Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Thị trường ôtô Việt: nhìn lại 2014, dự báo 2015

Thị trường ôtô Việt: nhìn lại 2014, dự báo 2015
Năm 2014 gây bất ngờ khi doanh số bán ôtô đột nhiên tăng vọt một cách đều đặn trong liền 4 quý, cả xe lắp ráp lẫn nhâ%3ḅp khẩu, một sự kiện đã nhiều năm không xảy ra. Và con số ước tính 140 - 150.000 xe bán ra trong năm nay có lẽ cũng không phải là quá viển vông.

Thực ra, đó chỉ là sự khẳng định lại dung lượng của thị trường trước đây khoảng 4 - 5 năm mà thôi. Vậy những gì đã làm nên doanh số đó và sắp tới câu chuyện gì sẽ đến? Trước mắt, có 3 vấn đề đáng để phân tích.



Đầu tiên là câu chuyện của nền kinh tế vĩ mô. 


Sau những vật vã căng thẳng suốt 5 năm ròng, kể từ mùa xuân năm 2008, xem ra năm 2014 này kinh tế vĩ mô đã ổn định trở lại, GDP tăng khoảng 5,98%. Lạm phát có lúc đã lên đến hơn 20% vào năm 2008, năm nay chỉ còn khoảng 1/5 mức đó: 4,08%. Và Quốc hội trong phiên lấy phiếu tín nhiệm cuối năm đã hài lòng ghi nhận công lao của Thống đốc Ngân hàng bằng con số tín nhiệm cao trên 60%, trong khi mới năm ngoái thôi, chỉ số này của ông thuộc loại thấp nhất, trên 20%. Hơn thế, Chính phủ vẫn cương quyết tiếp tục thi hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô như khẳng định với các nhà tài trợ nước ngoài vào đầu tháng 12/2014, mà không bị phân tâm dưới sức ép của các nhu cầu xã hội và các nhóm lợi ích để đầu tư dàn trải cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hiệu quả của điều này là tích cực, người dân đã phần nào bình tâm khi thấy rằng đồng tiền họ làm ra sẽ không bị tan biến trong những cơn sốt vàng, sốt giá như mấy năm trước. Giá xăng liên tục giảm trong những ngày vừa qua, tới 7.800 đồng, và có lẽ còn giảm tiếp do giá dầu mỏ thế giới đang sụt thê thảm, cũng góp phần vào sự an tâm đó. Vậy thì đã có thể giảm bớt tài khoản tiết kiệm đề phòng rủi ro và thỏa mãn vài nhu cầu cao hơn của đời sống, thế là mua ôtô thôi... 

Tiếp đến là sự dồn nén nhu cầu mua ôtô trong nhiều năm.

 Ai cũng biết ôtô là niềm mơ ước của hầu hết những người chưa sở hữu loại phương tiện này, ở đâu cũng vậy. Thu nhập chung của xã hội trong những năm kinh tế khó khăn vừa qua tuy không đi lên, nhưng cũng không sụt giảm qua chỉ báo GDP vẫn tăng tuy không cao. Tức là thị trường vẫn có khả năng mua một lượng xe không ít hơn 5 năm trước. Nhưng mơ ước đó đã bị tiết chế trong mấy năm qua vì phải đề phòng rủi ro kinh tế. Nay thì sự an tâm đã xuất hiện trở lại, và người ta hiện thực hoá ước mơ ngay khi có thể. Nên lượng ôtô bán ra năm nay, tuy có cao, nhưng vẫn chỉ là một con số khá khiêm nhường so với tiềm năng thật của thị trường Việt Nam. Có thể đánh giá, đây mới chỉ là phép thử dè dặt lúc ban đầu của một thời kỳ mới.

Cuối cùng, cũng đã có một mặt bằng giá mới, thấp hơn cho ôtô, đang được xác lập. 

Công nghệ được nâng cấp, đồng đô la xuống giá trong những năm kinh tế Mỹ khủng hoảng, sự phát triển của công nghiệp phụ trợ tại các nước ASEAN, Hàn Quốc và lộ trình giảm thuế nhập khẩu từ ASEAN... đó là những tham số tạo nên thay đổi tích cực và làm giảm giá thành chiếc xe. Cứ nhìn trên thị trường là thấy hàng hoá từ khu vực đang tràn vào nước ta như thế nào và công nghiệp ôtô của họ đã có những biến đổi ngoạn mục ra sao. Cho nên những chiếc xe tầm tầm mà người Việt chúng ta đang đi quả cũng có rẻ hơn so với vài năm về trước, tạm chấp nhận được.

Nhưng công cuộc mua xe từ nay về sau cũng sẽ có đôi điều khác xưa, việc mua bán ôtô nên văn minh hơn và cần một trình độ căn bản hơn.

Còn nhớ khoảng 3 - 4 năm về trước, cứ mỗi độ xe bán chậm, trên thị trường lại ồn lên đủ thứ tin thất thiệt. Nào là thuế đánh vào ôtô sắp tăng, nào là phí trước bạ sẽ tăng, rồi thì năng lực cung cấp xe bị hạn chế, các loại thủ tục gì gì đó sẽ được đề xuất để hạn chế người mua xe… Và vài điều trong đó rồi cũng được chứng thực, chứng hư. Cho nên, sau những đồn thổi như thế, đã có không ít người ôm tiền đi mua xe thật và trước tết nhiều khi cũng không đủ ôtô để bán thật.

Nhìn ở cấp độ vĩ mô, xem ra bây giờ sau một phần tư thế kỷ theo đuổi kinh tế thị trường các nhà quản lý cũng đã ngộ ra được vài kiến thức nền tảng về sản xuất và kinh doanh ôtô. Đó là để có xe rẻ, thị trường phải đủ lớn. Nhiều người mua được ôtô thì tất cả đều cùng có lợi: nhà nước thu được thuế, người lao động có việc làm, doanh nghiệp bán được hàng và người mua hàng được bảo đảm hơn về chất lượng và phù hợp hơn về giá cả.

Đồng thời, để tiếp nhận được nhiều ôtô lưu hành trên đường, cơ cấu hạ tầng phải tốt. Tất nhiên, người tiêu dùng không thể bỏ ra nhiều trăm triệu đồng, bằng công sức cả một đời lao động lương thiện, mua xe chỉ để ngắm, để ngần ngại mỗi khi ra đường do tắc nghẽn, ổ gà, ổ voi và tai nạn giao thông… Và những rào cản này đã và đang dần được gỡ bỏ, cơ cấu hạ tầng đang được cải thiện khá nhanh với phố xá, cầu cống, đường cao tốc, sân bay, bến cảng... được xây mới. Rồi thì ngân hàng hồ hởi cho vay mua xe, tức là cho những người chưa đủ giàu vay để mua ngay được ôtô, cho những người cần xe để làm việc và lấy hiệu quả công việc để trả tiền mua xe. Thế thì, người mua xe đã có thể yên tâm phần nào, vì các chính sách thiếu thân thiện với ôtô sẽ không hiện diện một cách phô trương như trước nữa.

Tuy nhiên, khi nhìn vào văn hóa và trình độ tiêu dùng ôtô, người ta vẫn chưa thấy được sự cải thiện tương xứng.

Trước hết là cái sự sỹ diện của người Viêt vẫn còn quá cao. Vẫn có nhiều người mua ôtô mà không căn cứ vào công năng của nó, miễn là được tiếng có xe hơi. Mục tiêu đó lại dẫn đến một sự lãng phí khác là họ mua loại xe xa xỉ gấp nhiều lần hiệu quả cần thiết, cao hơn mức thu nhập chính đáng, sang hơn địa vị xã hội... Sự lãng phí trong mua sắm xe ở Việt Nam là rất lớn, nhất là các dòng xe đắt tiền, sang trọng nhập ngoại. Năm 2014 đã có 1,7 tỷ đô la chi ra để nhập hơn 70.000 ôtô. Xu hướng tăng số lượng và giá trị các dòng xe nhập ngoại là rất rõ ràng. Một bằng chứng đơn giản về xã hội phát triển là phải có nhiều ôtô, vì đó là chất lượng cuộc sống, năng suất lao động, công ăn việc làm... chứ không phải là biểu trưng của giới thừa ăn cần gia cố tư cách bằng những món đồ ngoại thân đắt tiền.

Còn nữa, đó là văn hoá dùng ôtô của một số người Việt vẫn chưa... đạt chuẩn, họ hành xử trong giao thông có nhiều nét giống với điều khiển phương tiện thô sơ. Tức là vẫn luồn lách, tranh thủ, lấn đường, đi tắt, coi thường biển báo, đậu sai, vượt ẩu… Với văn hoá và trình độ sử dụng ôtô như vậy thì việc tăng nhanh lượng xe lưu hành rất có thể sẽ trở thành một trường kiếp nạn giao thông, cho nên thu phí lưu hành ôtô rất nặng cũng có thể là giải pháp cần thiết.

Sau cùng, tuy đã có vài tin vui lóe lên, nhưng 2014 cũng là một năm Việt Nam có số lượng doanh nghiệp đóng cửa rất nhiều, lên tới 67.000. Điều đó có nghĩa suy thoái kinh tế vẫn đang còn là bóng ma ám ảnh đất nước. Cũng xin được lưu ý rằng, trong giá trị tăng trưởng GDP năm 2014, doanh số của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng rất lớn. Giá trị này, tuy trên danh nghĩa được tính vào GDP Việt Nam, nhưng trên thực tế lợi nhuận không thuộc về người Việt. Do vậy, thị trường ôtô cá nhân sẽ chưa thể bùng nổ trong tương lai gần, vì cơ sở kinh tế cho hiệu ứng này vẫn chưa rõ ràng và cũng sẽ không sớm xuất hiện.

2014 - năm thành công của thị trường ôtô đã trôi qua. Triển vọng năm tới là sáng sủa, nhưng sẽ vẫn chỉ là mức tăng ổn định như hiện nay hoặc khá hơn một chút, ước chừng 10% tuỳ theo chiến lược định hướng sản phẩm và kinh doanh của từng hãng. Nhưng như thế cũng đã là rất đáng mừng cho thị trường ôtô rồi. Nếu có hy vọng về một biến chuyển đột phá nào đó thì cũng phải chờ những thay đổi căn bản diễn ra vào cuối thập kỷ này, khi AFTA hoàn toàn có hiệu lực, với điều kiện nền kinh tế nước nhà được vận hành nghiêm cẩn, trí tuệ, công tâm và cả... may mắn nữa.

Assoc. Prof. Phạm Bích San
( Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển (RCD)
http://xedoisong.vn/tin-tuc/thi-truong-oto-viet-nhin-lai-2014-du-bao-2015-6669.html

1 nhận xét: