Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

VN sẽ có ‘dê tế thần’ cho vụ Trịnh Xuân Thanh?

Việt Nam sẽ có ‘dê tế thần’ cho vụ Trịnh Xuân Thanh?
06/11/2017 Nguyễn Quang A, Tiến sỹ và doanh nhân, nói: "Dùng một ‘con dê tế thần’ nào đấy. Đấy là 1 giải pháp mà tôi cũng khuyến nghị ngay từ ngày đầu. Họ không chịu nghe. Nhưng mà bây giờ thì bên EU họ cũng nói rằng nếu mà dùng một dê tế thần nào đấy ví dụ như ông đại sứ Việt Nam ở Đức chẳng hạn."Hình ảnh Trịnh Xuân Thanh trên nhật báo Đức Suedeutsche Zeitung. Một kinh tế gia của EU khuyên Việt Nam nên tìm "dê tế thần" để chịu trách nhiệm vụ bắt cóc TXT nhằm giải quyết căng thẳng với Đức và có được hiệp định thương mại tự do với EU.

Một kinh tế gia chuyên tư vấn cho các quan chức của Liên minh châu Âu về hiệp định thương mại tự do với Việt Nam cho rằng nếu Hà Nội tìm được “một con dê tế thần” để chịu trách nhiệm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin thì hiệp định thương mại này có thể được tiếp tục.

Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế ở Hồng Kong, nhận định như vậy với New York Times (NYT) và gợi ý rằng “con dê tế thần” đó có thể là đại sứ Việt Nam tại Berlin, Đoàn Xuân Hưng.

“Nó sẽ làm cho Việt Nam suy yếu cả về mặt ngoại giao lẫn chiến lược.” Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc, Viện Chính sách Toàn cầu, nói với NYT

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mà Việt Nam rất mong chờ, nhất là sau khi TPP đổ bể vì sự rút lui của Mỹ, đã bị hoãn lại kể từ khi chính phủ Đức yêu cầu Hà Nội xin lỗi vì vụ bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin mà Đức gọi là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”

Doanh nhân và nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A cho rằng: "​(Vụ bắt cóc) làm cho quan hệ ngoại giao giữa 2 nước xấu đi một cách trông thấy và đúng là nó có khả năng ảnh hưởng đến hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Nếu việc đó có ảnh hưởng thật thì sẽ là một tai họa đối với nền kinh tế Việt Nam."

Năm ngoái, Liên minh châu Âu nhập khối hàng hóa trị giá 39 tỷ USD từ Việt Nam. EU là nhà đầu tư lớn nhất ngoài châu Á và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam sau Trung Quốc. Đó là lý do vì sao hiệp định thương mại với EU rất hấp dẫn đối với Việt Nam.

Nhưng Việt Nam có thể mất nhiều hơn là một hiệp định thương mại tự do nếu họ không cải thiện được quan hệ với Đức, chuyên gia nghiên cứu của Viện Chính sách Toàn cầu ở London Đoàn Xuân Lộc nói với New York Times trong bài viết của nhật báo Mỹ đăng tải hôm 2/11 với tựa đề “Một sự biến mất ở Berlin làm che phủ hiệp định thương mại với Việt Nam.”

“Nó sẽ làm cho Việt Nam suy yếu cả về mặt ngoại giao lẫn chiến lược,” theo Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc, người chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ của EU với các nước Đông Nam Á.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A đồng tình với gợi ý của kinh tế gia Garcia-Herrero về việc Hà Nội nên tìm một “con dê tế thần” để giải quyết mối căng thẳng trong quan hệ với Đức.

"Dùng một ‘con dê tế thần’ nào đấy. Đấy là 1 giải pháp mà tôi cũng khuyến nghị ngay từ ngày đầu. Họ không chịu nghe. Nhưng mà bây giờ thì bên EU họ cũng nói rằng nếu mà dùng một dê tế thần nào đấy ví dụ như ông đại sứ Việt Nam ở Đức chẳng hạn thì hiệp định tự do thương mại song phương giữa Việt Nam và EU có thể không bị ảnh hưởng."

Sau khi Việt Nam cương quyết khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh tự về đầu thú và không đưa ra lời xin lỗi như Bộ Ngoại giao Đức yêu cầu, Berlin đã trục xuất 2 nhân viên ngoại giao của Việt Nam và đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với quốc gia Đông Nam Á.

Kinh tế gia Garcia-Herrero nhận định với NYT rằng thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam từ sự căng thẳng kéo dài trong quan hệ với Đức có thể vượt xa những lợi nhuận chính trị có được từ việc đem ông Trịnh Xuân Thanh trở về. Cựu lãnh đạo ngành dầu khí được cho là đã làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng và được coi là một mắt xích quan trọng trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang tìm cách có được các hiệp định thương mại lớn để thoát dần sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Cả EVFTA và TPP mà Việt Nam mong chờ đều chưa có được.

Cách đây vài tháng, Bộ Ngoại giao Đức cho VOA biết Việt Nam đã chủ động tiếp xúc để đàm phán và giải quyết mối căng thẳng nhưng từ đó đến nay Việt Nam vẫn chưa đáp ứng những yêu cầu mà phía Đức nêu ra. Tháng trước nhiều đại sứ các nước châu Âu đã hậu thuẫn Đức trong nỗ lực buộc Việt Nam phải “xin lỗi” vì “phá vỡ lòng tin.”

Điều này gây lo ngại về hệ lụy kinh tế với Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối EU và làm các doanh nghiệp và người kinh doanh Việt Nam lo lắng. Nhưng họ tin rằng Hà Nội sẽ làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này.

“Họ sẽ đánh đổi cái gì đó,” Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố HCM có các doanh nghiệp thành viên xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu vào thập niên 1990 nói với NYT .

Blogger Nguyễn Xuân Diện so sánh tình thế khó khăn trong quan hệ Việt Nam và Đức với con ếch ngồi trong nồi lẩu nóng. “Con ếch đã thực sự cảm thấy hơi nóng,” tiến sỹ của viện Hán Nôm nói với NYT.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại Việt Nam Marko Walde cho rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh “chắc chắn sẽ được xem xét” trong việc thông qua Hiệp định thương mại Việt Nam-EU được bắt đầu từ 2015 và dự kiến hoàn tất vào 2018.

Nhà phân tích kinh tế Garcia-Herrero cảnh báo về việc EU sẽ đàm phán với Trung Quốc thay vì Việt Nam.

Đức sẽ không bỏ qua những lợi nhuận tiềm năng từ các nhà sản xuất hay đòn bẩy giúp các nhà đàm phán ở châu Âu có thể tiếp tục thương thảo về thương mại với Trung Quốc.

“Các ông dành nhiều năm trời để đàm phán thứ mà các ông không thể thông qua? Trung Quốc sẽ cười vào mặt các ông,” bà Garcia-Herrero nói 1 cách mỉa mai.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-se-co-de-te-than-cho-vu-trinh-xuan-thanh/4102765.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét