Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

(2) Tàu có đánh Việt Nam không ?

Từ Linh: Giữa những ngày giàn khoan 981 nghênh ngang thách thức chủ quyền Việt Nam và gây không ít hoang mang, bài này xin được góp một số ý nghĩ về bốn bên liên quan: Mỹ, Tàu, Đảng và dân. Có ý sẽ làm người lạc quan phật lòng, có ý sẽ làm người bi quan bất đồng, có ý có thể chủ quan, nhưng xin chép cả vào đây, như góp một cái nhìn tham khảo. Bài chia làm năm phần, tương ứng với năm câu hỏi-đáp, xin tóm gọn như sau:
II. TÀU CÓ ĐÁNH VIỆT NAM KHÔNG?
Để trả lời câu này, xin nhắc lại điều được gọi là “Bài học Việt Nam”.
Không ngẫu nhiên khi cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon đặt tên cuốn sách, xuất bản năm 1987, nói về kinh nghiệm Mỹ tham chiến ở Việt Nam là No More Vietnams (Không thêm một Việt Nam nào nữa). Cũng không phải tình cờ mà cố vấn đối ngoại cao cấp nhất của Liên Xô năm 1986, ông Anatoli Chernyaev, đã phải nhắc nhở Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev rằng vụ Liên Xô chiếm đóng Afghanistan, (kéo dài từ 1979 đến 1989), chính là một “Bài học Việt Nam khác.”[3]


Bài học Việt Nam

Là người đi sau Đặng Tiểu Bình, người xua quân đánh Việt Nam năm 1979, đi sau Gorbachev và Nixon, chắc hẳn Tập Cận Bình không thể không biết nỗi cay đắng của Mỹ khi rút khỏi Việt Nam năm 1975, sau khi tốn hao xương máu của trên dưới 50.000 binh sĩ và bao nhiêu tiền của, hoặc sự ê chề của Liên Xô khi rút khỏi Afghanistan sau 10 năm chiếm đóng, cũng mất trên dưới 50.000 quân, với bao nhiêu tiền của cùng cả triệu lượt quân tham gia đã trở thành những cựu chiến binh vất vưởng thời hậu chiến với chấn thương tâm lý.
Không chỉ mất uy tín trước các nước lớn nhỏ trên thế giới, cuộc rút quân của Mỹ khỏi Việt Nam năm 1975 và của Liên Xô khỏi Afghanistan năm 1989 còn đánh dấu sự suy nhược ý chí và năng lực cường quốc, mở màn cho một thời kỳ suy thoái địa chính trị. Với Mỹ, đó là cuộc nổi dậy của hàng loạt những chế độ thân cộng sản ở Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh. Với Liên Xô thì chủ trương không đưa quân vào nước khác sau Afghanistan đã lập tức mở đường cho cuộc vùng lên của các nước Đông Âu, dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Đông Âu bắt đầu từ 1989, và cuối cùng ở chính Liên Xô năm 1991.

Rất có thể nếu chiếm đóng Việt Nam, Tàu sẽ gặp một kịch bản tương tự.

Hãy thử tưởng tượng:

Dù ban đầu chần chừ không muốn động binh nhưng vì chế độ bù nhìn có nguy cơ sụp đổ, Tập Cận Bình có thể bị cuốn vào thế phải xua quân chiếm đóng Việt Nam. Từ đó cuộc chiến tiêu hao dai dẳng diễn ra, du kích quân Việt Nam lúc ẩn lúc hiện khiến quân Tàu xâm lược không biết đâu mà lần, chiếm được hết nhưng không giữ được gì, thắng trận đánh nhưng lại thua cuộc chiến, trong khi số thương vong cứ thế tăng dần, từ 5.000, 15.000, lên 30.000, 50.000. Nuốt không trôi, nhả không xuôi, Bắc Kinh cứ thể phải đổ hàng chục, hàng trăm tỉ nhân dân tệ vào cuộc chiếm đóng như đổ vào túi không đáy… Xuất huyết cạn kiệt, uy tín xuống thấp, nội bộ nhiễu loạn, quyền lực cá nhân Tập bị thách thức, mặt trận trong nước trở nên quan trọng hơn, cuối cùng Bắc Kinh buộc phải quyết định rút quân, trong ô nhục, (dù sẽ vẫn tuyên bố chiến thắng hoặc ra đi trong danh dự, như Mỹ đã làm khi rút khỏi Việt Nam, như Liên Xô đã làm khi rút khỏi Afghanistan). 

Nhưng đó không phải là kết thúc, mà là lúc khủng hoảng lớn bắt đầu. Ngay khi thấy Tàu thất bại ê chề tại Việt Nam thì lập tức các dân tộc đang bị Tàu thống trị như Tây Tạng, Nội Mông, Duy Ngô Nhĩ, Hồi Ngột… bèn đồng loạt nổi dậy mạnh mẽ, vượt qua sức phản ứng của Bắc Kinh (y như như dân Đông Âu đã nổi dậy, và Moscow không còn đủ sức hay ý chí để đưa quân trấn áp.) Và thế là đế quốc Trung Quốc cộng sản sụp đổ, Tây Tạng cùng các nước bị lệ thuộc khác giành được độc lập. Ngay sau đó, Trung Quốc lại trở về một tình trạng khủng hoảng hậu Việt Nam, hậu Tây Tạng, mộng bá quyền tan hoang, mèo trắng mèo đen bị những “chú tí” sát nách cắn chảy máu đỏ, phải cong đuôi vừa chạy vừa gào. Rồi từ từ, lại một “Putin Tàu” xuất hiện, và con quay cứ thế xoay…

Diễn biến hòa bình

Dĩ nhiên, “Bài học Việt Nam” của Nixon và Gorbachev – cũng như của các thế lực từng xâm chiến Việt Nam như Pháp hoặc các nhà Tống, Nguyên, Minh, Thanh… hoặc các thế lực từng xâm chiến Afghanistan như Anh và các Nga hoàng trước đó – đã được Tập Cận Bình và tập đoàn nghiên cứu kỹ. Có lẽ vì vậy mà Tàu cộng sẽ chẳng dại gì xua quân xâm chiếm Việt Nam để phải lâm vào cảnh “xuất huyết trường kỳ” như Mỹ và Liên Xô cũ, để cuối cùng mất cả chì lẫn chài, mất cả uy tín lẫn ảnh hưởng, mất cả ghế và có thể làm sụp đổ cả chế độ tại mẫu quốc.

Nhưng, có lẽ cũng vì vậy mà Tàu đã dùng một con đường khác để thôn tính Việt Nam, một tuyệt chiêu hơn hẳn kẻ đi trước.

Phải gọi tuyệt chiêu đó là gì cho đúng?

Đó là không đánh Việt Nam bằng sức mạnh cứng từ ngoài đánh vào, mà bằng sức mạnh mềm từ trong ruột đánh ra. Là từng bước biến Việt Nam thành thuộc địa, thuộc quốc, thành khu tự trị, thành tỉnh lỵ… mà không cần phải bắn phát súng nào, mà có được cả một chính quyền tay sai ngoan ngoãn, nói gì nghe nấy, bất chiến tự nhiên thành.

Tên gọi chính thức của nó đích thị là “diễn biến hòa bình”, và “thế lực thù địch” trần trụi hiện nguyên hình là Trung Cộng. Lâu nay Đảng tìm cách bẻ ngược kim la bàn về phương Tây, nhưng thực ra kim la bàn chỉ kẻ thù luôn hướng về phương Bắc!

Điều vừa rồi dẫn đến câu hỏi thứ ba. Hãy thử xem Đảng đã và đang làm gì, có thực sự chống giặc, hay giặc đang đứng sau lưng Đảng, và cả hai đang đối đầu dân Việt?

Hình: Cartoon của Sacrava
© 2014 Từ Linh & pro&contra
Nguồn: procontra.asia
[1] The Economist, “What would America fight for?” (Mỹ chiến đấu vì điều gì?), số ra ngày 3/5/14
[2] Xem Thomas Wright, “Four Disappointments in Obama’s West Point Speech” (Bốn thất vọng trong diễn văn tại West Point của Obama), Brookings, 28/5/2014
[3] Victor Sebestyen, Revolution 1989The Fall of the Soviet Empire(Cách mạng 1989, Đế quốc Xô-viết sụp đổ), Pantheons Books, New York 2009, Chương “Gorbachev’s Vietnam” (bài học Việt Nam của Gorbachev), trang 200
[4] Xem bài “Mao and Forever” của Peter Martin và David Cohen, đăng trên Foreign Affairs ngày 3/6/14. Đã có bản tiếng Việt của dịch giả Huỳnh Phan đăng trên trang Ba Sàm.
[5] Xem “Tài liệu của Trung Quốc về cuộc gặp bí mật Thành Đô, 3-4/9/1990”, bản dịch của Lý Nguyên. Nguồn: Hà Bắc tân văn võng, talawas 30/10/2007.

 http://www.procontra.asia/wp-content/uploads/2014/06/T%E1%BB%AB-Linh_N%C4%83m-nh%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%8Bnh-v%E1%BB%81-quan-h%E1%BB%87-Vi%E1%BB%87t-Trung.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét