Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Tại sao các tổ chức chính trị chia rẽ?

Tại sao các tổ chức chính trị chia rẽ?
Trần Xuân Hoàng - " Sức mạnh của tổ chức thể hiện ở chổ các thành viên hiểu biết nhau, theo đuổi cùng một mục tiêu, chia sẽ những giá trị chung, sử dụng cùng một ngôn ngữ, và có cách suy nghĩ gần giống nhau. Từ đó, các thành viên dễ đi đến một quan điểm chung trước cùng một vấn đề và hành động chung một cách nhanh chóng và hiệu quả".
Image result for Tại sao các tổ chức chính trị chia rẽ?
Có một thực tế đáng buồn là các tổ chức chính trị của Việt Nam thường không lớn và rất chia rẽ nội bộ. Lý giải điều này thật không dễ chút nào, nhưng có lẽ mỗi chúng ta cần mạnh dạn đưa ra những kiến giải của mình để cùng thảo luận, hòng soi rọi vấn đề nhức nhối nhất của đối lập dân chủ. Trên tinh thần đó tôi cũng mạnh dạn đưa ra kiến giải của mình mong mọi người cùng thảo luận. Dĩ nhiên, trong bài này tôi chỉ nói về sự chia rẽ của những người có thiện chí thực sự với phong trào dân chủ Việt Nam.

Theo tôi, chúng ta không có tổ chức mạnh vì chúng ta không thật sự hiểu những khái niệm, những giá trị mà chúng ta đang theo đuổi; chúng ta đã xác định cuộc đấu tranh của chúng ta phải bằng phương pháp bất bạo động, như vậy, vũ khí chính của chúng ta là tư tưởng, lý luận. Ông Nguyễn Gia Kiểng có một tổng kết theo tôi là rất đúng rằng: "mọi lý luận đều dựa trên nền tảng là các tiền đề". Mà tiền đề trong lý luận chính trị là các khái niệm chính trị, cũng như tiền đề căn bản nhất trong toán học là các phép tính; chúng ta không thể giải phương trình, dù là phương trình bậc nhất một ẩn khi mà cộng trừ nhân chia chưa thành thạo.

Trước hết là về đa nguyên, chúng ta cho rằng một người đấu tranh cho dân chủ đa nguyên có nghĩa là muốn nói gì cũng được, bất chấp lập trường của tổ chức. Trong khi, theo tôi, đa nguyên phải được nhìn trong toàn cảnh rộng lớn của xã hội trong đó mỗi tổ chức chỉ là "một cái nguyên" trong rất nhiều "cái nguyên" khác. Từ "cái nguyên" của đảng cầm quyền cho đến những "cái nguyên" của các tổ chức khác nhau. Như vậy, một người khi đã tham gia vào một tổ chức thì không được nói ngược với những điều đã ghi trong dự án chính trị, hoặc cương lĩnh của tổ chức mà người đó đã long trọng tuyên bố tán thành. Nếu trong một tổ chức mà các thành viên phát biểu mâu thuẫn với nhau thì tổ chức đó không còn là "một cái nguyên" nữa. Nếu không tán thành với lập trường căn bản của tổ chức tại sao lại đồng ý gia nhập? Dĩ nhiên, trong một tổ chức dân chủ đa nguyên thực sự, "đa nguyên cục bộ" (hay "vi đa nguyên"), nghĩa là những khác biệt nhỏ trong nội bộ giữa các thành viên được chấp nhận, nếu những khác biệt này không trái với lập trường căn bản của tổ chức.

Như vậy mỗi người khi tham gia vào một tổ chức phải nỗ lực làm cho "cái nguyên" của mình mạnh lên. Muốn vậy, phải tìm hiểu, phải thảo luận rốt ráo những giá trị mà mình theo đuổi; phải hiểu cái gì đã khiến mọi người đến với nhau trong một tổ chức. Nghĩa là, phải thống nhất được tư tưởng và ngôn ngữ nếu không tổ chức sẽ chia rẽ, suy yếu không còn sinh lực để đối phó với những "cái nguyên" khác. Chúng ta phải xác định rằng, chúng ta không thể kết hợp với nhau vì những mục tiêu chống cộng hay dân chủ chung chung, vì những người chống cộng cũng có thể rất ghét nhau, những người đấu tranh cho đân chủ cũng có thể không muốn nhìn mặt nhau. Chúng ta phải xác định rằng, chúng ta đến với nhau vì cùng chia sẽ một tư tưởng chính trị, để tạo thành một khối sức mạnh, để chống lại đối thủ bên ngoài chứ không phải tập hợp lại để thể hiện sự khác biệt, để chống nhau. Trước khi gia nhập một tổ chức, mỗi người phải tìm hiểu thật kỹ, phải xác định rằng mỗi tổ chức là một môi trường tư tưởng, môi trường văn hóa riêng biệt, để xem mình có thích ứng với tư tưởng, với văn hóa đó không, nếu không, sẽ sớm thất vọng sau khi gia nhập.

Tương tự như vậy nhiều người vẫn nghĩ rằng tự do là không chịu một sự định hướng nào, không chịu một ràng buộc nào. Như vậy nó sẽ mâu thuẫn với tổ chức vì tổ chức nào cũng có tinh thần riêng, có mục tiêu, phương pháp hành động để đạt mục tiêu, nghĩa là phải có định hướng về tư tưởng và hành động. Và, tổ chức nào cũng phải có quy ước sinh hoạt, nó là "pháp luật" của tổ chức mà mọi người phải cam kết tuân thủ khi gia nhập. Thật ra, tự do cũng phải được hiểu trong không gian rộng lớn hơn, đó là không gian xã hội, trong đó mỗi cá nhân được quyền tự do lựa chọn tổ chức (hay "cái nguyên") cho mình. Mỗi người khi đã tham gia vào một tổ chức, đặc biệt là tổ chức chính trị, đều phải xác định là phải hy sinh một phần tự do cá nhân để đóng góp cho tổ chức, đây là cái bắt buộc, cái tất yếu mà những người dấn thân phải chấp nhận. Nếu không, sẽ không có một tổ chức nào có thể tồn tại, phát triển được, mà đấu tranh chính trị bao giờ cũng là cuộc đấu tranh giữa các tổ chức. "Tự do là cái tất yếu được nhận thức" (Georg Wilhelm Friedrich Hegel), khi đã nhận ra cái tất yếu này, mỗi người sẽ gắn bó với tổ chức một cách tự nhiên mà không cảm thấy bó buộc nào, nghĩa là vẫn cảm nhận rõ rệt mình là người tự do. Một người bạt mạng như Donald Trump, nhưng khi đã bước vào chính trường cũng phải nằng nặc phân bua cho những lời khiếm nhã trong quá khứ, chứ không thể nhân danh tự do để cho rằng mình được nói vậy. Đây cũng là điều mà những người hoạt động chính trị chân chính đáng được tôn vinh, họ đã hy sinh quyền tự do cá nhân để cho xã hội có được tự do ở mức tối đa.

Tôi hiểu những người đã sống dưới chế độ độc tài quá lâu nên tâm lý lo sợ nếu chấp nhận sự định hướng theo tổ chức, theo lãnh đạo sẽ tạo tiền đề cho sự độc tài. Lo lắng này là chính đáng nhưng chúng ta cũng cần đặt đúng bối cảnh để không có những kết luận cực đoan.

Hiện nay, những người lãnh đạo của những tổ chức đối lập chân chính là những người có khát vọng dân chủ hóa thành công hơn ai hết. Nên chắc chắn rất muốn lắng nghe những ý kiến đúng đắn, chứ không thể coi trọng ý kiến này hay xem nhẹ ý kiến khác, hoặc chỉ nhất nhất theo ý mình.

Sau này, khi đất nước có dân chủ, một tổ chức nếu dành được vai trò cầm quyền sẽ chịu rất nhiều chỉ trích, phản biện từ nhiều tổ chức đối lập, cũng như từ các trí thức độc lập trong môi trường tự do; bị ràng buộc bởi rất nhiều định chế phức tạp dưới chế độ dân chủ đa nguyên, chứ không thể tự tung, tự tác như đảng cộng sản. Nếu chế độ cộng sản cáo chung, đất nước lại phải chịu đựng một chế độ độc tài khác, thì nguyên nhân từ những yếu tố khác chứ không phải vì chúng ta có tổ chức thống nhất về tư tưởng và hành động. Tất nhiên chúng ta cũng phải biết chọn tổ chức đã có bề dày lịch sữ, đã được thử thách qua thời gian hoạt động chứng tỏ được khả năng cũng như sự lương thiện của người lãnh đạo.

Ngoài những lo lắng trên, chúng ta sợ sự định hướng, còn vì chúng ta sống dưới chế độ cộng sản quá lâu, trong đó định hướng được áp đặt cho toàn dân. Thật ra, nếu đảng cộng sản chỉ định hướng cho các đảng viên của họ thì không có gì sai trái cả. Trước khi vào đảng, các đảng viên đều được quán triệt là phải trung thành với chủ nghĩa cộng sản; chấp hành điều lệ đảng. Vấn đề là họ bắt toàn dân phải phục tùng cái chủ nghĩa của họ; rồi cụm từ "định hướng xã hội chủ nghĩa" được chế độ đưa ra tra tấn tai óc hàng ngày khiến chúng ta sợ hãi nó. Chế độ cộng sản đã gây tác hại lên nhiều mặt của đời sống dân tộc, trong đó có ngôn ngữ, nhiều từ tự thân nó không xấu đã trở thành xấu, tiêu cực như: chủ nghĩa cá nhân, thỏa hiệp, định hướng, v.v., chúng ta phải vượt lên cái di sản tai hại này.

Chế độ dân chủ chỉ vận hành được nếu mọi người tuân thủ đồng thuận, cam kết, luật chơi được soạn thảo minh bạch từ trước. Những người khi đã tham gia tổ chức rồi lại lạnh lùng xé bỏ khế ước do mình tự do lựa chọn nhân danh tự do, đa nguyên thực ra là đã vi phạm nguyên tắc dân chủ.

Khi tham gia một tổ chức đối lập dưới chế độ độc tài, chúng ta không được gì cụ thể cả, nếu nhìn một cách thực tiễn, ngoài những phiền toái và cả nguy hiểm. Do vậy, nếu không hiểu những giá trị mà mình theo đuổi cũng có nghĩa là không có một lý tưởng rõ ràng (lý tưởng là sinh chất nuôi dưỡng hoài bảo), chúng ta sẽ rất mệt mỏi, rất khó đi hết con đường mà mình đã chọn.

Trên đây là kinh nghiệm cá nhân của một người đã tham gia tổ chức, đã chứng kiến những cãi vã nội bộ và để kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời ông Nguyễn Gia Kiểng, một người có nỗ lực bền bĩ trong nhiều năm cổ xúy cho văn hóa tổ chức: " Sức mạnh của tổ chức thể hiện ở chổ các thành viên hiểu biết nhau, theo đuổi cùng một mục tiêu, chia sẽ những giá trị chung, sử dụng cùng một ngôn ngữ, và có cách suy nghĩ gần giống nhau. Từ đó, các thành viên dễ đi đến một quan điểm chung trước cùng một vấn đề và hành động chung một cách nhanh chóng và hiệu quả".

Trần Xuân Hoàng
(Việt Nam, tháng 2-2017)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét