TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA PHẦN TỬ TRÍ THỨC TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI CHÍNH QUYỀN
Trần Văn Chánh
Trách nhiệm của người trí thức trước các hiện tình xã hội
Trí thức gắn liền với tri thức và học vấn dồi dào phong phú, từ đó thông đạt thế cố và hiểu được các hiện tình xã hội. Tuy nhiên, tự bản thân tri thức, học vấn cũng không có giá trị nếu việc sử dụng nó không mang lại ý nghĩa tích cực gì cho đời sống. Do vậy, người ta thường nói đến vai trò, trách nhiệm và ảnh hưởng của người trí thức trong trường hợp xã hội còn nhiều trục trặc, nhất là khi xã hội đó đang bị đặt dưới quyền thống trị của những hôn quân bạo chúa, hoặc nhân dân phải điêu đứng vì một chế độ mị dân, độc tài nào khác.
Trong trường hợp nầy, người trí thức không còn chỉ là người có học vấn đơn thuần, mà gắn liền với sự động não, luôn luôn đặt vấn đề và phê phán, nhằm góp phần làm thay đổi theo hướng tốt hơn đối với các hiện tình xã hội. Trong lịch sử, người trí thức luôn đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng như những tác động tích cực về tư tưởng nhằm chuyển hóa nhận thức của số đông thông qua những lời nói và việc làm của họ ảnh hưởng tới sự chọn lựa định hướng, quyết sách để phát triển quốc gia, dân tộc.
Nói theo cách diễn đạt của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thì “trí thức là người không chỉ giỏi, chỉ chuyên sâu vào một nghề chuyên môn mà còn phải có trách nhiệm chung về vận mệnh nước nhà” (dẫn theo Trần Quốc Vượng, trong bài “Dám làm, dám nói… dám nghe”, Tạp chí Tia Sáng, Xuân Nhâm Ngọ 2002).