Chuyện về những người mẹ không danh phận
Hòa Ái, phóng viên RFA, Từ xưa đến nay, hình ảnh người phụ nữ VN luôn gắn liền với câu ca dao “Thân cò lặn lội bờ ao - Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Trong xã hội thời hiện đại, biểu tượng “thân cò” của những người bà, người mẹ, người chị có khác gì mấy so với trước? Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, mùng 8 tháng 3, Hòa Ái gửi đến câu chuyện của những người mẹ không danh phận.
Một phụ nữ Hmong với đứa con nhỏ gùi sau lưng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. AFP photo
"Có đứa con để hủ hỉ"Với nhịp sống công nghiệp trong xã hội VN ngày nay dường như phẩm chất quy ước chung “tam tòng-tứ đức” đối với phụ nữ không còn đậm chất ràng buộc nặng nề như nhiều thập niên trước. Mặc dù hình ảnh tảo tần, chịu thương chịu khó của những người bà, người mẹ ở mọi hang cùng ngõ hẻm khắp đất nước in đậm trong tâm tưởng của nhiều thế hệ nhưng đa số phụ nữ bây giờ không muốn bị dồn nén vào khuôn khổ chật hẹp của đời sống gia đình. Họ có tư tưởng sống hiện đại, chọn cho mình cách sống chủ động, làm chủ bản thân và đối với họ để có một cuộc sống hạnh phúc thì không nhất thiết phải là thành viên viên của một mái ấm đầy đủ vợ chồng và con cái.
Ở VN ngày càng có nhiều phụ nữ năng động, thành đạt, kinh tế vững vàng và cuộc sống của họ được mãn nguyện hơn khi có người cùng đồng hành, chia sẻ buồn vui. Nhưng họ lại chọn cách phá vỡ quy luật truyền thống trở thành mẹ của những thiên thần bé nhỏ mà không cần một người chồng đúng nghĩa ở cạnh bên về mặt tâm lý tình cảm cũng như theo quy định của pháp luật.
Người phụ nữ đầu tiên Hòa Ái giới thiệu đến quý vị là chị Nguyệt, rất giỏi giang xinh đẹp, ở Sài Gòn, quyết định nhận nuôi một cháu bé mồ côi khi chị vừa bước vào ngưỡng cửa tuổi trung niên vì tấm lòng thương người cũng như thương chính mình mà theo như chị tâm tình là “có đứa con để hủ hỉ”. Chị Nguyệt chia sẻ cuộc sống thay đổi như thế nào khi trở thành một bà mẹ đơn thân lúc chị tròn 40 tuổi:
Là một người mẹ nuôi, tôi cũng chưa có kinh nghiệm 9 tháng mang thai hay cảm nhận được tình cảm mẹ con với một đứa trẻ nằm trong bụng mình nhưng khi bắt đầu có con nuôi thì cuộc sống của tôi cũng thay đổi.
- Chị Nguyệt
“Là một người mẹ nuôi, tôi cũng chưa có kinh nghiệm 9 tháng mang thai hay cảm nhận được tình cảm mẹ con với một đứa trẻ nằm trong bụng mình nhưng khi bắt đầu có con nuôi thì cuộc sống của tôi cũng thay đổi. Tôi phải thức sớm hơn, phải lo cho cháu ăn sáng, đi đến đâu thấy cái gì đẹp cũng muốn mua cho con. Tôi hạn chế đi gặp bạn bè và sinh hoạt chi tiêu cũng phải đắn đo, suy nghĩ hơn”.
Thay đổi môi trường sống không phải là điều dễ dàng đối với chị Nguyệt, từ đời sống của một người tự do chuyển qua giai đoạn lo toan mọi bề cho một đứa bé 4-5 tuổi. Và thật sự là một sự thử thách khi chị mang theo đứa con nhỏ chuyển đến quốc gia Tây Âu làm việc hồi năm ngoái. Chị Nguyệt chia sẻ thêm:
“Mặc dù môi trường ở nước ngoài không cần phải lo lắng về sinh hoạt phí học tập cho cháu nhưng bên cạnh đó cháu cũng cần có quần áo phù hợp theo từng mùa, chăm sóc bữa ăn cho cháu cũng phải cẩn thận vì thể trạng của cháu cũng ốm yếu”.
Chị Nguyệt cho biết cuộc sống của chị một năm qua tất bật như con quay, vừa phải thích nghi cuộc sống mới cho bản thân, vừa phải chăm sóc cho con mà không có người quen hay bạn bè phụ giúp. Dù gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại dưới tiết trời lạnh giá nhưng chị Nguyệt cũng lặn lội tìm kiếm cửa tiệm bán hàng tạp hóa của người gốc Á Châu để mua những nguyên liệu về chế biến vì con của chị vẫn chưa quen các món ăn có nhiều bơ sữa.
Trả lời câu hỏi có cảm thấy hối tiếc vì sự tự nguyện làm mẹ đơn thân ở xứ người mà lại là một người mẹ nuôi hay không, chị Nguyệt khẳng định rằng chưa bao giờ hối hận về quyết định định mệnh này và đứa con nuôi chính là linh hồn cuộc sống của đời chị.
Bổn phận
Quay lại trong nước, nghề nghiệp phi công hiện nay là một công việc được cho là thời thượng ở VN khi ngành hàng không dân dụng đang trên đà phát triển mạnh. Khoảng trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều nam thanh nữ tú có cơ hội thi tuyển trở thành phi công, thỏa chí với ước mơ chinh phục bầu trời và thế giới cũng như có mức thu nhập cao và quan trọng hơn hết là niềm hãnh diện của gia đình. Câu chuyện kế tiếp Hòa Ái kể về những người phụ nữ lặng thầm phía sau hình ảnh chỉn chu, thành đạt của các anh chàng “hot boy” phi công VN.
Là chị cả trong gia đình có đứa em trai út thi đậu vào một trong những khóa phi công đầu tiên do Hãng Hàng không Việt Nam Airlines tuyển dụng, cô Chinh rất vui mừng cho ước mơ không tưởng của em mình được thành hiện thực. Cô Chinh nhớ lại giây phút ban đầu em trai chuẩn bị nhập học:
“Song song với niềm vui đó cũng nỗi lo là khi đi học phải có số tiền gọi là ký quỹ. Đột ngột với số tiền vài chục ngàn đô quá lớn so với gia đình của chúng tôi, một gia đình công chức thôi. Suy đi nghĩ lại, sau khi bàn bạc với chồng thì tôi quyết định cầm cố căn nhà của chúng tôi và đồng thời đi vay mượn thêm bạn bè, người thân để đủ số tiền cho em tôi đóng ký quỹ."
Trong suốt những năm em trai học tập vất vả để trở thành một phi công giỏi, bảo đảm an toàn cho hàng trăm mạng người trong các chuyến bay thì cô Chinh thay cha mẹ già sức yếu lo gánh vác trả lãi ngân hàng số tiền vay gần cả tỉ đồng.
Tôi cũng chật vật phải đắp đổi qua ngày. Nhưng rồi cái gì cũng sẽ qua do mình sắp xếp, vun vén thôi. Đến hôm nay thì em tôi chính thức được nhận làm phi công.
- Cô Chinh
“Khi phải trả số tiền vay hàng tháng số tiền không nhỏ. Có thể lên chục triệu và tôi tiếp tục chạy vạy. Từ gánh nợ đó rồi cơm áo gạo tiền của gia đình cho đến chí cho 2 đứa con tôi đi học nữa… cũng là gánh nặng. Tôi cũng chật vật phải đắp đổi qua ngày. Nhưng rồi cái gì cũng sẽ qua do mình sắp xếp, vun vén thôi. Đến hôm nay thì em tôi chính thức được nhận làm phi công”.
Được hỏi có cảm thấy mệt mỏi vì áp lực của sự hy sinh quá lớn để giúp em mình toại chí, cô Chinh trả lời rằng đơn giản chỉ là bổn phận của một người con và một người chị trong gia đình.
Câu chuyện sau cùng Hòa Ái muốn gửi đến quý thính giả về những người bà cũng chính là người mẹ của cháu ruột mình khi tình trạng ly hôn của các gia đình ngày một phổ biến.
Tiếp xúc với bạn Lan, sinh viên năm 2 trường Đại học Ngân Hàng qua điện thoại, câu chuyện cuộc đời ở vùng quê sông nước miền Tây dù có tủi buồn nhưng thật ngọt ngào với hình ảnh bà ngoại già 70 tuổi luôn gắn kết như hình với bóng suốt 18 năm qua.
Câu chuyện được bắt đầu với câu hỏi của Hòa Ái “Khi bất chợt nhớ đến một người phụ nữ thì bạn sẽ nhớ ai nhất”, bạn Lan cho biết đó là bà ngoại của mình. Sống với ngoại từ khi 1 tuổi do cha mẹ li dị và mẹ phải đi xa bươn chải kiếm kế sinh nhai, kỷ niệm của bạn chỉ vỏn vẹn duy nhất hình ảnh của bà ngoại, thức khuya dậy sớm đút cho bạn từng muỗng sữa, dìu cho bạn từng bước đi cho đến khi trưởng thành hằng đêm ngoại cũng thức trắng để ngồi cạnh bên động viên bạn ôn bài thi vào đại học.
Bạn Lan cảm nhận được tình thương của ngoại dành cho mình không đơn thuần chỉ vì trách nhiệm mà đó là tấm lòng bao dung luôn chở che, đùm bọc con cháu của mình.
“Em thương ngoại vì ngoại đã lớn tuổi mà còn bỏ thời gian chăm cho em chứ em không chăm gì được cho ngoại. Bây giờ em đi học xa, buổi tối nào em cũng tranh thủ gọi về nói chuyện với bà ngoại để cho ngoại vui.”
Trong những ngày qua trên các phương tiện truyền thông trong nước, bức hình người mẹ đạp xe chở 2 con nhỏ ngồi phía sau được trùm bằng một bao ny-lông lớn để chắn gió rét hay bà mẹ khiếm thị Trần Mỹ Lệ xuất hiện trên sân khấu hỗ trợ từng bước nhảy cho cậu con trai trong cuộc thi Tìm Kiếm Tài Năng-Vietnam’s Got Talent khiến nhiều người xúc động. Dẫu đời sống xã hội thay đổi thế nào theo thời gian thì mỗi một bà mẹ VN dù chính danh hay không danh phận vẫn mãi là “một miền nhớ” trong lòng của nhiều người.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/stories-of-women-who-play-mothers-role-ha-03042016105348.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét