Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

(2) Đổi mới lần hai: yêu cầu của cuộc sống (kỳ 2)

Đổi mới lần hai: yêu cầu của cuộc sống (kỳ 2)
"Đổi mới bắt đầu từ phong trào xé rào năm 1980, 1981 được ông Võ Văn Kiệt khuyến khích thực ra là lượm lặt những thứ chưa hư nát ra xài. Thế rồi mới có thời gian nghiền ngẫm, nhận ra cơ chế bao cấp không phát triển được, nên phải ra nghị quyết đổi mới tư duy kinh tế (1986), từng bước chấp nhận kinh tế thị trường. Tôi đồng ý kinh tế thị trường tạo ra sức mạnh trong 10 năm tiếp theo kể từ năm 1985. Mười năm kế tiếp thừa hưởng động lực đó bởi cải cách từ bên trên không lớn lắm đâu. Tôi cũng không biết động lực cải cách “tắt máy” từ lúc nào mà trì kéo nền kinh tế đến tận bây giờ!” - chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng chia sẻ nỗi niềm.
Nỗi buồn chiến tranh
Đây là tựa cuốn tiểu thuyết của nhà văn Bảo Ninh được trao giải A năm 1991 sau khi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “cởi trói” cho giới văn nghệ. “Thế nhưng chính những người bỏ phiếu cho Bảo Ninh sau đó lại tự phê phán mình, tự cho rằng mình sai lầm” - nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn xác nhận. 

Được tiếng là đi đầu “đổi mới” nhưng cũng chính giới văn nghệ sớm quay đầu. Đổi mới nhưng không được phủ định quá khứ cũng giống như vừa uống vừa để dành ly sữa, làm sao có nổi? Bày tỏ sự đồng tình với “hội chứng mất hứng” của ông Hòa, ông Nhàn thừa nhận nhiều đồng nghiệp của ông sau khi trở về từ chiến trường đánh mất lý tưởng cũng như không còn khao khát sáng tác. Nhiều người viết theo đơn đặt hàng của nhà nước, vừa an toàn, vừa dễ có giải thưởng, mang lại danh tiếng và tiền bạc. Hoặc viết để chiều chuộng thị hiếu công chúng. Lớp trẻ bơ vơ không có thực lực cũng đành đi theo lối mòn của các bậc đàn anh. Theo ông Nhàn, khi chỉ lo kiếm sống, khách quan mà nhìn, hóa ra giới văn nghệ hiện nay quan liêu, xa lạ với hiện thực cuộc sống. Và trong khi vẫn tuyên bố tích cực đổi mới, họ không đi vào tìm hiểu Đổi mới ở tận bề sâu của nó, không dùng ngòi bút tham gia vào quá trình đổi mới đang vận động đầy khó khăn và bất trắc.

Từ góc độ lịch sử, ông Nhàn đặt vấn đề phải đặt quá trình đổi mới như một giai đoạn hậu chiến từng diễn ra trong lịch sử dân tộc sau khi chống quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh. Và hãy xem giai đoạn lịch sử hiện nay như những bước đi bập bõm trên con đường hiện đại hóa. Có thể bảo đây chính là giai đoạn hiện đại hóa lần thứ hai, tiếp bước giai đoạn dân tộc hiện đại hóa lần một vào đầu thế kỷ XX dưới sự hướng dẫn của người Pháp. Cho rằng chúng ta không có sự tự nhận thức đầy đủ vấn đề này, nên theo ông, nhiều người không biết dân tộc ta đang ở trong giai đoạn nào trong lịch sử. 

Ông dẫn chứng: “Ghé thăm Bảo tàng Nam Định, tôi chỉ thấy họ trưng bày những hiện vật Nam Định thời kỳ phong kiến và giai đoạn sau 1945, trắng trơn giai đoạn người Pháp đô hộ, tức là quản lý đất nước theo những quy luật của thế giới hiện đại. Đây không phải là kiểu tư duy riêng của Nam Định, đây có lẽ là kiểu tư duy của cả nước! Chủ quan và kiêu căng như vậy thì làm sao hiểu được hướng đi cho xã hội hiện nay”.

Trải qua mấy thập niên chiến tranh, đến nay ta vẫn chưa làm được một cuộc tổng kết sòng phẳng. Không biết rõ và biết hết chiến tranh để lại cho chúng ta những gì. Sau chiến tranh, người ta không nghĩ rằng mình phải làm khác chiến tranh. Nhờ Đổi mới mà xã hội được cởi trói. Nhưng sau một thời gian dài bị giam hãm trong thể chế quân sự hóa, người ta không biết mình đang trong trạng thái như thế nào, không biết đi đâu, chỉ hành động theo thói quen và chỉ có những hình dung rất chung chung và rất cổ lỗ về tương lai.

Tuổi trẻ Cuối tuần hôm 27.12.2015 dẫn lời một ông thứ trưởng rằng nếu chúng ta đi mà không biết đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến thì không bền vững. Chúng ta không chịu chấp nhận rằng mình khủng hoảng về quan niệm.



Thời bao cấp trước Ðổi mới: xếp hàng, chợ trời, tem phiếu... Ảnh T.L

Góc nhìn hậu chiến của ông Nhàn như vô tình đụng đến nỗi đau âm ỉ trong tâm can ông Dưỡng. Quay lại với tọa đàm, ông nói một mạch như giãi bày những chất chứa chua xót trong lòng: “Tôi rất nhất trí với anh Nhàn rằng hậu quả chiến tranh không chỉ là làng mạc điêu tàn, thành phố đổ nát, chết người, què giò cụt tay... Tác động của chiến tranh vào tâm hồn của con người rất ghê gớm, không biết bao giờ mới giải quyết được. Tôi cứ nghĩ hoài tại sao thời thịnh trị của Việt Nam quá ngắn. Cứ tự chủ được một thời gian rồi lại tự mình làm mất nước. Có lẽ vì mình chia lịch sử theo mốc không đúng. Chiến thắng xong là mặc định hòa bình mà không biết rằng hậu quả chiến tranh có thể kéo dài một, hai thế hệ. Kẻ thù vật lý bị đánh đuổi nhưng vẫn còn lưu lại trong tâm tưởng. Cho nên mình có những thái độ khác, chọn con đường sai, tự làm yếu mình.


Chúng ta không dám thừa nhận thời đoạn 10 năm sau 1975 bộ máy kinh tế đất nước bị đập nát. Cỗ máy kinh tế miền Bắc không lớn lắm, chủ yếu dựa vào viện trợ, nên khó thấy. Còn ở miền Nam đã hình thành một hệ thống kinh tế thị trường. Mình chỉ thấy bộ máy ấy do kẻ thù sử dụng nên mình căm thù, mình nghiền nát bằng cách thực hiện chính sách cải tạo. Tôi không phê phán chuyên chính vô sản vì nó là một công cụ giành chính quyền, dùng dao cũng được, dùng súng cũng được. Nhưng khi giành được chính quyền mà anh vẫn dùng cái công cụ đó vào xã hội ta mới làm chủ thì đấy là tai họa. Mười năm vác đá ghè chân mình nhưng may mà không chết hẳn, người vác đá cũng mỏi, đói nữa nên tỉnh ra, thay đổi thái độ. Đi bươi, đi móc trong đống đổ nát (hệ thống kinh tế thị trường) xem cái gì còn xài được thì sử dụng để có ăn. Đổi mới bắt đầu từ phong trào xé rào năm 1980, 1981 được ông Võ Văn Kiệt khuyến khích thực ra là lượm lặt những thứ chưa hư nát ra xài. Thế rồi mới có thời gian nghiền ngẫm, nhận ra cơ chế bao cấp không phát triển được, nên phải ra nghị quyết đổi mới tư duy kinh tế (1986), từng bước chấp nhận kinh tế thị trường. Tôi đồng ý kinh tế thị trường tạo ra sức mạnh trong 10 năm tiếp theo kể từ năm 1985. Mười năm kế tiếp thừa hưởng động lực đó bởi cải cách từ bên trên không lớn lắm đâu. Tôi cũng không biết động lực cải cách “tắt máy” từ lúc nào mà trì kéo nền kinh tế đến tận bây giờ!”.

Bật lên một que diêm

Chị Đỗ Thị Thúy Hằng là người trẻ nhất trong số khách mời. Sau 9 năm học tập và làm việc tại Hoa Kỳ, chị quay về Việt Nam điều hành một công ty cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến trước khi gia nhập Seedcom, một tập đoàn mới thành lập đầu tư và vận hành các công ty trong mảng công nghệ, bán lẻ và nông nghiệp - một ngành mà chị Hằng thừa nhận “từ bé chưa bao giờ nghĩ tới”.



Đô thị mang những "khuôn mặt" mới, khang trang và diễm lệ. Ảnh: IPC

Năm qua, nông nghiệp là một trong những ngành thu hút nhiều nhất sự quan tâm của giới đầu tư, từ các đại gia cho đến những bạn trẻ ấp ủ khát vọng khởi nghiệp. Nông nghiệp hấp dẫn bởi nó có lẽ là ngành duy nhất ít nhiều còn lợi thế cạnh tranh so với phần còn lại của thế giới. “Không ai chọn được cha mẹ, chọn được quê hương. Câu hỏi thường trực là làm thế nào có động lực để làm việc. Khoanh tay chờ đợi sự thay đổi là một cách tiếp cận sai. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng mọi sự là tại mình, do mình trước. Hãy thường xuyên trau dồi tri thức, đạo đức làm việc để làm tốt công việc của mình” - chị Hằng xác định.

Tâm thế của cô gái trẻ khiến không khí nhẹ bớt. Tỏ rõ sự tán thưởng, ông Lê Bá Thông - Tổng giám đốc TTT Corporation - thừa nhận “lâu nay thường né những cuộc gặp gỡ thế này vì dễ gây mất hứng” trong khi công việc đòi hỏi ông phải tạo cảm hứng cho đồng nghiệp. Gõ tay xuống bàn hội thảo do TTT sản xuất, ông Thông hãnh diện không thua kém các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Dẫn trường hợp Công ty Hòa Bình trúng thầu dự án 86 tầng, TTT được chỉ định thi công nội thất nhà Quốc hội mà không phải chung chi... ông Thông khẳng định ngành thiết kế - xây dựng - trang trí nội thất có những thành tựu sau 30 năm Đổi mới. Tuy nhiên, những tên tuổi trong ngành chưa có sự kết nối. Tương trợ hội đoàn là con số không, chưa kể hội đoàn dính vào làm cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Còn tiếp
Thượng Tùng
http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/binh-luan/9045/doi-moi-lan-hai-yeu-cau-cua-cuoc-song-ky-2-.ndt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét