Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Sẽ xử ông Thăng theo Luật hình sự mới hay Luật cũ?

Ông Đinh La Thăng sẽ bị xét xử theo Luật hình sự mới hay Luật cũ?
(GDVN) - Phiên tòa xét xử Đinh La Thăng cùng đồng phạm dự kiến diễn ra vào ngày 8/1/2018 sẽ áp dụng Luật hình sự mới hay luật cũ để xét xử đang khiến dư luận băn khoăn. LTS: Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật hình sự mới có hiệu lực sẽ không còn tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vậy việc xét xử đối với tội danh đã bãi bỏ liệu có đúng và luật quy định về vấn đề này như thế nào? Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gửi tới bạn đọc bài viết của tác giả Hà Dung phân tích pháp lý về vấn đề này theo quy định của pháp luật hiện hành. Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Ông Đinh La Thăng, ảnh: Thanh Vũ / TTXVN.
Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố ông Đinh La Thăng về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản ký kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999.
Dự kiến ngày 8/1/2018 tới đây vụ án sẽ được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử.
Tuy nhiên dư luận đang hết sức quan tâm đến vấn đề pháp lý khi tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" sẽ không còn trong bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Sửa đổi Bộ luật hình sự
Chỉ còn vài ngày nữa Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi năm 2009 sẽ hết hiệu lực. Đồng thời, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi năm 2017 sẽ có hiệu lực thi hành.
Theo đó, tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" sẽ không còn trong bộ luật mới kể từ 1/1/2018.
Thay vào đó tội danh này sẽ được thay thế, cụ thể hóa thành 9 tội danh trong Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm: Vi phạm các quy định về cạnh tranh; Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản;
Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng;

Sắp xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm

Vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng;
Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Tại điều 7 Bộ luật Hình sự 2015 cũng có quy định về: Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian.
1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện.
2. Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
3. Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đới với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Xử lý theo luật nào?
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội thì lại có hướng dẫn cụ thể hơn.
"Đối với hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự 1999 xảy ra trước 0h00 ngày 1/1/2018, mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý".

Truy tố bị can Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

Cụ thể tại điểm e khoản 1 điều 2 của Nghị quyết này có nêu : “Đối với hành vi hoạt động phỉ quy định tại Điều 83; hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 149; hành vi kinh doanh trái phép quy định tại Điều 159;
Hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý;
Trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của Tòa án thì không được căn cứ vào việc Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định tội danh hoạt động phỉ, tội danh đăng ký kết hôn trái pháp luật, tội danh kinh doanh trái phép, tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội…”.
Điều 165 quy định: Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Hà Dung
http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Ong-Dinh-La-Thang-se-bi-xet-xu-theo-Luat-hinh-su-moi-hay-Luat-cu-post182569.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét