Chín thách thức sống còn với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump
TS HÃN NGUYÊN NGUYỄN NHÃ - Ngày 28/1, tức mùng Một Tết Đinh Dậu, Tiến sĩ Trần Công Trục có bài phân tích "Khi Trump không nói chơi, người Việt cần thay đổi" đã thu hút nhiều sự quan tâm cũng như chia sẻ của bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam. Tân Tổng thống Hoa Kỳ là một chính khách phi truyền thống, có nhiều đường đi nước bước khác người trên đường đua vào Nhà Trắng, cũng như những phát ngôn, chính sách gây tranh cãi trong lòng nước Mỹ và dư luận quốc tế sau khi nắm quyền.
Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, ảnh do tác giả cung cấp.
Trong khi Hoa Kỳ là siêu cường số một trên thế giới hiện nay, mọi biến động chính trị ở xứ sở cờ hoa đều có thể tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn cầu ở mức độ khác nhau tùy khu vực. Do đó tìm hiểu về nền chính trị nước Mỹ dưới thời Donald Trump có ý nghĩa quan trọng.
Từ góc độ của một người nghiên cứu sử học, tôi nhận thấy rằng, thấy rằng bất cứ đế chế, quốc gia hùng mạnh nào, triều đại nào từ hàng ngàn ngàn năm nay trên thế giới không thể tránh khỏi quy luật thịnh - suy, suy - thịnh.
Thậm chí nhân loại từng chứng kiến không ít những trường hợp một quốc gia bị xóa sổ, một quốc gia mới ra đời, hay một “triều đại” bị “triều đại” khác thay thế.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin chia sẻ với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam một vài kiến giải của cá nhân mình những nhân tố nào khiến cho một “đế chế” hay “triều đại” hùng mạnh có thể trở nên suy yếu.
Thậm chí là ngay cả siêu cường số một đương đại như Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng sẽ không tránh được "vết xe đổ", nếu không có những điều chỉnh thích hợp.
Theo tôi, nước Mỹ sở dĩ hùng mạnh trước hết là bởi “thiên thời, địa lợi”, cho dù sinh sau đẻ muộn.
Đặc biệt là từ Chiến tranh Thế giới thứ II, các đế quốc, các quốc gia hùng mạnh chiến tranh với nhau, Mỹ vừa được hưởng hòa bình, vừa có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp nhờ cung cấp vũ khí, hậu cần quân sự phục vụ cỗ máy chiến tranh.
Nhưng quan trọng hơn cả là yếu tố “nhân hòa”, bởi cuộc chiến nào rồi cũng đến lúc phải kết thúc.
Hậu Thế chiến II, nước Mỹ đã tạo được những cơ chế tốt nhất để đón nhận, thu hút nhiều tinh hoa của thế giới, nguồn chất xám đỉnh cao của nhân loại.
Hoa Kỳ không chỉ là một miền đất hứa giàu tài nguyên, đầy đủ môi trường và điều kiện hấp dẫn cho những ai có khả năng thích khai phá, khai thác làm giàu.
Giáo dục có thể làm gì cho Hoàng Sa, Trường Sa? |
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ còn xây dựng và hoàn thiện một hệ thống chính trị - xã hội thượng tôn pháp luật, đề cao tự do cá nhân, dân chủ và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của con người…
Nhưng cuộc đời luôn luôn tồn tại mâu thuẫn và nghịch lý. Chính những mâu thuẫn và nghịch lý ấy là động lực của sự thay đổi.
Vấn đề là xu hướng thay đổi hướng thượng hay hướng hạ, làm cho đất nước yếu thành mạnh, hay mạnh thành yếu, là do con người và chính sách.
Vậy thì những mầm mống có thể làm cho nước Mỹ suy yếu nằm ở đâu?
Một là khi các tài nguyên chất xám vốn rất phong phú nay có thể bị cạn kiệt, bởi nó không còn được thường xuyên đào thải những gì cũ kỹ lạc hậu và bổ sung nguồn chất xám tinh hoa từ nhân loại như trước nữa.
Nếu không biết lựa chọn những dân nhập cư gồm những tinh hoa trên thế giới mà chỉ đơn thuần những người dân chỉ biết thụ hưởng, thiếu động lực và tinh thần sáng tạo - khởi nghiệp, số lượng này ngày càng gia tăng, đến lúc chiếm đa số thì “đế chế” Hoa Kỳ sẽ phải đối diện với nguy cơ “thoái hóa”.
Hai là người Mỹ hiện nay có xu hướng tự do luyến ái, giá trị và vị thế của gia đình trong lòng xã hội ngày càng suy giảm, ngày càng nhiều cập vợ chồng ly dị, gia đình tan vỡ.
Đây có lẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến thế hệ tương lai của nước Mỹ có nhiều người xuất hiện tâm lý khủng hoảng, trầm cảm dẫn đến việc xảy ra ra nạn xả súng ở các trường học như vài năm trở lại đây.
Đáng báo động là xu thế này ngày một gia tăng.
Ba là vấn đề mâu thuẫn sắc tộc. Đây là vấn đề rất phức tạp, rất khó giải quyết.
Tưởng chừng “hiện tượng” Barack Obama là người da màu đầu tiên trở thành Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa, có thể đánh dấu chấm hết cho nạn phân biệt chủng tộc ở xứ sở cờ hoa.
Nhưng khi cộng đồng người da màu có địa vị cao, phụ nữ da màu cũng trở thành chính khách danh tiếng trong xã hội trong 8 năm Obama cầm quyền, lại khiến bùng phát sự ganh ghét của những người da trắng.
Có lẽ đây là một phần nguyên nhân giúp tỉ phú Donald Trump thắng cử. Nếu cứ tiếp tục xu hướng cạnh tranh sắc tộc trong lòng nước Mỹ, xã hội Hoa Kỳ sẽ ngày càng phức tạp, sự chia rẽ và tâm lý chống đối trong lòng xã hội Mỹ sẽ ngày càng mạnh.
Khi Trump không nói chơi, người Việt cần thay đổi |
Bốn là vấn đề thể chế. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo chế độ liên bang với quyền hành các tiểu bang trong đời sống chính trị nội bộ quốc gia này rất mạnh.
Dưới thời Donald Trump, có khả năng các chính sách mới của ông sẽ làm gia tăng sự khác biệt giữa các tiểu bang, các sắc tộc.
Thậm chí nguồn lực và sức mạnh của Mỹ có thể “co cụm” vào một số tiểu bang, dần dần đưa tới những mâu thuẫn lớn, tích tụ đến độ đưa tới ly khai một số tiểu bang khỏi nước Mỹ, nếu không có những hiệu chỉnh kịp thời.
Chính quyền liên bang chủ yếu lo về đối ngoại để đoàn kết dân Mỹ. Nhưng về lâu dài, khi quyền lực đối ngoại của Hoa Kỳ suy giảm sẽ khiến sự đoàn kết nội bộ sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn bất cứ quốc gia nào trên thê giới.
Năm là, tự do và dân chủ vốn là giá trị quý báu và lợi thế của nước Mỹ, nhưng lại đang phải đối mặt với những thách thức nội tại.
Nghịch lý ở đời, khi tự do, dân chủ quá trớn, nhất là với cộng đồng xã hội bị “suy thoái” do những chính sách gây cản trở, hạn chế việc bổ sung nguồn lực chất xám từ nhân loại sẽ dẫn đến mầm mống của sự hỗn loạn trong tương lai.
Hiện thể chế chính trị Hoa Kỳ giao cho Tổng thống quá nhiều quyền hành lớn lao. Song nếu vị Tổng thống lại là người độc đoán, thiếu đạo đức, dân bất tín nhiệm sẽ dễ đưa tới sụ hỗn loạn xã hội.
Sáu là thiên nhiên hiện rất ưu đãi nước Mỹ, nhưng thiên nhiên cũng đang tiềm tàng sự hủy hoại lớn lao cho nước Mỹ, như các ngọn núi lửa, động đất lúc nào cũng đe dọa Miền Tây trù phú của Hoa Kỳ.
Sự biến đổi khí hậu trên trái đất cũng là nguyên nhân tiềm tàng làm thay đổi nước Mỹ.
Bảy là mặt trái, nghịch lý của khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
Tiến bộ của khoa học kỹ thuật đem lại nhiều tiện nghi tốt đẹp cho nhân loại, song chứa đựng tiềm tàng khả năng hủy diệt loài người, ngay cả nước Mỹ.
Hiện nay, Mỹ lại là nước “sở hữu” số lượng bom hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt nhiều nhất. Việc bảo quản theo quy luật tương đối, đến lúc nào không còn hiệu quả, nước Mỹ sẽ “lãnh đủ”.
Tám là nước Mỹ hiện đại hóa rất nhanh, tự động hóa, điện khí hóa rất cao, đời sống phụ thuộc rất lớn vào điện năng.
Nguồn năng lượng chủ yếu của Hoa Kỳ hiện nay là từ dầu khí. Mặc dù nước Mỹ rất giầu các mỏ dầu khí, nhưng mãi rồi cũng cạn, khi đó sẽ ra sao?
Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết: Trung Quốc không bá chủ, không bành trướng |
Hiện nay nước Mỹ đang quan tâm phát triển đến các nguồn năng lượng tái sinh như năng lượng mặt trời, năng lượng gió...
Bài toán đặt ra là, liệu các nguồn năng lượng tái sinh đó có đủ đáp ứng nhu cầu duy trì đời sống tự động hóa cao độ và ngày càng gia tăng hay không?
Trong khi đó, trên bản đồ các quốc gia sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hiện nay, Mỹ không phải là nước đầu bảng và cũng thiếu chính sách phát triển mạnh mẽ năng lượng sạch.
Chín là nước Mỹ hiện có nhiều kẻ thù, trong đó có lực lượng khủng bố núp bóng Hồi giáo, cực đoan quá khích. Mỹ làm thế nào để tiêu diệt chúng từ trứng nước vốn là một bài toán khó chưa có lời giải.
Huống hồ nếu vũ khì hủy diệt hàng loạt rơi vào tay khủng bố, an ninh nhân loại, đặc biệt là nước Mỹ sẽ ra sao?
Vị thế siêu cường của Hoa Kỳ cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ mới nổi Trung Quốc với tham vọng thống trị toàn cầu, bá chủ thiên hạ, nước Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ đối phó như thế nào?
Với những gì đã tuyên bố khi tranh cử, cũng như các quyết sách đưa ra trong những ngày đầu tiên với việc ký nhiều sắc lệnh, quyết định gây tranh cãi, phản ứng mạnh mẽ trong nước Mỹ và một số nước trên thế giới, chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều thay đổi tại chính nước Mỹ cũng như trên thế giới.
Những chính sách này giúp gì cho việc ngăn chặn nguy cơ suy thoái, thậm chí sụp đổ của nước Mỹ hay sẽ tăng lên những nguy cơ đó, hiện còn nhiều quan điểm tranh cãi khác nhau.
Có quan điểm cho rằng, Trung Quốc được Donald Trump xác định là đối thủ số một của nước Mỹ.
Thế mà khi nhậm chức, Mỹ đã rút ra khỏi TTP vốn được xem là đối trọng với kinh tế Trung Quốc, là chỗ dựa về kinh tế - thị trường giúp cho Mỹ không cần tới Trung Quốc.
Ngay cả nhiều chính khách nổi tiếng trong đảng Cộng Hòa cũng phản đối việc Trump rút nước Mỹ khỏi TPP. Họ cho đó là sai lầm nghiêm trọng.
Sai đúng thế nào, chúng ta sẽ có câu trả lời trong thực tiễn. Tương lai Mỹ và thế giới sẽ ra sao, lịch sử sẽ trả lời.
Nhưng cách người Mỹ đang thích ứng với sự thay đổi của thời cuộc hiện nay, thiết nghĩ là bài học quý cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có chúng ta.
Còn cá nhân tôi tin rằng, chắc chắn Trung Quốc sẽ rất khó khăn để vượt qua được Mỹ, nếu không muốn nói sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tai hại.
Rủi ro và cơ hội luôn đồng hành như hai mặt của một đồng xu, nắm chắc các xu thế chính trị của 2 siêu cường này, sẽ giúp Việt Nam được hưởng lợi lâu dài.
http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Chin-thach-thuc-song-con-voi-Hoa-Ky-duoi-thoi-Tong-thong-Donald-Trump-post174166.gd
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét