Vì sao biết thất cử, họ vẫn ra tranh cử?
Những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam đều cho rằng kể từ năm 1946 đến nay, chưa bao giờ Việt Nam có cuộc bầu cử ĐBQH sôi nổi như năm nay. Và đặc biệt hơn, chưa bao giờ người dân trong nước quan tâm đến các ứng cử viên sẽ ra tranh cử chiếc ghế ĐBQH như năm nay. Lý do dẫn đến sự quan tâm này là do có rất nhiều nhà đấu tranh dân chủ, nhà hoạt động xã hội, blogger là ứng cử viên tự do. Điều đáng chú ý, đó là không phải khi ra tranh cử, tất cả những người ấy đều có niềm tin rằng họ sẽ thắng cử. Vậy thì lý do vì sao họ ra ứng cử?
Ca sĩ Mai Khôi, một ứng cử viên độc lập cho kỳ bầu cử
Quốc Hội năm 2016. Ảnh chụp hôm 15/3/2016. AFP photo
Không có cơ hội!Blogger Đặng Bích Phượng, người ra ứng cử ĐBQH kỳ này cho biết các ứng viên tự do như bà, vốn là nhà đấu tranh dân chủ thật sự không có cơ hội vận động tranh cử: “Không phải là vấn đề tự tin, mà tất cả mọi người trong nhóm đấu tranh đều khẳng định rằng chúng tôi sẽ không qua được vòng lấy ý kiến cử tri từ nơi cư trú. Trong lòng họ thì ủng hộ mình, nhưng bảo họ ký tên, công khai ủng hộ mình thì họ không dám. Hôm nay, tôi và blogger Nguyễn Tường Thuỵ có thử lấy ý kiến, chữ ký một người mà quen thân với mình, rất hiểu mình, ủng hộ mình, nhưng bảo họ ký thì họ không dám. Họ bảo rằng thế thì làm khó cho gia đình họ.”Điều này theo blogger Đặng Bích Phượng, có nghĩa rằng, nếu như đặt chữ ký cho lá phiếu bầu chọn một ứng cử viên mà chính quyền không ai biết ai là người ký tên thì họ sẵn sàng ký tên ủng hộ:
“Và thứ hai nữa, đến bây giờ, người dân mặc dù không thích chế độ, chẳng hạn như họ thấy được những việc làm sai trái, tham nhũng, những bất cập trong giáo dục, y tế thì đưa lên mạng vậy thôi, chứ họ hành động thì họ không hành động. Cho nên, chúng tôi nói rằng mặc dù họ ủng hộ mình, nhưng bảo họ nói ra miệng, giơ tay phát biểu thì họ không làm.”
Trong lòng họ thì ủng hộ mình, nhưng bảo họ ký tên, công khai ủng hộ mình thì họ không dám... Họ bảo rằng thế thì làm khó cho gia đình họ. - Blogger Đặng Bích Phượng
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người ra ứng cử lần thứ 2 trong kỳ bầu cử Quốc hội lần này xác nhận đây là một sự việc rất bình thường, bắt nguồn từ vấn đề dân chủ ở Việt Nam.
“Đó là hiện thực, vì tình hình Việt Nam là như thế. Dù người ta không nói ra nhưng các cá nhân lãnh đạo ở các cấp nào đó nghĩ ra cái cách vô hiệu hoá những người ứng cử tự do. Thậm chí có những ứng cử viên tự do ở địa phương, nơi cư trú nơi công tác cũng có thể có số phiếu 0% như tôi ngày xưa. Thế thì theo quan điểm của tôi, cái đó không phụ thuộc hoàn toàn vào cử tri, cá nhân mình mà phụ thuộc vào lãnh đạo, đôi khi phụ thuộc người kiểm phiếu và ý đồ của họ.”
Một ví dụ được blogger Đặng Bích Phượng đề cập đến, đó là trường hợp tự ứng cử của luật sư Võ An Đôn vào năm 2011, được 100% cử tri ở nơi cư trú và nơi làm việc ủng hộ. Nhưng đến vòng hiệp thương thứ ba tức là qua MTTQ thì bị loại và không biết vì sao.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết, trong quá khứ, đã có những người tự ứng cử do được “bật đèn xanh”, nghĩa là được chính quyền ngầm đồng ý cho ra ứng cử. Những người ấy sẽ dễ dàng vượt qua hội nghị cử tri, vòng hiệp thương thứ 3. Thế nhưng, cũng trong quá khứ, những người thật sự có tiếng nói vì một xã hội dân chủ thì đều không vượt qua vòng lấy ý kiến cử tri để vào đến vòng hiệp thương thứ ba.
“Nói cách khác ở Việt Nam không có cái gọi là ứng cử viên kể cả những ứng cử viên ấy hoặc là được chính quyền hoặc các tổ chức của chính quyền đề cử, hoặc qua nhiều thủ tục thì chỉ có một số người đều là do chính quyền bổ nhiệm, người ta quyết định số phận của người tự ứng cử cho phép ở lại hoặc gạt ra.”
Với những tập quán như thế, Tiến sĩ Nguyễn Quang A kết luận sẽ rất khó cho những người ứng cử viên tự do trở thành đại biểu chính thức của Quốc hội.
Ca sĩ Mai Khôi, một ứng cử viên tự do của tỉnh Khánh Hoà, từ Sài Gòn cô cho biết quan điểm của mình:
“Riêng bản thân Khôi, Khôi có 50-50. Gương mặt của Khôi là gương mặt đại diện cho giới trẻ. Nếu kết quả bầu cử không được công minh thì có thể nó sẽ là một câu trả lời khó hiểu cho mọi người, cho thế giới. Vì rất nhiều báo chí trên thế giới đang theo dõi vụ này của Khôi rất sát sao...
Khôi có một niềm tin, không phải là chắc chắn, nhưng phải nói là cơ sở để nói như vậy. Người dân họ ủng hộ mình vì họ biết chắc mình là người nào.”
Những ngày qua, rất nhiều truyền thông thế giới như The New York Times, ABC News của Úc đều đồng loạt đưa tin về một ca sĩ trong làng showbiz Việt Nam ứng cử quốc hội. Mai Khôi nói rằng riêng trường hợp của cô thì chính quyền cần phải rất công minh.
Ứng cử vì quyền dân chủ
Không phải chỉ đến vòng lấy ý kiến cử tri, mà ngay trước khi vòng hiệp thương thứ hai chưa diễn ra, các ứng viên độc lập đã đối diện với những hình thức “vô hiệu hoá” ở nơi họ cư trú.
Điển hình là Tiến sĩ Nguyễn Quang A ngày hôm qua, cho truyền thông mạng biết rằng có những tài liệu vu cáo, nói xấu ông được phát tán đến các cử tri nơi ông cư trú.
Vì một mục đích đơn giản thôi, đó là thực hiện quyền dân chủ và làm cho mọi người quan tâm hơn đến tiến trình dân chủ của Việt Nam. - Ca sĩ Mai Khôi
Thế nhưng, trả lời Đài Á Châu Tự do, ông nhấn mạnh rằng những viên đá lót đường cho nền dân chủ ở Việt Nam đã có từ lâu. Lần ứng cử ĐBQH kỳ này có nhiều ứng cử viên tự do tham gia tranh cử là vì theo ông, ‘thời thế đã thay đổi’:
“Để thể hiện quyền của mình. Và tôi muốn thúc đẩy một phong trào học tập của người dân, nhất là giới trẻ để họ hiểu rằng quyền của họ là thế nào. Một quá trình học tập đã khởi động từ rất lâu rồi, chí ít là khi chúng tôi khởi động kiến nghị 72 đòi thay đổi Hiến pháp.”
Và ông tin rằng ít nhất mình đã thành công
Với ứng cử viên đại diện cho giới trẻ, ca sĩ Mai Khôi thì cho biết cô ứng cử để thực hiện quyền dân chủ.
“Vì một mục đích đơn giản thôi, đó là thực hiện quyền dân chủ và làm cho mọi người quan tâm hơn đến tiến trình dân chủ của Việt Nam. Đó là mục đích chính mà nhiều người ứng cử viên đang làm.”
Lý do này cũng chính là lý do dẫn đến quyết định tự ứng cử của blogger Đặng Bích Phượng. Bà nói rằng bà muốn việc làm của bà, cũng như của những ứng cử viên độc lập khác sẽ làm cho mọi người nhận thức rõ hơn về quyền con người, và đặc biệt, mọi người có thể bước ra nỗi sợ hãi mà đứng dậy thực hiện quyền dân chủ.
(RFA)
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/whatever-lost-they-still-be-a-free-candidacy-why-cl-03222016111645.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét