Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

(121) Sai lầm của ông Chung: VietnamFinance đưa tin

Hancorp biến đất kỹ thuật thành bệnh viện, cư dân Ngoại giao đoàn căng băng rôn phản đối
Lệ Trần - 24/12/2017 (VNF) - Bức xúc vì chủ đầu tư “gian dối”, biến đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện) thành đất xây dựng bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản, sáng 24/12, nhiều cư dân khu đô thị Ngoại giao đoàn đã xuống đường treo băng rôn phản đối trước cổng dự án.

Cư dân Ngoại giao đoàn xuống đường căng băng 
rôn phản đối Hancorp điều chỉnh quy hoạch.
Khu đô thị Ngoại giao đoàn nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư. Thời gian qua, dự án đã gây xôn xao dư luận vì chủ đầu tư “tự ý” điều chỉnh quy hoạch hàng loạt ô đất theo hướng chuyển công năng, tăng mật độ xây dựng khiến cư dân bất bình.

Đỉnh điểm là ngày 8/10 vừa qua, hàng loạt cư dân đã mang băng rôn xuống đường, tuần hành phản đối việc điều chỉnh quy hoạch. Vụ việc khiến Hancorp sau đó phải “xuống nước” đối thoại với cư dân, tuy nhiên hai bên vẫn chưa đạt được thống nhất.

Căng thẳng âm ỉ hơn 2 tháng qua lại tiếp tục bùng nổ khi sáng 24/12, các cư dân Ngoại giao đoàn tiếp tục mang băng rôn phản đối trước cổng dự án.

Song khác với lần trước, lần này các cư dân chỉ tập trung phản đối việc xây dựng bệnh viện Ung bướuquốc tế Việt Nam – Nhật Bản.


Nhiều người dân căng băng rôn phản đối xây dựng 
bệnh viện Ung biếu trong khu Ngoại giao đoàn.

Cụ thể, dự án bệnh viện này có tổng diện tích 4.800m2, diện tích sàn xây dựng 28.000m2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã cho phép Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Y học Việt Nam - Nhật Bản (Vija Metech JSC) khởi công xây dựng hồi tháng 3/2017 với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

Điều đáng nói khu đất xây dựng bệnh viện lại chính là ô đất ký hiệu ĐMKT1 mà theo Quy hoạch chi tiết 1/500 (cũ) có chức năng là đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế điện). Hancorp đã điều chỉnh quy hoạch để chuyển công năng ô đất này sang công cộng đô thị, ký hiệu BV (tức xây bệnh viện) với chiều cao 12 tầng + 2 tầng hầm, mật độ xây dựng 40%.

Việc chuyển đổi công năng ô đất của Hancorp lại không hề tham vấn cư dân Ngoại giao đoàn. Điều này các cư dân cảm thấy mình bị “lừa gạt”. 


Bảng biển dự án đã tháo dỡ.

Ông Nguyễn Xuân Trình, cư dân sinh sống tại tòa NO1 cho biết: Chủ trương của Nhà nước đưa ra là tất cả bệnh viện chuyên khoa đều phải chuyển ra khỏi thành phố nhưng khu Ngoại giao đoàn đang làm ngược lại.

"Mặc dù, chúng tôi đã phản đối điều chỉnh quy hoạch vào tháng 10, dự án cũng đã ngừng thi công một thời gian. Tuy nhiên, gần nửa tháng nay, dự án đã bắt đầu thi công, treo nhiều tấm biển báo về phối cảnh, giấy phép xây dựng và tiến độ hoàn thành dự án… nhưng khi cư dân đến thì chủ đầu tư đã tháo dỡ biển và đóng cổng.

Nếu bệnh viện Ung bướu Việt – Nhật được triển khai xây dựng coi như đánh mất lòng tin của cư dân, chúng tôi mong muốn một cuộc sống xanh – sạch – đẹp. Đồng thời, mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết vướng mắc nhất là về bệnh viện và vấn đề băm nát quy hoạch Ngoại Giao đoàn”, ông Trình nói.

Ông Lê Việt Đức, cư dân sinh sống tại Tòa NO3-T8 bày tỏ: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi dự án bệnh viện vẫn được cấp phép mới xây dựng, chủ đầu tư vẫn tiến hành lặng lẽ, bất chấp cư dân vẫn đang phản đối”.


Cư dân Ngoại giao đoàn căng băng rôn trước cổng dự án bệnh viện Ung biếu.

Theo ghi nhận của VietnamFinance, dự án bệnh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam – Nhật Bản đã được động thổ và khởi công xây dựng vào ngày 2/3/2017. Tuy nhiên, đến ngày 7/12/2017, dự án này mới được cấp giấy phép xây dựng. Hiện tiến độ công trình chỉ mới đóng cọc và đổ đất xung quanh.

Như VietnamFinance đã thông tin, sự việc tại khu đô thị Ngoại giao đoàn bắt đầu từ việc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có tờ trình số 2288/TTr-QHKT ngày 19/4/2017 gửi UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu Ngoại giao đoàn - tại các ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, DDMKT1.

Sau đó, ngày 22/5/2017, UBND Thành phố đã có quyết định số 2905/QĐ-QHKT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch này.

Xem thêm >>> Khu Ngoại giao đoàn: Những ô đất nào đang được điều chỉnh quy hoạch?

Liên quan đến các phản đối của cư dân, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản chuyển đơn của các cư dân tại dự án khu Ngoại giao đoàn giao đến UBND thành phố Hà Nội để xem xét theo thẩm quyền và trả lời công dân theo quy định.

Mới đây, cư dân Ngoại giao đoàn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giữ nguyên quy hoạch kèm theo Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 22/01/2010, không tiến hành điều chỉnh khi không có ý kiến của cộng đồng cư dân.

Đến ngày 4/12/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 12946 gửi UBND thành phố Hà Nội. Văn bản cho biết trong thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã nhận được đơn thư của một số công dân thành phố gửi Thủ tướng, trong đó có các đơn thư của cư dân Ngoại giao đoàn.

Xét thấy các đơn thư này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố Hà Nội, Văn phòng Chính phủ chuyển các đơn thư này để thành phố kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả giải quyết cho Văn phòng Chính phủ.

Lệ Trần
http://vietnamfinance.vn/hancorp-bien-dat-ky-thuat-thanh-benh-vien-cu-dan-ngoai-giao-doan-cang-bang-ron-phan-doi-2017122416421104.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét