Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Tung tin đồn về đổi tiền để làm gì?

Tung tin đồn về đổi tiền để làm gì?
Ngân Hàng Nhà Nước nhiều lần bác bỏ tin đồn sẽ có đổi tiền, trong lúc nguồn tin Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB sẽ mua lại một số ngân hàng yếu kém mới được loan tải khiến dư luận ‘bán tín, bán nghi’. Thanh Trúc tham khảo ý kiến chuyên giá kinh tế tài chánh về tin đồn đổi tiền mới bên cạnh kế hoạch giải vây ngân hàng nặng nợ:
Nhân viên Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tại Hà Nội 
kiểm tra tiền đồng Việt Nam. Ảnh minh họa chụp trước đây.
Ngân Hàng Nhà Nước và chính phủ Việt Nam đã khẳng định rằng không có chính sách đổi tiền thì chúng ta cần ghi nhớ như thế. Còn sau này, nếu có lợi ích gì để mà đổi tiền thí đó là một chuyện khác phải xem -Bùi Kiến Thành.

Tung tin đồn để trục lợi?

Tại Diễn Đàn Phát Triển Việt Nam VDF ở Hà Nội sáng thứ Sáu ngày 9 tháng Mười Hai, phó thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, bà Nguyễn Thị Hồng, khẳng định tin đồn Việt Nam đổi tiền mới là không chính xác.

Đây là lần thứ năm Ngân Hàng Nhà Nước lên tiếng phủ nhận tin đổi tiền. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, những thách thức và những diễn biến khó lường kể từ cuối 2016 đã gây áp lực liên tục trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân Hàng Nhà Nước và sự hoạt động của ngành ngân hàng, trong đó tin đồn thất thiệt về việc đổi tiền không chỉ khiến dư luận hoang mang mà còn khiến nền kinh tế vĩ mô bị bất ổn.

Tình hình cho thấy sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và gia vàng thế giới đang ở mức kỷ lục tính từ đầu năm tới nay. Lên tiếng với báo chí cũng trong ngày thứ Sáu 9 tháng Mười Hai, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, vụ trưởng Vụ Quản Lý Ngoại Hối, Ngân Hàng Nhà Nước, cũng nói rằng thông tin sắp có đổi tiền là tin bịa đặt.

Ông cũng không quên cảnh báo trong thời gian tới người dân nên hết sức thận trọng trước mọi quyết định mua bán hầu tránh những rủi ro và thiệt hại không đáng có cho bản thân.

Không thể dựa vào tình hình phiến diện rồi đoán mò về việc đổi tiền mà nên cẩn thận và có trách nhiệm đối với dư luận, là ý kiến của chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành, cố vấn cao cấp các tập đoàn kinh doanh ở Hà Nội:

Ngân Hàng Nhà Nước và chính phủ Việt Nam đã khẳng định rằng không có chính sách đổi tiền thì chúng ta cần ghi nhớ như thế. Còn sau này, nếu có lợi ích gì để mà đổi tiền thí đó là một chuyện khác phải xem.

Đồng tiền Việt Nam bây giờ thí dụ một Đô La đổi ra hai mươi hai nghìn mấy trăm(Đồng) thì vấn đề là tại sao hai mươi hai nghìn mấy trăm mà không phải hai mươi hai? Bớt 3 con số sau được không? Tất cả những chuyện đấy đều cần phải suy tính chứ không thể dựa vào tin đồn mà có nhận định được, không thể làm như thế được.

Theo chuyên gia ngành ngân hàng, tiến sĩ Huỳnh Bửu Sơn, không rõ tin đồn đổi tiền phát xuất từ đâu nhưng tác động của nó không phải là nhỏ:

Trong điều kiện hiện nay, từ góc độ cá nhân, tôi nghĩ chắc chắn chính phủ sẽ không có đổi tiền. Tin đồn hai tuần qua đã gây ra cái biến động khá lớn đối với vấn đề trị giá cũng như vấn đề giá vàng trong nước. Theo như tôi biết tromg ít ngày gần đây gần như tin đồn đã được đánh tan, giá vàng cũng đã bắt đầu xuống, người ta cũng giảm việc mua vàng, tỷ giá đồng Đô La cũng đã xuống rồi.

NQH_8886.jpg
Diễn Đàn Phát Triển Việt Nam VDF ở Hà Nội sáng thứ Sáu ngày 9 tháng 12 năm 2016. Courtesy chinhphu.vn
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, vừa chỉ thị qua Bộ Công An là phải điều tra để tìm ra thủ phạm loan tin đồn thất thiệt. Tiến sĩ Ngô Trí Long, hiện là nhà nghiên cứu kinh tế độc lập, tin là việc đổi tiền không thể xảy ra lúc này:

Bây giờ thì chính thủ tướng yêu cầu tìm ra thủ phạm, mục đích của nó là nhằm trục lợi, là có ý đồ xấu. Còn cơ bản về mặt nguyên lý mà muốn đổi tiền thì phải trong bối cảnh nào đó chứ thực trạng nợ xấu nợ công nhiều chưa chắc đã phải.

Trong bối cảnh hiện nay kinh tế Việt Nam về cơ bản coi như ổn định, chính vì vậy mục tiêu ở đây là động cơ cá nhân, tung tin đó để người ta đổ xô vào mua những hàng hóa mà nó đang cần. bán, hoặc ví dụ đầu tư vào lãnh vực nào đó mà nó đang cần thu hút. Với tư cách một chuyên gia tôi có thể nói trong bối cảnh kinh tế như thế này thì không một lý do nào mà có chuyện đổi tiền.

Thách thức của hệ thống ngân hàng

Tin đồn đổi tiền và nguồn tin nhà nước về kế hoạch mua lại một số ngân hàng yếu kém là hai sự việc cùng lúc tác động mạnh đến các lãnh vực giá cả, kinh tế và tài chính trong nước.

Phát biểu tại Diễn Đàn Phát Triển Việt Nam VDF tuần trước, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB và một số đối tác tư nhân trong nước đang có kế hoạch mua lại một số ngân hàng yếu kém của Việt Nam. Đây là những ngân hàng từng được nhà nước mua lại với giá 0 Đồng như Ngân Hàng Đại Dương OceanBank, Ngân Hàng Xây Dựng VNBC, Ngân Hàng Dầu Khi Toàn Cầu GP. Bank…

Dưới mắt phân tích của chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành, đây là một trong những hình thức tái cơ cấu hệ thống ngân hàng:

Việc mua lại các ngân hàng xấu là cách thức mà Ngân Hàng Nhà Nước tránh sự sụp đổ cho nên mua lại để tạo sự ổn định.
-Huỳnh Bửu Sơn

Nhà nước trong năm qua đã mua lại 3 ngân hàng yếu kém, nó yếu kém tới chỗ đáng lý ra phải cho nó phá sản thanh lý nhưng nhà nước lại chủ trương không cho ngân hàng nào phá sản thanh lý mà có chính sách là mua lại để quản lý cho nó hoạt động tốt hơn.

Nhưng khi mua lại những ngân hàng đấy thì vấn đề quan trọng nhà nước cần suy nghĩ là những nợ xấu do những ngân hàng đó tạo ra bao nhiêu năm nay nó nhiều hơn cái giá trị của chính ngân hàng đó rất nhiều. Thí dụ ngân hàng đó giá trị điều lệ cổ phần là 5.000 tỷ Đồng nhưng đã tạo ra 20.000, 30.000 tỷ Đồng nợ xấu thì nhà nước giải quyết như thế nào đối với những nợ xấu đấy. Việc đấy thì không có cơ sở pháp lý nào để nhà nước làm như thế cả, chưa kể vấn đề đối với những người có tài khoản tại những ngân hàng đấy. Tất cả những chuyện đấy chưa có qui định nào để giải quyết. Trong vấn đề cấu trúc lại hệ thống ngân hàng thì còn rất nhiều việc phải làm chứ không phải chỉ là một chỏm đầu của tảng băng ló ra cho thấymột phần như thế.

Vẫn theo lời ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á ADB có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu và các ngân hàng yếu kém.

Về điều này, chuyên gia tài chánh Bùi Kiến Thành nói:

Việc này chúng ta phải chờ xem cho chính xác và chi tiết chứ tôi không thấy ADB là một tổ chức quốc tế có nhiệm vụ gì mà đi mua lại một ngân hàng yếu kém của Việt Nam. Có lẽ thông tin chưa có đầy đủ chưa chính xác, vai trò của ADB trong vấn đề giúp Việt Nam tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng ta phải chờ xem chứ chưa có ý kiến gì cả.

Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng mua lại những ngân hàng yếu kém có thể tạo hiệu ứng thuận lợi trước mắt nhưng đây không phải là giải pháp tốt nhất:

Xin mời quý độc giả xem Video : Tin khẩn: Tổng Cục 2 yêu cầu Phó TTg Nguyễn Văn Bình giải trình việc đứng sau tin đồn đổi tiền

            

Việc mua lại các ngân hàng xấu là cách thức mà Ngân Hàng Nhà Nước tránh sự sụp đổ cho nên mua lại để tạo sự ổn định. Tuy nhiên việc mua lại như thế này thì nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây không phải là phương cách tốt nhất để giải quyết tình hình khủng hoảng của một số ngân hàng yếu kém mà cần một số giải pháp căn cơ hơn.

Trước mắt thì kết quả cho thấy khi Ngân Hàng Nhà Nước tuyên bố mua lại với giá 0 Đồng cũng đã tạo hiệu ứng tâm lý đối với người gởi tiền, làm cho họ bớt hoang mang hơn. Đó cũng là một thách thức trong điều kiện của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Báo chí trong nước trích dẫn lời thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thừa nhận nợ xấu là vấn đề rất nghiêm trọng, rằng Hà Nội mong muốn Ngân Hàng Thế Giới và Tổ Chức Tài Chính Quốc Tế IFC giúp Việt Nam xử lý nợ xấu một cách thực chất.

Thanh Trúc

(RFA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét