Vì đâu cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn “nổi sóng” lần 2?
26/12/2017 - Sau 2 tháng kể từ buổi đối thoại đầu tiên giữa cư dân với chủ đầu tư, mới đây nhiều người dân khu đô thị Ngoại Giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tiếp tục xuống đường tập trung, căng băng rôn phản đối chủ đầu tư. Ông Lê Việt Đức - Cư dân tòa nhà NO3 T8 cho biết, dự án bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản đã được động thổ và khởi công xây dựng vào ngày 2/3/2017. Tuy nhiên, đến ngày 7/12/2017, dự án này mới được cấp giấy phép xây dựng. Hiện công trình đã được đóng cọc và đổ đất xung quanh.
Tấm biển thông tin về Bệnh viện Ung bướu
quốc tế Việt Nam - Nhật Bản đã bị gỡ xuống
Như Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Khu đô thị Ngoại Giao đoàn nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư.Trước đây, Ngoại Giao đoàn nổi tiếng là khu đô thị có mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng… với quy mô 62,8ha nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao cho Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức.
Tuy nhiên, ngày 22/5/2017, UBND TP Hà Nội đưa ra quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu Ngoại Giao đoàn. Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Trong đó có ô đất tăng gấp đôi mật độ xây dựng, tăng 3-4 lần tầng cao công trình.
Chờ hết năm… vẫn chưa thực hiện cam kết
Rất nhiều cư dân sau khi về sinh sống đã tỏ ra bức xúc. Nhiều lần cư dân gửi đơn kiến nghị, tổ chức chức xuống đường phản đối chủ đầu tư “tự ý” điều chỉnh quy hoạch hàng loạt ô đất theo hướng chuyển công năng, tăng mật độ xây dựng.
Gần đây nhất là ngày 8/10, hàng loạt cư dân đã mang băng rôn xuống đường, tuần hành phản đối việc điều chỉnh quy hoạch. Vụ việc khiến Hancorp sau đó đã tổ chức đối thoại với cư dân, như cam kết phối hợp triển khai thông một số tuyến đường ra Xuân La, cải tạo, làm mới công viên, hoàn thiện hệ thống đèn chiếu sáng nhằm đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm này (cuối tháng 12) sau 2 tháng kể từ buổi đối thoại các tình trạng trên vẫn chưa được cải thiện.
Cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn tiếp tục xuống đường phản đổi chủ đầu tư
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, cư dân sống tại Toà No04B, cho biết: “Chủ đầu tư từng cam kết sẽ triển khai làm đường nối ra đường Xuân La trong tháng 12, cải tạo, làm mới công viên Ngoại giao đoàn cho đúng tiêu chuẩn công viên của Bộ Xây dựng và thành phố... nhưng đã hết tháng đến nơi rồi mà họ vẫn không có hành động gì. An toàn, an ninh trong khu vẫn chưa được kiểm soát; hiện tượng ô tô xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, đi ngược chiều khá phổ biến song không có ai nhắc nhở. Hiện tượng trộm cắp xảy ra trong và bên ngoài một số tòa nhà”.
“Đáng bức xúc nữa là thành phố Hà Nội và chủ đầu tư hoàn toàn chưa có động thái trước các thư kiến nghị của cư dân”, bà Cúc nói thêm.
Phản đối xây bệnh viện ung bướu trong khu đô thị
Trong số những nội dung điều chỉnh quy hoạch tại khu Ngoại giao đoàn được Thành phố phê duyệt, điều khiến người dân lo lắng hơn cả đó là việc chủ đầu tư “âm thầm” xây dựng bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản.
Điều đáng nói là bệnh viện được xây dựng trên ô đất ký hiệu ĐMKT1 mà theo Quy hoạch chi tiết 1/500 (cũ) có chức năng là đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện). Hancorp đã điều chỉnh quy hoạch để chuyển công năng ô đất này sang công cộng đô thị, ký hiệu BV (tức xây bệnh viện) với chiều cao 12 tầng + 2 tầng hầm, mật độ xây dựng 40%.
Ông Lê Việt Đức - Cư dân tòa nhà NO3 T8 cho biết, dự án bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản đã được động thổ và khởi công xây dựng vào ngày 2/3/2017. Tuy nhiên, đến ngày 7/12/2017, dự án này mới được cấp giấy phép xây dựng. Hiện công trình đã được đóng cọc và đổ đất xung quanh.
“Việc chuyển đổi công năng ô đất trên, chủ đầu tư không hề tham vấn cư dân, trước đó chúng tôi hoàn toàn không biết thông tin gì”, ông Đức nói thêm.
Ông Nguyễn Xuân Trình, cư dân sinh sống tại tòa NO1 cho biết, mặc dù chúng tôi đã phản đối điều chỉnh quy hoạch vào tháng 10, dự án cũng đã ngừng thi công một thời gian. Tuy nhiên, gần nửa tháng nay, dự án đã bắt đầu thi công, treo nhiều tấm biển báo về phối cảnh, giấy phép xây dựng và tiến độ hoàn thành dự án… nhưng khi cư dân đến thì chủ đầu tư đã tháo dỡ biển và đóng cổng.
"Nếu bệnh viện Ung bướu Việt – Nhật được triển khai xây dựng coi như đánh mất lòng tin của cư dân, chúng tôi mong muốn một cuộc sống xanh – sạch – đẹp. Đồng thời, mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết vướng mắc nhất là về bệnh viện và vấn đề băm nát quy hoạch Ngoại Giao đoàn”, ông Trình nói.
Cùng chung tâm lý như ông Đức, ông Trình, nhiều người dân khu Ngoại giao đoàn đều tỏ ra lo lắng trước việc xây dựng bệnh viện ung bướu giữa lòng khu đô thị có hàng chục nghìn dân sẽ gây ra hệ lụy về sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, công trình bệnh viện ung bướu được xây sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ khu Ngoại giao đoàn sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu.
“Chủ trương của Nhà nước đưa ra là tất cả bệnh viện chuyên khoa đều phải chuyển ra khỏi thành phố nhưng khu Ngoại giao đoàn đang làm ngược lại”, ông Trình nói thêm.
Được biết, sau khi tiếp nhận đơn thư kiến nghị của cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn, đầu tháng 12 Văn phòng Chính phủ nhận thấy, đơn thư này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP. Hà Nội nên đã có văn bản chuyển đơn của một số cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn đến UBND TP. Hà Nội đề nghị kiểm tra giải quyết và thông báo kết quả cho Văn phòng Chính phủ.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Yêu cầu Hà Nội giải quyết đơn kêu cứu của cư dân Ngoại Giao Đoàn
HỒNG HƯƠNG
http://batdongsan.enternews.vn/khong-gian-song/vi-dau-cu-dan-khu-do-thi-ngoai-giao-doan-noi-song-lan-2-20171226033715.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét