Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Người Việt vẫn thích vàng

Xem bình luận của tôi trong bài: Biệt thự ông Trần Văn Truyền: Giàu chính đáng thì ...
Người Việt vẫn thích vàng
Nhu cầu nguyên liệu trên thế giới giảm 51% trong khi tại Việt Nam vẫn tăng tới 23% sau một năm nhà điều hành dốc sức bình ổn thị trường và nỗ lực làm cho người dân bớt yêu vàng. Nhu cầu vàng thế giới giảm, Việt Nam tăng
Dòng người xếp hàng mua vàng cầu may nhân 
ngày Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng) vừa qua. Ảnh: Công Tâm 
Báo cáo mới công bố của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy 2013 là một năm thăng hoa của mảng tiêu dùng trang sức, trái ngược với cảnh giới đầu tư tháo chạy khỏi vàng. Tổng nhu cầu vàng của toàn thế giới năm qua là 3.756 tấn, tương đương 170 tỷ USD, giảm 15% về khối lượng. Mức giảm này chủ yếu xuất phát từ nhu cầu đầu tư vàng thỏi, xu giảm tới 51% xuống còn 773 tấn. Trong khi đó, nhu cầu trang sức tăng tới 21% và lên gần mức kỷ lục hồi trước khủng hoảng.

Bức tranh thị trường vàng Việt Nam gần như trái ngược với thế giới, đặc biệt ở mảng đầu tư. Nhu cầu vàng nguyên liệu tăng 23% lên 80,3 tấn; còn trang sức tăng 4% lên 11,9 tấn. 

Riêng quý IV, thời điểm Ngân hàng Nhà nước giảm tần suất đấu thầu vàng vì nhu cầu mua của doanh nghiệp giảm sút, theo thống kê của WGC nhu cầu toàn thị trường vẫn tăng 11% lên 20,4 tấn. Trong đó vàng đầu tư tăng 12% lên 18,2 tấn.

Các chuyên gia của WGC bình luận nhu cầu vàng tại Việt Nam và một số nước Thái Lan, Indonesia hay Hàn Quốc tăng mạnh chủ yếu do giá giảm mạnh (hơn 20% trong năm), kích thích nhu cầu tích trữ. Cơ quan này nhấn mạnh nhu cầu đầu tư tại Việt Nam vẫn tăng khi mà chênh lệch giá trong nước và thế giới có thời điểm vượt 200 USD một ounce (hơn 5 triệu đồng một lượng).

Nhìn nhận về con số trên, một chuyên gia trong ngành vàng cho rằng đây là con số có cơ sở. Theo ông, WGC đã căn cứ trên nhiều yếu tố. Trước tiên là dựa vào số nhập khẩu chính thức của Việt Nam. Dù hiện nay không có con số nào được công bố, nhưng có thể suy luận, giả sử dự trữ vàng quốc gia giữ nguyên thì thời gian qua Ngân hàng Nhà nước muốn bán đấu giá vàng miếng ra thị trường buộc phải nhập một lượng vàng tương ứng.

Công tác đấu thầu này được nhà quản lý triển khai từ ngày 28/3/2013 nhằm giúp các nhà băng tất toán xong dư nợ huy động vàng trước thời điểm 31/6 mà không làm biến động mạnh thị trường. Sau 3 tháng triển khai đấu thầu, đã có khoảng 30 tấn vàng miếng được các tổ chức tín dụng mua vào trả nợ dân và chính thức khép lại cuộc chơi vàng của các đại gia.

Những tháng sau đó, thị trường vàng dần chấm dứt hẳn những cơn sốt về giá. Các tác động tâm lý khiến người dân đổ xô đi mua vàng cũng không còn, phần nào trả lại không khí mua bán yên ắng.

Song song đó, chênh lệch giá trong và ngoài nước luôn duy trì ở mức 3-5 triệu đồng, như một thông điệp của nhà điều hành về việc khuyến khích người dân hãy "rời xa vàng".

Thoạt nhìn, nhiều người nghĩ sức hấp dẫn của vàng đã thực sự mất đi trong mắt người dân. Thế nhưng, với những phiên đấu thầu dồn dập sau 30/6 vẫn tiếp diễn và đến cuối năm 2013, thêm 40 tấn vàng miếng nữa được cung ứng ra thị trường khiến người ta không khỏi băn khoăn trước câu hỏi sức mua từ đâu ra.

"Nhìn vào thị trường thấy yên ắng, không có nghĩa là khách hàng không mua bán gì. Người ta vẫn mua vào nhưng không phải theo kiểu ồ ạt, đám đông, bằng chứng là gần 70 tấn vàng đấu thầu đã được các thành viên dự thầu mua hết kể từ phiên đấu thầu đầu tiên do Ngân hàng Nhà nước tổ chức", vị chuyên gia trên nói.

Riêng việc giá trong nước cao hơn thế giới 3-5 triệu đồng trong suốt năm qua không hẳn là ý đồ của nhà điều hành nhằm giảm sức hấp dẫn của vàng; mà nó chính là yếu tố phản ảnh nhu cầu mua vào trong dân còn khá lớn. Thời kỳ trước đây, ông cho biết, đã có lúc Ngân hàng Nhà nước không cho nhập tấn vàng nào, nhưng ngoài thị trường vẫn mua bán nhộn nhịp và vàng lậu đã tìm cách vào Việt Nam bằng nhiều phương thức khác nhau.

"Điều này cho thấy nhu cầu đối với vàng của người dân là có thật và rất khó bỏ. Nhu cầu giảm chỉ có thể diễn ra dần dần chứ không thể một sớm một chiều, bởi đây là yếu tố mang tính lịch sử để lại", ông nói.

Tổng giám đốc Công ty vàng Việt Nam (VGB) Trần Thanh Hải cũng nhìn nhận, ám ảnh lạm phát là lý do khiến người dân vẫn chuộng mua vàng, dù cơ quan quản lý tìm mọi cách hạn chế. "Đừng nghĩ rằng cứ hạn chế thì người dân sẽ chán vàng. Điều đó là không tưởng. Vì vậy, cần có nhiều lựa chọn để họ tích lũy tài sản", ông nói.

Ngoài 70 tấn vàng miếng kể trên, để đưa ra con số về nhu cầu vàng của Việt Nam 2013, WGC có thể đã căn cứ trên việc tính toán dựa vào nhu cầu tiêu thụ nữ trang của các năm trước, khoảng 15-16 tấn. "Năm rồi, giá vàng giảm mạnh, nữ trang trong nước chắc chắn tăng cao hơn một ít. Số còn lại là vàng từ các nguồn khác như sa khoáng, tiểu ngạch....", vị chuyên gia vàng phân tích.

Ông Hải cũng chỉ ra rằng, bất chấp giá trong nước đắt đỏ, những tháng cuối năm vẫn có lượng khách lớn kéo đến các tiệm vàng để mua sắm trang sức, nhẫn tròn trơn..."Nhu cầu này tiếp tục còn cao trong năm 2014 khi hàng trăm người đã xếp hàng mua vàng cầu may trong dịp đầu năm và các doanh nghiệp đã thu được doanh số hàng nghìn lượng", ông Hải nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM không muốn bình luận về con số của WGC, vì cho rằng có thể tổ chức này có những tiêu chí riêng. Ông cho biết giao dịch vàng miếng trên địa bàn thành phố trong năm 2013 đã giảm đi đáng kể so với năm trước. Còn thực tế trong nước, ông thừa nhận, vàng vẫn còn sức hút, nhất là nữ trang. Để giảm sức hút này, theo ông còn phụ thuộc diễn biến giá thế giới, nhưng quan trọng là phải đảm bảo giá trị của đồng tiền Việt Nam, củng cố niềm tin của người dân với đồng nội tệ...

Ông cũng giải thích thêm, các biện pháp của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua chủ yếu hướng vào mục tiêu ngăn chặn và dẹp bỏ vàng hoá trong nền kinh tế, không để vàng trở thành phương tiện thanh toán trong dân. Nhiệm vụ khác nữa là ngăn chặn cho vay và huy động bằng vàng của các ngân hàng thương mại vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, tập trung ngăn chặn đầu cơ, làm giá và làm lũng đoạn thị trường.

"Đó là những mục tiêu mà nhà quản lý hướng đến. Còn việc làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với dân không phải chuyện dễ dàng", ông chia sẻ.

Đại diện Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý cho hay, năm 2013, về lượng doanh nghiệp này bán ra khoảng 180.000 lượng vàng, tăng 50% so với năm trước đó. Doanh thu tăng trưởng ít hơn, từ 5.200 lên 7.300 tỷ đồng vì giá vàng 2013 giảm so với 2012.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Trưởng phòng kinh doanh của PNJ thông tin, nếu chỉ so số liệu kinh doanh của PNJ, báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới có thể hợp lý vì tăng trưởng doanh số bán ra năm 2013 cao hơn 20% so với năm trước đó. Có những sản phẩm tăng trưởng 48 đến 50%. "Nhưng toàn thị trường nhìn chung khó tăng được mức này. Năm 2013 chứng kiến lượng giao dịch chậm hẳn lại", ông Trọng nói.

Lệ Chi - Thanh Bình
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/nguoi-viet-van-thich-vang-2955385.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét