Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Phát rồ về ‘chiếc bánh chưng vô cùng kỳ vĩ’

Nghĩ lan man về ‘Những chiếc bánh chưng vô cùng kỳ vĩ’
Chủ Nhật, 05/02/2017, Ở Nghệ An người ta lại làm cặp bánh chưng nặng 7 tạ dâng lên thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cái cảm giác đầu tiên cảm nhận được, đó là sự phản cảm chứ chẳng có gì kính cẩn, hoành tráng. Một lần nữa, cái tư duy thành tích, tư duy hình thức, lại trở về.
Trước cái bánh chưng to, chỉ thấy con người nhỏ lại.
Chợt nhớ lại câu thơ trong bài “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam, người Hà Tĩnh, xưa kia từng cùng tỉnh với Nghệ An:
“Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kỳ vĩ…”


Trước bài thơ này của cô giáo Lam, người ta cũng đã chỉ trích, thậm chí đã chê cười những cái thứ “to nhất” như thế này nhiều rồi. Đó là đòn bánh tét dài hàng chục mét, là chiếc bánh chưng khổng lồ 2,5 tấn, là ly cà phê to như cái bể chứa 3.600 lít, là tô phở vĩ đại, là cái bánh xèo to nhất thế giới, là chai rượu khủng cao 5,2m, rót ra được cả trăm ngàn ly…

Cái nào cũng to tướng, vượt quá cái bình thường đến mức khác thường, mà ngôn ngữ thơ của cô giáo Hà Tĩnh dùng là “kỳ vĩ”, quả thật vô cùng chính xác. “Kỳ vĩ”, nó là tính từ, chỉ đặc điểm tính chất, có yếu tố tượng hình. Thông thường cái gì kì vĩ thì làm cho người ta choáng ngợp. Và trường hợp này, cũng choáng ngợp thật. Nhưng yếu tố “choáng” nhiều hơn. Chữ “kỳ vĩ” trong câu thơ của cô giáo đã có một hàm ý mỉa mai.

Hẳn những người đã nỗ lực làm ra những chiếc bánh chưng khổng lồ khiến thế giới cũng… lắc đầu bái phục, đã không hiểu gì về ẩm thực, về văn hóa ẩm thực Việt. Người Việt không phải tộc người phàm ăn, mà là người tinh ăn, tức là ẩm thực tinh tế. 

Người viết không phải nhà nghiên cứu văn hóa, ẩm thực lại càng không, nhưng đại khái nôm na biết rằng, các món ăn của người Việt hàm chứa rất nhiều tinh hoa, từ văn hóa đến y học, đến triết lý, thậm chí cả triết học. Ví dụ cụ thế như trứng vịt lộn thì phải ăn với rau răm, để bổ sung và khắc chế, hài hòa nóng/lạnh – âm/dương. Ấy vậy mà là sự hòa hợp đặc biệt, hương và vị của 2 thứ này lại quyện chặt với nhau không tách rời, đến độ ăn trứng vịt là buộc phải nghĩ ngay đến rau răm, còn vô tình ngửi trúng mùi rau răm là nhớ ngay trứng vịt lộn.

Phải vài chục thanh niên oằn lưng dưới mưa để khiêng cặp bánh chưng này. Không rõ cụ bà Hoàng Thị Loan nếu thấy cảnh này, có còn vui mà hưởng không? Ảnh: P.H.

Còn bánh chưng/bánh dày, là lòng biết ơn của con người không những đối với tổ tiên, mà còn cả đối với thiên nhiên trời đất, là nơi con người cũng từ đó mà được sinh ra. Bánh dày hình tròn, bánh chưng hình vuông. Tượng trời tròn đất vuông, là một trong những yếu tố cốt lõi của triết học phương Đông, bên cạnh những yếu tốc khác như âm dương và ngũ hành, mà tiền nhân của chúng ta đã xây dựng nên (hoặc có thể nói là đã phát hiện) từ thuở hồng hoang. Chưa hết, trong chiếc bánh của hoàng tử Lang Liêu còn chứa đựng biết bao ân tình, bao nhiêu lòng biết ơn đối với muôn loài, vạn vật, là những thứ đã nuôi sống con người. Nếp/gạo là thứ lương thực quan trọng nhất nuôi sống con người. Trong nhân bánh có đậu, có thịt, là các thứ thực phẩm, cỏ cây muông thú. Ngoài gói bằng lá chuối/lá dong, cho thấy sự chở che, nuôi dưỡng, bảo bọc lớn lao từ thiên nhiên đối với sự sống con người.

Hình tượng chiếc bánh là vậy, nó khái quát được những của cải, giá trị của thiên nhiên và công sức của con người dành cho con người . Và nó được dâng lên bàn thờ cúng trời đất, thờ cúng tổ tiên vào những thời khắc quan trọng nhất của đất trời, của quốc gia, hoặc của mỗi gia đình. Đó là hành động đáp lễ, tạ lễ, ghi ơn và trả ơn.

Hẳn là hồi đó gạo nếp cũng không thiếu để hoàng tử Lang Liêu làm cái bánh to bự tổ chảng. Nhưng ông đã không làm vậy. Bởi vua Hùng cũng không phải người ham to. Và bởi cái cung cách ăn uống của người Việt xưa không phải dạng phàm phu tục tử. Cứ xem dụng cụ ăn thì thấy. Người Việt dùng đũa, thức ăn gắp vào cái chén nhỏ. Đôi đũa không thể kẹp một cái gì to bự. Nó khác cái nĩa của phương Tây. Cái nĩa thì xiên và nâng lên được bất cứ cục thịt nào, kể cả nặng đến cả ký! Điều đó đã thấy một nét văn hóa đặc biệt trong ẩm thực Việt. Hoặc có thể thấy, cục thức ăn có thể là to nhất trong các món ăn của người Việt là cục thịt kho trứng vịt. Nó được xắt vuông, nhưng mỗi bề cũng chừng vài ba cen-ti-mét, nhỏ hơn quả trứng vịt. Trong khi đó người ta có thể thấy, trên đĩa thức ăn của người phương Tây có khi là một tảng thịt lớn, hoặc có khi nguyên cả một con gà, một cái đùi cừu không cần chặt ra!

Trong nhiều lý giải, ngoài lý giải về các yếu tố như văn hóa ẩm thực, thì có thể nói, một trong những nguyên nhân khá đơn giản là người Việt thuộc tộc người nhỏ con, không ăn nhiều và… ăn to được. Như đã nói, trong huyền sử Việt Nam, chỉ có hai nhân vật ăn khỏe, ăn to, đó là thánh Gióng và Lê Phụng Hiểu. Thánh Gióng thì ai cũng biết rồi. Còn Lê Phụng Hiểu là là một đại tướng nhà Lý, phụng sự ba triều vua đầu tiên của nhà Lý đó là vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông. Ông là người có công rất lớn trong việc phò vua Lý Thái Tông tức Lý Phật Mã lên ngôi. Ông nổi tiếng sức khỏe địch muôn người, một mình đánh bại cả một làng, ném đao xa mười dặm. Tương truyền ông ăn khỏe đến mức một mình ăn hết mấy mâm cỗ.


Có cả múa lân, cờ đèn kèn trống và loa phóng thanh nữa. Ảnh: Dân Trí

Nhưng đó là trường hợp ngoại lệ.

Những người to khỏe và làm nhiều việc như vậy thì ăn to ăn khỏe đã đành, chứ tổ tiên ông bà đâu cần ăn nhiều, ăn to đến vậy! Lại càng nên nhớ, ông bà ta từ xưa đến nay luôn quan niệm, cách “ăn” của người chết là hưởng cái hương. Như thế, phong tục Việt Nam mới có cây nhang đốt cho người chết, cho ông bà. Mà đã là hưởng hương hoa thì có gì phải cần vật to bự. Bởi chỉ cần là hương thôi mà. Chữ hiếu là lòng thành, chứ không phải của cải vật chất. Ngày cha mẹ còn sống mà đối xử không ra gì, khi cha mẹ mất đi làm con heo to mà cúng, mà khóc, thì cũng vô nghĩa mà thôi.

Vậy thì làm cái bánh bự chảng để làm gì, nếu không phải vì thành tích, vì sự khoe mẽ của người sống?
Hễ cứ đụng đến đồ ăn thức uống là cái nào cũng to tướng! Câu tục ngữ mới “Việt Nam ham to” mới xuất hiện sau năm 1975, hóa ra lại có cái để chứng minh rành rẽ. Cứ nhìn vào đó, người có tự trọng lại cứ thấy mắc cỡ chứ chẳng có chút tự hào nào. Bởi nó phản ánh cái lối nghĩ, lối làm theo kiểu “chặt to kho mặn”, ăn xổi ở thì. Nhìn vào nó, người ta thấy cái cảnh no dồn đói góp vẫn còn hiển hiện rõ ràng hôm nay. Và nó có ngay đây, ở tư duy của thế hệ lãnh đạo mới này, ở thời kỳ hoàn toàn không còn thiếu vật chất nữa.

Riêng tôi, trước cái bánh chưng khủng, tôi thấy con người trở nên nhỏ lại!

Nên nhớ, hàm lượng tri thức mới là quan trọng, chứ không phải kích thước và trọng lượng là quan trọng nữa. Software hoàn toàn không có trọng lượng nhưng nó được bán hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn và cả triệu đô la. Nên cái khuyến khích lớp trẻ hướng đến là tri thức, là hàng tinh, chứ không phải là cố làm ra những thứ mà cứ lấy vật liệu bồi đắp lên to bao nhiêu cũng được, mà chẳng hề có chút hàm lượng kỹ thuật, công nghệ, tri thức nào. Ông bà tổ tiên vẫn không muốn con cháu làm nông nghiệp theo hướng vai u thịt bắp, bán mặt cho đất bán lưng cho trời nữa. Mà phải làm nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, bán ra thế giới với giá đắt, và làm giàu.

Từ thực tế đến câu chữ của cô giáo Lam, rõ ràng ai cũng nhìn thấy đây là sự coi trọng hình thức. Lấy hình thức làm thành tích, và luôn luôn bằng mọi giá làm sao cho cái thành tích đó to bự. Điều này, cứ lật lại báo cáo các năm các nhiệm kỳ của các cơ quan từ hành chính sự nghiệp, cơ quan Đảng tới chính quyền, đến đoàn thể, đến doanh nghiệp Nhà nước, thấy ngay. Năm nào, thành tích năm sau cũng cao hơn năm trước. Đến mức thành thói quen, cái bệnh viện cũng đưa số liệu người chết năm nay cao hơn năm trước để báo thành tích. Thành tích luôn tăng cao, thế nhưng làng thôn thì vẫn èo uột, con trẻ thất học, sản xuất chập chênh, đời sống lênh đênh, nông dân phải ra thị thành làm thuê kiếm sống.

Và rồi thị thành cũng có khác gì mấy đâu. Quy hoạch giập nát, kẹt xe, ngập nước, khói bụi, cướp giật, lạnh lùng, đạo đức băng hoại, con người với con người đã không còn tin nhau. Từ cách đây hơn chục năm, TP.HCM đã có những báo cáo các điểm ngập được ít dần, bất thình lình nay chỉ còn… 1 điểm, nó cũng đã đạt thành tích điểm ngập to nhất, cũng khổng lồ đến “kỳ vĩ”, thừa tiêu chuẩn để ghi vào ghi-nét thế giới. Và ngân sách phải chi 10.000 tỷ để tiếp tục chống cái “kỳ vĩ” đó. Theo cam kết là đến tháng 4/2018 nó sẽ được chữa trị khỏi, nhưng chả rõ điều này dựa trên cơ sở nào. Đó cũng là một loại chuộng thành tích nữa. Người đang đợi xem. Bởi điều này sẽ hiển hiện ra trước mắt. Ngập là ướt, không thể giấu nhẹm để báo cáo láo được.

Quay lại một chút nữa. Chuyện các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước những năm qua gây thua lỗ, thất thoát cả hàng ngàn, chục ngàn tỷ, đến giờ nhiều người đã biết. Biết, bởi không giấu được nữa, vì nó như khối ung lâu ngày bị vỡ ra, không chống lại được, nên đành phải chịu thối mà phơi mặt. Chứ còn, chắc chắn, vẫn không thiếu những “đồng chí chưa bị lộ”, với những bản báo cáo thành tích hoành tráng, mới đọc lên cứ thấy lợi nhuận ầm ầm.

Lạ nhất là, có một điều rằng cấp trên biết cấp dưới báo cáo láo nhưng vẫn chấp nhận. Vừa chấp nhận cái thành tích giả dối, vừa tích cực tìm “giải pháp”, hoặc là giấu nhẹm hoặc là bơm tiền gỡ rối kiểu Vinachem. Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, vừa thấy các doanh nghiệp Nhà nước mới trước đó báo cáo thành tích làm ăn hoành tráng lắm, đùng cái chủ trương cổ phần hóa vừa đưa vào thực hiện, bất thình lình lăn ra chết như ngả rạ, cứ như có trận dịch! Công cuộc chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần đến nay vẫn tiến hành hoài không xong, ngoài nhiều lý do trong đó có cả lý do có những ông lãnh đạo không muốn rời ghế, thì một nguyên nhân rất quan trọng, thậm chí cốt lõi, là lòi ra thua lỗ dữ quá, nợ nhiều quá. Nợ không thu được, thua lỗ không biết từ đâu, và có những khoản không biết hạch toán vào đâu.

Đó là cái kết quả của cái sự chuộng thành tích, hình thức, giả dối vậy.

Nó không khác gì những cái bánh chưng, bánh tét, bánh xèo, ly cà phê ghi-nét kia. To bự vĩ đại, vốn không phải là đặc điểm của nó. Và, như tô phở khổng lồ ấy, sau khi trình diễn xong thì người ta đem… đổ cho heo ăn. Lý do: Không ai ăn cái đống bầy nhầy đó được. Hoặc như cái bánh tét, người ta đã độn xốp để cúng tổ tiên, một cách làm láo báo cáo lớn.

Không rõ, nếu người chết đi có linh hồn, linh hồn có linh thiêng, thì khi chứng kiến con cháu dâng những vật to tổ chảng không giống như vật mà sinh thời mà mình từng làm ra và đã từng ăn, thì tiền nhân có đủ tiết chế cảm xúc để “ăn” được không? Nếu vía cụ bà Hoàng Thị Loan anh linh, nhìn thấy cái cảnh mấy chục thanh niên oằn lưng oằn vai dưới mưa, khổ sở khiêng cặp bánh chưng 7 tạ lên núi nơi bà nằm ngự, thì bà có cam lòng mà hưởng cái bánh ghi-nét này không?

Đặng Vỹ
http://nhaquanly.vn/nghi-lan-man-ve-nhung-chiec-banh-chung-vo-cung-ky-vi-d10120.html

1 nhận xét:

  1. Sao không có bánh chưng bự cúng mẹ trọng nhỉ ? Thời của trọng là tốt đẹp nhất mừ !

    Trả lờiXóa