Trận chiến “sống còn” của chế độ
Tình trạng tham nhũng tràn lan đang là vấn đề nhức nhối gây bức xúc dư luận. Hàng loạt những đại án như Vinalines (Dương Chí Dũng), Ocean Bank (Hà Văn Thắm), Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (Phạm Công Danh), PVC (Trịnh Xuân Thanh), … dù đã được đưa ra xét xử, nhưng vẫn mãi kéo dài, và trên thực tế chưa ai phải chịu trách nhiệm cụ thể.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu
về “trận đánh” cuối cùng của chế độ
Gần đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động chiến dịch “đốt lò” “củi tươi củi khô” gì cũng ném hết vào. Tuy nhiên, cuộc chiến này không hề đơn giản, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn và cần phải thực hiện triệt để. Hôm 7/11, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã có bài phát biểu gây chấn động trên nghị trường, cảnh báo nguy cơ tồn vong của đảng trong trận chiến “cuối cùng”.
Cuộc chiến “trường kỳ”
Cuối thế kỷ 19, Bá tước John Acton – nhà văn, sử học và chính trị gia người Anh – đã từng nhận định: “Quyền lực thường có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối”. Thực vậy, ở mỗi quốc gia, trong bất cứ thời kỳ nào, tham nhũng luôn tồn tại, mức độ thay đổi tùy theo nhiều yếu tố như những nguyên nhân lịch sử, địa lý, văn hóa và thể chế chính trị, … Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Dương Trung Quốc thì về lý thuyết, chống tham nhũng ở Việt Nam là dễ nhất thế giới vì “Nếu muốn tham nhũng thì phải có quyền lực, mà gần như tuyệt đối quyền lực thuộc về Đảng. Không phải đảng viên thì đến chức phó phòng cũng không có. Như thế có nghĩa là trong thực tế ở Việt Nam, tham nhũng đối với người dân về căn bản là miễn dịch” – Ông lập luận.
Các quốc gia thịnh vượng và thanh bình như Nauy thì thường không, hoặc có rất ít tham nhũng |
Tham nhũng để lại những hậu quả rất lớn, không thể ngay tức khắc mà thấy hết được. Thậm chí di chứng của nó còn kéo dài qua nhiều thế hệ, qua từng thời kỳ, làm triệt tiêu tiềm năng phát triển – đáng nhẽ ra phải rất rực rỡ của nhiều xứ sở. Lý giải cho điều này, bởi tham nhũng làm tăng chi phí giao dịch trong các hoạt động của những thực thể trong nền kinh tế và gây ra những méo mó tổng thể. Sự khác biệt lớn và căn bản nhất giữa các quốc gia phát triển ở châu Âu so với các nước nghèo hơn ở châu Á, Mỹ Latin hay châu Phi đơn giản chỉ là ở mức độ minh bạch (transparency) và nhận thức tham nhũng (corrupt perception index) mà thôi. Cách không xa Việt Nam, giai đoạn trước năm 1987, Đài Loan dưới sự cai trị độc quyền của Quốc dân Đảng là một xứ sở cực kỳ hà khắc (giống như một chiến khu), tham nhũng hối lộ tràn lan, tuy nhiên chỉ sau 30 năm cải cách, hòn đảo này ngày hôm nay đã trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng và phát triển bền vững nhất châu Á, cũng nhờ tham nhũng (dù vẫn tồn tại ở một mức độ nào đó, nhưng tinh vi hơn) đã được giảm thiếu tới mức chấp nhận được (acceptable), nhờ vậy cả thượng tầng lãnh đạo lẫn người dân đều sống và làm việc trên tinh thần “thượng tôn”, không ai có thể đứng trên pháp luật, làm sai sẽ phải chịu chế tài.
Đài Loan (từng là một xứ sở hà khắc) ngày càng đẹp và thịnh vượng vì họ mạnh dạn cải cách và hạn chế tối thiểu tham nhũng |
Nguy cơ hiện hữu
Tại Việt Nam, không phải là nhận thức về tham nhũng không tồn tại. Chẳng thế mà đã rất nhiều lần, cả Trung ương Đảng lẫn Chính phủ đều đã cho tổ chức, thành lập các ủy ban chống tham nhũng, mục tiêu làm trong sạch bộ máy, lấy lại niềm tin nơi nhân dân và củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, như ông Dương Trung Quốc nhận định, khác với đấu tranh thanh toán bệnh dịch, ta chỉ cần khoanh vùng được nơi cư trú của bệnh là về căn bản có thể giải quyết được rồi. Chiến dịch chống tham nhũng không đơn giản như thế, quan trọng nhất là Đảng phải có quyết tâm chấn chỉnh trong nội bộ, biến Đảng thật sự thành đảng cầm quyền gương mẫu, hoàn toàn quay lưng lại với mọi sự tha hóa, khi ấy chắc chắn sẽ giành được niềm tin và sự ủng hộ của người dân. Có câu: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Mạnh Tử) – Dân là trọng hơn cả, xã tắc đứng sau, vua còn nhẹ hơn, tài sản lớn nhất chính là lòng dân. Đúng như vậy, ông Quốc nhấn mạnh: “Nếu không trị được giặc nội xâm là tham nhũng thì việc đánh mất tính chính danh hay vai trò lãnh đạo của Đảng là nguy cơ có thật, đúng với quy luật vận động khách quan của lịch sử, khi đấy chúng ta không thể đổ lỗi cho ai, mà chỉ có thể tự trách mình.”
Có dân là có tất cả, nhưng mọi công tác “dân vận” cần phải thực chất, không thể chỉ qua tuyên truyền hay hoạt động chiếu lệ |
Thay lời kết
Việt Nam hiện đang đứng trước ngã ba đường, mô hình tăng trưởng cũ – giúp chúng ta trở thành nước thu nhập trung bình hiện nay đã không còn nhiều hiệu quả; bên cạnh những biến động trên phạm vi toàn cầu, trong đó có sự trỗi dậy không hòa bình của gã khổng lồ phương Bắc (Trung Quốc) đặt chúng ta ở vào tình cảnh hết sức “hung hiểm”, bắt buộc phải cải cách. Để bảo vệ chủ quyền của đất nước, cũng như sự tồn vong của Đảng, chúng ta phải thật “khẩn trương” lên trong “trận đánh cuối cùng” này, vì thời gian không chờ đợi ai (Tuế nguyệt bất đãi nhân – thi sĩ Đào Uyên Minh thời nhà Đường). Nếu chúng ta thất bại, các thế lực thù nghịch có thể nhân cơ hội đó mà kích động, gây xáo trộn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và làm đất nước tan nát. Vào thời điểm hiện nay, duy chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới là lực lượng duy nhất có đủ điều kiện để dẫn dắt cải cách, đưa đất nước bước sang một trang mới trong lịch sử – thời đại của dân chủ, tự do và thịnh vượng.
Đất nước đang đứng trước thời khắc lịch sử, đêm trước của cải cách … không ai khác ngoài Đảng phải đứng ra đảm nhận trọng trách dẫn dắt đoàn tàu |
Cuối cùng, xin được trích lời GS Lê Xuân Khoa – một trí thức Việt kiều yêu nước tại hải ngoại: “Những nhà lãnh đạo thật tâm yêu nước và có tài là những người biết rút ra được những bài học của quá khứ, những kinh nghiệm hay, dở của mình và của người để áp dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại an ninh, thịnh vượng và hạnh phúc cho nhân dân. Quyền lực và lợi lộc không thể mãi mãi giữ độc quyền, và điều chắc chắn là không thể đem theo sang thế giới bên kia. Đã có nhiều trường hợp cho thấy hậu quả tai hại của những chế độ không còn duy trì được lòng dân khi những người cầm quyền còn tại chức. Thành tích tốt hay xấu của những người lãnh đạo sẽ được nhân dân đánh giá công minh và được lịch sử ghi chép thành văn hay truyền khẩu cho đến muôn đời sau. Có những nhà lãnh đạo nào đã tự hỏi mình: Nên để lại tiếng thơm hay tiếng xấu cho hậu thế? Bách thế lưu phương hay Lưu xú vạn niên?” (Việt Nam: 1945 – 1995)
CTV Hải Đăng
(Quốc Hội)
Vãi ! đừng nge những gì CS nói ,mà hãy nhìn những gì CS làm. Hé hé ....nói một đằng làm một nẻo
Trả lờiXóa