Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

LÊU LÊU, THÁNH HIỀN!

Thư giãn cuối tuần:
LÊU LÊU, THÁNH HIỀN!
FB Vinhhuy Le - Ngụy tạo trong lịch sử thường khó mà không để lại tỳ vết. Huống chi cái chuyện vợ chồng, con trống đạp con mái là chuyện nhân luân, là hỷ sự trong kiếp người, vậy đó mà bọn hậu sinh nỡ lòng bắt ông thánh xách bửu bối chạy long nhong chòi sông đạp rạch suốt 13 năm liền, không được cà nứng, thiệt thòi cho thánh Vũ biết ngần nào, hỡi ôi!
- Bài đã biên xong, chẳng biết đặt title là gì, tạm gọi “Lêu lêu, thánh hiền” vậy. Chú ý là có dấu phẩy ở giữa, không phải “Lêu lêu thánh hiền”: tôi là gõ chơi, làm vui với con chữ, không có ý gây hấn với thánh hiền, chỉ cốt trình ra cách người ta tạo ra thánh hiền như nào.

Không chuyên về khảo cứu, tôi biết tới đâu trình bày tới đó. Những gì viết đây không phải do tôi phát hiện; trước nay, cũng từng có người chỉ ra rồi, tôi chẳng qua gom lại, diễn đạt theo lối cà chớn của mình mà thôi.

Mong rằng sẽ có dịp gõ tiếp dài dài “Lêu lêu, thần tướng”, “Lêu lêu, vương bá”, “Lêu lêu, mỹ nữ”... He he!
_______

1/. HẠ VŨ 夏禹:

Đại Vũ là một vị thánh, được hưởng “quốc tế” (lễ cúng tế của cả nước). Tương truyền Vũ vì có công trị thủy nên được vua Thuấn truyền ngôi cho. Đây là thời huyền sử (Vũ sống vào khoảng 2200 trCn), nên hậu thế tha hồ thêm thắt.

Trong “Luận ngữ”, Khổng tử chỉ nói là Vũ có công sửa sang ngòi lạch để bớt úng thủy mà thôi (thiên 8). Xuống tới đời Mạnh tử thì lại nâng lên thành Vũ đào chín con sông, vét bốn sông khác cho nước chảy ra biển, luôn tám năm mới xong, ba lần đi qua nhà mình mà không vào (Đằng Văn Công thượng, bài 4). Sau này, qua tới sách “Lã thị Xuân Thu” đời Chiến quốc và “Sử ký” của Tư Mã Thiên (nhà Hán) thì công cuộc trị thủy từ chỗ vét sửa sông rạch của Vũ thành ra đối phó với nạn đại hồng thủy kinh hoàng, và thời gian từ 8 năm dài ra thành 13 năm.

Kể từ thời Nam Bắc triều (420-589), được Nam triều xây dựng lăng miếu đầu tiên để suy tôn ở Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang, thì hành trạng của Vũ được góp gió thành bão, đủ thứ chuyện hư cấu thêm vào: hai bàn tay ông trở nên dày cui u nần vì những cục chai, và nơi chân thì dày đặc những mô sẹo lồi lõm. Buồn cười nhất là suốt 13 năm làm “anh hùng trị thủy”, Vũ được cho là ba lần đi ngang nhà mình mà không thèm ghé vào, ấy vậy mà lại... có con. Người con ấy là Khải 啟, sau này kế vị ông.

Vì chỗ mâu thuẫn đó mà người ta lại phải ngụy tạo nốt cho trọn, rằng Vũ kết hôn mới 4 ngày thì phải đi trị thủy, có lần đi ngang nhà nghe tiếng con trẻ khóc oe oe mà phải cắn răng lầm lũi bước đi. Nếu vậy, lại lòi ra chỗ mâu thuẫn khác: cha Vũ là Cổn 鯀 trước đó được giao nhiệm vụ trị thủy nhưng không hoàn thành, nên bị vua Thuấn giết và lệnh cho Vũ thay cha tiếp tục công việc; té ra ông thánh này đang khi chịu tang cha đã kịp cưới vợ và gieo mầm sống vào bụng nàng ta à?

Ngụy tạo trong lịch sử thường khó mà không để lại tỳ vết. Huống chi cái chuyện vợ chồng, con trống đạp con mái là chuyện nhân luân, là hỷ sự trong kiếp người, vậy đó mà bọn hậu sinh nỡ lòng bắt ông thánh xách bửu bối chạy long nhong chòi sông đạp rạch suốt 13 năm liền, không được cà nứng, thiệt thòi cho thánh Vũ biết ngần nào, hỡi ôi!

2/. KHỔNG TỬ 孔子 (551-479 Tr.Cn):

Ông thánh này không biết có được UNESCO vinh danh danh nhân văn hóa thế giới chưa, nhưng ảnh hưởng của ông thật sâu rộng, không chỉ ở Trung Hoa hoặc trong cõi châu Á.

Tư Mã Thiên sinh sau khi Khổng Khâu mất 400 năm, lại thêm, trước đó nhà Tần đã từng đốt sách chôn nho, nên khi ông viết tiểu sử Khổng (“Sử ký” - Khổng tử thế gia), đa phần chỉ là chép theo những chuyện truyền khẩu. Như chuyện Khổng tử hai lần đến ra mắt Lão tử, đây thật ra là ngụ ngôn, chỉ Tư Mã Thiên viết, chứ trong sách “Luận ngữ” (do học trò Khổng tử ghi chép lại) không thấy nhắc tới. Rồi chuyện có viên quan đại phu nước Lỗ là Mạnh Ly tử trăn trối, dặn con mình nên đến bái Khổng tử làm thầy, vì Khổng là hậu duệ của thánh nhân: năm đó thánh Khổng nhà ta 17 tuổi!


Khổng tử đề cao chữ Lễ, nhưng người đời sau đã đẩy Lễ của Khổng đến mức cực đoan. Như khi làm Á tướng (đứng thứ nhì trong triều thần, chỉ dưới Tướng quốc) nước Lỗ, chỉ vì không được chia phần thịt trong lễ tế trời mà bỏ nước Lỗ. Thánh ơi là thánh, ông không biết miếng thịt là miếng nhục ư? Bỏ Lỗ, Khổng qua Vệ. Khi cùng đi dạo với Vệ Linh công, Linh công ngồi chung xe đàng trước với nàng thiếp yêu tên Nam tử. Vậy là Khổng tự ái, bỏ nước Vệ mà đi sau khi than thở: “Ta chưa thấy ai hiếu đức bằng hiếu sắc!” Lời đó là thừa, thử hỏi, giả dụ đang phóng honda trên đường, nếu có hai người vẫy lại xin quá giang, một là cô siêu người mẫu, còn người kia là đại hòa thượng trụ trì Thiếu Lâm, hỏi vậy chớ ta sẽ hứng chở ai hơn?

Thật ra, những chuyện đó chỉ là do người ta bịa ra để biến Khổng tử thành người khắc khổ, lạt lẽo nhân tình, tôi thích Khổng khi ông tự trào hơn:

Mấy thầy trò thất lạc nhau ngoài kinh đô nước Trịnh. Có người bảo với đám học trò: “Tôi thấy ở cửa phía đông có ông già quái gở, trán giô, cổ cao, vai rộng. Trông ông ta buồn bã chẳng khác con chó nhà có tang” (nguyên văn: Tang gia khuyển 喪家犬). Đám môn đệ vội qua cửa phía đông thì gặp thầy. Tử Cống thuật lời người kia. Khổng tử nghe xong, cười phá lên: “Ví ta với con chó nhà có đám tang à? Giống lắm! Giống lắm!”

Tuy nhiên, có chỗ mắc mứu là ba chữ đó mỗi nhà chép một phách, người thì ghi Tang gia khuyển (喪家犬), kẻ lại chép thành Tang gia cẩu (喪家狗). Cẩu hay khuyển gì thì ngày nay đều dùng như nhau, nghĩa là... chó cả, nhưng ngày xưa lại có phân biệt. Sách “Nhĩ nhã” 爾雅, phần nói về muông thú, giải thích: “Vị thành hào, cẩu” 未成豪狗, tức chưa mọc đủ lông cứng thì gọi là cẩu. Nói nôm na thì chữ “cẩu” tương tự chữ “cún” của ta, dùng để chỉ con chó con; còn “khuyển” là con chó trưởng thành, đã biết lẹo cái. Nói Khổng tử lúc ấy như “Tang gia cẩu” 喪家狗 (con cún nhà có tang) thì đúng hơn: cún con thường ngày được âu yếm yêu chìu, phải khi nhà có tang thì chẳng ai nghĩ đến việc ẵm bồng nó nữa, cái mà cún cần nhất lúc này là bàn tay thân thiết, nhu cầu về tình cảm. Còn như “Tang gia khuyển” 喪家犬 thì lại khác, con chó nhà có tang này thành ra là đang bụng lép chực xương, nhu cầu về ẩm thực!

3/. CHU HY 朱熹 (1130-1200): tự Nguyên Hối, hiệu Hối Am. Đây là ông thánh đã đẩy lý học của Nho giáo lên thành Tống Nho.

Thánh Chu suốt đời mở miệng nói nhân nghĩa, khuyên mọi người nên giữ gìn “thiên lý” (lẽ trời) và tuyệt nhân dục. Con người này cực đoan đến nỗi cho rằng đạo làm người chỉ có hai lối: một là thành quân tử, hai là làm cầm thú.


Vậy đó, nhưng trong “Tống sử”, quyển 37, có chép rằng vào năm Khánh Nguyên thứ 2 đời Tống Ninh tôn (1196), Giám sát Ngự sử là Thẩm Kế Tổ đã hặc 10 đại tội của Chu Hy, như: bất kính với vua, bất trung với nước, lấn áp quần thần, bại hoại lễ giáo... Đặc biệt còn hài ra rằng Chu đã rù quến hai ni cô đem về làm hầu thiếp; con dâu của Chu tuy chết chồng nhưng lại có chửa, nhờ công của... ông già chồng; loạn luân đốn mạt không gì không dám làm. Sau rốt, Thẩm đề nghị chém đầu Chu cho tuyệt nọc loài ngụy quân tử. Trước những lời đanh thép của Thẩm ngự sử, Chu Hy không đường chối cãi, phải dâng biểu tạ tội (trước đó, Thẩm Kế Tổ cũng đã từng tranh luận vạch mặt Trình Di, thầy Chu Hy).

Và mấy trăm năm sau, khi các triều Minh Thanh lợi dụng Tống Nho, đã đề cao Chu Hy, đưa ông vào Văn miếu để phụng thờ, thì đoạn chép trong “Tống sử” kia bị lờ đi, chẳng ai nhắc tới.

Ờ, thờ Chu Hy thì cứ thờ vậy, nhưng xin nhớ cho: Đừng nghe những gì thánh hiền nói, mà hãy nhìn kỹ những gì thánh hiền làm, lêu lêu!

https://www.facebook.com/vinhhuy.le/posts/1456504131113386

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét