Thủ Tướng bao che cho Thanh Hóa?
Trong các đời thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc là người rất đặc biệt. Đặc biệt ở đây không phải ở trình độ, tài lãnh đạo hay ở đặc trưng tiếng quảng mà là ở phát ngôn. Chỉ mới một năm rưỡi làm Thủ tướng, một vài sai sót của ông trong phát biểu đã trở thành đề tài đàm tiếu trên mạng xã hội. Nhiều người hài ước còn gắn cho ông cái mác “Thủ tướng ma zê in”, “Thủ tướng cờ lờ mờ vờ”. Đôi khi cao hứng, ông còn nói “TP.HCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”, “tôi tin tưởng rằng bình minh đang đến với nước ta”. Và cũng có lúc văn vẻ, ông dẫn lời nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi "tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”.Những chuyện trên có thể lý giải là do sơ xuất, ngẫu hứng hay nói chỉ để truyền cảm hứng nhưng việc ông đến tỉnh nào cũng phát biểu giống nhau đến kỳ lạ thì không biết là tại sao? Chẳng hạn: TP. HCM, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Long An điều kỳ vọng trở thành đầu tàu kinh tế. Ninh Thuận trọng điểm du lịch, Quảng trị đặt hàng phát triển du lịch, Bình Thuận phát triển kinh tế xanh, Quảng Nam cần có đàn sếu đầu tư lớn, Nghệ An cần sớm trở thành đầu mối quốc tế về hàng không, cảng biển…
Và vào ngày 18/5 tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu “Thanh Hóa là một Việt Nam thu nhỏ”. Cụ thể : “Tôi khẳng định Thanh Hóa là 1 điểm kinh tế năng động của nước ta, 1 điểm đến đầy tiềm năng của nhà đầu tư, là một Việt Nam thu nhỏ có đầy đủ điều kiện để phát triển. Hãy chọn Thanh Hóa, hãy vào làm ăn ở Thanh Hóa, điều đó có thể là một hướng để các bạn tìm hiểu, ký kết đầu tư vào Thanh Hóa trong thời gian qua. Những điều kiện cụ thể của Thanh Hóa, cùng với tầm nhìn thông qua quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 sẽ giúp Thanh Hóa phát triển bền vững, ổn định và thành công nhiều hơn trong tương lai" (theo báo Người Lao Động). Tôi nhớ trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh năm 2016, chính Thủ tướng cũng khẳng định lại: Cần cơ chế mới, suy nghĩ mới cho sức bật Quảng Ninh - hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam phát triển.
Và tôi được biết năm 2015, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trong cuộc trò chuyện với nhóm PV Báo Nông nghiệp Việt Nam nhân dịp đầu năm mới đã nói, Thanh Hóa có thể ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với nhiều đặc điểm riêng biệt mà không phải địa phương nào cũng có…
Và nữa là, không chỉ có Quảng Ninh, Thanh Hóa mà Ninh Bình cũng được gọi là Việt Nam thu nhỏ. Không biết mai kia có còn tỉnh nào được gọi là Việt Nam thu nhỏ nữa không?
Tại sao Thanh Hóa không là Thanh Hóa với những đặc trưng riêng biệt, Hà Nội không đẹp theo kiểu Hà Nội sao lại cứ phải đẹp giống Pari, Sài Gòn phải có phong cách riêng của mình chứ sao phải giống Singapore. Tôi thật sự không hiểu lãnh đạo Việt Nam nghĩ gì mà lại phát biểu, định hướng như vậy. Tại sao không suy nghĩ, sáng tạo mà cứ bắt chước này nọ. Phải chăng cái thói “ăn theo nói leo”,“Học theo làm theo” đã ngấm vào máu.
Quy trở lại bài phát biểu của Thủ tướng. Không biết người khác nghĩ gì khi nghe phát biểu trên của Thủ tướng, riêng tôi, một người con Thanh Hóa, nghe mà thương cho quê hương tôi, một vùng đất được mệnh địa linh nhân kiệt đang bị tàn phá bởi những kẻ lãnh đạo bất tài, vô đức.
Đọc toàn bài phát biểu, tôi chỉ thấy Thủ tướng nói về những tiềm năng và điều kiện thuận lợi, những hứa hẹn trong tương lai chứ tuyệt không thấy nhắc đến những tồn tại, sai phạm của chính quyền cũng như cuộc sống cơ cực của người dân.
Ví dụ, khi nói về nhân lực, Thủ tướng cũng khẳng định Thanh Hóa là vùng đất hiếu học, con người cần cù, thông minh, sáng tạo. Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thành tích trong khoa bảng. Nhưng Thủ tướng có biết Thanh Hóa là tỉnh đứng đầu cả nước về số sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường (Trung bình 25.000 người/năm).
Thanh Hóa, có quá nhiều vấn đề. Đáng lẽ, Thủ tướng phải thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, sai phạm của chính quyền nơi đây. Đằng này lại chỉ nói cái hay, cái được. Như vậy có khác nào bao che!
Nói về hệ thống chính quyền, Thanh Hóa là bết bát nhất cả nước: Một xã có 500 cán bộ, một Sở có 8 phó giám đốc, bổ nhiệm thừa hàng trăm phó phòng, hàng trăm phó chủ tịch xã, thả cửa tuyển dụng giéo viên, lái xe bổ nhiệm làm chánh văn phòng… Và Thanh Hóa cũng là một trong những tỉnh có nhiều sai phạm trong quản lý đất đai nhất nước.
Và đặc biệt gần đây là vụ cô Trần Vũ Quỳnh Anh (Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng Thanh Hóa) với đường quan lộ thần tốc và khối tài sản “khủng” bất minh. Nhưng đến nay vẫn không được làm rõ, thậm chí vụ việc đang có dấu hiệu rơi vào quên lãng. Một sự việc gây bức xúc như thế, sao không thấy Thủ tướng chỉ đạo gì?
Còn nữa, trong buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh Thanh Hóa, thủ tướng đánh giá cao việc chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong việc thu ngân sách vượt mức. Nhưng Thủ tướng có biết người dân xứ thanh chúng tôi vừa trãi qua mùa sưu thuế hãi hùng như thế nào không?
Tôi tin là Thủ tướng biết những vấn đề tôi vừa nêu trên, vì ông đã từng tuyên bố “Đừng nghĩ là Thủ tướng không biết cưa đôi tôi cũng biết'”.
Vậy tại sao biết nhưng không nói, không làm?
Thiên Luân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét