí, có gia đình gồm 3 thế hệ tranh thủ ra đường ngồi chờ nhận quà từ thiện.
Mọi năm, trong các ngày tết, các đối tượng ăn xin hoạt động lén lút tại các đình, chùa và một số giao lộ, năm nay họ “hành nghề” công khai và tập trung thành từng tốp.
Tại nút giao thông An Phú (chân đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây) luôn có 8 người, gồm 3 phụ nữ và 5 trẻ nhỏ, chực chờ xin tiền người đi đường. Tương tự, tại các giao lộ Châu Văn Liêm - Trần Hưng Đạo (quận 5), Sư Vạn Hạnh - Hùng Vương (quận 10), Bạch Đằng - Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh)… cũng có đối tượng ăn xin hoạt động từ 27 tháng Chạp đến nay.
PHƯƠNG UYÊN
http://www.sggp.org.vn/bat-nhao-an-xin-boi-toan-dip-tet-500554.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét