Thái Nguyên bất ngờ xin dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu
04/12/2017 - UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất với Bộ GTVT di dời trạm thu phí BOT Bờ Đậu trên QL3 cũ, cho phép nhà đầu tư mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đặt trạm thu phí ở đó. Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc ký nêu rõ lý do dự án cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới dù đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng nhà đầu tư chưa thể thực hiện việc thu phí.
Trạm thu phí BOT Thái Nguyên - Chợ Mới
Người dân TP Thái Nguyên và các huyện Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ, Sông Công, Phổ Yên cũng như từ các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn... phản đối việc đầu tư trên đường cũ để thu phí, kể cả có giảm phí cho một số đối tượng, do họ đã đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm.Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, nguy cơ phá sản của nhà đầu tư. Đặc biệt, người dân đề nghị tỉnh Thái Nguyên có kiến nghị với Bộ GTVT điều chỉnh hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư, dỡ bỏ trạm thu phí BOT Bờ Đậu (Km77+922,5 QL3 cũ).
Để giải quyết những vướng mắc trên, UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất Bộ GTVT xem xét dỡ bỏ trạm thu phí tại Km77+922,5 QL 3 cũ; cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đặt trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Thái Nguyên - Chợ Mới.
Hoặc có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngân sách trung ương cho nhà đầu tư phần doanh thu bị giảm do xóa bỏ trạm thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, kéo dài thời gian thu giá, tạo điều kiện hoàn vốn, tránh nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư và tránh bức xúc trong nhân dân.
Đây cũng là 1 trong 2 phương án Sở GTVT Thái Nguyên từng trình lên UBND tỉnh xem xét vào tháng 5 vừa qua.
Nguy cơ đóng đường, dừng khai thác
Ngày 27/11, đại diện liên danh chủ đầu tư Cienco4 - Tuấn Lộc - Trường Lộc lần thứ 2 có văn bản gửi Thủ tướng cho phép thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 theo hình thức hợp đồng BOT.
Văn bản nói rõ, từ ngày dự án thông xe đến nay đã là 9 tháng, ngày nghiệm thu là 7 tháng nhưng việc thu giá dịch vụ vẫn chỉ là báo cáo và chưa thực hiện được. Nhà đầu tư vẫn chưa có doanh thu để hoàn vốn, trả lãi ngân hàng và quản lý bảo trì tuyến đường chứ chưa nói đến lợi nhuận. Nhà đầu tư nhận thấy nguy cơ vỡ nợ cho doanh nghiệp tại dự án BOT.
Nhà đầu tư chưa thể thực hiện được việc thu phí
Liên danh nhà đầu tư cũng đề xuất Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo Bộ GTVT và tỉnh Thái Nguyên để DN dự án và nhà đầu tư được thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho dự án.
Liên danh cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT, đồng thời gửi báo cáo Thủ tướng và các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn về việc thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng BOT; đồng thời cho phép có thể phải đóng đường, tạm thời ngừng vận hành khai thác dự án trong khi chờ được tổ chức thu giá dịch vụ hoàn vốn do không đủ kinh phí để chi trả cho đơn vị quản lý và bảo trì tuyến đường.
Nhà đầu tư cũng nói rõ: Không đảm bảo và có thể xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông cho các phương tiện đang hoạt động trên tuyến.
Đường cao tốc BOT Thái Nguyên - Chợ Mới dài 65km, có tổng mức đầu tư 2.713 tỷ đồng, thông xe kỹ thuật vào tháng 3/2017 sau 2 năm thi công.
Bộ GTVT và UBND tỉnh Bắc Kạn đã đồng ý để chủ đầu tư thu phí hoàn vốn dự án, tuy nhiên UBND tỉnh Thái Nguyên chưa thống nhất.
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/thai-nguyen-bat-ngo-xin-do-bo-tram-bot-bo-dau-414601.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét