Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

(1) Mỹ có đối đầu Tàu vì Việt Nam không?

Từ Linh: Giữa những ngày giàn khoan 981 nghênh ngang thách thức chủ quyền Việt Nam và gây không ít hoang mang, bài này xin được góp một số ý nghĩ về bốn bên liên quan: Mỹ, Tàu, Đảng và dân. Có ý sẽ làm người lạc quan phật lòng, có ý sẽ làm người bi quan bất đồng, có ý có thể chủ quan, nhưng xin chép cả vào đây, như góp một cái nhìn tham khảo. Bài chia làm năm phần, tương ứng với năm câu hỏi-đáp, xin tóm gọn như sau:
1. Mỹ có đối đầu Tàu vì Việt Nam không? Không! Người hùng giờ thấm mệt, thích chăm việc nhà và việc gần hơn lo việc thiên hạ quá xa.
2. Tàu có đánh Việt Nam không? Đánh làm gì khi Tàu gần như đã có những gì họ muốn: một chế độ ngoan như tay sai, một lãnh thổ họ tha hồ tung hoành và đang từng bước trở thành thuộc quốc.

3. Đảng có cứu nước không? Làm gì có, vì có quá nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng đang hành xử như tay sai mẫn cán của Tàu, lo giữ ghế hơn lo giữ nước.

4. Chỉ còn lại dân? Đúng! Khi dân là những người tự do, không sợ hãi, không bị ngoại bang bịt miệng trói tay.

5. Họ đang đẩy dân vào thế bất tuân dân sự? Vâng! Và đây sẽ là cuộc đấu tranh: ngoài chống giặc ngoại xâm, trong chống bọn bán nước, giành lại cho dân quyền lực chính đáng của mình.

I. MỸ CÓ ĐỐI ĐẦU TÀU VÌ VIỆT NAM KHÔNG?

Nhiều người muốn Mỹ vào cuộc ở Biển Đông, như ông cảnh sát trưởng toàn cầu duy nhất có thể rút súng chặn đứng giang hồ Tàu tràn xuống biển làm cướp. Nhưng, mấy năm nay, giới quan sát thế giới than rằng Mỹ đang là siêu cường thấm mệt.

“Globocop” đâu rồi?
Đồng minh của Mỹ đang lo. Trong khi Nga ngênh ngang thò tay tóm lãnh thổ nước bạn, Tàu nghênh ngang giở thói côn đồ ăn hiếp hàng xóm, Syria ngang nhiên giết hại dân mình, thì câu hỏi được đặt ra là: “Globocop”, cảnh sát toàn cầu, đâu rồi? Bài “The decline of deterrence” (Bước lùi của chính sách ngăn chặn), đăng trên The Economist ngày 3/5/14 đã mở đầu như thế. Bài báo còn nêu những điểm sau, xin tóm vài ý liên quan:

- Mỹ có sẵn sàng lâm chiến với Tàu không? Ai cũng biết Tàu muốn làm số một, cũng như Mỹ chẳng muốn làm số hai. Tuy vậy, nhiều nước Châu Á hoài nghi việc Mỹ muốn gây chiến với Tàu. Tiền lệ là năm 2012, Mỹ đã im lặng khi Tàu chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, rồi năm 2013 lại im lặng khi Tàu đe dọa máy bay Mỹ bay qua không phận đảo Senkaku của Nhật. Chẳng lạ gì, khi đồng minh của Mỹ từ Âu sang Á đang mua thêm vũ khí tự vệ. Nhật Bản cũng không còn đặt hết lòng tin vào chiếc ô dù an ninh thủng nhiều lỗ của Mỹ.

- Mỹ sẽ vẫn phản ứng mạnh, nhưng chỉ khi dân Mỹ sôi sục, chỉ trong trường hợp các đồng minh NATO bị đe dọa nghiêm trọng, hay Israel bị đánh lớn, hay khi những quốc gia Mỹ đóng nhiều quân như Nam Hàn, Nhật Bản bị xâm hại, còn ngoài những điểm nóng đó, đội ngũ của Obama được cho là sẽ “sẵn lòng mặc kệ, một sự sẵn lòng đến rợn người” (a creeping willingess to let things go). Obama còn được cho là thường “rất năng nổ tìm đủ mọi đường, nhưng cuối cùng lại thấy đứng im là hay nhất.”

- Một vụ va chạm xảy ra quanh đảo Senkaku chẳng hạn sẽ khiến Mỹ có một số phản ứng nào đó, như gửi máy bay do thám và tàu chiến đến nơi. Nhưng, theo nhận định của một chuyên gia giàu kinh nghiệm, công chúng Mỹ “sẽ chẳng hứng thú gì với việc tham chiến chỉ vì mấy bãi đá”.

- Dù cam kết chính thức này kia với các nước, nhưng dường như Obama đang nhìn thế giới như một khu rừng hoang đầy thú dữ quấy phá, gây ra những khủng hoảng liên tục mà Mỹ không xử lý được.

Chẳng lạ gì khi bài báo ví von: sói đang xơi tái cừu nhưng anh chăn cừu lại chẳng thấy đến cứu!

Thực vậy, ngay cả trước khi Tàu cắm giàn khoan xâm phạm biển Việt Nam, các nước trên thế giới đã thấy quá nhiều dấu hiệu về việc siêu cường Mỹ đang đánh mất ý chí chiến đấu: Các nước Châu Á, khi thấy Nga nuốt chửng Crimea nhưng Mỹ gần như mặc kệ, đã không thể quên rằng vào năm 1994, để từ bỏ vũ khí hạt nhân Ukraine đã được Nga, Mỹ và Anh đảm bảo hẳn hòi rằng biên giới của họ sẽ không bị xâm phạm. Các nước Baltic cũng không thể quên việc chính quyền độc tài Assad tại Syria ngang nhiên vượt qua “lằn ranh đỏ” (là dùng vũ khí hóa học giết dân) nhưng Mỹ đã không phản ứng mạnh như từng tuyên bố, trong khi số người chết trong cuộc chiến hiện nay dưới chế độ Assad đã lên tới 150.000. Các đại gia dầu hỏa Ả Rập và đại sứ Trung Quốc cũng không thể không chú ý đến hiện tượng nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đang chủ hòa. Tất cả khiến bạn của Mỹ âu lo, lo rằng đến khi hữu sự, người hùng không xuất hiện.[1]

Nhạt nhẽo ở West Point

Diễn văn tại West Point của Obama vừa qua cũng được dư luận quốc tế cho là nhạt nhẽo, thiếu lửa, rất khác với ấn tượng “Mỹ không ngồi im để Trung Quốc lộng hành” mà nhiều đài Việt ngữ từ RFA, RFI, đến BBC và báo đài trong nước tạo ra khi trích đoạn và diễn dịch bài diễn văn.

Trong diễn văn, Obama nhắc đến khủng bố 17 lần, nhưng không nhắc gì đến Crimea, chỉ nhắc đến Trung Quốc 2 lần lướt qua, cũng không nói gì đến việc chuyển trục về Châu Á (khiến không ít các nước trong vùng lo ngại, và họ đã nhắc lại điều này trong Hội nghị G7 gần đây).

Không những không nhắc, Obama còn than thở không đúng chỗ rằng Mỹ không thể làm gì đáng kể cho an ninh Biển Đông, dù các tướng lĩnh khuyến cáo, vì Thượng viện Mỹ chưa thông qua được Quy ước Luật biển.[2]

Siêu cường thích làm vườn?

Trong luận văn rất đáng chú ý “Superpower don’t get to retire” (siêu cường không được về vườn), (đăng trên The New Republic, 26/5/14), sử gia Robert Kagan còn cảnh báo rằng Mỹ đang muốn “trở về trạng thái bình thường”, không muốn “làm người hùng” cứu thế giới nữa, dù sức vẫn còn. Xin tóm tắt vài ý như sau:

- Mỹ muốn “làm người thường” vì nhiều lý do, trong số có thể kể: Thế hệ trẻ đông đảo ở Mỹ xem Thế Chiến II như đã xa, Chiến tranh Lạnh cũng lạ. Thế hệ lớn hơn thì mệt mỏi với vai trò của Mỹ như thần Atlas “bị đày” cứ phải vác đá leo ngược núi. Chủ nghĩa cộng sản, kẻ thù lớn nhất của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh, xem như đã thất bại. Cuộc chiến Iraq và Afghanistan, được cả thế hệ trẻ lẫn già biết đến, lại quá tốn kém, trong khi Mỹ vừa trải qua khủng hoảng 2008… Tất cả những điều đó khiến Mỹ đang đi theo chiều “hướng nội”. Cuộc thăm dò Pew mùa thu năm ngoái cho thấy có tới trên 50% dân Mỹ, tỉ lệ cao nhất trong 50 năm qua, muốn Mỹ quay về “lo việc nhà” thay vì lăng xăng ngoài ngõ, và dân Mỹ cũng muốn “các nước khác phải biết tự lo việc của họ cách tốt nhất có thể.”

- Đây không là lần đầu Mỹ hướng nội. Điều tương tự từng diễn ra vào thập niên 20, 30 thế kỷ trước. Năm 1939, khi Đức Quốc xã chiếm Ba Lan phía Đông, rồi năm 1940 chiếm Paris phía Tây và ném bom London thì Mỹ vẫn chưa động tĩnh gì. Có ý kiến trong chính giới Mỹ còn cho rằng Mỹ vẫn có thể buôn bán như thường với Châu Âu thuộc Đức Phát-xít, y như từng buôn bán với Anh và Pháp, vì “hàng vừa ý” là được, không cần “bạn vừa ý”! Mãi cho đến khi quân phiệt Nhật tấn công căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng năm 1941 thì Mỹ mới bừng tỉnh tuyên chiến với Đức và Nhật, vì lợi ích ruột thịt của mình.

- Kagan cũng nói tới một thực tế lạnh lùng khác, đó là loài người và các quốc gia hiện nay nhìn chung không văn minh hay ôn hòa hơn thời man rợ. Nếu có ‘ngoan’, có chơi đúng luật, có không dám trở thành côn đồ thì chỉ vì có một ông cảnh sát đầy uy lực sẵn sàng thổi còi và trừng phạt nếu họ vi phạm.

- Và thực ra thì thế giới này mới chỉ biết đến tự do, dân chủ, pháp trị, nhân quyền trong khoảng 200 năm qua, còn hàng ngàn năm trước vẫn là cuộc chiến đấu liên tục của ánh sáng chống lại tối ám độc tài, toàn trị, của sự thật chống lại dối trá và nắm đấm. Dù sự thật luôn thắng, nhưng dối trá không chết hẳn mà sẽ nổi dậy và cần phải được khống chế, bằng sức mạnh. Tổng thống Roosevelt của Mỹ từng nói “Hòa bình phải được giữ gìn bằng sức mạnh, không còn cách nào khác.” Vâng, “sức mạnh” chứ không bằng luật lệ, đối thoại hay tình hữu nghị.

Thực ra, khi Mỹ đứng ra cáng đáng an ninh toàn cầu, nhiều nước chỉ “ăn theo”. Châu Âu được khuyến cáo là cần phải gánh bớt gánh nặng cho Mỹ vì an ninh của chính Châu Âu! Nhật có vẻ cũng đang theo chiều hướng này, trở thành một thế lực chủ động hơn trong khu vực (dù điều này làm không ít chính phủ e ngại khi nhớ đến đội quân Nhật mạnh đến đáng sợ thời Thế Chiến II.)

Côn đồ như ruồi

Những điều kể trên có nghĩa gì? Phải chăng nó có nghĩa là khi ông cảnh sát uy quyền bỗng thích về hưu non, thích làm vườn sau nhà hơn lo việc thiên hạ, thì côn đồ lập tức nổi lên, như ruồi?

Syria sẽ tiếp tục lộng hành giết dân. Rồi với sự hỗ trợ của Syria, quân khủng bố Hồi giáo nổi lên đánh chiếm các thành phố ở Iraq như đang diễn ra trong những ngày vừa qua. Putin sẽ còn thêm nhiều trò mới với các lân bang. Và ở Biển Đông, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục lộng hành. Không chỉ 981, mà sẽ còn giàn khoan 982, 983 rồi nhiều thứ khác như phi trường và căn cứ quân sự ở Gạc Ma sẽ lại được cắm phập vào biển Việt Nam và biển các nước khác. Sao lại không, thế giới có làm gì đáng kể đâu mà côn đồ phải sợ!? Và đó là điều hết sức đáng sợ! (Trừ khi các nước khu vực, Nhật, Hàn, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Miến, Ấn, Úc… liên kết lại, thành một khối chống Trung Quốc, và Mỹ bừng tỉnh, hỗ trợ tích cực để tiếp tục duy trì trật tự thế giới.).

Điều này dẫn đến câu hỏi kế tiếp: Trong tình hình đó, liệu Tàu có cướp thời cơ đánh Việt Nam không?

Hình: Cartoon của Sacrava
© 2014 Từ Linh & pro&contra
Nguồn: procontra.asia
[1] The Economist, “What would America fight for?” (Mỹ chiến đấu vì điều gì?), số ra ngày 3/5/14
[2] Xem Thomas Wright, “Four Disappointments in Obama’s West Point Speech” (Bốn thất vọng trong diễn văn tại West Point của Obama), Brookings, 28/5/2014
[3] Victor Sebestyen, Revolution 1989The Fall of the Soviet Empire(Cách mạng 1989, Đế quốc Xô-viết sụp đổ), Pantheons Books, New York 2009, Chương “Gorbachev’s Vietnam” (bài học Việt Nam của Gorbachev), trang 200
[4] Xem bài “Mao and Forever” của Peter Martin và David Cohen, đăng trên Foreign Affairs ngày 3/6/14. Đã có bản tiếng Việt của dịch giả Huỳnh Phan đăng trên trang Ba Sàm.
[5] Xem “Tài liệu của Trung Quốc về cuộc gặp bí mật Thành Đô, 3-4/9/1990”, bản dịch của Lý Nguyên. Nguồn: Hà Bắc tân văn võng, talawas 30/10/2007.

 http://www.procontra.asia/wp-content/uploads/2014/06/T%E1%BB%AB-Linh_N%C4%83m-nh%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%8Bnh-v%E1%BB%81-quan-h%E1%BB%87-Vi%E1%BB%87t-Trung.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét