Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Bỏ sổ hộ khẩu: Toàn văn Nghị quyết 112

Bỏ sổ hộ khẩu: Toàn văn Nghị quyết 112

VỀ VIỆC ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, GIẤY TỜ CÔNG DÂN LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ DÂN CƯ THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ CÔNG AN
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an kèm theo Nghị quyết này.
Điều 2. Giao Bộ Công an căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính được Chính phủ thông qua tại Điều 1 Nghị quyết này, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong quá trình thực hiện, nếu có văn bản quy phạm pháp luật mới sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ các thủ tục hành chính nêu trong phương án đã được phê duyệt tại Nghị quyết này thì Bộ Công an chủ động triển khai, thực thi phương án theo nội dung quy định tại văn bản quy phạm pháp luật mới, đồng thời thông báo đến Ban Chỉ đạo Đề án 896.
Điều 3. Giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp vướng mắc của Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ trong quá trình thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết này.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Công an và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của TTg;
- Ban Chỉ đạo Đề án 896;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KSTT (2b).PC 234.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
PHƯƠNG ÁN
ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, GIẤY TỜ CÔNG DÂN LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ DÂN CƯ THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ CÔNG AN
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ)
A. NỘI DUNG ĐƠN GIẢN HÓA
I. LĨNH VỰC QUẢN LÝ XUẤT NHẬP CẢNH
1. Nhóm thủ tục cấp giấy xác nhận nhân sự của công dân Việt Nam ở nước ngoài (thực hiện tại cấp trung ương và cấp tỉnh)
a) Bỏ thành phần hồ sơ “Bản sao giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người đề nghị và thân nhân ở nước ngoài” quy định tại khoản 8 Điều 1 của Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BCA-BNG ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BCA-BNG ngày 06 tháng 10 năm 2009 của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
b) Tại Tờ khai đề nghị xác nhận nhân sự cho thân nhân là công dân Việt Nam hiện ở nước ngoài (Mẫu X03) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BCA-BNG ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao:
- Bỏ thông tin về “Nam/Nữ; Sinh ngày... tháng... năm...; Nơi sinh; Ngày cấp; Nơi cấp; Địa chỉ cư trú” và thay thế số chứng minh nhân dân bằng số định danh cá nhân đối với phần thông tin người khai.
- Bỏ thông tin về “Quan hệ giữa người đứng khai và thân nhân ở nước ngoài: Giấy tờ chứng minh mối quan hệ, gồm...”.
- Bỏ xác nhận, đóng dấu giáp lai ảnh của Trưởng Công an xã, phường, thị trấn nơi người đề nghị cư trú.
c) Rút ngắn thời gian xác minh giải quyết thủ tục hành chính tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh từ 25 ngày làm việc xuống còn 20 ngày làm việc quy định tại khoản 8 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BCA-BNG ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao.
2. Nhóm thủ tục:
- Cấp hộ chiếu phổ thông (thực hiện tại cấp trung ương và cấp tỉnh);
- Cấp lại hộ chiếu phổ thông (thực hiện tại cấp trung ương và cấp tỉnh);
- Sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông (thực hiện tại cấp trung ương và cấp tỉnh).
a) Tại Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu (mẫu X01) ban hành kèm theo Thông tư số 29/2016/TT-BCAngày 06 tháng 7 năm 2016 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông trong nước cho công dân Việt Nam:
Bỏ thông tin về “Nam/Nữ; Sinh ngày... tháng... năm...; Ngày cấp; Nơi cấp Dân tộc; Tôn giáo; Địa chỉ thường trú; Cha: họ và tên.... sinh ngày...; Mẹ: họ và tên.... sinh ngày...; Vợ/chồng: họ và tên... sinh ngày...” và thay thế số chứng minh nhân dân bằng số định danh cá nhân.
b) Bổ sung cách thức thực hiện thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông qua dịch vụ công trực tuyến.
c) Bỏ giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung điều chỉnh (gồm: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; giới tính; số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân) đối với nhóm thủ tục “Sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông” (thực hiện tại cấp trung ương và cấp tỉnh) quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 29/2016/TT-BCA ngày 06 tháng 7 năm 2016 của Bộ Công an.
3. Nhóm thủ tục:
- Cấp thẻ ABTC (lần đầu) cho doanh nhân Việt Nam tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an;
- Cấp lại thẻ ABTC cho doanh nhân Việt Nam tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
a) Bổ sung cách thức thực hiện thủ tục cấp thẻ ABTC cho doanh nhân Việt Nam qua dịch vụ công trực tuyến.
b) Tại Tờ khai đề nghị cấp, cấp lại thẻ ABTC (mẫu X05) ban hành kèm theo Thông tư số 28/2016/TT-BCA ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC:
Bỏ thông tin về “Nam, Nữ/Sex: Male/Female; Sinh ngày... tháng... năm…, tại... /Date of birth (Day/Month/Year)…. at...; Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú/Permanent resident address” và bổ sung số định danh cá nhân.
4. Thủ tục Cấp giấy chứng nhận về nước cho nạn nhân là công dân Việt Nam bị mua bán ra nước ngoài tại Công an cấp tỉnh
Tại Tờ khai dùng cho nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về (Phụ lục 1) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao ngày 10 tháng 02 năm 2014 hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán:
Bỏ thông tin về “Giới tính; Sinh ngày; Nơi sinh; Dân tộc; Quốc tịch; Họ và tên cha:... Năm sinh:..., Họ và tên mẹ:... Năm sinh:..., Họ và tên vợ/chồng (nếu có):... Năm sinh:..., Địa chỉ cư trú của cha/mẹ/vợ/chồng tại Việt Nam; Nơi thường trú hoặc tạm trú trước khi ra nước ngoài. Bổ sung số định danh cá nhân và nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú) (nếu có).
5. Các thủ tục:
- Cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào cho công dân Việt Nam tại Công an cấp tỉnh;
- Cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam - Lào cho cán bộ, công nhân, viên chức Việt Nam tại Công an cấp tỉnh.
a) Tại Tờ khai đề nghị cấp giấy thông hành biên giới (mẫu TK7) ban hành kèm theo Thông tư số 41/2011/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công an hướng dẫn cấp giấy thông hành biên giới cho công dân Việt Nam sang Lào và giấy phép đến các tỉnh, thành phố của Việt Nam cho công dân Lào:
Bỏ thông tin về “Nam/Nữ; Sinh ngày... tháng... năm... Nơi sinh; Ngày cấp, Nơi cấp; Dân tộc; Tôn giáo; Địa chỉ thường trú/tạm trú” và thay thế số chứng minh nhân dân bằng số định danh cá nhân.
b) Bãi bỏ yêu cầu xuất trình hộ khẩu và chứng minh nhân dân để đối chiếu khi nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư số 41/2011/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công an.
6. Thủ tục Cấp giấy thông hành biên giới cho cán bộ, viên chức, công nhân sang Campuchia tại Công an cấp tỉnh biên giới tiếp giáp với Campuchia
a) Tại Tờ khai đề nghị cấp giấy thông hành biên giới (Mẫu TK6) ban hành kèm theo Thông tư số 42/2011/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia cho cán bộ, viên chức, công nhân Việt Nam sang Campuchia tại Công an cấp tỉnh biên giới tiếp giáp Campuchia:
Bỏ thông tin về “Nam/Nữ; Sinh ngày... tháng... năm... Nơi sinh; Ngày cấp, Nơi cấp; Dân tộc; Tôn giáo; Địa chỉ thường trú/tạm trú” và thay thế số chứng minh nhân dân bằng số định danh cá nhân.
b) Bãi bỏ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân của cán bộ, nhân viên khi nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 42/2011/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công an.
7. Thủ tục Cấp giấy thông hành nhập, xuất cảnh cho công dân Việt Nam sang du lịch các tỉnh, thành phố biên giới Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam tại Công an cấp tỉnh
a) Tại Tờ khai đề nghị cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh dùng cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh sang các thành phố biên giới của Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam (mẫu TK8) ban hành kèm theo Thông tư số 43/2011/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp giấy thông hành nhập, xuất cảnh cho công dân Việt Nam sang các tỉnh, thành phố biên giới của Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam:
Bỏ thông tin về “Nam/Nữ; Sinh ngày... tháng... năm... Nơi sinh; Ngày cấp, Nơi cấp; Dân tộc; Tôn giáo; Địa chỉ thường trú/tạm trú” và thay thế số chứng minh nhân dân bằng số định danh cá nhân.
b) Bỏ thành phần hồ sơ gồm bản sao giấy khai sinh vả bản sao giấy tờ chứng minh quan hệ giữa trẻ em và người giám hộ; bỏ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân để kiểm tra, đối chiếu quy định tại Điều 4 Thông tư số 43/2011/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công an.
8. Các thủ tục:
- Cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan nhà nước có trụ sở đóng tại vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở Công an cấp huyện;
- Cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở Công an cấp xã.
a) Tại Tờ khai đề nghị cấp giấy thông hành xuất nhập cảnh dùng cho công dân Việt Nam xuất nhập cảnh sang vùng biên giới của Việt Nam - Trung Quốc (mẫu TK9) ban hành kèm theo Thông tư số67/2013/TT-BCA ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công an quy định việc, cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho công dân Việt Nam qua lại biên giới Việt Nam - Trung Quốc:
Bỏ thông tin về “Nam/Nữ; Ngày sinh:... tháng... năm... Nơi sinh; Ngày cấp, Nơi cấp; Dân tộc; Tôn giáo; Địa chỉ thường trú” và thay thế số chứng minh nhân dân bằng số định danh cá nhân.
b) Bỏ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân; giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu đối với người dưới 14 tuổi đối với thủ tục “Cấp giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới cho công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn tiếp giáp đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở Công an cấp xã” quy định tại Điều 6 Thông tư số 67/2013/TT-BCA ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công an.
II. LĨNH VỰC QUẢN LÝ NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ
1. Nhóm thủ tục Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để kinh doanh một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện)
2. Nhóm thủ tục Cấp đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để kinh doanh một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh)
3. Nhóm thủ tục Cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để kinh doanh một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh)
Tại Bản khai lý lịch của người làm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (Mẫu số 02) ban hành kèm theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện:
- Bỏ thông tin về “Nam/Nữ; Sinh ngày... tháng..... năm....; Cấp ngày... tháng... năm..., Cơ quan cấp:...; Dân tộc; Tôn giáo, Quốc tịch; Nguyên quán; Nơi đăng ký thường trú” đối với thông tin cá nhân tại Phần I;
- Bỏ thông tin về “Quan hệ; Năm sinh; Nam/Nữ; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay” và bổ sung số định danh cá nhân đối với thông tin quan hệ gia đình tại phần II.
III. LĨNH VỰC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
1, Các nhóm thủ tục:
- Đăng ký, cấp biển số xe (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh);
- Đổi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh);
- Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh);
- Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh);
- Đăng ký xe từ tỉnh khác chuyển đến tại Công an cấp tỉnh;
- Đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy;
- Đăng ký sang tên mô tô, xe gắn máy trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy;
- Đổi giấy chứng nhận đăng ký mô tô, xe gắn máy và biển số xe tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy;
- Cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mô tô, xe gắn máy và biển số xe tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy;
- Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký mô tô, xe gắn máy và biển số xe tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy.
Tại Điều 9 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe:
a) Đối với chủ xe là người Việt Nam: Quá trình đăng ký, cấp biển số xe không yêu cầu xuất trình “Sổ hộ khẩu”; không yêu cầu giấy tờ ủy quyền đối với thân nhân trong cùng một gia đình trong hộ khẩu.
b) Bỏ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân đối với người đến làm thủ tục đăng ký xe.
2, Các thủ tục:
- Đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại Công an cấp tỉnh;
- Sang tên, di chuyển xe đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác tại Công an cấp tỉnh;
- Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy;
- Sang tên, di chuyển mô tô, xe gắn máy đi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy;
- Đăng ký mô tô, xe gắn máy từ tỉnh khác chuyển đến tại Công an cấp huyện nơi được phân cấp đăng ký mô tô, xe gắn máy.
Tại Điều 9 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe:
a) Bỏ Giấy báo bán, cho, tặng, điều chuyển xe (Mẫu số 01) ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Bộ Công an.
b) Đối với chủ xe là người Việt Nam: Quá trình đăng ký, cấp biển số không yêu cầu xuất trình “Sổ hộ khẩu”; không yêu cầu giấy tờ ủy quyền đối với thân nhân trong cùng một gia đình trong hộ khẩu.
c) Bỏ yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân đối với người đến làm thủ tục đăng ký xe.
IV. LĨNH VỰC TỔ CHỨC CÁN BỘ
1. Nhóm thủ tục Tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh)
Tại mẫu Lý lịch tự khai (Mẫu 1a-BCA(X13)-2014) ban hành kèm theo Thông tư số 20/2009/TT-BCAngày 10 tháng 4 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thẩm tra lý lịch trong Công an nhân dân:
Bỏ thông tin về “Sinh ngày:... tháng:... năm:...; Giới tính; Dân tộc; Quốc tịch; Tôn giáo; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú”.
2. Nhóm thủ tục:
- Tuyển lao động hợp đồng trong Công an nhân dân (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh);
- Tuyển lao động hợp đồng tại các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập có thu trong lực lượng Công an nhân dân tại các tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc bộ.
Tại mẫu đơn xin ký kết hợp đồng lao động trong Công an nhân dân (Mẫu số 01), mẫu sơ yếu lý lịch (Mẫu số 02) ban hành kèm theo Thông tư số 32/2010/TT-BCA ngày 29 tháng 9 năm 2010 của Bộ Công an hướng dẫn sử dụng lao động hợp đồng trong lực lượng Công an nhân dân:
- Bỏ thông tin về “Sinh ngày; Giới tính; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú” và bổ sung thông tin số định danh cá nhân đối với Mẫu số 01.
- Bỏ thông tin về “Sinh ngày... tháng... năm...; Giới tính; Nơi sinh; Dân tộc; Quốc tịch; Tôn giáo; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú” và thay thế số chứng minh nhân dân bằng số định danh cá nhân đối với Mẫu số 02.
3. Thủ tục Tuyển sinh vào các trường Công an nhân dân tại Công an cấp tỉnh
Bỏ thành phần hồ sơ “Hộ khẩu thường trú” quy định tại Điều 14 Thông tư số 15/2016/TT-BCA ngày 16 tháng 3 năm 2016 quy định về tuyển sinh vào các trường Công an nhân dân.
4. Thủ tục Tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Bỏ thành phần hồ sơ “Giấy khai sinh” quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 129/2015/NĐ-CPngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
V. LĨNH VỰC CHÍNH SÁCH
1. Nhóm thủ tục Trợ cấp khó khăn đột xuất cho thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng Công an nhân dân (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh)
Bỏ thành phần hồ sơ: Bản photocopy “Giấy chứng tử” của thân nhân (đối với những trường hợp có thân nhân từ trần) quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định số 05/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân.
2. Nhóm thủ tục:
- Cấp thẻ bảo hiểm y tế (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh);
- Cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh);
- Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh).
a) Tại Tờ khai tham gia Bảo hiểm y tế tại Mẫu 01-BK và Mẫu 02-BK ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 09/2015/TTLT-BCA-BYT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tài chính:
Bỏ thông tin về “Giới tính; Sinh ngày... tháng... năm...; Dân tộc; Quốc tịch; Nơi cấp giấy khai sinh lần đầu; Ngày cấp:.../.../... nơi cấp:…” và thay thế số chứng minh nhân dân bằng số định danh cá nhân.
b) Tại Đơn đề nghị cấp lại hoặc cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế (Mẫu 01-ĐN) và Đơn đề nghị cấp lại hoặc cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế (Mẫu 02-ĐN) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 09/2015/TTLT-BCA-BYT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tài chính:
Bỏ thông tin về “Sinh ngày... tháng... năm...; Giới tính; Nơi cư trú” và bổ sung số định danh cá nhân.
c) Tại Danh sách người tham gia bảo hiểm y tế tại Mẫu số 01-DS và Mẫu số 02-DS ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 09/2015/TTLT-BCA-BYT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tài chính:
Bỏ thông tin về “Ngày tháng năm sinh; Nam/Nữ; Nơi đăng ký thường trú” và bổ sung số định danh cá nhân.
3. Nhóm thủ tục Xét hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Công an nhân dân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường B, C, K trong khoảng thời gian từ ngày 20-7-1954 đến 30-4-1975, về gia đình từ ngày 31-12-1976 trở về trước, chưa được hưởng một trong các chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc, bệnh binh, mất sức lao động hàng tháng và chế độ hưu trí hàng tháng, trước khi về gia đình thuộc biên chế Công an nhân dân (thực hiện tại cấp trung ương và cấp tỉnh)
a) Tại các bản khai cá nhân theo Mẫu 01A, 01B ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số05/2012/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 04 tháng 5 năm 2012 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên chức Công an theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc:
Bỏ thông tin về “Giới tính; Sinh ngày; Cấp ngày; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú” và thay thế số chứng minh nhân dân bằng số định danh cá nhân và bổ sung nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).
b) Bỏ yêu cầu nộp bản sao, thay thế bằng hình thức nộp bản sao hoặc nộp bản photocopy và xuất trình bản chính để kiểm tra một trong các giấy tờ gốc hoặc các giấy tờ có liên quan theo quy định tại khoản 1 Mục II Thông tư số 04/TT-BCA (X13) ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ trong Công an nhân dân.
4. Nhóm thủ tục Xét hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công an nhân dân tham gia chiến đấu, hoạt động ở các chiến trường B, C, K sau đó trở thành người hưởng lương; thanh niên xung phong hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cán bộ dân chính đảng hoạt động cách mạng ở chiến trường B, C, K từ 30-4-1975 trở về trước không có thân nhân chủ yếu (vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi hợp pháp) phải trực tiếp nuôi dưỡng ở miền Bắc (thực hiện tại cấp trung ương và cấp tỉnh)
Bỏ thành phần hồ sơ “Bản sao (photocopy) toàn bộ quá trình công tác của cá nhân đối tượng do cơ quan quản lý hồ sơ cán bộ cung cấp” quy định tại khoản 3 Mục II Thông tư số 04/TT-BCA(X13)ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công an.
5. Nhóm thủ tục Xét hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với những người cộng tác bí mật với cơ quan Công an được Công an từ cấp huyện (quận), Ban An ninh huyện (quận)... trở lên tổ chức, quản lý và giao nhiệm vụ hoạt động trong khoảng thời gian từ tháng 7-1954 đến 30-4-1975 ở chiến trường B, C, K, D (kể cả số đã chết) (thực hiện tại cấp trung ương và cấp tỉnh)
a) Tại Bản khai cá nhân (Mẫu 3A) ban hành kèm theo Thông tư số 04/TT-BCA(X13) ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công an:
Bỏ thông tin về “Nam/Nữ; Ngày, tháng, năm sinh; Quê quán; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú” và bổ sung thông tin số định danh cá nhân.
b) Tại Bản khai của thân nhân (Mẫu 3B) ban hành kèm theo Thông tư số 04/TT-BCA(X13) ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công an:
Bỏ thông tin về “Nam/Nữ; Sinh ngày, tháng, năm; Quê quán; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú” và bổ sung thông tin số định danh cá nhân đối với phần khai về thân nhân.
6. Thủ tục Xét hưởng chế độ đối với người trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Tại Bản khai cá nhân của đối tượng (Mẫu 01A), Bản khai của đối tượng (Mẫu 01B) hoặc thân nhân của đối tượng đối với đối tượng đã từ trần (Mẫu 01C) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số05/2012/TTLT-BCA-BLĐ-BLĐTBXH-BTC ngày 04 tháng 5 năm 2012 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên chức Công an theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc:
Bỏ thông tin về “Giới tính; Sinh ngày; Cấp ngày; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú” và thay thế “Số CMND” thành số định danh cá nhân.
7. Thủ tục Xét hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần đối với Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong kháng chiến tại Công an cấp tỉnh
a) Tại Bản khai cá nhân (Mẫu AH1) ban hành kèm theo Thông tư số 61/2013/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ Công an quy định chi tiết về thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong Công an nhân dân:
Bỏ thông tin về “Sinh ngày... tháng... năm...; Giới tính; Nguyên quán” và bổ sung thông tin số định danh cá nhân, nơi ở hiện nay (trường hợp nơi ở hiện nay khác với nơi đăng ký thường trú).
b) Tại Bản khai cá nhân (Mẫu AH2) ban hành kèm theo Thông tư số 61/2013/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ Công an:
Bỏ thông tin về “Sinh ngày... tháng... năm...; Giới tính; Nguyên quán; Trú quán” và bổ sung thông tin số định danh cá nhân, nơi ở hiện nay (trường hợp nơi ở hiện nay khác với nơi đăng ký thường trú) đối với phần khai về người có công và phần khai cá nhân.
8. Thủ tục Xét khen thưởng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Công an cấp tỉnh
Bỏ thành phần hồ sơ “Tóm tắt thành tích của tập thể, cá nhân” và bổ sung nội dung tóm tắt thành tích này vào Danh sách trích ngang các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng quy định tại khoản 3 Điều 67 Thông tư số 40/2014/TT-BCA ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong Công an nhân dân, Công an xã, Bảo vệ dân phố và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
9. Thủ tục Xét hưởng chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương (thực hiện tại cấp trung ương và cấp tỉnh)
a) Tại Bản khai cá nhân (Mẫu số 01) và Bản ghi quá trình công tác (Mẫu số 05) và Bản khai thân nhân (Mẫu số 06) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTCngày 18 tháng 7 năm 2011 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ hưu trí đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên công tác trong Công an nhân dân đã xuất ngũ, thôi việc về địa phương:
Bỏ thông tin về “Giới tính; Sinh ngày; Cấp ngày; Quê quán; Nơi đăng ký thường trú”; bổ sung số định danh cá nhân và nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú) đối với Mẫu số 01, Mẫu số 05 và phần khai thân nhân của đối tượng tại Bản khai thân nhân (Mẫu số 06).
b) Tại Danh sách đối tượng đề nghị giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng theo Nghị định số 11/2011/NĐ-CP (Mẫu số 02-A) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính:
Bỏ thông tin về “Giới tính; Năm sinh; Nơi đăng ký thường trú”; bổ sung số định danh cá nhân và nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).
c) Bỏ thành phần hồ sơ “Giấy giới thiệu của Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân” (Mẫu số 03) quy định tại điểm a khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.
VI. LĨNH VỰC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
1. Các thủ tục:
- Cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh);
- Cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh).
Tại Đơn đăng ký dự lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy (Mẫu số PC14) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ:
Bỏ thông tin về “Ngày, tháng, năm sinh; Ngày cấp; Nơi cấp; Nơi thường trú” và thay thế “Số CMND” thành số định danh cá nhân.
2. Nhóm thủ tục Cấp/Đổi/Cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh)
a) Về thành phần hồ sơ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 48 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và khoản 1 Điều 19 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an:
- Bỏ thành phần hồ sơ: Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở đối với thủ tục cấp giấy xác nhận điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh).
- Bỏ thành phần hồ sơ: Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sau khi thay đổi đối với trường hợp doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có sự thay đổi về tên gọi, người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật hoặc thay đổi địa điểm, ngành, nghề kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy khi thực hiện thủ tục đổi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (thực hiện tại cấp trung ương, cấp tỉnh).
b) Tại Đơn đề nghị cấp/cấp lại/đổi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC21) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an:
Bỏ thông tin về “CMND/Hộ chiếu số:.... do:… cấp ngày.../.../...; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú” và bổ sung số định danh cá nhân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).
c) Tại mẫu giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy (Mẫu PC22) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an: sửa đổi theo hướng bổ sung danh mục các lĩnh vực mà doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy.
3. Nhóm thủ tục:
- Cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy (thực hiện tại cấp trung ương);
- Bổ sung chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy (thực hiện tại cấp trung ương);
- Đổi giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (thực hiện tại cấp trung ương);
- Cấp đổi chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy (thực hiện tại cấp trung ương);
- Cấp lại chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy (thực hiện tại cấp trung ương).
a) Tại Đơn đề nghị cấp/cấp lại/đổi chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC23) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an:
Bỏ thông tin về “Nam/Nữ; Sinh ngày... tháng... năm...; Nơi sinh; Quốc tịch; Số CMND/Hộ chiếu:... , cấp ngày... tháng... năm..., nơi cấp:...; Địa chỉ thường trú” và bổ sung số định danh cá nhân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú).
b) Tại mẫu chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy chữa cháy (Mẫu số PC24) ban hành kèm theo Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an: chuyển số chứng chỉ từ mặt ngoài sang mặt trong chứng chỉ.
c) Bổ sung quy định phân cấp thực hiện nhóm thủ tục này cho Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 20 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an.
d) Sửa đổi khoản 5 Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an thành: “Trường hợp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy bị rách, cũ nát hoặc bị mất nhưng chưa hết thời hạn sử dụng thì phải có văn bản đề nghị đổi, cấp lại”.
VII. LĨNH VỰC CẤP, QUẢN LÝ CHỨNG MINH NHÂN DÂN
1. Nhóm thủ tục Cấp Chứng minh nhân dân (9 số) (thực hiện tại cấp tỉnh, cấp huyện).
2. Nhóm thủ tục Đổi Chứng minh nhân dân (9 số) (thực hiện tại cấp tỉnh, cấp huyện).
3. Nhóm thủ tục cấp lại Chứng minh nhân dân (9 số) (thực hiện tại cấp tỉnh, cấp huyện).
Bãi bỏ các nhóm thủ tục hành chính về cấp, quản lý chứng minh nhân dân quy định tại Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân; Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân; Thông tư số 04/1999/TT-BCA(C13) ngày 19 tháng 4 năm 1999 của Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân; Thông tư số 18/2014/TT-BCA ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Công an hướng dẫn việc thu, nộp và xử lý Chứng minh nhân dân khi công dân đổi Chứng minh nhân dân; Quyết định số 998/2001/QĐ-BCA(C11) ngày 10 tháng 10 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành các Biểu mẫu sử dụng trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội.
VIII. LĨNH VỰC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ CƯ TRÚ
1. Nhóm thủ tục Đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã)
a) Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
b) Thay thế bản khai nhân khẩu (HK01), phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú bằng một biểu mẫu mới bao gồm nội dung về thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân có thay đổi so với thời điểm khai phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCAngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.
c) Bỏ "Giấy chuyển hộ khẩu (HK07)” ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.
d) Bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an.
2. Thủ tục Đăng ký tạm trú tại Công an cấp xã
Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
3. Các nhóm thủ tục:
- Tách sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Cấp đổi sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Cấp lại sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Xóa đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Cấp giấy chuyển hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã);
- Cấp đổi sổ tạm trú tại Công an cấp xã;
- Cấp lại sổ tạm trú tại Công an cấp xã;
- Điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú tại Công an cấp xã;
- Gia hạn tạm trú tại Công an cấp xã;
- Hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật tại Công an cấp xã.
Bãi bỏ các thủ tục hành chính này quy định tại Luật Cư trú; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
B. TRÁCH NHIỆM THỰC THI PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA
I. ĐỐI VỚI VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT, NGHỊ ĐỊNH
Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật sau đây, trình Chính phủ ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành:
1. Luật Cư trú năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú để thực hiện nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu tại Mục VIII Phần A của Phương án đơn giản hóa.
2. Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để thực hiện phương án đơn giản hóa nêu tại Mục II Phần A của Phương án đơn giản hóa.
3. Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân để thực hiện phương án đơn giản hóa nêu tại khoản 4 Mục IV Phần A của Phương án đơn giản hóa.
4. Nghị định số 05/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân để thực hiện phương án đơn giản hóa nêu tại khoản 1 Mục V Phần A của Phương án đơn giản hóa.
5. Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy để thực hiện phương án đơn giản hóa nêu tại khoản 2 Mục VI Phần A của Phương án đơn giản hóa.
6. Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân để thực hiện phương án đơn giản hóa nêu tại Mục VII Phần A của Phương án đơn giản hóa.
7. Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân để thực hiện phương án đơn giản hóa nêu tại Mục VII Phần A của Phương án đơn giản hóa.
8. Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú để thực hiện phương án đơn giản hóa nêu tại Mục VIII Phần A của Phương án đơn giản hóa.
II. ĐỐI VỚI VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, THAY THẾ HOẶC BÃI BỎ CÁC THÔNG TƯ, THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thông tư, Thông tư liên tịch dưới đây:
1. Thông tư liên tịch số 08/2013/TTLT-BCA-BNG ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT/BCA-BNG ngày 06 tháng 10 năm 2009 của Bộ Công an và Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc cấp hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành cho công dân Việt Nam ở nước ngoài theo Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nêu tại khoản 1 Mục I Phần A của Phương án đơn giản hóa.
2. Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BCA-BQP-BLĐTBXH-BNG ngày 10 tháng 02 năm 2014 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục và quan hệ phối hợp trong việc xác minh, xác định, tiếp nhận và trao trả nạn nhân bị mua bán nêu tại khoản 4 Mục I Phần A của Phương án đơn giản hóa.
3. Thông tư liên tịch số 04/2011/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 7 năm 2011 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ hưu trí đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên công tác trong Công an nhân dân đã xuất ngũ, thôi việc về địa phương nêu tại khoản 9 Mục V Phần A của Phương án đơn giản hóa.
4. Thông tư liên tịch số 09/2015/TTLT-BCA-BYT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với người lao động, học sinh, sinh viên và thân nhân sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân nêu tại khoản 2 Mục V Phần A của Phương án đơn giản hóa.
5. Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC ngày 04 tháng 5 năm 2012 của Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên chức Công an theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc nêu tại khoản 3, 6 Mục V Phần A của Phương án đơn giản hóa.
6. Thông tư số 29/2016/TT-BCA ngày 06 tháng 7 năm 2016 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông trong nước cho công dân Việt Nam nêu tại khoản 2 Mục I Phần A của Phương án đơn giản hóa.
7. Thông tư số 28/2016/TT-BCA ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện quy chế về việc cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC nêu tại khoản 3 Mục I Phần A của Phương án đơn giản hóa.
8. Thông tư số 41/2011/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công an hướng dẫn cấp giấy thông hành biên giới cho công dân Việt Nam sang Lào và giấy phép đến các tỉnh, thành phố của Việt Nam cho công dân Lào nêu tại khoản 5 Mục I Phần A của Phương án đơn giản hóa.
9. Thông tư số 42/2011/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp giấy thông hành biên giới Việt Nam - Campuchia cho cán bộ, viên chức, công nhân Việt Nam sang Campuchia tại Công an cấp tỉnh biên giới tiếp giáp Campuchia nêu tại khoản 6 Mục I Phần A của Phương án đơn giản hóa.
10. Thông tư số 43/2011/TT-BCA ngày 29 tháng 6 năm 2011 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp giấy thông hành nhập, xuất cảnh cho công dân Việt Nam sang các tỉnh, thành phố biên giới của Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam nêu tại khoản 7 Mục I Phần A của Phương án đơn giản hóa.
11. Thông tư số 67/2013/TT-BCA ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công an quy định việc cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho công dân Việt Nam qua lại biên giới Việt Nam - Trung Quốc nêu tại khoản 8 Mục I Phần A của Phương án đơn giản hóa.
12. Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe nêu tại Mục III Phần A của Phương án đơn giản hóa.
13. Thông tư số 20/2009/TT-BCA ngày 14 tháng 4 năm 2009 của Bộ Công an quy định về thẩm tra lý lịch trong Công an nhân dân nêu tại khoản 1 Mục IV Phần A của Phương án đơn giản hóa.
14. Thông tư số 32/2010/TT-BCA ngày 29 tháng 9 năm 2010 của Bộ Công an hướng dẫn sử dụng lao động hợp đồng trong lực lượng Công an nhân dân nêu tại khoản 2 Mục IV Phần A của Phương án đơn giản hóa.
15. Thông tư số 15/2016/TT-BCA ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Bộ Công an quy định về tuyển sinh vào các trường Công an nhân dân nêu tại khoản 3 Mục IV Phần A của Phương án đơn giản hóa.
16. Thông tư số 04/TT-BCA(X13) ngày 28 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ trong Công an nhân dân nêu tại khoản 3, 4, 5 Mục V Phần A của Phương án đơn giản hóa.
17. Thông tư số 61/2013/TT-BCA ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Bộ Công an quy định chi tiết về thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trong Công an nhân dân nêu tại khoản 7 Mục V Phần A của Phương án đơn giản hóa.
18. Thông tư số 40/2014/TT-BCA ngày 23 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong Công an nhân dân, Công an xã, Bảo vệ dân phố và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nêu tại khoản 8 Mục V Phần A của Phương án đơn giản hóa.
19. Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ nêu tại Mục VI Phần A của Phương án đơn giản hóa.
20. Thông tư số 04/1999/TT-BCA(C13) ngày 19 tháng 4 năm 1999 của Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân nêu tại Mục VII Phần A của Phương án đơn giản hóa.
21. Quyết định số 998/2001/QĐ-BCA(C11) ngày 10 tháng 10 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành các Biểu mẫu sử dụng trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội nêu tại Mục VII Phần A của Phương án đơn giản hóa.
22. Thông tư số 18/2014/TT-BCA ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Công an hướng dẫn việc thu, nộp và xử lý Chứng minh nhân dân khi công dân đổi Chứng minh nhân dân nêu tại Mục VII Phần A của Phương án đơn giản hóa.
23. Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú nêu tại Mục VIII Phần A của Phương án đơn giản hóa.
24. Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 9 năm 2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú nêu tại Mục VIII Phần A của Phương án đơn giản hóa.
T.M CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét