Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

FLC còn dám ngông cuồng trước tuyên bố của Thủ tướng?

Liệu FLC còn dám ngông cuồng trước tuyên bố “cương quyết xử lý” của Thủ tướng?
Sau khi thực hiện hàng loạt các vụ “cướp đất” ở khắp các tỉnh thành, mới đây FLC (Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT) lại thông báo sẽ đầu tư 5.000 tỷ vào quần thể du lịch sinh thái thứ 7 tại Nghệ An. Trong khi đó, hàng loạt các vụ bất tuân pháp luật của tập đoàn này tại Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Nội đến giờ vẫn chưa được chính quyền địa phương giải quyết ổn thỏa khiến chính Thủ tướng phải ra mặt tuyên bố “cương quyết xử lý”. Mặc cho những tai tiếng của FLC đã không ngừng bị vạch trần trong thời gian qua, dường như chính quyền địa phương các tỉnh đã bất lực trước “con ngựa bất kham” này.

FLC của Trịnh Văn Quyết còn dám ngông cuồng 
trước 
tuyên bố “cương quyết xử lý” của Thủ tướng?
Bất bình trước hành vi “nuốt trọn” hàng trăm ha đất nông nghiệp, đầu tháng 5 vừa qua, rất nhiều người dân xã Vĩnh Thịnh và An Tường (Vĩnh Phúc) đã viết đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban ngành để cầu cứu.

Theo kiến nghị của người dân, FLC vẫn tiếp tục chiêu bài cũ là vẽ ra dự án “trồng trọt và chăn nuôi”, ngành nghề mà người dân hết mực đồng lòng vì không làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và môi trường. Sau đó FLC cố tình chuyển đổi mục đích sử dụng, liên tục xây dựng công trình vui chơi giải trí cho giới thượng lưu và được UBND huyện Vĩnh Thịnh cho phép chuyển đổi, thậm chí là “phớt lờ” cho Tập đoàn này triển khai dự án khi chưa được phê duyệt quy hoạch, chưa có quyết định thu hồi đất.

Trong thư gửi Thủ tướng, người dân Vĩnh Phúc bức xúc về việc UBND tỉnh đã trao dự án 256 ha cho Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, và còn “trù dập, đe dọa ép phải bán đất, dùng loa phát thanh thông báo thu hồi đất trong khi người dân vẫn chưa biết bán đất với mục đích gì?”.

Năm 1993, người dân xã Vĩnh Thịnh được Nhà nước giao đất nông nghiệp quỹ 95% theo Nghị định 64. Khu vực đất nông nghiệp này mặc cho người dân làm đơn xin nhận quyền sử dụng để canh tác, chính quyền tỉnh đều ậm ừ làm ngơ, trong khi dự án của FLC xây dựng công trình vi phạm các quy định của Luật Đất đai, vi phạm trình tự, thủ tục đầu tư dự án thì lại được chính quyền nhanh chóng bàn giao. Tuy nhiên, khi phải giải trình về hành vi “thiên vị” của mình đối với FLC, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại vịn cớ “muốn đưa Vĩnh Phúc phát triển, không để người dân sống trong môi trường ô nhiễm cả người và bò sống chung” để xảo biện cho hành vi hợp pháp hóa sai phạm cho FLC.


Vĩnh Phúc quyết “hy sinh” ngành bò sữa để ưu tiên cho dự án của FLC

Trong khi đó, người dân Vĩnh Phúc khẳng định họ không hề đồng thuận việc giao đất cho FLC và “làm ruộng, chăn nuôi tuy vất vả nhưng đó là mồ hôi xương máu, và gắn bó về lâu dài, họ không thể sống khi thiếu đất nông nghiệp được”. Là người đứng đầu một tỉnh, hẳn các vị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc hiểu rằng “muốn quy hoạch đất trước hết cần phải hợp pháp, thứ hai là phải hợp lòng dân”. Việc cưỡng chế thu hồi đất đã là vi phạm pháp luật, hơn nữa việc hy sinh ngành chăn bò để đổi lấy du lịch hoàn toàn không phù hợp nguyện ý của người dân Vĩnh Phúc. Chính vì vậy mà người dân nơi đây buộc phải cầu cứu tới Thủ tướng khi bị chính FLC và lãnh đạo tỉnh đẩy vào đường cùng.

Việc lãnh đạo Vĩnh Phúc vì FLC mà sẵn sàng đi ngược lòng dân làm người ta nhớ tới một vị lãnh đạo khác ở tỉnh Thanh Hóa, đã bán đứng dân nghèo, bắt tay với FLC đẩy dân đến cùng quẫn, khiến ngư dân Sầm Sơn phải đứng lên biểu tình để đòi quyền lợi. Bài học về sự lầm than của người dân xứ Thanh chưa đủ sáng để cảnh tỉnh các vị, hay ông Bí thư Thanh Hóa với khối tài sản kếch xù mới là “tấm gương” đáng noi theo? Và việc Thủ tướng phải đứng ra lên tiếng yêu cầu làm rõ việc bán ‘đất vàng’ với ‘giá bèo’ ở Thanh Hóa vẫn chưa đủ làm các vị lãnh đạo Vĩnh Phúc e dè?


“Hiểm họa “bom bùn” từ FLC Hạ Long”

Trước khi xảy ra vụ gửi đơn cầu cứu của người dân Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng từng phải đích thân ra mặt yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh dừng việc thi công dự án Halong bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long) để thực hiện đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

Việc dừng thi công là điều tất yếu bởi dự án này đã gây ra hiểm họa “bom bùn” liên tục cho người dân TP.Hạ Long vì vấn nạn “sạt lở đất đồi” vào giữa năm 2016. Sự việc này làm dấy động dư luận vì lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã bất chấp mọi giá để thu hút đầu tư, không “mạnh tay” để FLC làm sai thi công ẩu, đẩy thiệt hại sang cho người dân gánh.

Tại thời điểm đó, UBND TP Hạ Long, Bộ Tài nguyên Môi trường đã ra quyết định đình chỉ dự án, nhưng FLC vẫn chây lỳ, hàng ngày vẫn cho máy xúc đào bới, máy móc cần cẩu hoạt động hết công suất, cố gắng hoàn thành cho nhanh các công trình đẩy chính quyền địa phương vào thế “việt vị”, chấp nhận cảnh đã rồi. Điều này khiến các hộ dân rơi vào tình cảnh “thấp tha thấp thỏm” vì sợ bùn đất, vật liệu xây dựng tràn xuống đe dọa tính mạng, vừa sốt ruột cho hoa màu thiệt hại gây thất thu nặng nề.

Công văn chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với Dự án FLC Hạ Long

Việc ra mặt của Phó Thủ tướng cho thấy mức độ nghiêm trọng trong việc coi thường kỷ cương, phép nước của FLC, cũng như sự tê liệt của chính quyền địa phương tỉnh. Cái sai hiện rõ như vậy, tại sao lãnh đạo tỉnh vẫn không thể cưỡng chế, thu hồi, đình chỉ? Rõ ràng, FLC càng ngông cuồng thì vai trò của chính quyền sở tại càng bị hạ thấp, thậm chí là không xem ra gì. Phải chăng đó là lý do đến nay FLC đi tới đâu thì sai phạm nườm nượp kéo theo tới đó?

Sự lộng hành của FLC lên đến tận cùng là ở ngay dự án cao ốc 18 tầng nằm ngay giữa thủ đô Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan đầu não của đất nước. Tòa nhà HH02 nằm trong Dự án FLC Garden City mặc dù chưa được cấp phép xây dựng, chính quyền quận Nam Từ Liêm 5 lần 7 lượt lập biên bản về hành vi thi công trái phép nhưng FLC vẫn coi như không, thậm chí là thi công đến 18 tầng bất chấp sự giám sát quản lý của chính quyền sở tại.


Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng khẳng định sẽ cương quyết xử lý theo quan điểm của Thủ tướng đối với công trình 18 tầng không phép của FLC Garden.

Không biết chính quyền địa phương từ cấp quận tới thành phố có thực sự nghiêm trị vi phạm hay không, mà đến nay FLC Garden City vẫn “bình yên vô sự”? Liệu FLC đang nắm trong tay thứ “vũ khí gì” (quyền lực chính trị hay khả năng tài chính) mà có gan lộng hành bất cứ nơi đâu ngay cả khu vực trung tâm hành chính của quốc gia? 

Tuy nhiên, tội lớn tày đình của FLC đã đến tai các vị lãnh đạo phía trên, theo đó Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng mới đây khẳng định chắc nịch rằng sẽ cương quyết xử lý theo quan điểm của Thủ tướng đối với công trình 18 tầng không phép của FLC Garden.

Chưa từng có tập đoàn nào mang nhiều tai tiếng vì những sai phạm nghiêm trọng và buộc chính các lãnh đạo cấp cao ra mặt xử lý như FLC. Với tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng được đẩy mạnh như hiện nay thì việc FLC rơi vào tầm ngắm xử lý là điều tất nhiên xảy ra. Mặc dù liên tục bị “điểm mặt chỉ tên”, FLC vẫn đang hoành hành và có ý định xâm nhập vào Nghệ An, cảnh mất đất, mất việc phải chăng sẽ một lần nữa lặp lại đối với dân nghèo xứ Nghệ?

Nguồn: Thanh Niên / Giáo Dục / CAND
(Blue. VN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét