Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Cười ra nước mắt: Cơm ăn hằng ngày và gia đình văn hóa

Cơm ăn hằng ngày và gia đình văn hóa
 Với hoàn cảnh như của bà lão trong bức ảnh dưới đây, tấm biển có khẩu hiệu “Quyết tâm xây dựng gia đình văn hóa” liệu có còn ý nghĩa?

Hình ảnh bà cụ già đang lụi hụi phơi quần áo trước sân một ngôi nhà lụp xụp, cùng với tấm biển to tướng ghi dòng chữ: “Quyết tâm xây dựng gia đình văn hóa” treo ở cửa, nhìn mà thấy xót xa.

Hình ảnh chẳng khác nào một bức tranh đang vẽ dở dang và chứa đựng hai mảng màu đối lập. Một bên mang nghĩa phải cố gắng, quyết tâm trở thành gia đình văn hóa, nhưng bên kia, hiện thực hiện lên là một bà cụ già bên căn nhà tồi tàn, rách nát.

Nhìn qua bức ảnh có thể suy đoán, bà cụ này có lẽ là một người già neo đơn và thiếu thốn mọi bề. Trong khi cái ăn, cái mặc còn chưa chắc đã đủ thì tâm trí đâu để nghĩ đến chuyện cao xa như xây dựng gia đình văn hóa, mẫu mực.

Một gia đình văn hóa, yếu tố cần đầu tiên phải là một gia đình ổn định về kinh tế, sau đó mới đến các chuyện khác như có cuộc sống lành mạnh, con cháu chăm ngoan,…

Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, có bốn tiêu chuẩn chính để xem xét công nhận Gia đình văn hóa là: 'Gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư'.

Cho dù gia đình nghèo không phải là những thành viên trong gia đình đó thiếu văn hóa. Nhưng để trở thành một gia đình văn hóa thì dứt khoát gia đình đó không được nghèo.

Đời sống tảo tần vất vả vì kiếm miếng ăn còn chưa xong, e khó lo nghĩ đến chuyện quyết tâm xây dựng gia đình văn hóa được

Tấm biển “Quyết tâm xây dựng gia đình văn hóa” treo ở nhà bà cụ kia thật to, nổi bật. Nhưng thử hỏi, đã bao lần bà lão nhìn lên tấm biển và nghĩ mình sẽ phải làm gì. Bởi điều mà bà lo lắng là làm sao ngày có hai bữa cơm để ăn, có áo lành để mặc. Bà đã già nên không thể trèo lên để dỡ nó xuống. Với lại, dỡ xuống hay để nguyên cũng không ảnh hưởng

Chính quyền cần giúp bà sửa lại căn nhà, ổn định cuộc sống, thay vì mang tấm biển đến treo một cách gượng ép cho có lệ, có phong trào, thiếu thực tế.

Ở Việt Nam, đâu cũng thấy khẩu hiệu. Những khẩu hiệu mang toàn mỹ từ cao sang nhưng lại ít tác động tới suy nghĩ và nhận thức của người dân. Nào là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”; “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí ... về thăm và làm việc với tỉnh…”; hay “Đầu tư cho phụ nữ là đầu tư chiều sâu”,…

Là một người dân nên tôi hiểu, ít ai khi nhìn vào khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” thì sẽ nghĩ rằng mình phải đoàn kết với hàng xóm láng giềng để làm đẹp khu dân cư, sau đó thể hiện bằng những việc làm thiết thực.

Hoặc những khẩu hiệu, với nhân dân người cán bộ phải thế nọ, phải thế kia… Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu cán bộ nhìn vào khẩu hiệu đó mà thay đổi nhận thức, hành vi của mình với nhân dân?

Chi bằng, để khẩu hiệu dân dã như: “Hãy cố gắng làm người cán bộ tử tế”, có khi còn có tác dụng.

Chính quyền thật sự thương dân, muốn các gia đình văn hóa, địa phương văn hóa, muốn có thành tích đẹp thì hãy làm những việc thiết thực cho người dân, không nên chỉ hô hào bằng những khẩu hiệu.

Hoàng Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét