Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

(1) Cách mạng Rumani xử tử nhà độc tài Ceausescu

Cách mạng Rumani, 1989 và vụ xử tử vợ chồng nhà độc tài N. Ceausescu
Victor Sybestyen - Dưới quyền Ceausescu, Rumani là một đất nước công an trị ngộp thở với nhiều nghịch lí và người dân phải trả giá đắt. Vào thập niên 1980, trong khi các nước cộng sản Đông Âu liên tục vay tiền từ phương Tây để nhập hàng tiêu dùng thì ngược lại, hàng hóa sản xuất tại Rumani được dành để xuất khẩu, người dân phải thắt lưng buộc bụng, làm việc cả ngày nghỉ để nhà nước có điều kiện trả nợ phương Tây, lấy điểm cho lãnh tụ. Nhà nhà chỉ được dùng bóng đèn 40 watt để dành điện xuất khẩu qua Ý, Đức. Thịt, đường, bột mì, bơ, trứng… luôn khan hiếm, nông thôn phải dùng ngựa kéo vì thiếu xăng, mùa màng gặt bằng liềm hái cầm tay. Để tăng dân số, thiếu nữ 15 tuổi được cho lấy chồng, phụ nữ bị cấm phá thai nếu có dưới 4 con và dưới 45 tuổi, mỗi tháng họ phải khám sức khỏe sinh sản một lần trước sự chứng giám của một cán bộ Đảng.
graf Ceauşescu


Ceausescu được sánh ngang Stalin và Kim Nhật Thành ở độ vĩ cuồng và tệ sùng bái cá nhân. Ông duy ý chí, "hệ thống hóa" nông thôn, khiến hàng chục ngàn làng xã bị san bằng, nông dân mất đất và mất gốc. Ông thích to, cho phá cả một thành phố cổ rộng bằng Venice - hủy 40.000 tòa nhà, hàng chục nhà thờ và đài tưởng niệm - để lấy đất xây một cung điện lớn gấp ba cung điện Versailles nhưng cực xấu, có tên Nhà Nhân dân, cạnh Đại lộ Chủ nghĩa xã hội chiến thắng dài 5 km, và một quảng trường chứa được 500.000 người. Ông được tôn lên hàng thần thánh với những danh xưng đến Stalin cũng phải chào thua: Người cầm lái thông thái, Con của mặt trời, Dòng Danube tư tưởng, Thiên tài của dãy núi Carpathians…



Dưới nóng, trên lạnh
Rumani không thể miễn nhiễm mãi được. Ceaucescu đã làm hết sức để cô lập đất nước với các nước cộng sản đang sụp đổ xung quanh. Nhưng dù vậy, người dân Rumani vẫn biết rằng Bức tường Bá Linh đã đổ và các nước láng giềng đã lật đổ chế độ cộng sản nhanh đến chóng mặt chỉ trong vài tháng cách mạng. Một cách kín đáo, người Rumani có thể nghe đài BBC, Đài châu Âu tự do, và đã được nghe người Tiệp, người Đông Đức, người Bulgaria nói về cái hay của dân chủ và gọi những lãnh tụ cũ của họ là bọn côn đồ thối nát.
Tuy vậy, Ceausescu vẫn có vẻ bình chân như vại như không có gì đáng bận tâm. Mới cuối tháng 11, ông còn được bầu với số phiếu tuyệt đối để lãnh đạo Đảng Cộng sản Rumani thêm một nhiệm kì nữa như đã từng được bầu nhiều lần trước đó. Lễ nhậm chức cũng diễn ra như thường lệ, với những nghi thức thường lệ. Ông vẫn lề mề đọc bài diễn văn lê thê ba tiếng đồng hồ, được điểm xuyết bằng 34 lần khán giả "tự phát" đồng loạt đứng dậy vỗ tay ầm ĩ suốt mấy phút. Tiếng tung hô vang dội nhất là khi ông tuyên bố: "Tương lai của chủ nghĩa xã hội còn dài. Nó chỉ chết khi nào quả lê rụng từ cành táo!".
Ceausescu vẫn nắm trong tay tất cả mọi lực lượng trấn áp đã giúp ông giữ vững quyền lực trong suốt một phần tư thế kỉ. Ông vẫn có vẻ là kẻ bất khả xâm phạm. Không giống các đồng nghiệp đã đổ ở Bá Linh, ở Praha, ở Sofia, ông có ý chí và lực lượng để chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù, duy trì vị trí. Nhưng khi hồi kết đã điểm thì ngay cả một chế độ độc tài mạnh bạo nhất, đáng sợ nhất cũng sụp đổ chỉ trong năm ngày.

Cách mạng bắt đầu từ thành phố buồn
Ít có cuộc cách mạng nào lại bắt đầu ở một nơi ảm đạm hơn thế. Thành phố Timisoara vùng Transylvania chỉ có một phố cổ nhỏ ở trung tâm, xưa thì đẹp, giờ thì điêu tàn, và vài kiến trúc baroque còn lại từ trước năm 1919, khi thành phố còn thuộc Hungary với tên Temesvar. Lúc này, phần lớn thành phố chỉ gồm những khu tập thể tồi tàn, càng lúc càng xuống cấp, dành cho khoảng 250.000 dân.
Cũng như tất cả các đô thị khác tại Rumani, Timisoara nghèo nàn thảm hại, lại ô nhiễm trầm trọng vì những nhà máy hóa chất, những công trình công nghiệp kế cận và hoạt động canh nông luôn thải các loại phân bón độc hại vào nguồn nước. Một con kênh, có lẽ trước đó rất duyên dáng chảy xuyên qua thành phố, nay chỉ còn là một dòng nước bẩn thỉu, hôi hám, trẻ con bị cấm lại gần.
Khoảng một phần ba cư dân thành phố là người gốc Hungary. Mặc dù có những xung đột truyền thống và mặc dù Ceausescu tìm cách kiềm chế văn hóa và di sản của sắc dân Hungary, họ vẫn hòa hợp và đồng cam cộng khổ với người Rumani địa phương.

Tu sĩ "bất trị"
Một vị mục sư ít nói nhưng mẫu mực đã châm ngọn lửa mồi. Laszlo Tokes, 37 tuổi, tóc đen, cao, khiêm tốn, trầm tĩnh, nhưng ẩn phía sau là một ý chí bằng thép. Từ tháng 1-1987, ông là giáo sĩ điều hành Giáo hội Cải cách Hungary, chi nhánh Timisoara. Một thời gian dài, ông bị xem là phần tử gây rối trong mắt cả chế độ lẫn hàng giáo phẩm Giáo hội Cải cách, trong khi hàng giáo phẩm, cũng như tất cả các tổ chức tôn giáo khác tại Rumani lại thỏa hiệp với chính quyền trong mấy thập niên qua. Mục sư Tokes mới bị sa thải khỏi giáo xứ Dej trước khi về Timisoara vì giới cầm quyền, cả đạo lẫn đời, đều cho rằng ông đã công khai ủng hộ quá mức những yêu sách văn hóa của sắc dân Hungary như cho trẻ em được học bằng tiếng mẹ đẻ. Ông được đổi về Timisoara để thử việc tạm thời, với răn đe là không được dính líu đến chính trị.
Giáo xứ lúc này đang khó khăn. Số giáo dân giảm xuống chỉ còn một nhóm nhỏ. Tokes cho rằng đó là do lỗi của mục sư tiền nhiệm, Leo Leuker, người mà ông gọi là "mục sư đỏ" vì đồng lõa với chế độ. Chẳng bao lâu sau, ông tạo được uy tín như một người giảng thuyết giỏi, có sức hút và nhà thờ lại tấp nập giáo dân cũ lẫn mới đến nghe ông giảng. Ông thường xung khắc với các giám mục bề trên. Thật lạ lùng, có lần ông bị cho là phạm lỗi chỉ vì dám trích dẫn đoạn sau đây trong Sách Daniel (Cựu Ước): "Lệnh cho các ngươi, hỡi mọi người thuộc mọi dân tộc, giống nòi và ngôn ngữ: Khi nghe tiếng tù và, tiếng sáo, tiếng đàn dây, đàn sắt, đàn cầm, tiếng kèn và đủ thứ nhạc cụ, các ngươi phải sấp mình thờ lạy pho tượng vàng vua Na-bu-cô-đô-nô-xo đã dựng. Kẻ nào không sấp mình thờ lạy thì tức khắc sẽ bị ném vào đống lửa đang cháy phừng phực". Bề trên cho rằng cộng đoàn giáo dân đã xem câu này như lời đả kích Ceausescu. Vì vậy, họ cảnh cáo ông.
Ông gặp rắc rối còn lớn hơn vào tháng 9-1988, khi công khai ủng hộ lá thư của một giáo dân viết gửi giám mục cai quản giáo hạt Arad, Laszlo Papp, một trong những vị cao nhất trong hàng giáo phẩm Giáo hội Cải cách. Lá thư chỉ trích chủ trương hệ thống hóa nông thôn của chế độ, được cho là nếu thực hiện sẽ hủy diệt hàng trăm cộng đồng làng xã tại Transylvania.
Mục sư Tokes bị bắt, bị mật vụ Securitate tra tấn và nhắc nhở không được làm chính trị. Hành vi kế tiếp mà bề trên xem như giọt nước làm tràn li là khi mục sư Tokes đề nghị tổ chức một thánh lễ chung, cho thanh niên cả hai giáo hội Cải cách và giáo hội Công giáo.

Mật vụ hành hung, công an đứng ngó
Tháng 3-1989, Giám mục Papp bắt đầu các thủ tục pháp lí để sa thải mục sư và đuổi ông khỏi nhà. Nhưng ông đã tự bào chữa tại tòa, vụ này kéo dài và nhận được sự chú ý của một số báo chí tôn giáo, của Thế giới vụ - Đài BBC và của Đài phát thanh châu Âu tự do.
Một đêm cuối tháng 11, chỉ vài ngày trước khi bản kháng cáo của ông được tòa xem xét, bốn gã bịt mặt, tay cầm gậy và dao đột nhập vào nhà ông. Mục sư Tokes bị đánh đập, trong khi con trai ông, Mate, có mặt tại chỗ. Người vợ đang mang thai của ông chạy ra kêu cứu các công an mặc sắc phục đứng trước nhà, vốn đã canh nhà ông mấy tháng trước đó. Nhưng công an đã bất động. Bên trong thì bọn côn đồ, rõ ràng là nhân viên mật vụ Securitate, cứ ung dung đánh.
Kháng cáo của ông bị bác bỏ vào ngày 7-12 và trong bài giảng cuối cùng vào chủ nhật 10-12, ông xin cộng đoàn đến làm nhân chứng cho vụ trục xuất ông khỏi nhà sẽ diễn ra vào ngày thứ sáu 15-12 sắp tới.

Giáo dân đã đến
Nhà thờ và nhà xứ bên cạnh là cụm nhà màu xám, không có gì đặc sắc, được xây cuối thế kỉ 19 gần trung tâm thị trấn. Nhà thờ nằm giữa một quảng trường nhỏ nhưng dễ dàng nhìn thấy từ con lộ chính và cách trạm xe điện gần đó vài mét.
Thoạt đầu chỉ có chừng 35 giáo dân trong giáo xứ của mục sư Tokes đến tụ tập bên ngoài trong khi gia đình ông vẫn ở trong nhà thờ. Và rồi một điều chưa từng có đã xảy ra. Khi quần chúng trong thị trấn truyền tai nhau tin tức về cuộc biểu tình thì càng lúc càng có nhiều người kéo tới hiện trường. Mục sư Tokes kể: "Ban đầu chỉ là anh chị em trong giáo xứ, nhưng rồi càng lúc càng có đông người từ khắp Timisoara tụ lại. Họ có thể là bất cứ ai, người gốc Hungary, gốc Rumani, người theo đạo Chính thống, Tin lành hay bất cứ tôn giáo nào. Người từ mọi cộng đoàn tụ lại. Họ quên cả lí do phản đối ban đầu và nói chung, họ chuyển qua chống chế độ".
Người mỗi lúc một đông, các bí thư đảng ủy địa phương cũng chẳng biết phản ứng ra sao. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Petre Mot, liên lạc xin chỉ thị từ thủ đô Bucharest. Ông được yêu cầu kéo dài thời gian và tiếp tục thương lượng với dự kiến là đám đông rồi sẽ tự tan hàng. Nhưng đám đông đã không giải tán.

Đả đảo Ceausescu! Dân là chủ!
Thời tiết lúc đó dễ chịu khác thường so với thời tiết bình thường giữa tháng 12, nhiệt độ vẫn trên số 0. Nhiều người Rumani nói chính thời tiết ấm áp đã làm nên cách mạng. Họ không hẳn nói đùa. Thật vậy, nếu trời lạnh hơn nhiều thì nhóm người vây quanh nhà thờ của mục sư Tokes chắc đã không tăng nhanh chỉ qua một đêm đến mức đó.
Gần như cả ngày thứ bảy là một cuộc đối đầu không dễ dàng chút nào. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trở lại, cố giải tán đám biểu tình. Ông hứa trả lại nhiệm sở cho vị chủ chăn nhưng vì ông không chịu viết lời hứa trên giấy trắng mực đen nên đám đông đã la ó, huýt sáo phản đối. Họ không còn đòi hỏi cơm áo hoặc bánh mì, hoặc chỉ ủng hộ mục sư Laszlo Tokes nữa. Họ bắt đầu hô to, lặp đi lặp lại những khẩu hiệu "Đả đảo Ceausescu!", "Đả đảo độc tài!", "Dân là chủ!", "Tự do ngay lập tức!".
Giữa chiều, công an và mật vụ Securitate đứng thành một hàng dài trên đại lộ, có thể dễ dàng thấy được từ quảng trường trước nhà thờ. Nhưng khoảng sau một giờ họ đã rời vị trí. Lajos Varga, một trong những người biểu tình kể lại rằng: "Đó là lần đầu tiên chúng tôi thấy mình có quyền lực. Chúng tôi đã đuổi được mật vụ Securitate đi chỗ khác. Chúng tôi như được sống trong giấc mơ táo bạo, như được sống trong cõi thần tiên chưa từng biết".

Chủ nhật 17-12: Chiếm trụ sở đảng
Ceausescu đã đích thân cho phép cuộc biểu tình tiếp tục vì nghĩ nó sẽ tự tan rã. Nhưng bây giờ thì lệnh cho phép bị đảo ngược. Sáng hôm sau, chủ nhật, công an và mật vụ Securitate bắt đầu bắt người, khởi từ vòng ngoài đám đông.
Đám đông trở nên hỗn loạn và nóng giận. Có ít nhất 2.500 người tham gia biểu tình, trong một quốc gia mà biểu tình tự phát là điều gần như xưa nay chưa từng có. Hầu hết bắt đầu rời nhà thờ. Họ diễu hành về trung tâm thành phố, dọc theo đại lộ, dẫn về nhà hát lớn và trụ sở Đảng Cộng sản, đầu não quyền lực tại địa phương của nhà độc tài.
Đón họ là một hàng binh lính, công an chống bạo động và một xe cứu hỏa. Họ phun vòi rồng vào đám đông nhưng những người biều tình vẫn ùa vào tòa nhà làm lực lượng an ninh phải rút lui. Họ đập phá tầng trệt tòa nhà, ném bất cứ thứ gì của đảng mà họ tìm thấy vào lửa.
Trong vài giờ sau đó, người biểu tình kiểm soát trung tâm Timisoara nhưng họ không có kế hoạch hành động nào. Họ xộc vào hiệu sách, đốt cháy các tác phẩm của Ceausescu. Họ ném bom xăng vào những chiếc xe có vẻ là xe công vụ. Họ châm lửa đốt văn phòng Ủy ban nhân dân và tiêu hủy hàng ngàn hồ sơ, giấy tờ.
Sau khi người biểu tình rời nhà thờ của Giáo hội Cải cách, mật vụ Securitate đã bắt giữ vị mục sư, vợ ông, Edit Tokes đang mang thai 7 tháng và đứa con trai. Mục sư bị đánh bầm dập quanh người và trên mặt. Môi rách, mắt bầm, mục sư bị đưa tới gặp Ion Cumpanasu, người đứng đầu Sở Tôn giáo địa phương và bị dọa rằng vợ ông sẽ no đòn trừ khi ông kí vào tờ giấy trắng, xem như đơn chấp nhận bị sa thải và trục xuất. Sau đó, gia đình ông được chở trên các xe riêng tới làng Minev, một làng hẻo lánh trong hạt Salaj, nơi tạm trú mới được chỉ định cho họ.

"Bắn đi chứ!"
Khi vợ chồng Ceausescu nghe rằng đám đông bạo động đã kiểm soát trung tâm Timisoara, họ nhảy dựng lên. Cuối giờ chiều chủ nhật 17-12, Chủ tịch Ceausescu triệu tập ngay người đứng đầu các lực lượng an ninh, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Tudor Postelnicu, lãnh đạo cơ quan mật vụ Securitate Julian Vlad và người đứng đầu quân đội kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, tướng Vasile Milea. Vào thời điểm đó, khi lãnh đạo các nước cộng sản Đông Âu khác đang thương lượng với phe đối lập để rút lui an toàn thì buổi họp bất thường được ghi băng lại dưới đây cho thấy Ceausescu vẫn quyết tâm nã súng vào phe chống đối. Ông và vợ không hề muốn nhượng bộ.
CEAUSESCU: Tôi cho rằng các nhóm từ nước ngoài đã nhúng tay tổ chức vụ này. Từ Đông sang Tây ai cũng nói Rumani phải thay đổi. Biết điều này nên một số phần tử đã lợi dụng gây rối. Công an, quân đội đã xử lí quá kém! Tôi có nói chuyện với các đồng chí ở Timisoara và bảo họ phải triển khai lực lượng với xe tăng ngay trung tâm thành phố. Nhưng tôi có ấn tượng là các đơn vị của Bộ Nội vụ, của công an và của mật vụ lại không có vũ khí!
POSTELNICU: Ngoại trừ bộ đội biên phòng, những đơn vị khác đều không mang vũ khí.
CEAUSESCU: Tại sao lại thế? Tôi đã bảo tất cả phải có vũ khí cơ mà! Tại sao lại phái họ đi mà không cho súng đạn, ai ra cái lệnh này? Tôi cứ nghĩ mật vụ đi đâu thì phải mang theo vũ khí chứ. Các anh sai họ đi đánh người bằng nắm tay à? Lực lượng an ninh kiểu gì thế? Dân quân cũng phải được vũ trang. Đó là luật!
POSTELNICU: Thưa đồng chí Tổng bí thư, dân quân thì được vũ trang ạ.
CEAUSESCU: Nhưng nếu có súng thì phải bắn đi chứ! Sao lại để dân chúng tấn công ngược lại? Sao các anh để cho tình trạng đó xảy ra? Sĩ quan của anh ở đó đã làm gì, hả Milear? Sao chúng nó không can thiệp? Sao chúng nó không bắn?
MILEA: Tôi không cho họ đạn ạ!
CEAUSESCU: Sao lại không cho đạn? Nếu không cho đạn thì cho chúng nó về nhà khuất mắt cho rồi! Bộ trưởng Quốc phòng gì lạ thế? Còn anh nữa, Bộ trưởng Nội vụ gì lạ thế, Postelnicu?
ELENA (vợ Ceausescu) : Tình hình rất nghiêm trọng… Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ đã không xử lí đúng cách.
CEAUSESCU: Chỉ có vài đứa côn đồ muốn phá hoại chủ nghĩa xã hội và các anh lại tạo điều kiện cho chúng. Fidel Castro quả là đúng! Không thể khóa miệng kẻ thù bằng thuyết giảng như thầy tu mà phải thiêu sống chúng mới được!
ELENA: Bọn này chết nhát!
CEAUSESCU: Còn hơn cả chết nhát! Với tư cách là tư lệnh tối cao, tôi coi như các anh ở đây đã phạm tội phản bội, chống lại quyền lợi tổ quốc, chống lại quyền lợi nhân dân, chống lại quyền lợi chủ nghĩa xã hội. Ngay bây giờ… chúng tôi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ và lãnh đạo mật vụ Securitate. Ngay bây giờ tôi sẽ trực tiếp chỉ huy quân đội. Hãy chuẩn bị quyết định để thi hành ngay đêm nay. Phải giết cho được bọn côn đồ chứ không chỉ đánh! Còn các anh, có biết tôi sẽ làm gì với các anh không? Đưa các anh ra bắn! Rõ ràng là không thể giữ trật tự bằng gậy gộc. Tôi sẽ ra lệnh ngay bây giờ là tất cả phải có súng, có đạn!
ELENA: Phải bắn gục chúng rồi đưa chúng vào hầm giam của mật vụ. Không đứa nào được thấy ánh sáng lần nữa. Phải áp dụng biện pháp mạnh. Không thể nào nhân nhượng!
CEAUSESCU: Ta sẽ chiến đấu đến cùng!
VLAD: Chúng tôi cứ nghĩ đó chỉ là chuyện cục bộ, có giới hạn, có thể giải quyết mà không cần súng đạn.
CEAUSESCU: Tôi không cho là nên bắn đạn giả. Đứa nào đã bước vào trụ sở đảng thì không được phép sống sót bước ra!
Các quan chức có mặt đều khúm núm, nhận mình sai và hứa sẽ hành động quyết liệt hơn trong những ngày tới. Postelnicu nói: "Tôi bảo đảm với ông… tình trạng tương tự sẽ không bao giờ lặp lại nữa". Milea hứa: "Xin hãy tin tưởng chúng tôi. Quả là tôi đã không đánh giá được đúng mức nguy hiểm ngay từ đầu". Vlad thì trấn an lãnh tụ rằng từ nay trở đi "sẽ cố gắng hết sức để xứng đáng với niềm tin ông dành cho".
Một cách miễn cưỡng, Ceausescu tái bổ nhiệm ba ông vào vị trí cũ nhưng vẫn tiếp tục đay nghiến: "Rất tốt… như vậy là chúng ta sẽ thử thêm lần nữa. Đúng không các đồng chí?".

Súng nổ và tin đồn
Đêm hôm đó, các đơn vị quân đội với đạn thật đã giành lại quyền kiểm soát đường phố Timisoara, họ bắn vào thường dân không thương tiếc. Mật vụ Securitate bắt hơn 700 người.
Sáng hôm sau, Ceausescu lên đường đi thăm Iran như đã dự định từ trước. Iran là một trong vài nước ít ỏi vẫn còn tiếp đón ông như một vị khách. Nhưng ông chỉ lên đường sau khi nghe báo cáo từ tư lệnh quân đội và mật vụ là Timisoara đã yên tĩnh trở lại. Như thường lệ, ông để vợ nắm quyền Rumani khi mình đi vắng.
Khoảng 60 thường dân đã chết đêm đó tại Timisoara. Đó là cuộc biểu tình chống cộng sản đẫm máu nhất từng thấy tại Rumani. Nhưng tin đồn thì lại lan ra nhanh chóng rằng một cuộc thảm sát khủng khiếp đã diễn ra. Đài Phát thanh châu Âu tự do, dù chỉ nghe lén lút nhưng được thính giả cả nước tin cậy, đưa ra số người chết khoảng từ 4.000 đến 20.000. Dĩ nhiên truyền thông nhà nước không đề cập gì Timisoara nên người dân Rumani lại càng tin vào điều họ nghe qua đài phát thanh nước ngoài và tin đồn.
Thầy giáo Alex Serban kể lại: "Chúng tôi đều tin rằng một cuộc thảm sát khủng khiếp đã xảy ra tại vùng Transylvania. Nó làm chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng, một cảm giác mà từ trước đến giờ chúng tôi chưa hề có. Nó làm chúng tôi thấy mình không được tiếp tục thờ ơ, thụ động. Nhưng phải nói là chúng tôi vẫn cần một cú hích nữa, trước khi có thể làm được điều gì đó".

(Phan Trinh dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét