Thứ Tư, 15 tháng 2, 2017

Không lấy của công’: Cần lời thề của ‘Tứ trụ’

Không lấy của công’: Cần bắt đầu bằng lời thề của ‘Tứ trụ’
4 vị lãnh đạo cần nêu gương bằng việc “thề” không tham nhũng trước cử tri và nhân dân cả nước. Nó sẽ gắn liền “nhân phẩm, danh dự” của 4 vị đối với chức trách, nhiệm vụ của mình, và phương pháp này sẽ tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, quan địa phương thực hành tốt hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, cũng như tạo cơ sở cho việc “giơ cao, đánh mạnh” vào quốc nạn này.
Có tái diễn nạn "thề cá trê chui ống"?
Đòi hỏi quan cao phải thề
Hội thề không lấy của công về làm của tư diễn ra vào sáng 10/02, tại chùa Hòa Liễu (Kiến Thụy, Hải Phòng). Lấy yếu tố thần linh ra để minh giám cho lời thề, đặt trên hệ chữ Nho “trung – hiếu”, những chức tước trong làng (trường phó thôn) đã giơ cao tay để giữ lòng thanh liêm, vô công – vô tư.

Nhiều người đòi hỏi phải có “cấp cao” hơn cấp thôn hiện diện trong hội thề này, điều này cũng là đòi hỏi có lý nếu đặt trong bối cảnh nước nhà ngập trong tham nhũng như hiện nay. Ngay cả Hải Phòng – dự án nhạc nước 200 tỷ chìm trong bể nước cũng là một trong những câu chuyện đặc tả về hiện trạng quan cấp cao tham nhũng, trong đó có cả ông Dương Anh Điền – nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Mong mỏi quan xã, huyện tỉnh, trung ương phải thề cùng với quan thôn là khao khát của người dân. Bởi “thề” nó biểu hiện cho tính trách nhiệm, và một phần nào đó gắn chặt với yếu tố tư cách lãnh đạo theo mô-tuýp: dám làm, dám chịu. Thề cũng là hình thức hạn chế mạnh nhất cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ; hoàng hôn nhiệm kỳ” tồn tại hàng chục năm qua.

Nhưng, để xã – huyện – tỉnh làm gương, thì trước hết trung ương phải đi đầu. Chúng ta không thể đòi hỏi dân phải chống dị ứng như chống ngứa ghẻ khi bản thân quan không làm được như thế. Tư thế nào đẹp hơn tư thế giương cao nắm đấm lên trời của ngài Chủ tịch nước mà hô vang “thề không chiếm công vi tư”. Hẳn nó đẹp gấp vạn lần tư thế ngồi máy cày trong lễ Tịch điền; có sức lay động triệu lần so với lời chúc Tết đêm giao thừa, hay tuyên bố “tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng” trước cử tri, và hàng tỷ lần khác khi Ngài đừng đầu Nhà nước Việt Nam nói về tham nhũng đấy chứ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng “trong sạch, vững mạnh, đạo đức và văn minh”, người hay thuyết giáo về xây dựng đảng và nỗi trăn trở khi đảng viên sa hóa, biến chất. Người cũng từng rất nhiều lần tâm sự chân tình với cử tri rằng, “cán bộ không gương mẫu thì nói chẳng ai nghe, nói thế mà lại làm khác thì ai tin”. Vậy ai còn xứng đáng hơn “Ngài trong sạch” trong việc gương mẫu- đi đầu trong việc đứng ra thề khi còn tại nhiệm? Lúc đó, chẳng những quan chức còn liêm chính phải ngã mũ chào, thần dân mến phục – tin yêu, mà những kẻ tham nhũng – lũng đoạn phải tái xanh mặt, bởi “thề” cũng là hình thức trăm họ nhìn vào – xem “ngài” xử lý bọn sâu mọt, nếu không, thì “ngài” sẽ bất “trung với Đảng”, “bất hiếu với Dân”.

Khi hai người đứng đầu Nhà nước – chế độ đã thề, thì sẽ thật tuyệt vời hơn nếu như quý ông Nguyễn Xuân Phúc “thề”. Vì cái cao đẹp của sự “kiến tạo” một Chính phủ/ Nhà nước là từ sự “kiến tạo” bên trong nhân phẩm và đạo đức một con người (đứng đầu hành pháp). Bởi sự kiến tạo chỉ nảy nở, ngay trong lòng sự minh bạch – mà minh bạch càng lớn, thì tham nhũng phải càng giảm thiểu. Minh bạch phải bắt đầu thực hiện một cách nghiêm khắc ở vị Thủ tướng, trước khi nó lan tỏa dần xuống những lãnh đạo dưới quyền khác.

Sẽ thật thiếu sót, nếu quên nhắc đến quý bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đương kim Chủ tịch Quốc Hội, người từng làm dư luận xã hội nức lòng với câu nói: Chức mất rồi vẫn phải xử, chứ không thôi là hạ cánh an toàn, hạ cánh mềm. Nhưng mở rộng ra hơn, thì bà là người quản lý của 496 vị ĐBQH (khóa XIV) – tức những “tinh hoa” được lấy từ các tỉnh thành trong nước. Sẽ thật phi lý nếu bảo các vị ĐBQH cam kết không tham nhũng như đề xuất của cử tri Trần Quân Ngọc (quận 1 – Tp. Hồ Chí Minh) nhằm tạo ra một Quốc hội không tham nhũng, khi mà người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất nước vẫn chưa làm điều đó. Và như thế, thì câu chuyện động trời mà ĐBQH Lê Như Tiến từng chia sẻ năm 2013 vẫn là chủ đạo trong nghị trình của các vị đại biểu của dân: lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ, phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng, vì nếu còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho.

Kết

Do đó, năm sau (2018), 4 vị lãnh đạo (nếu còn tại vị) cần nêu gương bằng việc “thề” không tham nhũng trước cử tri và nhân dân cả nước. Bởi như đã đề cập, nó sẽ gắn liền “nhân phẩm, danh dự” của 4 vị đối với chức trách, nhiệm vụ của mình, và phương pháp này sẽ tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, quan địa phương thực hành tốt hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, cũng như tạo cơ sở cho việc “giơ cao, đánh mạnh” vào quốc nạn này.

Còn nếu không, thì thắc mắc của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã phần nào có câu trả lời: “Chúng ta có đầy đủ thể chế, đầy đủ công tác cán bộ, tổ chức bộ máy rất mạnh mẽ, chặt chẽ, có các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng, điều kiện cơ sở vật chất tăng cường mạnh mẽ, Đảng, Nhà nước cực kỳ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo mà dường như tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục hồn nhiên nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật...”.

Anh Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét