Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

(2) Chuyện Sếp Tây, Sếp Ta

Thông Reo: Sếp Tây, Sếp Ta (phần cuối)
Về khoản giản dị trong công việc, gần gũi, hòa đồng với nhân viên, có lẽ sếp Tây hơn hẳn. Sau khi ra trường (ở Mỹ), tôi có làm việc cho một công ty chế tạo thiết bị điện tử, lúc cao điểm có khoảng 4 – 5 ngàn nhân viên, coi như cỡ trung bình. Công ty có bản doanh ở thành phố Boston, nơi có trường đại học MIT nổi tiếng, không hề ngẫu nhiên vì hai người đồng sáng lập ra công ty đều là cựu sinh viên của MIT.

Còm sỹ Thông Reo. Ảnh: FB Danh Nguyên
Lâu lâu các ông sếp lớn trong công ty – CEO, chủ tịch, phó chủ tịch … bay qua chi nhánh ở California để thăm nhân viên và làm việc ít ngày. Lần đầu gặp ông CEO, tôi ngạc nhiên quá đỗi khi thấy ông thuê xe và tự lái đến công ty, chẳng có “tiền hô, hậu ủng” gì cả. Vào hãng ông ngồi làm việc trong một cái cubicle (chỗ ngồi) y như một kỹ sư bình thường, không đòi hỏi văn phòng riêng.

Lương của ông cả chục triệu một năm, ở ngoài đời có lẽ cuộc sống rất sang trọng, nhưng đến trưa thì vẫn xuống căng tin xếp hàng mua đồ ăn bình đẳng như mọi người.

Lúc đó tôi không khỏi liên tưởng đến chuyện chú Ba Bền. Ông là giám đốc của một nhà máy sản xuất thiết bị điện ở Khu công nghiệp Biên Hòa mà tôi có dịp đi thực tập vào năm cuối đại học. Nhà máy cả kỹ sư, công nhân, các phòng ban không quá 500 người. Ông tên Bền, dân tập kết, thứ Ba, nên mọi người đều kính cẩn gọi ông là Chú Ba Bền.

Một trong những phúc lợi quan trọng của công nhân thời đó là bữa ăn trưa (không tốn tiền) tại nhà máy. Mọi người thường xếp hàng nhận cơm theo nhóm, coi như mỗi nhóm là một mâm.

Ban giám đốc, đứng đầu là chú Ba, không bao giờ phải xếp hàng. Nhà bếp dọn cho họ mâm riêng, bàn riêng. Khỏi cần nói thì có lẽ mọi người cũng đoán được mâm cơm của bàn giám đốc đầy đủ, sung túc hơn hẳn tất cả các bàn khác.

Hơn nữa, bàn của chú Ba lúc nào cũng được dọn lên trước, dù nhà ăn có đông đúc, bận rộn như thế nào đi nữa. Nhắc đến chi tiết này để thấy sự tương phản với một ông chủ Tây khác.

Công ty tôi đang làm là một công ty gia đình, trên dưới 200 nhân viên. Ông bố là kỹ sư, sáng lập công ty, và đóng luôn vai CTO (Giám đốc Kỹ thuật). Bà mẹ làm CFO (Giám đốc Tài chính). Anh con trai lớn tốt nghiệp MBA ở Harvard được bố mẹ chọn làm CEO (Giám đốc Điều hành).

Tóm lại, giới chủ toàn là phe ta cả. Hãng làm ăn được, có đồng ra đồng vào, nên lo cho nhân viên bữa trưa, đặt cơm nhà hàng đem vào (catering). Mỗi lần đồ nhà hàng dọn ra ngào ngạt quyến rũ, ai cũng đói bụng nên mau mau ra xếp hàng.

Chỉ có hai ông bà chủ ngày nào cũng đợi nhân viên lấy đồ ăn xong hết, hàng trống trơn, rồi mới đến lượt. Lắm khi, những món ngon đã được đám nhân viên vô tình dọn gần sạch, chẳng biết hai ông bà ăn gì?

Người ta đâu có bao giờ học tập tư tưởng này nọ kia, mà khiêm tốn thế không biết? Thật ra, ông chủ “làm trước, ăn sau” là ông chủ khôn. Nhân viên họ đều biết nhận xét, họ sẽ quý công ty và làm việc tích cực hơn.

Nói thêm về tính giản dị, hòa đồng trong công việc của sếp Tây, có lẽ chẳng nơi đâu rõ nét như Google. Nhờ phúc đức ông bà phù hộ, Thông Reo may mắn được làm việc ở đó vài năm, nên cũng học được nhiều điều thú vị. Chẳng biết có phải vì giới lãnh đạo ở Google còn trẻ, xuất thân từ giới kỹ sư, nhờ tài năng mà trở thành xếp, nên họ không ngại “chen vai, thích cánh” với nhân viên hay không?

Tuần nào cũng vậy, cuối ngày thứ sáu có tiệc nhẹ, bộ ba đầu sỏ Larry Page, Sergey Brin hay Eric Schmidt luân phiên nhau nói chuyện trực tiếp với nhân viên – lúc cuối bao giờ cũng có phần hỏi đáp & trả lời, rất thẳng thắn, công bằng.


Larry Page. Ảnh: Internet

Cậu Sergey (tạm gọi vậy vì hắn nhỏ tuổi hơn TR nhiều) rất thích chơi bóng chuyền với nhân viên. Ngoài sân là sếp, là người sáng lập Google, trong sân chỉ là bạn chơi bóng chuyền. Tôi thấy bọn chúng chơi sòng phẳng, đập thẳng cánh, không hề có chuyện “em nâng cho anh đập”.

Có lần TR phải đi công tác ở đại bản doanh tại thành phố Mountain View, buổi trưa đang xếp hàng lấy cơm, một lúc có ông nào cao to đang bàn luận chuyện gì say sưa lắm sau lưng, quay lại thì đụng ngay ông Urs Holzle – ông trùm của mạng nhện các trung tâm tính toán của Google khi đó. Mỗi khi các cụ kiếm gì đó trên Google, hay viết Gmail, thì tất cả các thông tin đều chảy qua hệ thống máy móc của ông ấy đấy!

Một lần nữa, ngày thứ sáu, tôi lần mò đến gần sân khấu để nghe cho rõ cậu Larry đang nói gì, suýt nữa thì tông vào ông Vic Gundotra, sếp của hệ điều hành Android, cũng đang lang bang ở đó. Ông này giỏi và có duyên ăn nói lắm. Ông ấy giới thiệu sản phẩm mới thì kiến trong lỗ cũng muốn bò ra. Bọn nhân viên đến sớm đã chiếm hết ghế, sếp to đến trễ cũng phải chầu rìa luôn!

Đã “thấy sang, bắt quàng làm họ”, thì cũng kể luôn cho trót. Lần nọ, đầu óc lan man nghĩ về công việc, tôi bước vào toilet theo bản năng. Gần xong việc, ngó lên thì thấy ngay bên cạnh một anh chàng cao nhòng, đen thui, ốm nhách cũng đang thi hành nghĩa vụ. Anh chàng đó tên là Sundar Pichai, CEO của Google bây giờ (lúc đó anh ấy chỉ quản các sản phẩm Google Chrome & Google Apps mà thôi).

Nói dông dài vậy không phải để khoe, mà Thông Reo chỉ muốn nêu một ý, là phần lớn các sếp to ở Google có tác phong bình dị, gần gũi với nhân viên. Trong công việc, họ ra quyết định. Nhưng trong sinh hoạt thường ngày, họ không khác nhân viên là mấy. Nhờ vậy, họ dễ dàng nghe được, thấu hiểu va tiếp nhận suy nghĩ, nguyện vọng và cả sáng kiến của cấp dưới. Chắc chắn rằng sự thành công vượt bực của Google một phần lớn là do cái văn hóa làm sếp, văn hóa lãnh đạo của họ.
Nhân tiện xin chia sẻ với các cụ một chuyện có thể nói là quái lạ ở một số công ty ở Hoa kỳ. Đôi khi họ đem các sếp lớn ra làm trò đùa cho nhân viên (TR nghe nói công ty FPT ở Việt nam cũng có chuyện nhân viên diễn kịch chế giễu sếp). Không phải đùa vô bổ, mà có mục đích đàng hoàng.

Năm đó TR gần ra trường, xin được công việc thực tập ở IBM. Lúc gần xong thì công ty có một cái event, hình như là để tổng kết nửa năm. Mọi người tập hợp dưới sân uống bia, lai rai đồ ăn nhẹ.

Vài bài diễn văn, thông báo ngắn. Nhưng cái đinh của hôm đó là việc đem các sếp lớn đi nhúng nước, tiếng Anh gọi là “water dunking”. Họ thuê một thiết bị đặc biệt, có một thùng nước khổng lồ phía dưới, trên nắp thùng có một ghế ngồi, đủ cho một sếp ngồi vững chãi.

Bên cạnh thùng có một cái đích ngắm. Nếu có ai lấy trái banh tennis ném trúng vào cái đích, thì cái máy sẽ kích hoạt mở cái đáy ghế, và người ngồi trên đó sẽ rơi tõm vào thùng nước, bảo đảm ướt như chuột lột.

Hôm đó, sếp chi nhánh là một bà, veston chững chạc rơi tõm vào thùng nước trước, và thêm vài sếp nữa. Nhìn thấy bà lóp ngóp leo ra, quấn cái khăn bông lên bộ cánh sũng nước, TR thấy quá tội!

Chuyện là thế này, các sếp ở đó phát động phong trào thi đua trích lương cho quỹ từ thiện cứu đói Phi châu. Phòng, ban hay nhóm nào đóng được nhiều nhất thì được quyền cử người ra nhúng nước sếp. Đóng nhiều hơn, thì nhúng nước sếp to hơn! Thì ra các sếp tự rước vào thân, không ai ép cả! :-)


Tim Cook. Ảnh: Internet

Bài đã dài, giờ đây xin được quay về (detour) với câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Tại sao ở Ta lên sếp thì béo, còn ở Mỹ lên sếp thì ốm? Có phải rằng bổng lộc, thu nhập của sếp Ta nhiều hơn, và gánh nặng trách nhiệm của sếp Tây thì nặng hơn? Có lẽ tôi không đủ kiến thức và kinh nghiệm sống để bình về chuyện sếp Ta, nhưng may mắn có dịp chứng kiến gánh nặng trách nhiệm của sếp Tây, và nhất là cái tinh thần tự giác cao độ khi hoàn thành trách nhiệm của họ.

Gầy hay béo chỉ là hiện tượng. Điều quan trọng hơn cả là cái cách làm lãnh đạo, cái văn hóa làm sếp. Nếu kinh tế của ta chưa bùng nổ, doanh nghiệp của ta đa phần còn đì đẹt chưa nở mày nở mặt trên trường quốc tế, thì tất nhiên, giới sếp của ta cũng có phần trách nhiệm. Nên chăng các sếp ta nên mở rộng tầm mắt, quan sát, lắng nghe, học theo điều hay lẽ phải trong văn hóa làm sếp xứ người, để đem lại thành công thịnh vượng trước là cho cơ quan, công ty của mình, sau là cho đất nước.

Để kết, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. Một anh bạn học, một thời có chức có quyền ở Công ty Điện lực EVN, thường phụ trách việc tuyển người trong công ty đi tu nghiệp Âu châu theo chương trình viện trợ của họ cho Việt nam.

Tuy nhiên, anh phải lo luôn mảng hướng dẫn cho các sếp Điện lực sắp về hưu, tiếng là đi tu nghiệp, nhưng thực sự là đi du lịch miễn phí trước khi về nhà đuổi gà cho các cụ bà. Lần nọ, anh đưa đoàn đến Ireland. Sau vài ngày tham quan, khảo sát các nhà máy, cơ sở điện lực bên đó, một ông sếp kéo anh ra riêng, rồi thật thà căn dặn “Bảo chúng nó phát tiền cho mình xài đi chứ!” :-)

Thông Reo. Los Angeles 2-2016
http://hieuminh.org/2016/03/03/thong-reo-sep-tay-sep-ta-phan-cuoi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét