Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã 'bắn súng lục vào quá khứ'!

Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã 'bắn súng lục vào quá khứ'!
Tuấn Khanh - một nhạc sĩ đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh đang khiến dư luận phẫn nộ khi nói về các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh trên đảo Gạc Ma năm 1988. Ngày 17/1 vừa qua, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức buổi lễ đặt viên đá, khởi công xây dựng Khu tượng đài “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”.

Nhân dịp này, trên trang mạng RFA, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã có một bài viết mang tính suy diễn hết sức nguy hiểm, xuyên tạc sự kiện lịch sử của dân tộc. Đó là sự ngộ nhận do thiếu kiến thức lịch sử và càng không hiểu về tác chiến quân sự. Điều đó dễ khiến dư luận hoang mang dẫn đến hệ lụy khôn lường.

Trong bài viết này, Tuấn Khanh đã làm phép so sánh lực lượng hải quân Việt Nam cộng hòa với bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam như sau:

"74 người lính (của Quân đội Việt Nam cộng hòa trước đây - tử trận trong hải chiến Hoàng Sa) đó không phải là nghĩa sĩ. Tấm bia giả dối chỉ ghi một nửa sự thật đó, rồi một ngày sẽ phải thay đổi. Nghĩa sĩ chỉ là những người có tấm lòng, và hành động trong một bối cảnh bị dồn ép. Nhưng 74 anh lính đó là những quân nhân nhận được mệnh lệnh trực tiếp từ chỉ huy của họ, của tổ quốc mình, rằng phải sống mái với giặc thù để giành lại đảo, giành lại biển, và họ trở thành tử sĩ. Rõ ràng, quyết tâm và hành động của thiếu tá Ngụy Văn Thà và đồng đội của mình hoàn toàn khác hẳn với 64 binh sĩ của quân đội Nhân Dân Việt Nam trên đảo Gạc Ma, bị thảm sát năm 1988: đó là những người bộ đội bị giết chết uất ức vì theo lệnh của chỉ huy trên đất liền là không được đánh trả. Thậm chí xác của họ không được trục vớt, thông tin bị ém nhẹm suốt nhiều năm, họ từng bị bỏ quên trong trong nhiều năm một cách đau xót. Chính những người đó đã hy sinh trong vai trò của nghĩa sĩ. Ngày 19/1/1974 không có nghĩa sĩ mà chỉ có những người hy sinh vì đất nước, những tử sĩ của quốc gia".

Hỏi có ai là người dân nước Việt không phẫn nộ trước sự đổi trắng thay đen về cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 và hải chiến Trường Sa năm 1988?

Nhạc sĩ Tuấn Khanh nên nhớ rằng, sau trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, chính Đại tá Hải quân VNCH Hà Văn Ngạc, người có mặt trên con tàu HQ-5 trong vai trò trực tiếp chỉ huy Hải đoàn VNCH đối mặt với lính Trung Quốc đã phải thừa nhận sự thất bại do những nguyên nhân ấu trĩ về phương án tác chiến. Là người chỉ huy cao nhất trong trận đánh, ông Ngạc đã mất quyền kiểm soát và lúng túng không tìm ra phương án đối phó. Đại tá Ngạc đã thừa nhận rằng, “xét về thông số, lực lượng tàu chiến của VNCH có thể dễ dàng đánh bại Hải quân Trung Quốc nhờ vào ưu thế về trang bị. Tuy nhiên, kết quả trận đánh lại là một thất bại nhanh chóng cho VNCH vì những lý do sau:

Các chỉ huy VNCH đã không lập sẵn kế hoạch cơ động tác chiến nếu có nổ súng, dẫn đến việc tác chiến bị động: Trong trận đánh, Phân đoàn I (gồm 2 tàu hiện đại nhất là HQ-4 và HQ-5) chỉ ở bên ngoài "nhìn và đợi", và vì quá lo sợ Trung Quốc, HQ-5 chỉ bắn vào lòng chảo 5 - 7 phát trước khi cùng HQ-4 rút lui. Mấy phát đạn này của HQ-5 thì lại bắn trúng vào tàu HQ-16, gây thiệt hại nặng cho đồng đội. Vậy là chỉ sau ít phút tham chiến, VNCH mất một tàu do hỏa lực của chính mình bắn vào đồng đội, hai tàu khác thì quay đầu rút lui. Chỉ còn HQ-10 nhưng đây là tàu nhỏ yếu nhất. Khi hạm trưởng HQ-10 bị thương thì một số thủy thủ nhát gan cũng bỏ tàu nhảy xuống biển chứ không lo chiến đấu tiếp. Trận hải chiến vì vậy mà thất bại.

Khi lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo, binh lính VNCH đã không tổ chức bắn trả mà bỏ chạy vào khu bụi cây giữa đảo, sau đó thì buông súng đầu hàng. Chỉ từ 10 giờ sáng tới xế trưa, lính Trung Quốc đã bắt được 49 tù binh (lính VNCH) trên các đảo mà không cần nổ súng, hoàn tất chiếm các đảo một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó lực lượng không quân của VNCH ở sân bay Đà Nẵng khá mạnh (bao gồm 120 máy bay phản lực Northrop F-5) nhưng lại không được phép cất cánh để tham chiến do sức ép từ Mỹ (Trước đó, Herikisinge đã bắt tay với Trung Quốc, bán đứng Hoàng Sa cho Trung Quốc).

Một bài viết của trung tá Lê Văn Thự (cựu Hạm trưởng HQ-16) được công bố vào năm 2004 tại Mỹ, thì trong suốt trận hải chiến vào sáng 19/1/1974, ông đã không hề biết tàu HQ-4 và HQ-5 ở đâu và cũng không liên lạc được với đại tá Hà Văn Ngạc tại hiện trường. Bản thân ông Thự đã từ chối ủi tàu vào đảo cố thủ chờ cứu viện và cho tàu tháo chạy về Đà Nẵng vì sợ bị Trung Quốc bắt làm tù binh.

Tuấn Khanh nói rằng, “những người bộ đội bị giết chết uất ức vì theo lệnh của chỉ huy trên đất liền là không được đánh trả” thì nhạc sĩ có biết rằng, những vị chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ quán triệt “kiềm chế, không được nổ súng trước”. Vì thế, khi lính Trung Quốc bắn trung úy Trần Văn Phương, bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam mới nổ súng. Và 6 lính Trung Quốc chết, 18 tên khác bị thương!

Thực ra, suốt nhiều năm nay, cứ đến ngày 14-3 thì Mặc Lâm, biên tập viên RFA lại có bài viết đào bới những thông tin từ nhiều nguồn trong và ngoài nước nói về trận hải chiến Trường Sa. Không biết Tuấn Khanh có bị ảnh hưởng bởi những bài viết ấy của Mặc Lâm hay không nhưng với bài viết nói trên, Tuấn Khanh đã chẳng khác nào kẻ “Bắn vào quá khứ bằng súng lục”. Và Tuấn Khanh có biết không, “Kẻ nào bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào đầu hắn bằng đại bác” đấy!

Viết bài này cho RFA, Tuấn Khanh không chỉ đơn thuần là “vạ miệng” mà đã xúc phạm tới anh linh của những chiến sĩ đã hy sinh xương máu của mình vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và niềm tự tôn dân tộc!

Đức Toàn
http://petrotimes.vn/nhac-si-tuan-khanh-da-ban-sung-luc-vao-qua-khu-377081.html

1 nhận xét: