Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Một loạt chiến hạm của Hạm Đội 7 đã vào Biển Đông

Soái hạm của Hạm Đội 7 dẫn một loạt chiến hạm vào Biển Đông
BIỂN ĐÔNG - USS Blue Ridge - soái hạm của Hạm Đội 7, đã dẫn hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis, hai khu trục hạm (USS Chung Hoon, USS Stockdale), hai tuần dương hạm (USS Antietam, USS Mobile Bay), vào Biển Đông. Thiếu Tá Clay Doss, phát ngôn nhân của Hạm Đội 7 (hạm đội đặc trách Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ) cho biết, những chiến hạm vừa kể được điều động đến Biển Đông để thực hiện việc tuần tra thường kỳ tại vùng biển này.

Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis. (Hình: US Navy)
Thiếu Tá Doss nói thêm rằng, hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tuần tra thường xuyên ở Biển Đông. Phát ngôn viên của Hạm Đội 7 tiết lộ, tính riêng năm ngoái, các chiến hạm của Hạm Đội 7 đã có 700 ngày hoạt động tại Biển Đông.

Sau đợt tuần tra thường kỳ vừa kể, USS Blue Ridge - soái hạm của Hạm Đội 7 sẽ thả neo tại Philippines. Tuần dương hạm USS Antietam thì quay trở về nơi trú đóng là một quân cảng của hải quân Hoa Kỳ ở Nhật. Chưa rõ hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis, hai khu trục hạm USS Chung Hoon, USS Stockdale và tuần dương hạm USS Mobile Bay có rời Biển Đông hay không. Người ta chỉ biết hai khu trục hạm và tuần dương hạm vừa kể đã vào Biển Đông từ đầu tháng trước, còn hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis thì vừa mới từ một quân cảng ở Washington State, Hoa Kỳ đến Biển Đông hồi đầu tháng này.

Dường như Trung Quốc tham gia thúc đẩy Hoa Kỳ gia tăng việc điều động lực lượng đến Biển Đông.

Các tuyên bố và những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến cả chính giới Hoa Kỳ lẫn các đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ, hối thúc chính phủ Hoa Kỳ phải tỏ ra cứng rắn hơn.

Sau khi cộng đồng quốc tế được cảnh báo rằng, Trung Quốc đã bài bố hỏa tiễn phòng không, điều động chiến đấu cơ đến quần đảo Hoàng Sa và thiết lập xong hệ thống radar giám sát cả trời lẫn biển ở quần đảo Trường Sa, tuần trước, hải quân Hoa Kỳ loan báo vận tải hạm USS Ashland, vận chuyển các binh sĩ Trung Đoàn Viễn Chinh 31 của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vừa kết thúc một chuyến tuần tra tại Biển Đông.

Trung Đoàn Viễn Chinh 31 của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đồn trú ở Okinawa (Nhật), có quân số khoảng 2,200 người, với phạm vi trách nhiệm chính là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trung Đoàn Viễn Chinh 31 của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được tổ chức như một đơn vị đặc nhiệm, có thể triển khai ở mọi nơi, kể cả đổ bộ từ trên không. Trung Đoàn Viễn Chinh 31 của thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được đặt dưới sự điều động của Hạm Đội 7.

Đa số chỉ biết, hải quân Hoa Kỳ đã tổ chức hai cuộc tuần tra, một do USS Lassen thực hiện ở quần đảo Trường Sa hồi cuối tháng 10 năm ngoái và một do USS Curtis Wilbur thực hiện hồi cuối tháng 1 năm nay ở quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên theo thông tin mới nhất do hải quân Hoa Kỳ công bố cuối tuần trước thì ngoài hai khu trục hạm vừa kể, Hoa Kỳ còn điều động một số khu trục hạm, tuần dương hạm, vận tải hạm khác tham gia tuần tra ở Biển Đông như: USS Preble, USS Essex, USS Chancellorsville, USS Fort Worth. Trước khi USS Ashland tham gia tuần tra Biển Đông, tuần dương hạm USS McCampbell vừa kết thúc một cuộc tuần tra khác tại Biển Đông vào hôm 22 tháng 2. Tính ra, từ tháng 10 năm ngoái đến cuối tháng 2 vừa qua, hải quân Hoa Kỳ đã điều động tám chiến hạm tuần tra tại Biển Đông. Trong số này, có hai vận tải hạm - được thiết kế để vận chuyển và đổ bộ thủy quân lục chiến (USS Asland và USS Essex).

Hiện chưa rõ các đợt tuần tra càng ngày càng dày với số lượng chiến hạm càng ngày càng lớn, có cả sự tham gia của những vận tại hạm vận chuyển thủy quân lục chiến của hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông, có liên quan thế nào đến tố cáo của ngư dân Philippines rằng các chiến hạm của Trung Quốc đã vây bãi Hải Sâm ở quần đảo Trường Sa suốt tháng trước.

Cũng không rõ liệu hoạt động tuần tra vừa kể có tác động nào đến việc các chiến hạm của Trung Quốc rút khỏi bãi Hải Sâm hay không.

Trong sự kiện bãi Hải Sâm, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc mới phân bua rằng, sở dĩ có nhiều tàu của Trung Quốc cùng đổ đến bãi đá Hải Sâm là vì cần giải cứu cho một tàu đánh cá của Trung Quốc bị mắc cạn tại đó từ cuối năm ngoái. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định, các tàu của Trung Quốc không đuổi các tàu đánh cá của Philippines khỏi bãi Hải Sâm mà chỉ “thuyết phục những tàu đánh cá đó rút lui để bảo đảm an toàn lưu thông hàng hải” và “các tàu của Trung Quốc đã rút khỏi bãi đá Hải Sâm sau khi hoàn thành nhiệm vụ.”

Đối chiếu thời gian của các sự kiện thì có một điểm đáng chú ý là sau khi soái hạm USS Blue Ridge đã dẫn một loạt chiến hạm của Hạm Đội 7 vào Biển Đông, ông Ashton Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, công khai cảnh cáo Trung Quốc nên ngưng ngay những hành động hiếu chiến, bởi nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc sẽ dẫn đến những hậu quả cụ thể. (G.Đ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét