Xóa nợ thuế cho DN Nhà nước: Chính sách không thể chấp nhận được!
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, chính sách xóa nợ thuế cho DN Nhà nước làm ăn thua lỗ mà Bộ Tài chính vừa mới đề xuất là rất hồ đồ, tùy tiện, không thể chấp nhận được, đồng thời tạo tâm lý ỷ lại cho các DN. TS Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
Xóa nợ thuế cho DN Nhà nước làm ăn thua lỗ là đề xuất mới đây của Bộ Tài chính trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật quản lý thuế. Theo đó, các DN Nhà nước kinh doanh thua lỗ, gặp khó khăn, không có khả năng nộp thuế đúng hạn sẽ được xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1.7.2013 và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31.12.2015.
Mặt khác, đối với riêng doanh nghiệp Nhà nước, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật quản lý thuế cũng có quy định, doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp lại theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xóa nợ tiền thuế nếu có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.
Hay doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi chuyển đổi sở hữu.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng số tiền phạt chậm nộp thuế và tiền nợ thuế được đề nghị xóa của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay lên tới khoảng 10.000 tỉ đồng.
Chính sách không thể chấp nhận được!
“Tôi cho rằng đây là chính sách rất hồ đồ, tạo cơ chế khuyến khích ngược. Tức là những người chậm nộp tiền thuế trước đây lại được thưởng thêm, cũng đồng nghĩa với việc phạt những người chấp hành thuế tốt. Chính sách ngược như thế không thể nào chấp nhận được.
Nợ tiền thuế thì đáng lẽ DN phải bị phạt, tuy nhiên không những không phạt mà lại thưởng bằng cách xoá nợ thuế cho DN là cực kỳ phi lý”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbrigh bình luận xoay quanh đề xuất mới đây cũng Bộ Tài chính.
Cũng theo ông Tuấn, vấn đề thứ hai cần phải bàn tới là đề xuất này sẽ tạo một tâm lý ỷ lại. Ngày hôm nay DN Nhà nước được xóa nợ thì ngày mai, khi tình hình khó khăn hơn chắc chắn sẽ lại được xóa tiếp. Từ đó sẽ tạo ra tiền lệ, khuyến khích các DN không tuân thủ Luật thuế và như vậy không chấp nhận được.
Thứ ba, TS Anh Tuấn cho rằng, kinh doanh thua lỗ là quy luật của thị trường. Đã làm kinh doanh thì phải chấp nhận thua lỗ.
“Khi DN làm ăn có lời sao không nói, mà khi DN lỗ thì lại lo cho chính sách này kia? DN không thua lỗ nhưng tận dụng cơ hội này để hạch toán thua lỗ thì làm sao? Không thể lấy lý do thua lỗ để Nhà nước phải xoá nợ thuế cho DN”, ông Tuấn nói.
Vấn đề thứ tư theo TS Tuấn cần được bàn đến là việc xoá nợ thuế dựa trên những tiêu chí không rõ ràng, rất tuỳ tiện.
Chưa biết các DN có được lợi từ việc xoá nợ hay không nhưng những người hưởng lợi trước nhất lại chính là những người quyết định DN được xoá nợ hay không được xóa nợ. Từ đó, sẽ dễ dẫn đến việc cho xin – cho và dễ xảy ra tiêu cực.
Thứ năm, ông Tuấn đặt ngược lại vấn đề là tại sao DN thua lỗ thì được xoá nợ thuế, còn DN làm ăn có lãi lại không được miễn thuế?
Một sự đổi chác?
Thứ sáu, Bộ Tài chính đã đưa ra quy định những DN được xóa nợ phải đáp ứng tiêu chí là DN cung ứng hàng hóa dịch vụ được thanh toán bằng tiền ngân sách, song do chưa được Nhà nước thanh toán nên DN không có tiền nộp thuế…
“Nếu do Nhà nước chưa thanh toán nên không DN có tiền nộp thuế thì không khác gì sự đổi chác. Tôi cho rằng cái nào phải ra cái đó. DN chậm nộp thuế thì phạt, Nhà nước chậm thanh toán cho DN thì phải phạt Nhà nước chứ không thể nào cấn trừ và đổi chác được”, ông Tuấn cho biết.
Thứ bảy, vị chuyên gia này cho rằng Bộ Tài chính nói xoá nợ cho những trường hợp đặc thù là DN Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước muốn chuyển các DN Nhà nước sang hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường nhưng giờ lại nghĩ DN Nhà nước là đặc thù thì đó là một sự mâu thuẫn.
Vấn đề thứ 8 được TS Anh Tuấn chỉ ra là những DN Nhà nước thực hiện sắp xếp lại theo quy định có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu Nhà nước tại DN được xoá. Tuy nhiên, không có lý thuyết cho rằng nợ thuế lớn hơn vốn chủ sở hữu sẽ được xoá nợ?
Thứ 9, DNNN đã thực hiện cổ phần hoá nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại DN khi chuyển đổi sở hữu thì cũng sẽ được xoá.
“Nợ thuế thì phải trả, sao lại trừ vào vốn Nhà nước của DN khi cổ phần hóa? Nợ thuế phải đưa vào ngân sách và việc chi tiêu phải thông qua quy trình ngân sách. Quốc hội sẽ quyết định việc chi tiêu ngân sách đó chứ không thể bù trừ vào phần vốn của Nhà nước tại DN sau cổ phần hóa được, chưa nói đến đặc quyền xóa nợ đối với các cổ đông DN sau cổ phần hóa”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Cuối cùng, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, khi Nhà nước xoá nợ thuế thì sẽ giảm nguồn thu đáng lẽ ngân sách có thể thu được tương ứng. Từ đó sẽ giảm khả năng chi ngân sách và người đáng lẽ được hưởng lợi từ nguồn chi này nhưng do không có nguồn chi nữa nên họ bị giảm bớt phúc lợi.
THEO MỘT THẾ GIỚI
Doanh nghiệp nhà nước là những con bạch tuột,là những cổ máy tham nhũng có công suất lớn của các phe nhóm nên được chống lưng bởi các thế lực nấp trong bóng tối.Lỗ hay lãi không là vấn đề vì nó không phải vận hành theo qui luật thị trường.
Trả lờiXóa