Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Nhìn rõ đáy biển cá chết, kết thúc kiểm tra Vũng Áng

Nhìn rõ đáy biển cá chết, kết thúc kiểm tra Vũng Áng
Đoàn kiểm tra liên ngành đã ghi nhận số liệu mang về Hà Nội phân tích, chưa có kết luận, các thợ lặn đã mục sở thị đáy biển. Chiều 7/5, đoàn công tác của Trung tâm điều tra tài nguyên, môi trường biển (MGMC) thuộc Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam (VASI) cùng nhóm thợ lặn ở Nha Trang cũng đã phối hợp với Sở TN&MT Quảng Bình khảo sát, tìm kiếm ở khu vực cá chết xếp tầng ở vùng biển cách cửa sông Nhật Lệ khoảng 3 hải lý.
Các thợ lặn cho biết, đáy biển có mùi hôi thối rất khó chịu
Sau khi chuẩn bị các thiết bị, dụng cụ cần thiết cho cuộc khảo sát đến khoảng 12h trưa, thuyền của đoàn mới thả neo. Khoảng gần 13h, đoàn công tác bắt đầu cho cuộc khảo sát.

Song song đó một con thuyền cùng 2 thợ lặn thâm niên khác của người dân địa phương cũng “ mục sở thị vùng “biển chết”.

Trên chiếc tàu cá 33CV của ngư dân Đặng Thế Dĩ (48 tuổi, ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới), có 2 thợ lặn nổi tiếng ở đất Quảng Bình là “kình ngư” Lê Xuân Hòa (36 tuổi) và Phạm Văn Trị (37 tuổi) thả neo xuôi dòng Nhật Lệ và thẳng tiến ra biển.

Sau khi trang bị dụng cụ và các vật dụng cần thiết , hai “kình ngư” Lê Xuân Hòa, Phạm Văn Trị xuống biển để bắt đầu cuộc tìm kiếm cá, hải sản chết nằm dưới đáy biển.


Những rặng san hô, hàng chục loại hải sản quý hiếm như hải sâm, vẹm, sò, hàu chết dưới đáy biển được vớt lên

Khoảng 30 phút ngâm mình dưới đáy biển, chiến lợi phẩm mà hai “kình ngư” Hòa và Trị vớt lên được là những rạn san hô đổi màu hồng thành trắng, từng con hải sâm, vẹm, sò, hàu… chết và đang trong quá trình phân hủy.

Theo 2 "kình ngư" này thì phía dưới đáy chỉ còn thấy xác chết của hải sản, các rạn san hô nằm lăn lóc và đang chuyển từ màu hồng sang trắng, còn xác tôm cá không còn nhìn thấy. Nước ở dưới tầng đáy cũng đen ngùm và bốc mùi hôi tanh rất khó chịu.

Những ngày gần đây, nhiều ngư dân ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) sau khi lặn xuống biển cách bờ từ 3 đến 6 hải lý phát hiện dưới đáy biển có một lớp màu vàng đục như váng mỡ dày gần nửa mét, bên cạnh đó còn có nhiều cá chết chìm đang phân hủy và nước có mùi hắc.

Nhiều ngư dân ở xã này còn cho biết, trước đây khi bủa lưới, kéo lên lưới bị bám đầy rong rêu, bùn đất đen. Từ ngày xuất hiện tình trạng cá chết, lưới trắng tinh như mới.

Cùng ngày, đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường tại công trường Formosa thuộc Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng đã họp phiên cuối cùng để thống nhất kết quả sau 4 ngày làm việc.

Đoàn lãnh đạo đoàn liên ngành đã đến trụ sở của Formosa để chốt biên bản làm việc. Biên bản cuối cùng phải dịch ra song ngữ để đại diện Formosa xem và ký.

Một lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết, đoàn liên ngành đã ghi nhận số liệu, tài liệu và mang về Hà Nội để phân tích, hiện chưa có kết quả cuối cùng.

Hệ thống kênh mương xử lý nước thải của Formosa

Đây là đoàn kiểm tra quy mô nhất, với sự tham dự của nhiều bộ nhất kể từ khi xuất hiện thông tin cá chết.

Đoàn gồm đại diện của 7 bộ: TN&MT, NN&PTNT, KH&CN, Xây dựng, Công Thương, Công an, Quốc phòng cùng Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.

Trước đó, ngày 4/5, đoàn bắt đầu làm việc tại trụ sở Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Những ngày sau, 6 tổ công tác kiểm tra các hạng mục theo phân công của trưởng đoàn, như: Khu gang thép Formosa và các nhà thầu phụ (nhà thầu Wei Chien, Nhất Hóa), Công ty điện lực dầu khí Vũng Áng, Trung tâm dịch vụ và hạ tầng khu kinh tế Vũng Áng.

Sau 4 ngày làm việc, đoàn liên ngành với sự tham gia của 7 bộ đã đưa các số liệu, tài liệu ghi nhận ở Khu Kinh tế Vũng Áng về Hà Nội phân tích, từ đó có kết luận cuối cùng về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường của Formosa.

Tuệ Lâm (Tổng hợp)
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nhin-ro-day-bien-ca-chet-ket-thuc-kiem-tra-vung-ang-3307775/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét