Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?

Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?
Hoài bão về một Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu từng thể hiện ở một số lãnh đạo cộng sản Việt Nam thời kỳ đầu (với tất cả những sai lầm mà họ đã không tránh khỏi thì họ vẫn là những người có hoài bão lớn), như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, hay thậm chí Lê Duẩn (cho dù Lê Duẩn không đưa được Việt Nam thoát nghèo do không có kiến thức và kinh nghiệm xây dựng kinh tế, và do bị cột chặt vào mô hình kinh tế kế hoạch hóa và tập thể hóa thời Liên Xô, nhưng ông ta có cái khát vọng về một Việt Nam hùng mạnh, và ông ta đã không ngại tiến hành chiến tranh với Trung Quốc, trong vị thế là lãnh đạo của một quốc gia bình đẳng với Trung Quốc. Chúng ta cũng đừng quên rằng đến năm 1988 Việt Nam vẫn còn đánh nhau với Trung Quốc).

"...Quan sát chính trị Việt Nam đôi khi có cảm giác chẳng khác gì đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám dang dở, chưa đến hồi cuối, nghĩa là mọi bí mật còn ở phía trước, và mọi khả năng đều có thể xảy ra, dù rằng xảy ra trong một phạm vi có thể tiên liệu được..."

Như đã có lần từng nói, phân tích chính trị Việt Nam là một việc khó, chính là vì mọi thứ diễn ra theo cách thức công khai một cách bí mật, hoặc bí mật một cách công khai, vì sự thật bị cất giấu ở đâu đó trong những góc khuất tối tăm, và những thông tin chính xác người dân không được biết. Báo chí thì chỉ đưa tin về các sự kiện với một lượng thông tin tối thiểu. Nếu độc giả sống ở một nước như Pháp hay Mỹ hay ở một nước dân chủ nào đó, sẽ thấy rõ sự khác biệt này : mỗi sự kiện khi được đưa ra bao giờ cũng kèm theo rất nhiều thông tin, và rất nhiều phân tích, bình luận, trong khi ở Việt Nam báo chí chỉ đưa tin về sự kiện chính trị, với một hàm lượng thông tin ít ỏi hết cỡ (dĩ nhiên là những tin được phép đưa), không có phân tích hoặc có rất ít phân tích, hoặc chỉ là các phân tích theo một chiều, cái chiều được chỉ đạo hoặc được cho phép, đây là điểm bất thường của báo chí chính thống Việt Nam. Nhưng điểm bất thường này hoàn toàn có thể giải thích được, và nó chính là một trong những đặc điểm căn bản của báo chí trong các thể chế độc tài.

Lấy một ví dụ về bầu cử cấp địa phương vừa diễn ra ở Pháp : ngay trong ngày chủ nhật (dân Pháp chỉ bỏ phiếu trong một ngày chủ nhật), sau khi có kết quả bỏ phiếu, thường là vào 20h tối cùng ngày, lập tức các đài truyền hình, các đài phát thanh tổ chức các cuộc thảo luận trực tuyến, mời các chuyên gia phân tích, bình luận gần như trực tiếp. Dĩ nhiên, sau đó báo chí tiếp tục phân tích. Đồng thời các nghiên cứu xã hội học về sự kiện cũng được triển khai ngay lập tức. Còn ở Việt Nam, nếu đọc tin về bầu cử cấp địa phương, cũng vừa diễn ra trong thời gian gần đây, ta sẽ thấy chỉ có tin và tin : ai được bầu, ở đâu, ai thôi chức vụ. Chỉ có vậy, hầu như không có phân tích, không có bình luận.

Tuy nhiên, dù khó khăn vẫn phải tiến hành các phân tích chính trị, hay nói cách khác, càng khó khăn càng cần học cách phân tích chính trị. Phân tích chứ không phải là chỉ trích hay ca tụng theo cảm tính. Việt Nam cần hình thành một tầng lớp những người có chuyên môn trong nghề phân tích chính trị. Điều này sẽ giúp ích không nhỏ cho chính phủ. Khi những người làm việc trong chính quyền hiểu rằng, dù muốn hay không, mọi hành động, mọi phát ngôn của họ đều được đưa ra phân tích thì có thể họ sẽ phải thận trọng hơn và có trách nhiệm hơn đối với hành động và phát ngôn của mình.

Dĩ nhiên, nếu chúng ta không muốn chính chúng ta bị người khác chỉ trích rằng « dân nào chính phủ ấy », thì cần chứng tỏ cho chính quyền biết dân trí của Việt Nam không thấp như chính quyền cố tình tuyên truyền, và những người dân bình thường trong xã hội có khả năng đòi hỏi chính quyền phải đáp ứng những yêu cầu rất cao của mình. Và nếu những người đứng ở vị trí lãnh đạo không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của người dân thì cần nhường chỗ cho những người có đủ năng lực để làm việc đó.

Trong bài này, tôi thử làm một phân tích để trả lời câu hỏi : liệu Việt Nam có thể có cải cách chính trị hay không, và ai là người có thể thực hiện cải cách chính trị, trong thời điểm này ?

Trước khi đi vào những câu hỏi này, tôi trở lại với trường hợp Gorbatchev, để minh định một điều : những người có khả năng tiến hành cải cách cần có một số phẩm chất nhất định.

Tháng 3 năm 1985 Ban Bí thư trung ương và Bộ chính trị Liên Xô đã chọn Mikhail Gorbatchev làm Tổng bí thư của đảng cộng sản Liên Xô, lúc ông chỉ mới 54 tuổi. Sự lựa chọn này được thúc đẩy bởi ý thức trách nhiệm đối với đất nước của ban lãnh đạo cũ. Gorbatchev sau khi nắm quyền đã tiến hành chương trình cải tổ perestroika. Chương trình không thành công như ông dự định, nhưng nó đã góp phần đưa nước Nga và Liên bang Xô viết thoát khỏi hệ thống toàn trị, mở ra một chương mới cho các sức mạnh Nga được phát triển.

Đã có nhiều sách viết về con người Gorbatchev để lý giải vì sao ông ta trở thành một huyền thoại. Ở đây xin giới thiệu một số nét trong chân dung của Gorbatchev, do Andreï Serafimovitch Gratchev miêu tả trong cuốn «Bí ẩn Gorbatchev : đất và số phận » (Le mystère Gorbatchev: la terre et le destin). Andreï Serafimovitch Gratchev là tiến sĩ lịch sử, có bằng đại học về ngành quan hệ quốc tế, từng là trợ lý và người phát ngôn của Gorbatchev.

Khi giữ chức vụ trong hàng lãnh đạo cao nhất ở địa phương, Gorbatchev đi bộ đến nơi làm việc. Ông không dùng đến xe công vụ. Ông gặp và tiếp chuyện người dân ngay trên đường phố. Vợ ông, bà Raissa, mua hàng trong những cửa hàng bình dân, tránh những nơi dành riêng cho những đảng viên có thế lực. Họ cho con đi học một trường bình thường trong khu phố chứ không chọn những trường mà giới lãnh đạo thường gửi con đến học.

Trong khi thực hiện tận tụy mọi công việc được giao, làm hết trách nhiệm với một thái độ trung thực và lương thiện, Gorbatchev đã gặp phải vô số vấn đề khiến ông cảm thấy khó hiểu và không đồng tình, một trong số những vấn đề đó là « sự kiêu căng và thụ động của những vị lãnh đạo bất tài ». Gorbatchev đã nung nấu suy nghĩ và tìm phương hướng giải quyết khi càng ngày ông càng lên cao trong bậc thang quyền lực.

Về phương diện trí tuệ, từ cuối 1978, khi chuyển lên Moscou, Gorbatchev đã đọc rất nhiều sách lúc bấy giờ bị cấm đối với đại chúng, cả những tác giả mac-xít lẫn những tác giả chống mac-xit, các triết gia mới như Sartre, Heidegger, Marcuse, những triết gia của trường phái Francfort. Gorbatchev cũng luôn tìm cách tận hưởng các hoạt động văn hóa. Và khi đứng ở vị trí lãnh đạo cao nhất, ông đã thường xuyên tiếp xúc với các nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau ở Moscou. Ông hiểu rõ giá trị của văn hóa và khoa học. Điều này được nhấn mạnh trong nhiều diễn văn của ông, trong cả cuốn sách dày do chính ông viết ra để giải thích về khái niệm và chương trình perestroika.

Và những chuyến đi công du nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây, cho phép ông mở ra sự so sánh cần thiết. Vợ ông là người đã đặt cho ông câu hỏi : « Vì sao họ sống tốt hơn chúng ta? » Và ông sẽ tìm cách trả lời câu hỏi đó khi nhìn thấy tình trạng tù hãm, đình trệ của đất nước ông.

Sau khi được bầu vào vị trí quyền lực cao nhất, ông đã tiến hành những cải cách, như chúng ta biết, không chỉ làm thay đổi nước Nga, mà là cả cục diện thế giới. Điều cần nói ở đây là, những cải cách đó, không chỉ là mong muốn riêng của Gorbatchev, không chỉ là chương trình riêng của Gorbatchev. Những cải cách đó là sự thực hiện mong muốn chung của đa số những người dân Nga, nhất là của giới trẻ, những người, vào thời điểm đó, cảm thấy rằng « chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này nữa », cảm thấy rằng không thể tiếp tục sống trong dối trá, trong sự băng hoại đạo đức và tinh thần. Ý nghĩa sâu xa và căn bản của chương trình Perestroika, như Gorbatchev nhấn mạnh, đó là « xây dựng đời sống tinh thần cho các cá nhân, trong khi tôn trọng đời sống nội tâm của họ và trao cho họ sức mạnh đạo đức. Chúng ta tìm cách khởi động tất cả mọi tiềm năng trí tuệ của xã hội chúng ta, tất cả mọi tiềm năng văn hoá, để tạo ra các cá nhân năng động về mặt xã hội, phong phú về tinh thần, công chính và có lương tâm. ». Nghĩa là cải cách chính trị được tiến hành, đáp ứng nguyện vọng của người dân, nhằm trả lại phẩm giá, đạo đức và các giá trị tinh thần cho các công dân trong xã hội, trả lại cho cuộc sống những giá trị nhân văn. Cuộc sống đúng nghĩa không thể chỉ là sự tồn tại vật lý trong một bầu khí quyển lừa dối và bạo lực. Và luôn biết rằng một chương trình cải cách như vậy sẽ gặp vô vàn khó khăn, nhưng ông đã cương quyết thực hiện.

Giới thiệu về con người Gorbatchev để thấy rằng cải cách thực sự phải gắn liền với những khát vọng nhân bản, nó được thực hiện bởi những người có hoài bão lớn, không vụ lợi cá nhân mà nghĩ tới các giá trị chung và các mục đích chung.

Vấn đề của Việt Nam chúng ta là : trong bộ máy lãnh đạo của chúng ta hiện nay, có những người như vậy hay không ? Liệu có ai trong số các lãnh đạo còn nghĩ đến đạo đức và các giá trị tinh thần ?

Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không (II)?

Quan sát chính trị Việt Nam đôi khi có cảm giác chẳng khác gì đọc một cuốn tiểu thuyết trinh thám dang dở, chưa đến hồi cuối, nghĩa là mọi bí mật còn ở phía trước, và mọi khả năng đều có thể xảy ra, dù rằng xảy ra trong một phạm vi có thể tiên liệu được.

Vì thế mà phân tích chính trị Việt Nam, trong rất nhiều trường hợp, chỉ là những suy đoán mang tính giả định, dựa trên những thông tin mà phần lớn không thể đảm bảo về mức độ chính xác.

Vậy, nếu định thử làm công việc phân tích chính trị Việt Nam thì có lẽ cần chọn theo một số nguyên tắc nhất định, trong đó có nguyên tắc này : phân tích các sự kiện và nhân vật chính trị theo phương pháp phân tích tiểu thuyết trinh thám. Nghĩa là bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn, cần có thêm một ít tưởng tượng,và luôn ý thức về tính chất phức tạp, khó nắm bắt của tình hình và ý thức về sự bấp bênh của các kết luận. Đồng thời không nên bỏ qua các chi tiết tưởng chừng như là nhỏ nhặt. Tương tự như khi tác giả tiểu thuyết trinh thám để cho một ly nước xuất hiện trên bàn, đừng bỏ qua nó, bởi trong đó có thể có độc và nó sẽ được dùng đến vào thời điểm cần thiết. Và luôn cần ý thức rằng mình đang bị tác giả lừa, đang bị đặt vào bẫy của tác giả. Trong trường hợp ta phân tích chính trị Việt Nam, tác giả chính là các nhân vật chính trị. Cuốn tiểu thuyết chính trị do họ viết ra đồng thời họ đóng vai các nhân vật trong đó. Các thông tin nổi trôi trên mạng, được đưa ra bởi bút danh đủ các loại có thể là chủ ý của họ để làm rối loạn thông tin và để hạ bệ các đối thủ chính trị của họ. Chỉ cần nhớ lại vụ tin đồn nhảm về cái chết của Phùng Quang Thanh, ta sẽ thấy rõ điều này. Đến cả báo chí quốc tế còn dính đòn lừa của họ. Tuy nhiên, những người thận trọng sẽ thấy rằng, không một báo nào ở Pháp lên tiếng về sự kiện này, dù rằng câu chuyện liên quan đến khoảng thời gian Phùng Quang Thanh ở Pháp. Như vậy, việc của họ là lũng đoạn thông tin để điều khiển dư luận. Còn chúng ta có ngây thơ để cho họ điều khiển hay không, đó là việc của chúng ta. Muốn không bị điều khiển, chúng ta chỉ còn một cách duy nhất : phát triển khả năng phân tích và khả năng tư duy độc lập của mình. Việc tư duy độc lập của mỗi người trở nên đủ mạnh là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của một thể chế dân chủ. Giả định rằng nếu có khoảng 50% dân số có khả năng tư duy độc lập và có khả năng vạch ra sự ngụy biện hay lừa dối của chính phủ, và không chấp các biện pháp lừa dối và ngụy biện ấy nữa, thì chính phủ sẽ không còn dễ dàng điều khiển và nô dịch hóa các công dân của mình nữa.

Còn hồi kết của màn kịch hay tiểu thuyết trinh thám chính trị này ? Hồi kết chỉ diễn ra lúc nào thể chế chính trị hiện tại kết thúc để cho phép mở ra một hình thái chính trị khác, hình thái dân chủ, trong đó sự minh bạch được đưa lên làm tiêu chí hàng đầu trong các hoạt động chính trị cũng như trong vận hành xã hội.

Vậy, chúng ta xác định với nhau rằng cuốn tiểu thuyết trinh thám-chính trị mà chúng ta đang đọc hàng ngày hiện đang được các tác giả của nó viết nên và chưa biết lúc nào mới kết thúc.

Việt Nam có thể tiến hành cải cách chính trị hay không ?


Để trả lời câu hỏi này, cần trả lời nhiều câu hỏi khác, dĩ nhiên.

Trở lại với câu hỏi ở cuối bài trước : « trong bộ máy lãnh đạo của chúng ta hiện nay có những người có hoài bão lớn, không vụ lợi cá nhân mà nghĩ tới các giá trị chung và các mục đích chung, như Gorbatchev hay không ? Liệu có ai trong số đó còn nghĩ đến các giá trị đạo đức và tinh thần ? »

Hoài bão về một Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu từng thể hiện ở một số lãnh đạo cộng sản Việt Nam thời kỳ đầu (với tất cả những sai lầm mà họ đã không tránh khỏi thì họ vẫn là những người có hoài bão lớn), như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, hay thậm chí Lê Duẩn (cho dù Lê Duẩn không đưa được Việt Nam thoát nghèo do không có kiến thức và kinh nghiệm xây dựng kinh tế, và do bị cột chặt vào mô hình kinh tế kế hoạch hóa và tập thể hóa thời Liên Xô, nhưng ông ta có cái khát vọng về một Việt Nam hùng mạnh, và ông ta đã không ngại tiến hành chiến tranh với Trung Quốc, trong vị thế là lãnh đạo của một quốc gia bình đẳng với Trung Quốc. Chúng ta cũng đừng quên rằng đến năm 1988 Việt Nam vẫn còn đánh nhau với Trung Quốc).

Cái hoài bão lớn ấy giờ đây không còn xuất hiện trong các diễn văn của các lãnh đạo đương nhiệm. Vì thế, dĩ nhiên, cũng không còn xuất hiện trong các hành động của các lãnh đạo đương nhiệm. Đến một hành động tối thiểu là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế mà cả bộ máy lãnh đạo còn không dám, trong khi một nước nhỏ như Philippines đã làm việc đó từ lâu, và người dân Việt đã thúc ép từ lâu.

Trong hành ngũ lãnh đạo Việt Nam hiện hành, không có người nào bộc lộ một hoài bão chính trị lớn về tương lai của dân tộc và về vị thế của dân tộc. Điều này có thể kiểm chứng trên các phát ngôn, các chính sách và cách hành động của họ. Câu trả lời mà tôi tìm thấy hiện nay là như vậy. Điều này không ngăn cản việc, trong số họ tiềm ẩn những người chưa tiện bộc lộ tư tưởng của mình, những người chờ đến khi được đứng vào vị thế quyền lực cao nhất mới hành động. Nhưng giả định này cũng có thể là rất viển vông.

Tuy nhiên trong đội ngũ lãnh đạo Việt Nam đương nhiệm, có một người có thể xem là muốn giữ đạo đức, và có quan tâm tới vấn đề đạo đức. Đó là ông Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng.

Vì sao tôi nói như vậy ?

Quý độc giả hãy đọc những phân tích dưới đây của tôi một cách hết sức thận trọng và tỉnh táo.

Bởi những phân tích của tôi dựa trên những thông tin ít ỏi mà chúng ta có thể có được, từ các nguồn mà chúng ta cho rằng có thể tin cậy, trong khi đó, sự thật rất có thể nằm ở những thông tin vẫn còn bị giấu kín trong bóng tối. Vì thế tôi ý thức được rằng toàn bộ phân tích của tôi ở đây có thể bị sụp đổ, nếu một ngày nào đó các thông tin xác thực được công bố. Đồng thời xin quý độc giả kiên nhẫn chờ đọc hết loạt bài này trước khi đánh giá về động cơ cá nhân của tôi khi quyết định viết ra chúng.

Câu hỏi về việc ông TBT có quan tâm đến đạo đức không liên quan đến một câu hỏi khác , có lẽ quan trọng hơn rất nhiều: TBT đương nhiệm có để cho Trung Quốc chi phối (dường như xu hướng chung đang thiên về giả định này) không ? Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam sẽ bị Trung Quốc chi phối nhiều hơn hay ít hơn nếu Việt Nam bị đặt dưới sự lãnh đạo của những người khác ?

Cũng xin hiểu rằng, những phân tích dưới đây của tôi là một nỗ lực diễn giải các sự kiện và các nhân vật chính trị, một nỗ lực diễn giải khách quan, chỉ dựa vào những thông tin hoặc có thể kiểm chứng được, hoặc trực tiếp chứng kiến, trong một mục đích duy nhất : đi tới nhận thức về những sự thật khả dĩ của những gì đang diễn ra sau tấm màn sắt của sân khấu chính trị. Và tôi cũng biết rằng những phân tích này hoàn toàn chẳng có tác động gì tới vở kịch hay tới cuốn tiểu thuyết chính trị mà họ (các lãnh đạo đương nhiệm hay các lãnh đạo tương lai) đang viết ra trên xứ sở này, họ tự giành độc quyền đó cho mình, trong khi tuyệt đối gạt bỏ vai trò của toàn bộ dân tộc. Đây chỉ là một nỗ lực cá nhân, với tư cách là một người làm nghiên cứu, trong hành trình tìm hiểu lịch sử đang diễn ra của đất nước.

Trước tiên, phân tích đầu tiên của tôi dựa vào một sự kiện mà thông tin về sự kiện đó đã phần nào được minh bạch : Hội nghị Trung Ương (HNTW) 6, tháng 10/2012. Và tôi sẽ đặc biệt tập trung vào một văn bản mà tất cả chúng ta đều có thể kiểm chứng được : Diễn văn bế mạc của Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng, ngày 15/10/2015.

Bắt đầu nhiệm kỳ TBT của mình từ năm 2011, ông Trọng xác định sứ mạng của mình là phải làm trong sạch Đảng, điều này xuất hiện thường xuyên trong các diễn văn của ông, và dường như ông cho rằng để làm trong sạch đảng phải chống tham nhũng, và chống tham nhũng thực sự. Kết quả của mục tiêu này là chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu từ trên xuống, để lại dấu ấn khó phai là HNTW 6 .

Thời điểm đó, 2012, không ai nhìn cuộc chiến của TBT là một cuộc chiến tranh giành quyền lực (như xu hướng chung hiện nay đang nhìn nhận). Trái lại, thời điểm đó, cuộc đấu tranh của ông được nhìn nhận như là cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Và ông Trọng nhận được sự ủng hộ của những người còn có lương tri và hiểu biết trong Đảng (ví dụ đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã đề nghị thủ tướng từ chức, và đấy là lần đầu tiên ở Quốc hội Việt Nam có một đề nghị thẳng thắn và có thể xem là can đảm như vậy. Sự thẳng thắn và can đảm đó có thể bắt nguồn từ không khí chống tham nhũng thật sự do TBT phát động ?)

Ông TBT có thực sự muốn làm trong sạch Đảng, có thực sự muốn chống tham nhũng ?

(Còn tiếp)

Paris, 18/1/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
blog Nguyễn Thị Từ Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét