Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

“NGƯỠNG MỘ” ĐỂ LÀM GÌ?

“NGƯỠNG MỘ” ĐỂ LÀM GÌ?
19/05/2017 - Khoảng ba chục năm nay, từ ngày “mở cửa”, “hội nhập”, có điều kiện giao lưu với các nước tiên tiến trên thế giới, tầm mắt không còn hạn hẹp với mấy nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Đông Âu, càng ngày, ta càng có dịp được nhắc tới hai chữ “ngưỡng mộ”. Không chỉ với các nước văn minh, kinh tế phát triển Âu Mỹ, người ta “ngưỡng mộ” với các nước thuộc loại Rồng, Hổ châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapo và đặc biệt là Nhật Bản. Gần đây, tầm mắt người Việt còn hướng tới I-xra-en, một quốc gia vùng Trung Đông xa xôi. Không dừng lại ở đó, những nhà lãnh đạo còn mơ ước chúng ta trở thành Xin-ga-po, sánh với Pa-ri.
Sự “ngưỡng mộ” này không lạ vì sau nhiều năm tháng bị “bịt mắt, bịt tai” người Việt Nam chợt tỉnh dậy thấy nhiều nước xưa nay so với ta còn thua kém, có nước còn coi Việt Nam là mơ ước để vươn tới, bỗng chốc vươn mình đứng dậy bỏ xa chúng ta một chặng đường phát triển hàng mấy chục năm, thậm chí hàng trăm năm.

Và sau ba chục năm hành trình ra biển lớn nhìn sang hai nước láng giềng là Lào và Campuchia, chúng ta lại giật mình vì hai nước lân bang mà xưa nay vẫn được ta giang rộng cánh tay của tình “quốc tế vô sản” bảo trợ cũng đã có không ít mặt khiến ta phải “ngưỡng mộ” và có lĩnh vực ta đã phải cắp sách sang để học tập.

Biết “ngưỡng mộ” người khác, không vác mặt lên hợm hĩnh (gần đây có người gọi đó là kiêu ngạo cộng sản) coi mình là đỉnh cao trí tuệ, là lương tâm thời đại, … là điều rất đáng mừng. Có như thế mới hy vọng để học tập người khác rồi vươn lên. Thôi thì đành chấm dứt một thuở đầy lãng mạn đẹp đẽ mơ tới ngày “sánh vai với các cường quốc năm châu”, chỉ dám có một điều kỳ diệu xảy ra để không thua kém người ta quá lớn trong tiến bộ và văn minh. Thật đáng trân trọng vì đó là tiền đề để có thể thay đổi.

Nhưng sự “ngưỡng mộ” của dân ta quả có nhiều điều đáng bàn.

Trước hết, người ta ngưỡng mộ nhưng hình như chẳng mấy tìm hiểu kỹ càng mà hầu hết đều chỉ ở tình trạng “nghe người ta nói” hoặc đọc lướt qua, thậm chí chỉ dừng lại ở những tiêu đề của một số bài viết. Sự “ngưỡng mộ” một cách dễ dãi chỉ có hiệu ứng đám đông mà không hề có một chút tác dụng tích cực nào. 

Các nước tiên tiến quả thực có nhiều điều để “ngưỡng mộ” nhưng nên nhớ đất nước nào cũng còn tồn tại vô vàn các vấn đề phải giải quyết. Châu Âu hay Mỹ dù có những chính sách tốt về phúc lợi xã hội nhưng vẫn còn những khu nhà ổ chuột, những người vô gia cư; và ngay ở đó, số người bó tay chờ chết vì không đủ tiền chữa bệnh hình như cũng không phải là ít. Gần đây, người ta kể những câu chuyện ở Nhật Bản với đầy sự ngưỡng mộ: một đoàn tàu hỏa được duy trì suốt 3 năm chỉ để đón một cô bé học sinh hàng ngày tới trường; một ông cụ đã 90 tuổi nhưng vẫn mở cửa hàng vì chờ đợi một người khách đã bỏ quên túi đồ ở cửa hàng ông quay lại. Quả thật, những câu chuyện này chỉ tạo cho tôi một “hiệu ứng âm tính”. Vì sao người ta phải chi phí chắc chắn là rất lớn cho cả một đòan tàu trong khi có thể thay bằng một chuyến ô tô với tốn kém ít hơn rất nhiều lần về nhân lực và tiền bạc? Vì sao, người bán hàng già cả kia không đóng cửa hàng nghỉ ngơi, chỉ cần ông treo một tấm bìa lớn trước cửa nhà thông báo có khách bỏ quên túi? Cách này chắc chắn hiệu quả hơn vì thông tin sẽ nhanh chóng được lan truyền thay vì ông cứ âm thầm chờ đợi? Hình như những câu chuyện như thế chỉ chứng tỏ người Nhật quá máy móc, quá thiếu sáng tạo!

Nhưng quan trọng hơn, nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ trình độ văn minh của người dân nước ngoài nhưng ít người chịu thực hành sự văn minh đó để cuộc sống ở nước ta tốt đẹp hơn. Tôi đã được chứng kiến, có những người nhiều năm sống ở nước ngoài, thậm chí cả những cán bộ ngoại giao, chắc chắn trong môi trường văn minh hiện đại, họ không thể tùy tiện (vì sẽ bị phạt nặng), nhưng khi về nước, họ vẫn sẵn sàng vượt đèn đỏ hay phóng xe trên vỉa hè. Không ít người trước đám đông, luôn tỏ ra ngưỡng mộ nước ngoài để chứng tỏ tầm nhìn xa, trông rộng nhưng trong cuộc sống hàng ngày họ vẫn chen lấn, xô đẩy, vứt rác nơi công cộng, … Và rất đáng tiếc, nhiều ông bố, bà mẹ luôn miệng than phiền về thực phẩm độc hại, về nguy cơ ung thư ẩn chứa trong thức ăn hàng ngày vẫn đều đều cho con ăn, uống những sản phẩm công nghiệp đã bị lên án hay những món ăn bán ngay trước cổng trường đầy ô nhiễm. Còn nhà nước thì … chẳng nói ai cũng rõ.

Cho nên, rốt cuộc là mặc dù có rất nhiều công dân biết trầm trồ những văn minh tiến bộ của nước ngoài nhưng suốt hơn nửa thế kỷ, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi, mà ngược lại ngày càng dấn sâu vào tình trạng bán khai.

http://onggiaolang.com/nguong-mo-de-lam-gi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét