Đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng bất thường!
Cát Linh, phóng viên RFA
2017-05-08 Tôi nghĩ là dùng công nghệ rác như vậy thì chẳng có gì có lợi cho Việt Nam cả. Có thể nó rẻ hơn và Việt Nam thấy lợi nhưng nó tàn phá môi trường và không đưa đến một sự phát triển công nghệ nào ở Việt Nam cả”. Người dân Việt Nam có lẽ vẫn chưa quên câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người chủ trì cuộc hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường từng nhấn mạnh: “Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”. Tuy nhiên giữa lời nói và việc thực thi của các lãnh đạo Việt Nam lâu nay từng được chứng minh có một khoảng cách quá lớn!Cơ quan chức năng Việt Nam cho biết nguồn vốn của Trung Quốc đưa vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Có quan ngại cho rằng nguồn vốn được đưa sang Việt Nam dưới dạng công nghệ cũ không còn được dùng ở Hoa Lục nữa.
Đẩy sang Việt Nam công nghệ cũ
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam vào ngày 2 tháng 5 cho biết vốn góp mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp Việt từ đối tác Trung Quốc tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2017. Số vốn này nằm trong kế hoạch chuyển giao công nghệ cũ sang các nước nhận đầu tư.
Báo trong nước dẫn lời của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội – VEPR) cho biết số vốn đầu tư của Trung Quốc là bước đi nằm trong kế hoạch chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và máy móc cũ sang các nước nhận đầu tư. Quá trình này được chính phủ Trung Quốc ủng hộ, đặc biệt ở các ngành như may mặc, sắt thép, thuỷ điện, khai khoáng và sản xuất điện tử.
Các công ty của Trung Quốc nó thấy điện, xăng ở Việt Nam rẻ thì nó muốn vào đầu tư, mà như thế thì Việt Nam phải bỏ chi phí rất nhiều để bù lỗ.
- Tiến sĩ Vũ Quang Việt
Nói về tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh sắt thép của Việt Nam nói riêng những năm vừa qua, Tiến sĩ Vũ Quang Việt đưa ra nhận xét về việc cổ phần hoá:
“Những công ty chẳng hạn như khai thác thép, than hoặc những gì liên quan đến tài nguyên đều ở dạng lỗ vốn. Cho nên chính sách của Việt Nam vừa rồi là cổ phần hoá. Mà cổ phần hoá có nghĩa là bán cổ phần ra thị trường, thì người Trung Quốc họ vào họ mua. Mà lúc này, Trung Quốc là quốc gia có vốn rất nhiều.”
Về phía Trung Quốc, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Kinh tế gia của Liên Hiệp quốc cho biết chính sách hiện nay của Trung Quốc là đóng cửa các nhà máy làm sắt thép để giảm ô nhiễm môi trường.
“Thì trong những trường hợp như vậy họ sẽ đẩy những nhà máy họ muốn vứt đi sang Việt Nam.”
Lý do chính
Theo Trang thông tin điện tử Đầu Tư Nước Ngoài, trong Quý I năm 2017 có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 823,6 triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Sự gia tăng đầu tư đáng kể này, theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt chính là do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP.
“Một trong những lý do mà Trung Quốc mua vào nhiều vì họ nghĩ là trong thời gian TPP được thông qua thì có nghĩa là họ sẽ có lợi ích rất lớn để xuất khẩu hàng hoá từ Việt Nam sang Mỹ. Nhưng TPP bây giờ không có, thì vấn đề họ tiếp tục nhiều hay không thì là chuyện khác. Tương lai thì mình chưa rõ.”
Đưa thêm một lý giải khác về sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong các ngành liên quan đến khai thác, chế tạo từ công nghệ khai thác, chế tạo, Tiến sĩ Vũ Quang Việt nhận xét nền công nghệ này đòi hỏi dùng năng lượng rất nhiều, từ xăng, đến điện.
“Các công ty của Trung Quốc nó thấy điện, xăng ở Việt Nam rẻ thì nó muốn vào đầu tư, mà như thế thì Việt Nam phải bỏ chi phí rất nhiều để bù lỗ. Đó là một trong những lý do mà Trung Quốc muốn sang.”
Báo Đầu tư Chứng khoán trong nước vào tháng 11 năm 2016 có lược dịch tin từ Bloomberg cho biết các trung tâm công nghiệp phía bắc Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm hoạt động đối với các nhà máy sản xuất dược phẩm, nhà máy thép và một số nhà máy khác nhằm nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Chính quyền thành phố Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc thông báo, cho đến cuối năm 2016 sẽ cắt giảm sản lượng đầu ra của nhà máy nhiệt điện, đóng cửa hoạt động sản xuất của tất cả các ngành công nghiệp, bao gồm thép và xi măng.
Báo Thanh niên trích dẫn từ Channel News Asia cho biết Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã quyết định và công bố danh sách 29 công ty thép sẽ bị đóng cửa.
Ngay dưới bài báo này, đưa tin ngày 27 tháng 4 năm 2017, một độc giả bình luận rằng: “Mong Nhà Nước không cấp phép cho các nhà đầu tư VN nhập lò nấu thép rác của TQ về VN.”
Theo Tiến sĩ Vũ Quang Việt, Trung Quốc có đưa những nhà máy đó về Việt Nam hay không là do Việt Nam có cho phép hay không?
Câu trả lời đã thể hiện trong báo cáo của Bộ Kế Hoạch Đầu tư khi cho biết mức tăng từ vốn góp mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam từ đối tác Trung Quốc tăng mạnh trong Quí I năm 2017.
Trong 4 tháng đầu năm ngoái số vốn mà nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra mua cổ phẩn doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 21 dự án, nhưng so với cùng kỳ năm nay có hơn 256 dự án.
Không khuyến khích công nghệ rác
Cũng có ý kiến nói rằng việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, với 256 dự án trong 4 tháng đầu năm là do sức ép từ tham gia WTO, kinh tế nhà nước phải mở cửa xuất nhập khẩu
Không đồng ý với nhận định trên, Tiến sĩ Vũ Quang Việt đưa ra phản biện:
Làm sắt thép là đem rác từ Trung Quốc sang, sau đó làm ô nhiễm môi trường, nhà máy không chuẩn mực thì đương nhiên có hại cho Việt Nam.
- Tiến sĩ Vũ Quang Việt
“Tất cả những cái đó không liên quan gì đến vấn đề gọi là thực chất của đầu tư bán cổ phiếu cả. Một nước như Việt Nam nếu không muốn Trung Quốc đầu tư vào thì hoàn toàn có thể cấm. Đó là quyền của Việt Nam.”
Mặc dù không phủ nhận rằng Việt Nam cần nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài trong lúc này, nhưng ông cũng nhấn mạnh:
“Có thể Việt Nam vẫn cần nhưng cần là cần cái tốt chứ không phải cái xấu.”
Theo ông, Bộ Kế hoạch Đầu tư và cả Chính phủ “cần phải có chính sách rõ ràng để khuyến khích đầu tư công nghệ mới chứ không phải công nghệ rác”. Cho nên, nhận định về số vốn đầu tư của Trung Quốc trong kế hoạch chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và máy móc cũ sang các nước nhận đầu tư, ông bày tỏ mối lo ngại về vấn đề môi trường môi sinh ở Việt Nam.
“Làm sắt thép là đem rác từ Trung Quốc sang, sau đó làm ô nhiễm môi trường, nhà máy không chuẩn mực thì đương nhiên có hại cho Việt Nam.
Tất cả những sai lầm có thể xảy ra đó là do Việt Nam cho phép xảy ra chứ đâu phải tự động Trung Quốc nhảy vào?
Tôi nghĩ là dùng công nghệ rác như vậy thì chẳng có gì có lợi cho Việt Nam cả. Có thể nó rẻ hơn và Việt Nam thấy lợi nhưng nó tàn phá môi trường và không đưa đến một sự phát triển công nghệ nào ở Việt Nam cả”.
Người dân Việt Nam có lẽ vẫn chưa quên câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người chủ trì cuộc hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường từng nhấn mạnh: “Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”. Tuy nhiên giữa lời nói và việc thực thi của các lãnh đạo Việt Nam lâu nay từng được chứng minh có một khoảng cách quá lớn!
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/abnormal-increase-of-cn-invest-in-vn-05082017074001.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét