-Thưa tiến sĩ, ông nghĩ sao về việc mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành thư mời đóng dấu hỏa tốc gửi đến lãnh đạo toàn tỉnh đi dự lễ hội "Tôi yêu bia Sài Gòn"?
-Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn: Luật pháp không cấm những hành vi như vậy. Nhưng hành vi này gây cho chúng ta những cảm giác như thể là cơ quan nhà nước đang đứng về phía một doanh nghiệp và tạo ra một lợi thế cho một doanh nghiệp tổ chức lễ hội bia, hỗ trợ trong hoạt động kinh doanh và quảng bá của họ.
Cái hỗ trợ đó, nếu có, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng với doanh nghiệp khác. Trong trường hợp này, sẽ là một điều sai trái nếu ở một ngành khác không nhất thiết là ngành bia mà (UBND tỉnh Hà Tĩnh) không sẵn sàng làm việc này (thư mời hỏa tốc).
Xét về góc độ kinh tế, UBND tỉnh Hà Tĩnh có thể nại ra một lý do là tôi đang hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp và giúp kinh tế khu vực. Nhưng chức năng hỗ trợ về mặt kinh tế không phải là chức năng của ủy ban. 
Tức là anh đóng vai trò quản lý thì anh hỗ trợ bằng chính sách, bằng hoạch định ra chế độ ưu đãi để thu hút đầu tư, anh tạo ra một thủ tục đơn giản hóa để các doanh nghiệp tham gia vào thị trường và phát triển thị trường một cách dễ dàng đúng chức năng. Nhưng anh hỗ trợ bằng cách lấy uy tín của cơ quan công quyền để đi mời tham gia một lễ hội bia, một hoạt động kinh doanh cụ thể thì cái đó không phải. 
Hỗ trợ bằng chính sách, chủ trương, chế độ, thủ tục thì đúng. Nhưng lấy uy tín, vai trò, vị trí công quyền quản lý của tỉnh để mời thì nó không đúng.
Trừ trường hợp lễ hội này do tỉnh Hà Tĩnh đứng ra tổ chức và doanh nghiệp chỉ là người đóng góp thì họ mới đi mời.

- Một số ý kiến của lãnh đạo ban ngành ở Hà Tĩnh cho rằng do lễ hội này là Công ty bia Sài Gòn phối hợp với tỉnh tổ chức nên tỉnh ra công văn mời là bình thường...
-Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn: Nếu doanh nghiệp phối hợp với tỉnh để làm thì trong trường hợp này họ phải lập một ban tổ chức, vậy thì trưởng ban tổ chức là ai. Lúc đó UBND tỉnh không thể đứng ra mời mà ban tổ chức đứng ra mời.
Ở đây xét hai góc độ. Vấn đề thứ nhất là pháp lý. Nó chỉ trái luật khi và chỉ khi đây là một hiện tượng ưu đãi dành cho một người hay là một số doanh nghiệp mà không phải là áp dụng cho mọi doanh nghiệp. Nếu là vậy nó sẽ trái với khoản 2, điều 6, Luật Cạnh tranh là "phân biệt đối xử". Trường hợp này hơi khó xác định.
Thứ hai là xét dưới góc độ ứng xử, thì ở đây có lỗi ứng xử của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Nếu rà soát lại toàn bộ các chức năng, nhiệm vụ của UBND thì không có cái chức năng đó.
Cơ quan công quyền, về nguyên tắc, không làm những gì luật không cấm mà phải làm những gì pháp luật quy định. Vậy thì UBND tỉnh làm gì có cái chức năng gọi là đi hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh cụ thể hoặc một chiến lược kinh doanh cụ thể. Đây đúng là lỗi ứng xử, anh làm quá cái bổn phận của mình tạo ra tâm lý nghi ngờ.
Điều thứ ba nữa, là người dân khi đọc thấy thông tin này đều tự đặt ra một vấn đề, liệu có một mối quan hệ nào đó giữa doanh nghiệp với những người quản lý không?
Tại sao có câu hỏi này. Thứ nhất, tại sao lại phải nhân danh UBND tỉnh mời mà không phải là trưởng ban tổ chức hay là doanh nghiệp?
Cái thứ hai là tại sao phải làm văn bản hỏa tốc mà không phải văn bản thường. Nếu đó là một kế hoạch thì ngay cả khâu đi mời cũng phải có kế hoạch. Nếu UBND tỉnh mà đứng ra tổ chức mà lại không có kế hoạch nữa mà để phải có một văn bản hỏa tốc thì chứng tỏ là khả năng tổ chức kém. 
Một cơ quan nhà nước, mà việc tổ chức lễ hội hay sự kiện là việc rất thường xuyên và chuyên nghiệp, mà bây giờ phải dùng tới công văn hỏa tốc thì rõ ràng sẽ tạo ra một tâm lý không tốt khi đánh giá về sự việc.
Chúng ta bàn về chữ "hỏa tốc" là một dấu hiệu để thấy có gì đấy bất thường. Bản thân "hỏa tốc" đã bất thường rồi. Từ cái bất thường đó tạo ra cho mọi người một sự nghi vấn về việc là có một quan hệ nào đó vượt ra khỏi quan hệ nhà nước không.

- Nhiều ý kiến cho rằng Nhà máy bia Sài Gòn tại Hà Tĩnh hằng năm đóng góp vào ngân sách tỉnh lớn nên việc ưu tiên hỗ trợ này cũng đáng…
-Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn: Nếu nói doanh nghiệp đóng góp lớn mà hỗ trợ hay ưu ái là không đúng. Vì một doanh nghiệp cho dù đóng góp lớn cho xã hội (gọi là đóng ngân sách) thì đóng góp của họ cũng là nghĩa vụ chứ không phải là một sự ban ơn, đó là trách nhiệm pháp lý của họ.
Tại sao vậy. Bản thân họ được đặt tại địa phương đấy thì cái đóng góp đó sinh ra từ đâu, là từ dân. Nếu không có dân mua, không có dân chia sẻ nguồn tài nguyên, nếu không có dân chịu đựng những ô nhiễm (nếu có) thì làm gì có cái đóng góp đó nên đóng góp đó là nghĩa vụ.
Dưới góc độ kinh tế, chúng ta không nên duy trì quan niệm rằng với đóng góp đó thì họ phải được ưu ái hơn. Nếu cơ quan nhà nước mà còn làm như vậy thì chúng ta chỉ đi bảo vệ và ưu ái về người giàu à! Tư tưởng cực kỳ nguy hiểm về mặt chính trị.
Cái thứ hai, nếu nói như vậy thì những doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không được ưu ái à? Chúng ta cần phải phát triển và đầu tư cho họ chứ.
Cái thứ ba là về mặt pháp lý, nếu nói ưu ái cho những doanh nghiệp lớn thì anh trái với nguyên lý thông thường. 
Tại vì những doanh nghiệp đóng ngân sách lớn thường là những doanh nghiệp lớn và thậm chí là những doanh nghiệp nắm vai trò thống trị trong một khu vực kinh tế ở địa phương. 
Như vậy sẽ dẫn đến kết quả là cơ quan nhà nước hỗ trợ những doanh nghiệp lớn trong việc cạnh tranh, tức là anh đang câu kết để tạo dựng nên những hình ảnh độc quyền. Nó trái hoàn toàn với nguyên lý kiểm soát độc quyền của kinh tế hiện đại và của pháp luật. 
Tư tưởng đó không thể tồn tại trong các cơ quan quản lý nhà nước được. Phải xác đinh rất rõ việc đóng góp vào ngân sách là nghĩa vụ của doanh nghiệp chứ không phải là doanh nghiệp ban ơn cho nhà nước hay cho xã hội.

- Tỉnh Hà Tĩnh đứng ra phát giấy mời thay doanh nghiệp hay ban tổ chức, xét dưới góc độ thị trường, trong xu thế cạnh tranh và chống độc quyền như hiện nay thì hành vi đó ảnh hưởng như thế nào?
-Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn: Nếu đấy là một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh lớn trên thị trường Hà Tĩnh thì hành động của tỉnh sẽ trái với chính sách cạnh tranh mà luật cạnh tranh đang theo đuổi. 
Mục tiêu của chính sách cạnh tranh là phải đảm bảo sự bình đẳng tốt nhất cho các doanh nghiệp. Thứ hai là bảo vệ được cấu trúc thị trường như là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển để phát huy cạnh tranh.
Đến bây giờ, trong cuộc cạnh tranh của thị trường, tỉnh dựa vào sự đóng góp của ngân sách thực hiện cơ chế hỗ trợ, lấy uy tín của công quyền, lấy vai trò của cơ quan công quyền để hỗ trợ, mặc dù là ảnh hưởng chưa lớn nhưng rõ ràng sự hỗ trợ đấy cũng là một dấu hiệu cho thấy những doanh nghiệp thống lĩnh, những doanh nghiệp lớn đang được ưu ái hơn những doanh nghiệp khác và đi ngược lại chính sách mà luật cạnh tranh đang theo đuổi. 
Và nếu chúng ta cứ quản lý hoài như vậy thì bao giờ các doanh nghiệp khác trong nước mới lớn lên được.

- Nhưng giấy mời này phục vụ cho một lễ hội của một hãng bia mang tên "Tôi yêu bia Sài Gòn”.
-Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn: Đã là lễ hội thì như hội chợ vậy, đã là lễ hội bia thì nhiều hãng bia được tham gia. Nếu UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ hội bia thì không thể quảng bá cho một nhãn bia được mà phải làm cho khu vực thị trường ấy phát triển một cách đa dạng và cạnh tranh mới đúng. Ví dụ như tổ chức lễ hội bia thì tại sao các hãng bia ở địa phương hay liên doanh bia khác không thể tham gia.
Nếu UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định mình phối hợp với một hãng bia thì nó không phù hợp. Cơ quan công quyền đứng ra phối hợp tổ chức cho một hãng bia để giới thiệu sản phẩm thì đấy là sự hỗ trợ không phù hợp. Nếu nhân danh cơ quan công quyền đứng ra tổ chức thì cơ quan ấy phải tổ chức cho một dòng sản phẩm với nhiều hãng tham gia.
Đừng nói là họ đóng vào ngân sách nhiều thì phải được hỗ trợ. Mà ngay cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa họ cũng có đóng góp. Chúng ta cần trân trọng những đóng góp dù nhỏ nhất.

- Tại tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2014 đến nay đã có việc UBND huyện Kỳ Anh ra văn bản, cam kết, kêu gọi đẩy mạnh sử dụng bia Sài Gòn. Nay cấp tỉnh lại phát giấy mời hỏa tốc đi dự lễ hội của bia Sài Gòn. Ông đánh giá thế nào về những thông tin này?
-Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn: Những việc như vậy thể hiện rõ các cơ quan công quyền ở Hà Tĩnh đã có những hành động ưu ái, hỗ trợ, tạo lợi thế cho bia Sài Gòn kinh doanh ở địa phương. 
Như vậy không phù hợp với xu thế chung, không phù hợp luôn với nguyên tắc kinh doanh thông thường là cơ quan công quyền không tham gia, hỗ trợ dưới dạng kích thích tiêu thụ một nhãn sản phẩm cho một doanh nghiệp bằng hình ảnh, quyền lực nhà nước.
Vụ việc ra văn bản như huyện Kỳ Anh, xét về cạnh tranh thị trường thì rõ ràng là sai hoàn toàn, căn cứ theo khoản 2 điều 6 Luật Cạnh tranh là không được phân biệt đối xử. Hành vi như vậy là phân biệt đối xử.
-Xin cảm ơn tiến sĩ.
Sau bài phản ánh trên Một Thế Giới, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, người ký giấy mời hỏa tốc dự lễ hội bia để hỏi rõ thêm về vụ việc nhưng ông Đạo đều từ chối với lý do bận họp. Theo lịch, vào chiều nay 5.9, lãnh đạo các cấp toàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ tham dự lễ hội bia này vì trong giấy mời 'hỏa tốc' ghi rõ: "Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động và chủ trương ưu tiên sử dụng hàng hóa sản phẩm sản xuất trong tỉnh; đề nghị các đại biểu tham gia đầy đủ và đúng thời gian nêu trên".
Lê Đình Dũng (thực hiện)
http://motthegioi.vn/xa-hoi/thoi-su-xa-hoi/lay-cong-quyen-de-hoa-toc-moi-du-le-hoi-bia-la-khong-dung-227685.html