Vì sao trẻ nghèo không lớn nổi?
17/05/2017 - Làm sao để kinh tế tư nhân lớn lên? Trước nhất phải thay đổi bất công trong phân bổ nguồn lực. Và tháo gỡ các rào cản, mà rõ nhất là quyền tài sản và quyền sở hữu. Tôi vừa gặp một người yêu giày nhất thế gian. Không phải vì showroom giày của Phan Hải, ông chủ của BQ, rất đẹp mà chỉ sau ngắm nghía từng đôi giày, nghe anh nói chuyện giày tôi mới chợt nghĩ thế. Cùng đi thăm showroom giày BQ hôm đó còn có anh Lê Phụng Hào, từng là phó tổng giám đốc Biti’s nhiều năm.Những người như ông Bùi Durassamy, người Canada gốc Việt về nước đầu tư xưởng sôcôla giúp người trồng cacao tại Tiền Giang. Nếu thuận buồm xuôi gió, làn sóng tư nhân như ông Bùi được kỳ vọng sẽ về nhiều hơn. Ảnh: HL.
Họ yêu và chiến đấu cho tình yêu của mình
Ông Hào cầm từng đôi giày lên ngắm nghía, giải thích. Chị nhìn đôi xăng đan cao gót này. Cái quai là nơi bị dồn lực nhiều nhất khi đi nên phải chắc nhất. Cạnh của quai được cắt ngọt xớt, miết thật kỹ. Mỗi đôi giày có thể dùng ba, bốn loại da nhưng cái quai là da phải đẹp nhất, tay nghề thợ phải ngon nhất. Ông chủ Hải thì hứng thú nhất với các loại giày tây của đàn ông. Anh cầm chiếc dây giày, dây xe tròn nhỏ xíu, chắc nịch, đầu dây có bọc nilông có in cả tên doanh nghiệp và nói, đến sợi dây nhỏ xíu này mà cũng tỉ mỉ đến vậy đó chị. Rồi Hải hào hứng giải thích, vì người Việt ăn cơm bằng đũa, nên làm gì bằng tay cũng vô cùng khéo. Hào nghe, nói riêng với tôi, khéo, nhưng khéo hơn là tài tổ chức thành chuỗi các công đoạn sao cho thật nhịp nhàng hiệu quả. Đẹp, hợp thời trang, bền, giá mềm mới đánh bạt được giày Tàu.
Chúng tôi thử bàn tại sao Hải phát triển được BQ trong tình hình các thương hiệu giày Việt cứ teo tóp dần. Trước nhất là cái “insight” (am hiểu thị hiếu khách hàng) nhờ Hải có hơn mười năm làm giám đốc kinh doanh của Biti’s ở miền Trung, phải bám sát nhu cầu khách để đặt hàng trung tâm. Hải lại có tài kinh doanh nên tổ chức các chuỗi sản xuất khá ngọt. Và lại được cả trăm đại lý cũ của Biti’s thương, từ quan hệ làm ăn cũ, bây giờ họ đều ủng hộ giày BQ, nên mặc nhiên hình thành ra được mạng lưới phân phối hiệu quả… Nghe có lý.
Tôi cũng biết một người Đà Nẵng đang kinh doanh giày rất thành công ở Sài Gòn. Sáng sáng đi bộ tập thể dục, thấy hầu hết giày mang đi bộ là của Asia, tôi tự hào lắm. Giày đẹp, quan trọng là giá mềm, rất bền, đi êm chân. Chồng là kỹ sư ĐH Bách khoa TPHCM, chọn nghề giày, tổ chức sản xuất giỏi và rất thương cán bộ, công nhân, còn vợ buôn bán chạy chợ rất giỏi, một cửa hàng ở chợ An Đông mà bổ hàng đều đều đi đồng bằng sông Cửu Long, đi Campuchia bán thu tiền gọn gàng, chưa bao giờ bị quỵt hay nợ kéo dài. Gặp cán bộ công ty ai cũng khen anh chị chăm lo cho cộng sự chu đáo.
Họ yêu giày thế, yêu như người ta thương những đứa con ruột thịt. Thứ chúng ta mang dưới chân giờ cũng là món thời trang cạnh tranh khủng khiếp và đòi hỏi hiểu biết chuyên sâu. Và cứ thế nhưng doanh nghiệp tư nhân đó phát triển lên, sản phẩm ổn định chất lượng và còn kinh doanh giỏi, vượt qua tất cả khó khăn đoạn trường của nghề nghiệp.
Như trẻ nghèo cần được yêu thương và đối xử công bằng
Sáng thứ hai, nghe nhóm đi công tác các tỉnh đồng bằng để gặp các cháu nhỏ là con nông dân được mời đi Trại hè 100 cháu, gọi là “Đại sứ hàng Việt tí hon” do BSA tổ chức sắp diễn ra đầu tháng 6. Về kể chuyện, tôi cũng nghĩ tới chuyện vĩ mô kinh tế đất nước. Về nguyên tắc, trại sinh được chọn phải là các cháu nhà nghèo nhất và ham học để các cháu được hưởng món quà quý là đi nghỉ dưỡng ở Đà Lạt một tuần. Đoàn chuẩn bị trại hè của BSA đến một trường tiểu học ở Cần Thơ, nhận được danh sách mười cháu.
Đọc danh sách, đo ni từng cháu để may đồng phục thì phát hiện có đến bốn cái tên không khớp với người. Nhìn vẻ ngoài các cháu không phải con nhà nghèo. Người phụ trách trại hè của BSA hỏi tên thật, các cháu “khai” ngay. Nên sau đó, xin đến nhà thăm các cháu, thì thầy hướng dẫn nói, nhà các cháu xa lắm, đường vô khó, phải đi bộ. Sẵn sàng. Lội nắng cùng đi được một lát là các cháu lí nhí nói, dạ nhà con hổng có nghèo, con cũng đâu có xin đi tại má xin rồi ông hiệu trưởng đổi tên. Đến tận nơi (thầy hướng dẫn kêu nhức đầu bỏ về giữa chừng) thấy nhà cháu mới xây đẹp nhất xóm, nhà khác là trại cưa, một nhà nữa là nhà trọ cho du lịch. Vậy là có bốn cháu nhà nghèo thực sự bị chiếm chỗ. Vì sao?
Tìm hiểu mới biết “lý sự” của thầy phụ trách khi thay người vào danh sách là thế này:
“Đi một tuần, ở khách sạn ngon, ăn thiệt ngon, đi chơi nhiều chỗ lạ, học được nhiều điều mà còn được gặp toàn ngôi sao nổi tiếng. Ngu gì không đi, mà họ không có kiểm tra đâu, tới 100 đứa kiểm tra sao xuể!”
Tôi ngồi lặng người, không sao không nghĩ đến tình cảnh các doanh nghiệp tư nhân. Nghèo nhưng không được lãnh đạo nâng đỡ, bị chiếm mất phần bởi những người giàu, sự dễ dãi là do tin rằng không ai kiểm tra, sự bất công được dung túng kéo dài thành nếp, gây bất bình âm ỉ mất đoàn kết trong chính các cháu học sinh. Đúng là sự phân bổ nguồn lực không công bằng, và cũng không hề có sự kiểm soát nào về bất công.
Những câu chuyện thật như giày BQ hay Asia bây giờ trong xã hội nhiều lắm. Họ nêu gương tốt đóng góp cho xã hội, chăm lo đông đảo người lao động, hết lòng vì khách hàng; nhưng hầu hết nguồn lực quốc gia thì lại được trút gọn đầu tư cho các tập đoàn xài tiền như phá. Họ “chiến đấu” lặng lẽ, và với những rủi ro của thương trường, không phải ai cũng trụ được.
Nên những đưa trẻ nghèo không thể lớn. Nếu đem vốn chủ sở hữu của 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất là 15.300 tỉ đồng so với của 10 doanh nghiệp nhà nước lớn nhất là 95.200 tỉ đồng (năm 2015) và nay, đóng góp của họ trong tổng GDP chỉ có chưa tới 8%.
Làm sao để kinh tế tư nhân lớn lên? Trước nhất phải thay đổi bất công trong phân bổ nguồn lực. Và tháo gỡ các rào cản, mà rõ nhất là quyền tài sản và quyền sở hữu. Cứ gặp khó khăn, có doanh nghiệp còn nói: tụi tôi là chủ doanh nghiệp, đã ra làm ăn thì ai cũng biết cách xoay xở. Làm chuyện này không được xoay chuyện khác, cách này không xong làm cách kia, không xong hết cũng có đường thoát.
Chỉ có nông dân là kẹt cứng, và công nhân thì mất việc, rồi lại nặng gánh cho xã hội thôi. Tụi tôi giờ còn ôm súng bám công sự đến cùng là vì yêu nghề và thương công nhân nên không đành. Chứ buông ra chẳng doanh nhân nào chết đâu… Mười mấy năm rồi chủ trương khuyến khích kinh tế tư nhân đã có trên giấy mà trật vuột mãi chưa vào được cuộc sống. Tôi luôn nghiêng mình kính trọng những doanh nghiệp tư nhân vì yêu thợ mà giữ chặt công sự của mình. Nhưng giờ có lẽ họ cũng cần tiếp súng đạn, lương khô và nhất là… niềm tin?
Kim Hạnh
Theo TGTT
Kim Hạnh
Theo TGTT
http://tiepthithegioi.vn/chuyen-tiep-thi/thi-truong-hoi-nhap/vi-sao-tre-ngheo-khong-lon-noi/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét