Mua nhà tiền tỷ ở không yên: Nhịn ăn đi đòi quyền lợi
24/12/2017 Hàng loạt dự án gặp rắc rối với cư dân năm 2017; không ít chủ đầu tư thường ỷ lỗ hỗng về pháp lý để nhờn luật, “cò quay” và không giải quyết dứt điểm quyền lợi chính đáng của cộng đồng cư dân. Thậm chí, một số DN BĐS còn thách thức khách hàng kiện ra tòa vì cho rằng một vụ kiện thường kéo dài, tốn kém, người mua nhà không đủ nhân lực và tài chính để theo đuổi đến cùng.An cư lạc nghiệp, mua được nhà để ở tưởng chừng đã xong nhưng không ít người dân không ngờ rằng họ lại phải nhịn ăn, tối ngày đi đấu tranh đòi quyền lợi. Năm 2017, hàng loạt các vụ việc kéo dài xảy ra tại các chung cư. Cư dân Home City Hà Nội: 'Xuống đường' đòi lối đi / Dân Mipec Long Biên tụ tập, căng băng rôn phản ứng
Khi cư dân xuống đường
Từ Nam chí Bắc, danh sách những chung cư chìm trong băng rôn, biểu ngữ của người mua nhà tiếp tục nối dài. Cuộc chiến đòi quyền lợi không chỉ diễn ra riêng lẻ, mà thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau, từ âm ỉ trên các mạng xã hội đến bùng phát căng băng rôn đòi quyền lợi.
Đặc biệt gay gắt là nhiều trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết, chưa làm giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho người mua nhà trong thời gian dài, khiến bức xúc của cư dân lên đỉnh điểm.
Đáng lưu ý, không ít trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn.
Gần 1 năm trôi qua, hàng trăm hộ dân sinh sống tại chung cư Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính) luôn phải lo lắng cho tính mạng của mình, chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng. Bức xúc trước thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của chủ đầu tư, cư dân Golden West đã nhiều lần tập trung căng biểu ngữ, băng rôn tố cáo sai phạm của Vietradico.
Lý do, chủ đầu tư đã đưa công trình vào sử dụng khi nhiều hạng mục thi công dở dang, hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu,...Đặc biệt, các ô thoáng không theo đúng thiết kế đang ảnh hưởng trực tiếp tới không gian sống hàng ngày của cư dân.
Một dự án khác cũng làm vỡ mộng của hàng nghìn cư dân khi về ở là Home City. Mua nhà có lỗi đi, được chủ đầu tư ghi rõ trên giấy tờ là 177 Trung Kính, nhưng khi nhận nhà xong thì ngay lập tức lối đi bị bịt, cư dân phải đi theo đường Nguyễn Chánh không một lời giải thích.
Tranh chấp chung cư ngày càng phức tạp
Cực chẳng đã, nhiều ngày liền, cư dân sinh sống tại đây đã xuống đường đòi lối đi. Hàng trăm chiếc ô tô của cư dân đã dồn ứ tại cổng chính trên đường Trung Kính do chủ đầu tư khóa cổng, khiến tuyến đường này bị ùn tắc kéo dài.
Hơn 2 tuần, cư dân Hồ Gươm Plaza liên tục xuống vỉa hè, căng băng rôn vào giờ tan tầm để phản đối chủ đầu tư. Không chỉ tự ý xây bể phốt lộ thiên ở tầng hầm, người dân chung cư Hồ Gươm Plaza còn tố chủ đầu tư tăng giá gửi xe, không bàn giao quỹ bảo trì, thay đổi thiết kế tòa nhà.
Cách đây không lâu, hàng trăm hộ dân sống tại Khu ngoại giao đoàn (Xuân Đỉnh, quận Nam Từ Liêm) cũng xuống đường, tố cáo chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đã tự ý điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đô thị, tự ý sử dụng đất công cộng vào mục đích khác nhằm trục lợi.
Phong trào căng băng rôn, khẩu hiệu lan rộng khi diễn ra tại hàng loạt dự án chung cư như: Gamuda Garden, Mipec Riverside Long Biên, Capital Garden (Trường Chinh), Golden Silk (Vạn Phúc, Hà Đông), New Horizon (Lĩnh Nam); Parkview Residence (Tố Hữu - Hà Đông),...
Cư dân chết khát, uống nước bẩn
Suốt gần 4 năm kể từ khi chuyển vào sinh sống tại chung cư VP3 Linh Đàm, hơn 400 hộ dân lâm vào tình cảnh thiếu nước sinh hoạt triền miên. Dù đã có nhiều cuộc đối thoại, kiến nghị nhưng trong tháng 5 và tháng 6/2017, tình trạng mất nước sạch triền miên xảy ra khiến cuộc sống cư dân bị đảo lộn.
Hàng trăm cư dân VP3 cũng đồng loạt giăng băng-rôn với khẩu hiệu yêu cầu chủ đầu tư trao lại quyền quản trị cho cư dân, xử lý tình trạng mất nước, thiếu nước sạch triền miên suốt thời gian qua.
Báo động nước sạch tại các chung cư
Khổ không kém là cư dân HUD3 Linh Đàm do CTCP đầu tư và xây dựng HUD3 làm chủ đầu tư, phải dùng tiết kiệm từng giọt nước mặc dù không có bất kỳ thông báo cắt nước từ Ban quản lý tòa nhà. Nhiều cư dân bắt buộc phải mang xô xuống lấy nước từ bể cá ở tầng 1 về dùng.
Hàng nghìn hộ dân tại khu đô thị Tân Tây Đô, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội đã phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm asen hay còn gọi là thạch tín. Điều đáng nói là tình trạng này đã diễn ra suốt từ năm 2014 đến nay mà vẫn chưa có giải pháp khắc phục.
Tương tự như vậy, hàng trăm hộ dân ở Khu đô thị Hồng Hà Eco City sống cảnh "khóc dở, mếu dở" vì nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt.
Trước đó, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội cũng phát hiện hàng loạt chung cư có nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo. Cụ thể, tại chung cư Sông Hồng Parkview, quận Đống Đa, Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện 8 mẫu thuộc các bể ngầm, bể mái và hộ gia đình không đạt quy chuẩn (chỉ đạt từ 11/14 đến 13/14 chỉ tiêu).
Tại chung cư CT6A, B, Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, kết quả kiểm nghiệm cho thấy, nước sạch tại khu chung cư này không đạt 2 chỉ tiêu. Trong khi đó, tại chung cư CT9 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, mặc dù chất lượng nước trước đồng hồ tổng của tòa nhà đạt quy chuẩn, nhưng chất lượng nước sau đồng hồ đều không đạt quy chuẩn về hóa học hoặc vi sinh vật.
Đáng báo động là tình trạng nhiều dự án không đạt tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy mặc dù đã đi vào hoạt động. Theo Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Hà Nội, sau thời gian kiểm tra, dù đã bị chỉ ra những vi phạm về phòng cháy chữa cháy ở gần 80 chung cư, tuy nhiên đến nay mới có 21/79 công trình chủ đầu tư khắc phục xong, được cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu. Còn 58 chung cư chưa được khắc phục.
Tại TP.HCM, Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó, có 9 chung cư tranh chấp rất gay gắt, phức tạp.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nhìn chung, việc kiện tụng là hậu quả kép xuất phát từ việc nhiều chủ đầu tư thiếu trách nhiệm khi thi công, khuyến mãi “nổ” để bán hàng mà quên dịch vụ hậu mãi. Vấn đề quản lý, khai thác, vận hành nhà chung cư đã, đang và sẽ luôn tiềm tàng các mâu thuẫn, sẽ còn phát sinh trong thời gian tới, nếu không có giải pháp hợp tình, hợp lý, tranh chấp ngày càng phức tạp và khó giải quyết.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà cho rằng, đây là một vấn đề nảy sinh trong thực tế đòi hỏi cần phải giải quyết.“Mâu thuẫn tranh chấp tại chung cư hiện nay xuất phát từ nhiều vấn đề từ phí dịch vụ, quỹ bảo trì. Thực tế cũng phải nhìn nhận rằng tiền phí bảo trì của dân bị nhiều chủ đầu tư chiếm dụng. Còn về phí dịch vụ, theo quan điểm của tôi thì đừng tính lãi gì ghê gớm để cư dân phải kiện cáo”.
Cũng theo ông Hiệp, vấn đề về quản lý chung cư ngoài những quy định của nhà nước ra, Bộ Xây dựng cũng đang ban hành quy chế về quản lý nhà chung cư nhưng đi vào thực tế còn có độ trễ nhất định.
Thiếu cơ chế quản lý tại các chung cư
TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, thay vì đưa ra những quy chế quản lý, sử dụng chung cư “trời ơi đất hỡi” như cấm nói tục, chửi bậy, nuôi súc vật tại chung cư,... cần tạo ra khung luật quy định những vấn đề liên quan đến tranh chấp chung cư để giải quyết được tận gốc vấn đề.
Bởi thực tế, không ít chủ đầu tư thường ỷ lỗ hỗng về pháp lý để nhờn luật, “cò quay” và không giải quyết dứt điểm quyền lợi chính đáng của cộng đồng cư dân. Thậm chí, một số DN BĐS còn thách thức khách hàng kiện ra tòa vì cho rằng một vụ kiện thường kéo dài, tốn kém, người mua nhà không đủ nhân lực và tài chính để theo đuổi đến cùng.
Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp những nội dung khiếu nại của dân cư tại các dự án nhà ở đối với chủ đầu tư. Đây là cơ sở để rà soát lại quy định của pháp luật có liên quan để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp và hướng dẫn các cơ quan liên quan giải quyết các vụ khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án.
Duy Anh
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/2017-dinh-diem-tranh-chap-chung-cu-417531.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét