Vấn đề của chính thể nhìn từ BOT Cai Lậy
BOT Cai Lậy đã gây ra một sự xáo trộn rất lớn đối với tuyến giao thông miền Tây. Hàng hóa nông sản từ miền Tây đi khắp nơi và hàng hóa các nơi đổ về miền Tây bị “bóp cổ” ngay tại Cai Lậy. Trong chuyện này chính quyền chính quyền tỉnh Tiền Giang không thể vô can.
Logo phản đối BOT Cai Lậy
Hoạt động tham vấn cộng đồng trước khi triển khai một dự án nào đó là hết sức quan trọng. Việc cử những đại diện chính quyền địa phương các cấp, Mặt trận Tổ quốc hay các đoàn hội khác không thể hiện được hết chính kiến của nhân dân trước một dự án ảnh hưởng tới họ. Giả sử bây giờ, tuy đã muộn, hãy hỏi ý kiến nhân dân một cách nghiêm túc Xem nhân dân có muốn đặt trạm BOT Cai Lậy trên quốc lộ thay vì đưa nó về tuyến tránh?Tiền Giang không phải là một quốc gia riêng. Việc cố đặt một trạm BOT ngay trên Quốc lộ để phục vụ một nhóm lợi ích và bỏ quên vai trò nhân dân là không thể chấp nhận được. Điều đó tương tự như Đồng Nai triển khai dự án lấp lấn sông Đồng Nai mà không lấy ý kiến của các hộ dân bị ảnh hưởng không lấy ý kiến của các địa phương có dòng sông chảy qua. Quốc lộ là của toàn dân sông Đồng Nai cũng là của toàn dân nên không ai có cái quyền tư hữu để trục lợi.
Một số lãnh đạo địa phương mà sông Đồng Nai chảy qua đập phản đối dự án lấp lấn sông Đồng Nai. Nhưng tôi chưa thấy một đại diện chính quyền nào của những tỉnh miền Tây hay nhìn rộng ra là cả nước lại quyết liệt phản đối BOT dù rằng rằng việc bị bóp cổ ở Cai Lậy có thể khiến nông sản Cà Mau chậm mua bán ảnh hưởng tới kinh tế của tỉnh. Ví dụ thế.
Vụ quán phở Xin chào khiến Thủ tướng phải vào cuộc bởi nhìn ra được nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị làm khó, bị chèn ép. Vậy thì vụ BOT Cai Lậy cần xem xét trách nhiệm của địa phương bên cạnh trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải để người dân thấy được quyết tâm minh bạch và các chỉ đạo nhất quán trên tinh thần kiến tạo của Chính phủ.
Không khác đổ dầu vào lửa khi Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải- ông Nguyễn Nhật nói rằng “không có gì sai” cả ở BOT Cai Lậy. Nói thế chẳng khác gì thách thức kết luận Thanh tra chính phủ và Kiểm toán Nhà nước với vô số sai phạm của các BOT bị phát hiện. Sự im lặng của chính quyền Tiền Giang khi không có một chính kiến rõ ràng về việc dời BOT Cai Lậy hay để nó tiếp tục “bóp cổ” Quốc lộ hoàn toàn không có chút tính kiến tạo nào cho sự phát triển của địa phương.
Khoác lên chiếc áo công quyền thì cần phải công chính để cho “y phục xứng kỳ đức”!
Sự công chính ở đâu khi một người tên Thể bị dân Miền Tây đặt chết danh “Thả cá trê” ký duyệt hàng loạt BOT lại được tại vì ở một vị trí rất cao. Thậm chí người dân Tân Hồng nói với tôi rằng con người ấy “đã chết” trong lòng họ. Hy vọng các lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nhìn bài học này để nhớ câu “dĩ dân vi bản” kẻo mang họa miệng thế gian.
Nhìn rộng ra từ câu chuyện Tiền Giang với BOT Cai Lậy, nếu có ai đó cho rằng với quyền lực trong tay thì có thể bắt dân làm theo ý muốn là điều hết sức sai lầm. Dân là nước, chính thể là thuyền. Xưa nay thuyền chỉ có thể thuận theo nước mà đi mượn sức gió đi ngược dòng cũng chỉ có một thời gian nhất định.
Thế chế có những kẽ hở để tạo ra các BOT biến dạng thì cần phải sửa ngay những lỗ hổng ấy. Việc “đốt lò”chỉ có thể răn đe các quan tham và những nhà đầu tư “tay không bắt giặc” nhưng sửa đổi thể chế sẽ phòng được giặc tham nhũng.
Giải quyết vấn đề tưởng chừng đau đầu này thật ra vô cùng đơn giản: Hỏi dân, nghe dân và làm đúng nguyện vọng nhân dân!
Mai Quốc Ấn
(FB Mai Quốc Ấn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét