Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Cô Lan Đồng Tâm: Khi lương tâm đứng trên nghị quyết

Câu này hay: "Trong những giờ phút quyết định, cô đã đi theo niềm tin cá nhân mình, đặt lương tâm lên trên nghị quyết. Cô Lan có thể đã tự sát chính trị, song là để một lương tri được sống". Đọc thấy nghẹn ngào, xúc động. Khâm phục một người phụ nữ, một người mẹ Việt Nam như thế: Sẵn sàng hy sinh tại trận để bảo vệ dân khi đối diện với cường quyền. Hôm qua khi bình luận bài "Thủ tướng: Tạo cơ chế thuận lợi nhất cho Viện Tóan", tôi có viết miếng ăn là miếng nhục; đời mình ghét nhất đi xin; xin là nhục. Như một số bạn đọc đã bình luận, thương thay cho tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên. Chỉ vì miếng ăn mà không ai dám phản đối Nghị quyết Trung ương 4 vì Nghị quyết này đã đặt án tử lên sinh mệnh chính trị của bất kỳ đảng viên nào dám phản đối quy định “sở hữu toàn dân về đất đai”, cũng không ai dám phản đối Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên, quy định đảng viên sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ nếu đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng"; bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ai cũng biết năm 2017 top 10 gồm các nước văn minh, giàu có nhất trên thế giới (Đan Mạch, Phần Lan, Ai xơ len, Na Uy, Thụy Sĩ, Ca na đa, Hà Lan, Thụy Điển, Úc, Niu di lơn), tất cả đều có thể chế tam quyền phân lập và xã hội dân sự, đều là các quốc gia có đa đảng và đa nguyên về chính trị. Trải qua nghìn năm phát triển, họ mới lựa chọn được cho mình một thể chế, một mô hình tổ chức xã hội văn minh như thế. Tại sao đấy không phải là bài học của chúng ta để đưa đất nước phát triển mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Tại sao những đòi hỏi chính đáng vì hạnh phúc của nhân dân lại bị cấm đoán? Với những quy định này thì số đảng viên phấn đấu cho lý tưởng tốt đẹp, đứng về phía nhân dân và xa đảng sẽ ngày một nhiều !
Khi lương tâm đứng trên nghị quyết
Nguyễn Anh Tuấn - “Nếu tôi chết chỉ xin bà con một nén nhang”. Đây là lời của cô Lan, bí thư xã Đồng Tâm vừa mới bị khai trừ và mất chức, nói trước hàng trăm dân làng ngay tại nhà văn hóa thôn Hoành trong những ngày sôi bỏng. Không rõ 38 cán bộ, công an bị giữ ngay lúc đó nghĩ gì về hai tiếng “lòng dân” giữa tràng pháo tay vang dội của dân làng, chỉ biết sẽ còn rất lâu nữa dân Đồng Tâm mới quên được hình ảnh người cán bộ sẵn sàng sống vì họ, và chẳng ngại chết vì họ.
Ảnh: Cô Lan đọc cam kết 3 điểm của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ít ai biết cô Lan đóng vai trò quan trọng trong việc yêu cầu ông Chung chấp nhận điều khoản không khởi tố dân làng. Không có sự kiên quyết của cô Lan chưa biết khủng hoảng này sẽ kéo dài tới đâu. Mọi phương án đều đã cô Lan và dân làng chuẩn bị, ngay cả trường hợp tệ nhất là một trận càn, và đó là lý do cô Lan xin dân làng một nén nhang.

Tôi biết chuyện cô Lan bị khai trừ vài ngày trước khi báo chí đưa tin. Bà con Đồng Tâm, trong nỗ lực vô vọng muốn giúp người cán bộ vì dân, đã gửi toàn văn kết luận kiểm tra đảng của cô Lan cho những người quan tâm đến Đồng Tâm, mong có thêm tiếng nói hỗ trợ cô ấy. Đúng là tôi có thể trả lời bà con với niềm tin cá nhân của mình rằng, “rời khỏi đảng, về với dân” thực ra là một điều tốt cho cô Lan, song tôi cũng hiểu vì sao bà con Đồng Tâm vẫn nghĩ bị khai trừ là một điều tệ hại đối với cô ấy. Quán tính suy nghĩ cần thời gian để thay đổi, và chẳng ai có quyền bắt người khác phải nghĩ theo lối của mình.

Tuy nhiên, sau khi đọc toàn bộ kết luận kiểm tra, tôi tin rằng mọi cố gắng giúp lật ngược quyết định khai trừ cô ấy đều vô nghĩa. Lý do là vì các cấp lãnh đạo đảng đã áp cho cô Lan “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “suy thoái chính trị” theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 – những tội lỗi bất khả dung thứ trong nhãn quan của lãnh đạo đảng hiện nay.

Một trong những lý do được đưa ra cho kết luận này là việc cô Lan nhất mực trả lời các cấp lãnh đạo rằng, cô vẫn tin đất đồng Sênh là của làng, dù các cấp chính quyền từ Trung ương đến huyện, trong thẩm quyền của họ, đã tung hàng loạt văn bản khẳng định đó là đất quốc phòng. Phía sau sự bất đồng này là những niềm tin khác biệt, giữa một bên – đa số người dân – cho rằng cá nhân (dân) và cộng đồng (làng) có thể sở hữu đất, với bên kia là lãnh đạo đảng cộng sản, dưới định hướng của ý thức hệ và quyền lợi, luôn tin rằng đất đai chỉ có duy nhất một chủ nhân ông là nhà nước, dưới dãn hiệu mỹ miều “sở hữu toàn dân”.

Sự giằng co về niềm tin này dai dẳng trong lòng xã hội chúng ta hàng chục năm qua, không chỉ trong người dân mà cả cán bộ, tạo ra vô vàn bất ổn. Có lẽ chỉ một số cán bộ cấp cao mới phủ nhận sự bất hợp lý của quy định hiện hành về sở hữu đất đai ở Việt Nam, đơn giản bởi sự bất hợp lý này đang giúp họ trở thành những người cộng sản triệu phú đô-la.

Những người cán bộ cấp thấp khác, dẫu nhận ra sự bất hợp lý này, cũng khó mà lên tiếng một khi Nghị quyết Trung ương 4 đã đặt án tử lên sinh mệnh chính trị của bất kỳ đảng viên nào dám phản đối quy định “sở hữu toàn dân về đất đai”. Cô Lan là một ngoại lệ. Trong những giờ phút quyết định, cô đã đi theo niềm tin cá nhân mình, đặt lương tâm lên trên nghị quyết.

Cô Lan có thể đã tự sát chính trị, song là để một lương tri được sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét