Rắc rối mới tại khu đô thị Ngoại Giao Đoàn
Thu Phương - TheLEADER - Những căng thẳng, bức xúc của cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn về việc điều chỉnh quy hoạch chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi mới đây, hàng trăm cư dân này đã một lần nữa xuống đường phản đối việc xây Bệnh viện Ung bướu trong khu đô thị được coi là đáng sống bậc nhất Thủ đô.Cư dân Ngoại Giao Đoàn một lần nữa xuống đường phản đối việc xây Bệnh viện Ung bướu trong khu đô thị, sáng 24/12
Khởi công Bệnh viện Ung bướu trước khi có giấy phép?
Ông Lê Việt Đức, cư dân Tòa NO3 T8 khu đô thị Ngoại Giao Đoàn cho biết: “Ngày 14/12 vừa qua, Bệnh viện Ung bướu Việt Nam - Nhật Bản (theo quy hoạch điều chỉnh) đã chính thức được khởi công trở lại trong khuôn viên khu đô thị Ngoại Giao Đoàn sau một thời gian tạm dừng do vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân. Là cư dân sinh sống tại đây hơn 2 năm, chúng tôi rất bức xúc trước vấn đề này".
Theo ông Đức, Bệnh viện Ung bướu Việt Nam - Nhật Bản không có trong quy hoạch trước đó (Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 22/01/2010) của khu đô thị. Phải đến ngày 22/5/2017 khi UBND TP. Hà Nội quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu Ngoại Giao Đoàn, nhiều ô đất mới được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng, trong đó có dự án Bệnh viện Ung bướu Việt Nhật cao 12 tầng.
Bệnh viện này được khởi công trên khu đầu mối kỹ thuật với thiết kế ban đầu là trạm biến thế đảm bảo điện sinh hoạt cho toàn khu.
Khu đất xây bệnh viện Ung bướu Việt - Nhật
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Xuân Trình, cư dân Tòa NO2, khu đô thị Ngoại Giao Đoàn cho biết, ngày 02/3/2017, Bênh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản đã tổ chức buổi lễ động thổ khởi công với sự tham gia của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế. Việc khởi công bệnh viện này đã diễn ra trước ngày quy hoạch điều chỉnh được ban hành hơn 2 tháng (22/5/2017).
Theo giới thiệu được biết, đây là bệnh viện chuyên ngành ung bướu công nghệ cao theo tiêu chuẩn quốc tế Hoa Kỳ và Nhật Bản với tổng mức đầu từ 1.500 tỷ đồng đồng. Bệnh viện có quy mô 100 giường nội trú và quy mô khám, điều trị cho bệnh nhân ngoại trú tương đương 250 giường.
Trước sự phản đối của cư dân trong toàn khu đô thị, việc triển khai thi công đã tạm dừng trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, đến ngày 14/12/2017, bệnh viện này đã được khởi công trở lại khiến cư dân khu đô thị rất bức xúc, ông Trình cho biết.
Cũng theo ông Trình, việc xây dựng bệnh viện ung bướu ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn dân, giữa nhiều Đại sứ quán các nước, ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ Dự án Ngoại Giao Đoàn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu.
Đồng thời, gây nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của khu đô thị.
Một điều đáng chú ý nữa là Bệnh viên Ung bướu Việt Nam - Nhật Bản mới có giấy phép xây dựng ngày 7/12/2017 nhưng đã được động thổ khởi công từ 2/3/2017, tức trước đó hơn 9 tháng, khiến cư dân Ngoại Giao Đoàn hoài nghi về tính công khai, minh bạch của việc xây dựng bệnh viện.
Tấm biển thông tin về Bệnh viện Ung bướu bị gỡ xuống trước ngày cư dân Ngoại Giao Đoàn xuống đường phản đối việc thay đổi quy hoạch, 24/12. Ảnh do cư dân chụp lại
Cũng theo thông tin cư dân cung cấp, việc điều chỉnh quy hoạch được UBND TP. Hà Nội phê duyệt ngày 22/5, tuy nhiên đến tháng 8/2017, qua một số nguồn tin không chính thức người dân mới được biết về quyết định điều chỉnh của UBND TP. Hà Nội.
"Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước việc thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại giao đoàn. Khi lấy ý kiến cư dân về việc điều chỉnh quy hoạch, chính quyền địa phương đã lấy ý kiến của những người dân không thuộc Ngoại Giao Đoàn. Chúng tôi không hề biết và không đồng ý với những điều chỉnh này", bà Phương Dung, cư dân của Tòa N03 T8 chia sẻ.
Nguy cơ "băm nát" khu đô thị
Như TheLEADER đã đưa tin từ trước đó, Khu đô thị Ngoại Giao Đoàn có quy mô 62,8ha, được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 22/01/2010), bao gồm văn phòng đại sứ quán các nước, nhà công vụ và khoảng 23 tòa nhà cao tầng là nơi sinh sống của 9.700 cư dân.
Tuy nhiên, ngày 22/5/2017, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án. Theo đó, tăng mật độ xây dựng và chiều cao một số lô đất dẫn đến tăng dân số và chuyển lô đất có chức năng công cộng thành công trình cao tầng.
Điển hình như lô CC3-4 tăng số tầng từ 5 tầng lên 15 tầng nổi + 3 tầng hầm, mật độ xây dựng tăng từ 20.5% lên 35%; Lô CC5 tăng từ 7 tầng lên 27 tầng + 3 tầng hầm, mật độ xây dựng tăng từ 30 lên 41%, dân số tăng thêm 1505 người; Lô ĐMKT1 chuyển từ đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế) sang đất xây bệnh viện Ung bướu 12 tầng + 2 tầng hầm, mật độ xây dựng 40%.
Theo cư dân khu Ngoại Giao Đoàn, việc điều chỉnh quy hoạch này đã được thực hiện mà không có sự tham vấn ý kiến của các cư dân sinh sống tại dự án.
Trong khi đó, theo số liệu các chuyên gia kiến trúc, xây dựng đang sinh sống trong Dự án Ngoại Giao Đoàn tính toán, quy mô dân số hiện nay đã tăng từ 9.700 cư dân (theo Quyết định số 368/QĐ-UBND) lên hơn 20.000 cư dân (theo Quyết định 2905/QĐ-QHKT), chưa kể 4.400 người của hai dự án tiếp giáp dẫn tới mật độ bình quân đầu người khoảng 34.000 người/km2.
Do đó, việc điều chỉnh quy hoạch tạo ra các hệ lụy hiện hữu về sự gia tăng mật độ xây dựng, mật độ dân cư, tạo áp lực quá tải lên hạ tầng đô thị, thiếu hụt công trình tiện ích xã hội như nhà trẻ, trường học, khu vui chơi giải trí, ảnh hướng đến cộng đồng cư dân.
Về vấn đề này, vừa qua, cư dân Ngoại Giao Đoàn đã có Đơn kêu cứu khẩn cấp lên Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản chuyển đơn của cư dân đến UBND TP. Hà Nội. Văn phòng Chính phủ đề nghị TP. Hà Nội kiểm tra giải quyết và thông báo kết quả cho Văn phòng Chính phủ.
Luật đầu tiên điều chỉnh về quy hoạch được thông qua
Văn phòng Chính phủ yêu cầu giải quyết đơn kêu cứu của cư dân Ngoại Giao Đoàn
Có lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại Giao Đoàn?
Kết nối hạ tầng khu đô thị Ngoại Giao đoàn: Cha chung không ai khóc?
Những con đường đau khổ của cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn
Văn phòng Chính phủ yêu cầu giải quyết đơn kêu cứu của cư dân Ngoại Giao Đoàn
Có lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch khu đô thị Ngoại Giao Đoàn?
Kết nối hạ tầng khu đô thị Ngoại Giao đoàn: Cha chung không ai khóc?
Những con đường đau khổ của cư dân khu đô thị Ngoại Giao Đoàn
http://theleader.vn/rac-roi-moi-tai-khu-do-thi-ngoai-giao-doan-2017122323224004.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét