Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

Lễ hội VN mất giá trị nhân văn?

Lễ hội VN mất giá trị nhân văn?
"Cái Tết của người Việt mình nặng nề & kéo dài. Cả nửa tháng trước tết & hàng tháng sau tết mới đi vào ổn định cuộc sống. Trước tết thì mua sắm, biếu xén, sau tết thì lễ hội, cúng bái, cầu tài lộc (đặc biệt là ở phía Bắc) đến hết tháng Giêng luôn. "Chẳng chịu làm ăn thì cầu, xin cũng thế, nghèo vẫn hoàn nghèo. Trời phật cũng chẳng giúp cho người lười chỉ muốn cúng bái mà giàu có," ông nói.

Người dân tranh giành lộc do nhà sư ném
 ra tại chùa Hương. Ảnh: Tiến Tuấn/Zing.vn
Cảnh đi lễ chùa Hương với nhiều người lâu nay vẫn thường gắn liền với hình ảnh "hoa cỏ mờ hơi sương" và tâm tư của một cô gái mới lớn đầy mộng mơ trong bài thơ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Thế nhưng những năm gần đây hàng chục ngàn người đổ về di tích thắng cảnh Hương Sơn, Hà Nội, khiến các lối đi lên chùa Thiên Trù và vào động Hương Tích ùn tắc và đặc biệt lễ khai hội chùa Hương năm nay lại được nói tới nhiều vì là cảnh người đi lễ chen lấn tranh giành lộc từ tay một nhà sư tại chùa.
Được biết người tung lộc là sư thầy Thích Đạo Trụ, đang tu hành trong chùa Hương và Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2017, ông Nguyễn Văn Hậu, được báo chí trích thuật cho biết chương trình phát lộc cho phật tử và du khách về dự là không có trong kế hoạch khai hội.

Lộc được phát là một biểu tượng Phật Bà in chìm bằng nhựa trong, có dây đeo và các video lưu truyền trên mạng cho thấy hàng trăm người đã chen lấn xúm quanh nhà sư để cố tranh giành lộc. Có thể thấy lúc đầu nhà sư còn phát cho từng người đứng quanh, nhưng sau đó đám đông lớn quá, chen lấn và thậm chí có người còn thò tay giật lộc từ tay nhà sư và nhà sư này đã ném lộc ra cho những người ở xa khiến gây phản cảm.

'Mưu cầu hạnh phúc tầm thường'

Nói với BBC Tiếng Việt khi được hỏi nhân vụ việc này, giáo sư Nguyễn Huệ Chi chia sẻ: "Tôi nghĩ ngày xưa những lễ hội như Chùa Hương, như Yên Tử, cũng đông người đi nhưng người ta đi tuần tự mà thực sự ra không phải để cầu cho được cái hạnh phúc vật chất tầm thường để muốn trở về là có ngay, hiện ngay trước mắt như bây giờ.

"Ngày nay người ta đi Bà Chúa Kho, đi Chùa Hương, tất cả những nơi được truyền nhau là linh ấy, chỉ để trở về ngày mai buôn bán, xin dự án, v.v. giành phần lợi về mình, vì thế mới chen chúc nhau. Và vì đua nhau nên đông một cách khủng khiếp.

"Cũng vì thế những người muốn đi đến nơi đó để thưởng thức thiên nhiên, thưởng thức sự thanh tịnh của cảnh vật, cái mà tôn giáo đem lại cho mình, thì người ta cũng không dám đi đến đó nữa vì đông nghẹt. Tôi thấy nhiều trí thức không đi đến đó nữa. Và tình trạng này hiện nay chưa giải quyết được.

"Tôi có nguyện vọng làm sao để người ta đỡ đốt hương, bớt vàng mã. Nói ví dụ các nhân vật trong các đền chùa ngày xưa làm gì có biết xem TV với đi ô tô mà người ta cũng đốt xuống.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
Nguyễn Huệ Chi cho rằng lễ tục không thể dùng lệnh được
mà phải làm sao để hiểu biết được nâng cao trong toàn xã hội
"Rồi thậm chí những cái ấn vô nghĩa vì người ta không biết chữ Hán nên khắc lung tung, phải nói là lăng nhăng, thì cứ đóng ấn là người ta đến mua và tranh cướp nhau. Chỉ riêng chuyện đó cũng thấy tâm lý của dân tộc có nét gì đó thay đổi, mà lại là thay đổi không hay, cần phải dẹp.

"Riêng phần lễ tục này thì không thể dùng lệnh được mà phải làm thế nào để sự hiểu biết được nâng cao trong toàn xã hội thì tự nhiên cái đó sẽ được dẹp bỏ.

"Nếu không, với tình trạng này thì ở đâu cũng tắc nghẽn, không chỉ giao thông bị tắc nghẽn mà ngay đến chùa chiền an thanh cảnh vắng để thưởng thức cũng bị tắc nghẽn, không còn lối để cho sinh hoạt tâm linh đúng với ý nghĩa chân tịnh của nó nữa," giáo sư Huệ Chi nói.

'Nhìn bằng con mắt thị trường'

Một giáo sư dân tộc học không muốn được nêu tên nói với BBC Tiếng Việt rằng xưa nay không có chuyện chùa hay sư phát lộc theo kiểu như vậy và ông cho rằng nay các chùa chiền đang làm những việc mà ngày xưa không làm.

"Chuyện gây ra tranh cướp lộc như vậy là một điều không hay. Kỷ cương xã hội và văn hóa của ngày xưa nó đồng bộ trong một xã hội và văn hóa làng xã. Nhưng bây giờ xã hội đang bị giải thể về cấu trúc nên đã không còn mang ‎ nghĩa như ngày xưa. Nó đã bị pha trộn nhiều loại văn hóa khác nhau và những cái coi là truyền thống đã bị giảm sút.

"Đó là dấu hiệu của quá trình giải thể những gì quý giá của ngày xưa mà nay đang được nhìn nhận với con mắt thị trường. Mà như vậy thì không phải là tín ngưỡng", giáo sư dân tộc học nói.

"Chính vì với cái nhìn thị trường như vậy nên với mỗi người được càng nhiều sẽ càng tốt, do vậy mới dẫn tới hiện tượng giành giật lộc Phật như người ta được chứng kiến ở Chùa Hương mới đây," ông nói.

Đạo lý và sự tôn trọng

Không chỉ ở Chùa Hương mà đã xảy ra tình trạng hàng nghìn người cướp hoa tre và trầu cau sau khi việc dâng lễ kết thúc tại hội Gióng, được tổ chức vào ngày 6-8 tháng Giêng âm lịch tại đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

So sánh việc người đi hội Gióng cướp lộc với việc người đi hội Chùa Hương chen lấn giành giật lộc, nhà dân tộc học này cho rằng có sự khác biệt: "Một bên là tục lệ của làng còn một bên là nhà chùa lại đứng ra làm những việc không phải của mình, tức là hiện đại hóa tôn giáo," ông nói.

Ngay cả là phong tục tập quán hay tục lệ của làng, xã, giáo sư Nguyễn Huệ Chi giải thích ngày xưa cũng có đạo lý và sự tôn trọng.

    Riêng phần lễ tục này thì không thể dùng lệnh được mà phải làm thế nào để sự hiểu biết được nâng cao trong toàn xã hội thì tự nhiên cái đó sẽ được dẹp bỏ. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Ông cho biết có những phong tục đã đi nào nếp sống của người dân và đưa ra ví dụ như lễ hội phồn thực, khi vãn hội là người ta tắt đèn và nam thanh nữ tú được tự do buông thả, để thả lỏng tình cảm của mình "và cái đó được gọi là thiên nhân hợp nhất, nó rất trong sáng, lành mạnh", hay khi vãn lễ, oản được nhà chùa đem ra chia cho mỗi người một phần để hưởng lộc Phật, mỗi người được một ít mang về, nhưng người nào không được cũng không sao cả.

Giáo sư Huệ Chi nói: "Nó đã thành nền nếp. Ở đó có sự tôn trọng và có đạo lý, mình không được phép làm điều gì vi phạm tư cách con người. Hai nguyên tắc đó nó chi phối và nó tạo nên nét đẹp dân gian.

"Tôi ngày xưa lúc còn bé đi các lễ hội thì cũng có thấy tranh cướp nhưng sự tranh giành đó không gây nên sự tức giận, đến mức cào cấu nhau, ai không được thì cũng cười vui vẻ và nói là cố năm sau hy vọng sẽ được.

"Nhưng bây giờ lại khác, nếu tôi không giật được mà kẻ kia giật được thì có khi cái lộc đó nó thể hiện trong đời sống, nó sẽ không đến với tôi - người ta tin một cách thiển cận như vậy - vì thế nó trở thành tàn bạo, nó đẩy phong tục có giới hạn về đạo lý của ngày xưa thành ra mất giới hạn và thành tàn bạo với nhau.

"Nó đi cả vào trong đời sống tâm linh, gây nên sự bất bình thường khiến những người đứng ở cự ly xa hơn mà nhìn, hay những người còn giữ được chút thiện lương nhìn vào, thì người ta không thể chịu nổi."

Sống lương thiện

Chùa Long Sơn ở Manka, thủ đô Đài Bắc, Đài Loan
Người dân đi lễ chùa ngày Tết âm lịch ở
Long Sơn Tự ở Manka, thủ đô Đài Bắc, Đài Loan

Sống lương thiện cũng là điều nhà văn Vũ Thư Hiên được con gái, bà Vũ My Lan, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội, nhắc tới khi nói về người Việt. Trong một đăng cải trên Facebook cá nhân của mình so sánh cảnh đi chùa ở Đài Loan và chuyện xảy ra ở Chùa Hương vừa rồi, bà Vũ My Lan viết:

"Ngày mồng một Tết, nhân chuyến du lịch tới Đài Loan, gia đình mình tới Chùa Long Sơn Tự - ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại Đài Bắc để cầu bình an cho năm mới.

"Đúng như dự đoán, số lượng người tới lễ Chùa ngày đầu năm mới rất đông.

"Điều làm mình hết sức ngạc nhiên là cho dù cổng Chùa mở rộng nhưng người dân nơi đây không hề chen lấn, xô đẩy mà tự giác xếp theo hàng một để vào Chủa.

"Cũng chẳng thấy bóng dáng một anh cảnh sát hay bảo vệ nào bắt mọi người phải xếp hàng cả - người ta cứ tự giác đứng vào hàng, trên khuôn mặt mỗi người có thể thấy rõ cái cảm giác bình an, thư thái trong ngày đầu xuân mới.

"Một phụ nữ xếp hàng gần gia đình mình thỉnh thoảng lại tỏ ý muốn giúp đỡ khi thấy mẹ mình phải di chuyển bằng xe lăn. Chốc chốc lại có người hỏi thăm bà.

"Hôm nay xem cái video về khai hội Chùa Hương mà thấy vừa buồn và thương cho người dân mình quá! Ôi đất nước tôi! Ngay ở những chốn linh thiêng mà còn có tâm lý tranh cướp! Sư thầy trong cái video này cũng chẳng ra sao!

"Chợt nhớ tới câu của bố mình khi mấy bố con nói chuyện về cái sự "loạn" ở Việt Nam - "người Việt mình bây giờ cần học nhiều thứ nhưng trước hết là phải học sống lương thiện con ạ".

"Lương thiện trong suy nghĩ và văn hoá trong hành xử - chỉ cần thế thôi mà sao khó có thế!"

'Nó là từ hai phía'

Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, ông cho là chính vị sư kia khi ném hình Phật có khi cũng không phải đã có ý thức là đang đưa một tín vật của nhà Phật tới cho đệ tử đâu và ông nói thêm: "Các nhà sư bây giờ được đào tạo cũng bị trần tục hóa, một số sư sãi chịu nhiều sự tác động nên không còn là một vị sư đúng tính cách của một nhà tu hành có phẩm hạnh như ngày xưa.

"Nó là từ cả hai phía - phía thiện nam tín nữ đến chùa và phía người tu hành - đều có sự thoái hóa và nó gặp nhau ở hiện tượng Chùa Hương vừa rồi và người ta thấy phản cảm."

    Người Việt mình bây giờ cần học nhiều thứ nhưng trước hết là phải học sống lương thiện.   Nhà văn Vũ Thư Hiên

"Chính một số nhà sư cũng đem lại cho người ta quan niệm rằng cái phúc do nhà Phật phát ra là cái phúc thực dụng, chính vì vậy bản thân các nhà sư về phương diện đạo lý, đạo đức tôi không đánh giá cao trong thực tế đời sống tu hành hiện nay. Đây tôi nói là ở nửa phía Bắc mà tôi quan sát chứ nửa phía Nam thì thực tình tôi chưa biết nên không dám nói," ông Huệ Chi nói.

Vẫn theo giáo sư Huệ Chi: "Đây là một biểu hiện của sự thoái hóa xuống cấp về phong tục và nó là điều không thể cưỡng lại được tại Việt Nam hiện nay.

"Vì chúng ta kiến tạo xã hội trên tinh thần đấu tranh giai cấp để xây dựng một xã hội bình đằng nhưng quên mất cái quan trọng là cái nhân văn, nhân bản, tức là cái tính người của con người, sự gắn bó với nhau trên tinh thần nhân ái của cả cộng đồng."

Tính thực dụng

Giáo sư Huệ Chi giải thích: "Nền kinh tế hiện nay thực sự là một nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa man dã, hoang sơ cho nên con người nhìn nhau là theo hướng tôi được, thì anh mất và tôi phải cố mà giành cho được, còn anh mất thì mặc anh.

"Vì vậy nó dần đi sâu vào quan hệ trong cộng đồng, và người ta mất dần đi cái gọi là sự nhường nhịn: mình có thể không được mà người được thì mình cũng vui lòng, hoặc là mình làm cho người hạnh phúc thì đó là hạnh phúc của mình."

Lễ hội đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu/Zing.cn
Cũng xảy ra tình trạng hàng trăm người xô vào tranh
cướp hoa tre tại lễ hội Gióng (Ảnh: Lê Hiếu/Zing.vn)
 Theo giáo sư Huệ Chi do vậy trong bất kỳ hình thức sinh hoạt nào có chút dính đến tinh thần, tâm linh thì con người ta nay cũng mất đi sự hòa đồng, mất đi niềm vui nhường nhịn, mà chỉ cố gắng giành giật lấy phần được về mình.

"Đó là một nguy cơ hết sức lớn và nó thể hiện ra lễ hội cũng vậy thôi. Tôi cũng cho đây là một sự tha hóa thể hiện rõ ở tính thực dụng trong quan niệm về mục đích cuối cùng của việc tu hành: mình đi theo đời sống tâm linh để đạt được cái gì.

"Vì sự tha hóa đó nên cái thực dụng nó lấn át cái thanh tao. Thanh tao là để đạt được sự thanh thản trong tâm hồn và con người hướng đến lẽ sống sâu sa là tìm sự bình yên về tinh thần.

"Cái đó chính là cái mà Phật giáo và nhiều tôn giáo khác nhắm tới. Nhưng con người Việt Nam trở thành thực dụng cho nên khi đến chùa chiền, lễ hội thì ồn ào và có thói tục mà theo tôi nên làm thế nào để gạt bỏ, đó là đem hết tất cả mọi thứ tài lộc đến để cầu thần cầu Phật, mà chỉ cầu cho mình làm ăn phát tài để mà sống, để mà giành giật hạnh phúc ở giữa cõi trần, vì thế ngày nay người ta đi ào ạt," ông Huệ Chi nói.

Nói về chuyện đi lễ cầu lộc đầu năm, một chủ doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ suy nghĩ của ông:

"Cái Tết của người Việt mình nặng nề & kéo dài. Cả nửa tháng trước tết & hàng tháng sau tết mới đi vào ổn định cuộc sống. Trước tết thì mua sắm, biếu xén, sau tết thì lễ hội, cúng bái, cầu tài lộc (đặc biệt là ở phía Bắc) đến hết tháng Giêng luôn.

"Chẳng chịu làm ăn thì cầu, xin cũng thế, nghèo vẫn hoàn nghèo. Trời phật cũng chẳng giúp cho người lười chỉ muốn cúng bái mà giàu có," ông nói.

Hà Mi

(BBC)

1 nhận xét:

  1. Lệnh ái của ông Vũ thư Hiên nói rằng người Dài xếp hàng một vào chùa,mà nói là rất đông(có ý so với chùa Hương)thì tôi không tin lắm.Ở chùa Hương chen lấn là xấu,không ai thích điều đó,nhưng đừng lôi mình vào để đá xoáy thì tâm lại không sáng.(tôi nói thêm nếu xếp hàng một mà vào thì người đi chùa Hương phải lưu trú một tuần mới vào được chùa)A di đà phật,lời thật thì trời chứng.

    Trả lờiXóa