Lá rụng về Cội
Rồi một ngày nhớ lại thuở nằm nôi
Chiếc võng đu đưa, lời mẹ ru não nuột
Dẫu một đời có vẫy vùng bốn bể
Vẫn nao nao một chốn để quay về
(Thơ Nguyên Nhung)
Ngày sinh nhật thứ ba mươi tư tuổi của tôi là một ngày rất đẹp trời. Buổi chiều mùa hè ấm áp, nhưng không oi bức, cây cỏ xanh tươi, hoa lá đua nhau khoe màu sắc, và những cơn gió dịu nhẹ, thoảng thoảng hương thơm của hoa ngọc lan, hoa hồng mọc đầy trong vườn làm mọi người đều cảm thấy dễ chịu. Tiệc sinh nhật được tổ chức ở ngoài vườn vào lúc trời chưa tắt nắng, và tối đến sẽ có khiêu vũ ở trong nhà. Khách mời đa số đều là các bạn trẻ, cỡ tuổi vợ chồng chúng tôi và con cái của họ, những đứa trẻ xinh sắn dễ thương đang nô đùa chạy nhảy ngoài vườn, không khí thật ồn ào và vui nhộn. Tin buồn chợt đến bất ngờ như một tia chớp, không có dấu hiệu gì báo trước. Tiệc mới nửa chừng, chưa đến mục cắt bánh thì trong nhà bỗng có tiếng điện thoại reo, chị giúp việc đến bên tôi, lễ phép:
- Thưa, có điện thoại của bà.
Tôi tạm ngưng câu chuyện đùa rỡn và xin lỗi mọi người, đi vào trong nhà. Cầm ống điện thoại lên, chỉ nghe mới câu đầu thôi, người tôi đã lảo đảo đứng không muốn vững.
Số là cách đây ít lâu, ở gần nách tôi bỗng nổi lên một cái mụn nhỏ to bằng đầu đũa, chỉ hơi cồm cộm nhưng không đau nên tôi chẳng thèm để ý, thì cũng giống như một cái mụn trứng cá thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên mặt tôi vài tuần rồi tự nhiên biến mất. Nhưng cái mụn này đã ba, bốn tháng rồi mà vẫn còn ở y đó, càng ngày càng to thêm và trên mặt da ngực màu trắng của tôi, màu đỏ của mụn bây giờ trở nên tím bầm, cái mụn dầy lên và nổi cao trông như một cái núm vú thứ ba. Nó không làm tôi khó chịu, chỉ trừ mỗi khi tắm xong đứng trước gương lau mình và trông thấy nó. Khi nó to bằng đồng một xu thì chồng tôi bắt đầu lưu ý và bảo tôi:
- Đây là một cái mụn bọc, chỉ có mụn bọc mới lâu tiêu như thế. Em nên đến bác sĩ ngoài da mà cắt.
Và tôi đã làm theo, cái nhân được lấy đi gọn gàng chỉ để lại một vết sẹo nhỏ xíu và da ngực của tôi lại phẳng phiu như cũ. Tôi tưởng thế là xong, và đã nhanh chóng quên đi cho tới ngày hôm nay…
- Đây là văn phòng bác sĩ Quân, chúng tôi rất tiếc phải báo cho bà một tin chẳng lành, kết quả biopsy cho thấy cái hạch ở gần nách bà có chứa những tế bào ung thư loại ác tính…
Người tôi lạnh toát, phải mất đến mấy phút mới lấy lại bình tĩnh, tôi lắp bắp hỏi:
- Cô nói sao? cái mụn bọc ấy mà là ung thư à?
- Không phải mụn bọc, mà là một hạch bạch huyết bị nhiễm độc. Cô y tá nhẫn nại cắt nghĩa, bà phải đến bệnh viện để làm thêm thử nghiệm, bác sĩ nghĩ rằng nhũ bộ của bà có thể có vấn đề rồi đó nên mới lan tới các hạch bạch huyết. Nhưng đó mới chỉ là giả thuyết, cần phải kiểm nghiệm lại thì mới biết đích xác, bởi vì cũng có một loại ung thư các hạch bạch huyết. Nói tóm lại, bà cần phải qua nhiều thử nghiệm nữa mới có thể định bệnh được. Bà có muốn lấy hẹn ngay ngày mai?
- Ngày mai à? Tôi hốt hoảng, không được đâu, ngày mai chúng tôi có việc phải đi xa, hai tuần nữa mới về.
- Không sao cả, đàng nào bà cũng cần thì giờ để thu xếp công việc. Khi nào sẵn sàng thì gọi phone cho tôi.
Nói xong, cô ta cúp điện thoại. Tôi cũng đặt máy xuống, đưa hai tay ôm lấy đầu, chờ cho qua cơn choáng váng rồi mới trở ra .
Suốt thời gian còn lại của buổi tiệc, tôi cố gượng vui, nhưng không thể qua mắt được Ngọc Huệ, người bạn gái thân nhất của tôi từ thuở còn học ở trung học. Ngọc Huệ bằng tuổi tôi nhưng cho tới bây giờ vẫn còn độc thân. Cô ta nhìn tôi chăm chú rồi mới ghé tận tai hỏi nhỏ:
- Bồ làm sao thế? từ nãy giờ trông bồ như người mất hồn.
Biết không thể dấu được, tôi gật đầu:
- Tại cú điện thoại vừa rồi.
- Tôi cũng đoán thế. Sao? có chuyện không vui à? hay là bà dì ở Việt Nam làm sao rồi?
- Không, dì tôi vẫn bình thường, nhưng…
Tôi kéo Ngọc Huệ ra một góc vắng, thì thầm kể hết. Cô ta thở dài:
- Thật là không may, nhưng bồ đừng lo lắng quá, có thể đây chỉ là một sự nhầm lẫn. À này! thế bồ có định hủy bỏ chuyến đi nghỉ hè với các bạn bè của tụi mình ngày mai?
- Không cần, hai tuần nữa cũng đâu có chết chóc gì. Tôi định sẽ không nói gì cho nhà tôi biết cả, cứ để anh ấy vui chơi cho trọn vẹn, bao giờ về hãy hay.
Có lẽ tôi là một người đóng kịch rất dở, vì vậy chỉ qua đến ngày thứ hai của cuộc hành trình đi Châu Âu, chồng tôi đã biết hết sự thực. Nhưng trái với sự lo ngại của tôi, Khang tỏ ra rất bình tĩnh, chàng chỉ nhìn tôi với một vẻ thương hại:
- Tại sao em lại dấu anh?
- Tại vì em không muốn anh phải gián đoạn cuộc vui với các bạn bè. Vả lại… Tôi nuốt nước bọt một cách khó khăn rồi mới thở dài buồn bã, em cũng muốn tận hưởng những ngày thần tiên sung sướng của cuộc nghỉ hè kỳ này, biết đâu đây chẳng là lần cuối cùng?
- Chỉ được cái nói dại! Khang cau mày nói, em bi quan quá rồi đấy, anh không tin ở kết quả của phòng thí nghiệm, chưa có gì chắc chắn cả, đừng lo trước mất vui.
Nói xong, chàng để mặc tôi đứng một mình và chạy thật nhanh đến chỗ mọi người đang tụ tập ở trên bãi. Tôi nhìn theo dáng điệu vui vẻ trẻ trung của chàng với một vẻ thèm thuồng, trên người chàng chỉ vận độc nhất có một cái quần ngắn và một chiếc khăn tắm vắt ngang trên vai, da chàng màu nâu hồng khỏe mạnh. Ngày thường tôi cũng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn đâu có kém, nhưng hôm nay tôi thấy uể oải như không còn một chút sinh lực nào cả.
Cuộc chơi nhanh lắm, chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, mọi người đã trở lại, mình mẩy ướt mem nhưng mặt mày ai nấy đều rạng rỡ đầy vẻ thích thú, họ ồn ào rủ nhau đi tắm nước ngọt và thay quần áo để đi dạo phố. Lần này thì tôi nhập cuộc với cả bọn, Khang mua cho tôi một cái mũ rơm để che nắng.
Ngày thứ năm, theo chương trình thì sẽ đi sang nước Ý thăm Venise, một thành phố nổi trên mặt nước. Hành lý đã được chuyển đi từ sáng sớm, mọi người sau khi ăn điểm tâm xong đều tụ tập ở trước cửa khách sạn, chờ xe bus tới đón. Tôi ra trước, đảo mắt tìm Khang nhưng không thấy, cả Ngọc Huệ cũng chưa tới, tôi đi loanh quanh tìm kiếm. Thế rồi 10 giờ xe bus tới, mọi người lục tục theo nhau lên xe, Khang vẫn chưa thấy đâu. Tôi sốt ruột trở về phòng của mình để tìm, và gặp Khang đang đi trên hành lang, nhưng không phải một mình vì Ngọc Huệ đang vội vã theo sau, nét mặt có vẻ ngượng ngùng.
Thấy tôi, cô ta gật đầu chào, môi nở một nụ cười gượng gạo và nói như phân bua:
- Mình để quên một món đồ ở trong phòng, chợt nhớ ra mới quay lại lấy, may quá không thôi suýt nữa mất. Xe bus đã tới rồi à?
Tôi gật đầu, chờ cho cô ta đi khuất mới quay sang hỏi Khang:
- Nãy giờ anh ở đâu?
- Mình để quên một món đồ ở trong phòng, chợt nhớ ra mới quay lại lấy, may quá không thôi suýt nữa mất. Xe bus đã tới rồi à?
Tôi gật đầu, chờ cho cô ta đi khuất mới quay sang hỏi Khang:
- Nãy giờ anh ở đâu?
Khang ghé sát tai tôi thì thầm như không muốn cho người ngoài nghe thấy:
- Tự dưng đau bụng ghê gớm, chắc chiều hôm qua ăn đồ biển không tiêu.
Nói xong, Khang mở túi xách lấy ra lọ thuốc, dốc ra tay một viên Bismuthol bỏ vào miệng, chiêu ngụm nước nuốt đánh ực một cái. Tôi thở phào, nắm tay chàng kéo đi như chạy:
- Nhanh lên kẻo mọi người đang chờ, họ lên xe cả rồi, xe bus đã tới từ nãy giờ.
Hai hôm sau, chúng tôi rời nước Ý, đi dọc theo rừng Viennes của nước Áo và dọc theo con sông Danube thơ mộng đưọc nhà soạn nhạc Johann Strauss làm cho nổi danh thế giới với bản nhạc “Le beau Danube bleu ” bất hủ. Qua Thụy Sĩ, đi chơi trên hồ Lucernes, một cái hồ đẹp như ở trong các truyện thần tiên. Ngày thứ mười, sang Pháp viếng tháp Eiffel, điện Elysées, viện bảo tàng Louvres và nhà thờ Notre Dames. Ngày thứ mười ba, rời Paris, qua miền bắc nước Pháp nơi đã xảy ra cuộc Thế chiến thứ nhất, tới Calais và từ đây đáp tàu vượt biển Manches sang nước Anh thăm Luân Đôn, thành phố của sương mù, thăm điện Buckinghams, London Bridges… Ở đây giờ giấc thật lạ lùng, 11 giờ khuya mà trời còn sáng như ban ngày, vào mùa hè mặt trời chỉ đi ngủ mỗi ngày chừng ba, bốn tiếng.
Hai tuần nghỉ hè rồi cũng qua nhanh chóng, khi trở về mới là lúc phải đối diện với thực tế. Đúng như lời tiên đoán của bác sĩ Quân, sau nhiều lần khám bệnh và thử nghiệm, tôi được cho biết là đã bị ung thư ngực thời kỳ thứ ba và phải cắt bỏ cả hai bên vú.
Tỉnh dậy trong bệnh viện sau một giấc ngủ dài của thuốc mê, khuôn mặt đầu tiên tôi trông thấy đang ngồi thẫn thờ bên giường bệnh là khuôn mặt của Khang, chồng tôi, chàng trông bơ phờ và không dấu được vẻ thất vọng. Tôi đưa tay sờ lên ngực bây giờ đang quấn đầy băng, cảm thấy như thiếu vắng một cái gì đó, à phải rồi hai khối tròn căng, ấm áp quen thuộc. Qua phút bàng hoàng, khi ý thức được đây là sự thật, tôi trào nước mắt khóc cho một phần thân thể đã bị cắt lìa. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu, cuộc đời của tôi thay đổi hoàn toàn sau cái ngày ghê gớm đó, chỉ trong vòng một thời gian ngắn thôi mà từ một người đang khỏe mạnh, tôi trở thành một kẻ thân tàn ma dại. Những vết mổ trên ngực tôi sau khi lành đã để lại những đường may ngang dọc trông thật là xấu xí. Tôi không dám nhìn vào ngực mình bây giờ chỉ còn là một mặt phẳng đỏ hỏn, sần sùi những sẹo, cảm nhận một sự mất mát lớn lao không những về thể xác mà còn cả về tinh thần. Người tôi bây giờ mất thăng bằng, thân thể lệch lạc đã đành, đầu óc cũng lệch lạc, hoang mang. Những lần trị liệu bằng hoá chất và phóng xạ làm tiêu hao nốt phần da thịt còn lại, người tôi bây giờ trông giống như môt bộ xương biết đi.
Khang lấy cớ tôi cần được yên tĩnh nên dọn ra phòng riêng, tôi không trách chàng đã cố tình tránh né, chính tôi còn ghê tởm thân hình của mình, huống chi người chồng? Nhưng thái độ lạnh lùng của chàng làm cho tôi tủi thân, hơn lúc nào hết, tôi đang cần một cái phao để bám vào mà sống, nhưng cái phao đó đã rời khỏi tầm tay và đang trôi đi từ từ mỗi lúc một xa… Tôi cô đơn vô cùng, trong cuộc chiến đấu với bệnh tật, tôi không có một nâng đỡ tinh thần nào cả. Khang bận rộn với công việc và thường xuyên vắng nhà, lúc về mà thường về rất trễ, chàng chỉ hỏi han tôi qua loa rồi bỏ vào phòng riêng đóng cửa lại, để mặc tôi với những cơn đau vật vã. Tôi sụm đi nhanh chóng, cho tới khi tôi không còn có thể tự đi đứng một mình được thì Ngọc Huệ xuất hiện. Cô ta nhìn tôi thương cảm, sau một hồi suy nghĩ, Ngọc Huệ bỗng nói:
- Tôi là y tá, nếu anh chị muốn thì tôi có thể tới đây hàng ngày để săn sóc cho chị.
Tôi còn đang bàng hoàng trước đề nghị bất ngờ thi Khang đã đồng ý liền, chàng quay sang tôi vui vẻ nói:
- Đối với một bệnh nhân là phụ nữ thì tốt hơn hết phải cần một người y tá cũng là phụ nữ thì mới thích hợp, phải không em?
Chàng nói có lý và tôi gật đầu:
- Em cũng nghĩ thế, em đang cần một người biết về thuốc men để giúp đỡ và cũng cần một người bạn để tâm sự.
Nói xong tôi nhìn Ngọc Huệ, cô ta mỉm cười sốt sắng:
- Tôi sẽ làm cả hai việc đó cho bồ.
Thế rồi để cho tôi yên tâm, cô ta nói nửa đùa nửa thật:
- Đừng thắc mắc gì cả, cứ trả lương thật hậu cho tôi là được rồi, tôi đang thất nghiệp mà.
- Điều kiện này thì tôi đủ sức.
Tôi nói một cách khiêm tốn, vì thật sự thì với tình trạng tài chánh của gia đình, chúng tôi dư sức mướn một lúc hai, ba người y tá làm việc toàn thời gian với số lương cao nhất. Cha tôi là một đại thương gia, ông qua đời cách đây bốn năm, đã để lại cho tôi một gia sản kếch sù. Khang nói:
- Yên tâm đi, chúng tôi không để cô bị thiệt đâu!
Ngọc Huệ vui mừng:
- Vậy là đồng ý rồi nhé? Ngay ngày mai tôi có thể bắt đầu được rồi.
Sau đó chúng tôi thảo luận về giờ giấc và về lương bổng rồi Ngọc Huệ ra về, hôm sau mới trở lại. Ngọc Huệ quả là một người y tá giỏi, lại nữa cô ta làm việc rất siêng năng, chăm chỉ, nhờ có cô ta, tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn trước. Mấy tháng sau, bệnh tôi bỗng biến chứng, thỉnh thoảng hay lên những cơn đau về ban đêm. Mặc dù cố gắng chịu đựng, nhưng tôi cũng không thể ngăn nổi những tiếng rên, làm cho Khang không ngủ được và những khi đau quá, tôi vẫn phải nhờ chàng xoa bóp.
Thấy Khang sụt kí vì phải thức đêm mà sáng hôm sau còn phải dậy sớm đi làm, tôi than thở với Ngọc Huệ, cô ta nói ngay:
- Tưởng gì, nếu bồ bằng lòng thì tôi sẽ dọn hẳn về đây ở, để có thể lo cho bồ cả lúc ban đêm nữa.
Tôi ngập ngừng:
- Như thế có quá đáng lắm không? sao tôi ngại quá…
- Tưởng gì, nếu bồ bằng lòng thì tôi sẽ dọn hẳn về đây ở, để có thể lo cho bồ cả lúc ban đêm nữa.
Tôi ngập ngừng:
- Như thế có quá đáng lắm không? sao tôi ngại quá…
- Yên tâm đi, chẳng có gì là quá đáng cả, bồ trả lương cho tôi hậu hỹ lắm, tôi phải làm việc cho xứng đáng chứ. Đừng quên tôi là y tá của viện dưỡng lão đã gần mười năm rồi, tôi có thừa kinh nghiệm và lòng kiên nhẫn, cũng như có đủ sức khỏe để có thể săn sóc cho những bệnh nhân liệt giường, liệt chiếu…
Cô ta còn nói nhiều nữa, nhưng tôi không nghe hết, mấy tiếng “ viện dưỡng lão ” làm cho tôi chạnh lòng nghĩ ngợi, chẳng lẽ mình đã giống như một bà già trong viện dưỡng lão rồi ư? Có thể lắm, bệnh tật đã lấy đi của tôi hết mọi thứ: tuổi trẻ, nhan sắc, sự yêu đời và cả lòng tự tin, còn lại có chăng chỉ là sự giàu có mà người ta còn đôi chút nể vì.
Tôi lén nhìn cô ta và âm thầm làm một cuộc so sánh: cùng bằng tuổi nhau mà cô ta trông tươi tắn, trẻ trung tràn đầy sức sống, còn tôi thì khô héo, nhăn nheo và già khú.
Nói một cách công bằng thì không thể tìm đâu ra một người y tá giỏi hơn Ngọc Huệ. Ngoài việc săn sóc cho tôi thật chu đáo, cô ta đã đem sinh khí đến cho gia đình này, những tiếng nói cười vui vẻ hồn nhiên của Huệ đã làm cho căn nhà bớt lạnh lẽo, xua đi cái không khí bệnh hoạn thường làm mọi người muốn ngộp thở. Từ dạo có Huệ, Khang không hay vắng nhà như trước và có vẻ lưu tâm đến tôi hơn xưa. Cả hai người cùng ra sức chiều chuộng tôi, cố gắng làm cho tôi hài lòng, chẳng biết vì lòng thương hại hay vì một mục đích gì khác, họ đối xử với tôi dịu dàng và lịch sự một cách khách sáo. Hai người ăn ý nhau lắm và làm việc gì hình như cũng có sắp đặt trước, tôi có cảm tưởng như họ đang đóng một vở kịch, một vở kịch tử tế, cốt để lấy lòng tôi. Nhưng những diễn viên dù tài giỏi tới đâu cũng có đôi lúc sơ hở, tỏ ra mất tự nhiên, họ cũng thế. Những người đau ốm thường hay khó tánh, tôi cũng không ra khỏi ngoại lệ, đôi lúc tôi thấy rõ ràng Khang nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu, nhưng khi Ngọc Huệ lừ mắt một cái, anh chàng vội vã sửa bộ mặt thành vui vẻ ngay, nhưng những nét vui giả tạo đó không thể qua khỏi mắt tôi. Hình như họ có một chương trình hoặc một kế hoạch riêng mà tôi chỉ lờ mờ đoán hiểu, ngay cả việc Ngọc Huệ tới đây và ở hẳn trong căn nhà của tôi, chắc cũng nằm trong kế hoạch của họ. Những dấu hiệu phản bội của họ đã bắt đầu từ cuộc nghỉ hè ở Châu Âu vừa rồi. Nhưng thôi, đàng nào tôi cũng sắp chết, ghen tuông chi cho mệt.
Sức khoẻ của tôi càng ngày càng suy sụp, lần tái khám mới đây cho thấy ung thư đã lan tràn cùng khắp. Nhưng tôi không muốn nhập viện, tôi sợ không khí nhà thương với bốn bức tường lạnh toát, sợ mùi thuốc men, sợ những tiếng rên la và sợ nhất là những ống thông, những dây rợ cắm chằng chịt trên người.
Săn sóc cho tôi ở nhà là một việc vô cùng vất vả, nhưng cả hai người đều tỏ ra nhẫn nại, không bao giờ cằn nhằn hoặc cau có khi phải làm những việc nặng nhọc như tắm rửa hoặc bế ẵm tôi lên xuống thang lầu. Tôi định mướn thêm một người đàn ông để làm những việc ấy, đàn ông dù sao cũng khỏe hơn đàn bà, nhưng cả Khang và Ngọc Huệ đều gạt đi. Khang làm như việc để một người đàn ông không phải là chồng bế ẵm tôi là một điều không nên. Ôi chao! thật là trẻ con, một sự giả vờ đến buồn cười, cái thân xác thối tha tàn rữa này nhiều lúc đã làm cho họ lợm giọng, tôi có thể nhận ra qua hành động nín thở của họ. Thôi cũng được, cứ để cho hai người vất vả một chút để sau này có thể hưởng hạnh phúc bên nhau và hưởng luôn gia tài của tôi mà khỏi phải áy náy, công lao của họ cũng nhiều.
Trước mặt tôi, cả hai người cùng giữ gìn ý tứ, làm ra vẻ lạnh nhạt với nhau, nhưng sau lưng tôi, họ làm gì, tôi đâu có thể biết được? Tôi bây giờ tàn phế, ngồi trên xe lăn, đầu óc tỉnh táo nhưng cơ thể kiệt quệ mất hết sinh lực, đời sống hoàn toàn phụ thuộc vào người khác từ miếng ăn thức uống, đến việc đi lại, tất cả đều không làm được một mình, tất cả đều phải cần người giúp đỡ. Tuy nhiên tôi cần ngủ nhiều hơn là ăn và cũng ít khi di chuyển, buổi sáng ngoài một giờ đẩy xe lăn cho tôi đi dạo ở trong vườn để tắm nắng, tôi thường ở một mình trong phòng riêng. Ngoài hai bữa cơm, những lần uống thuốc và một lần đi tắm, họ thiếu gì thời giờ để riêng tư với nhau.
Buổi tối, sau bữa cơm chiều, Ngọc Huệ hỏi tôi có cần gì thêm trước khi đem tôi lên lầu đưa vào phòng riêng, đóng cửa lại là xong bổn phận. Tất cả mọi thứ tôi cần dùng như nước uống, thuốc an thần, sách truyện, đồ bấm đèn, bấm TV v…v… đều để sẵn cả ở trên cái bàn đêm, bô đi tiểu để dưới gầm giường, tất cả đều ở trong tầm tay. Tôi có cần gì bất thường thì mới bấm chuông gọi, mà tôi thì ít khi gọi bất thường lắm, chỉ trừ những lúc lên cơn đau dữ dội, tôi cố tránh không muốn làm phiền hai người.
Ban đêm mới là lúc tôi sống cho mình, tôi nằm suy nghĩ sự đời, nhớ tiếc quá khứ. Quay về thực tại, tôi phân tích những việc xảy ra trong ngày và lẩn thẩn đoán cả những việc sẽ xảy ra sau khi tôi chết đi, đương nhiên Ngọc Huệ sẽ thay thế tôi làm chủ căn nhà này. Nghĩ đến việc hai người sẽ ở trong căn phòng của tôi, sử dụng những đồ đạc của tôi, làm tình với nhau trên cái giường của tôi, tự nhiên tôi cảm thấy khó chịu.
Hai người vẫn tiếp tục đóng kịch, nhưng có lẽ vì đóng quá lâu một vở kịch cũ, nên họ đã thiếu thận trọng và tôi dễ dàng nhận ra những sơ hở của họ, những ánh mắt đồng loã nhấm nháy nhau. Một lần, sau cơn đau đớn quằn quại, tim tôi đã ngưng đập và tôi ngộp thở ngất xỉu, nhưng tai tôi còn nghe rõ ràng những tiếng reo vui của họ và sau đó thì tôi tỉnh lại, người vã đầy mồ hôi. Ngọc Huệ nhìn tôi sửng sốt, thật là khó tin tôi có thể sống lại, cô ta đưa mắt nhìn chồng tôi với một vẻ thất vọng lộ ra trên nét mặt, còn Khang thì thở dài chán nản, bực bội bỏ ra khỏi phòng. Họ đã lộ nguyên hình là những kẻ khốn nạn, nhưng tôi lờ đi làm như không biết, không hay gì cả, cứ để mặc cho họ đóng nốt màn kịch tử tế.
Nhưng sự sống dai của tôi dã làm lung lay lòng kiên nhẫn của họ, tôi biết họ sốt ruột mong cho tôi chết sớm, những ánh mắt của họ đã nói lên như vậy. Những người sắp chết thường có giác quan rất bén nhậy và tinh tường vô cùng, tôi đã nhận biết hết và tôi suy nghĩ có lẽ tôi sẽ phải làm một điều gì đó để trừng phạt cái tội phản bội của họ trong lúc tôi còn sống, để họ đừng tưởng là tôi mù và cười với nhau về sự ngu ngốc của tôi.
Ngẫm lại mà chán cho tình đời, có những đêm không ngủ được, tôi thường nằm yên trên giường nhìn qua cửa sổ lên bầu trời đầy sao, nhớ lại lúc còn nhỏ, cha tôi thường dạy cho tôi cách phân biệt đâu là sao bắc đẩu mà các thủy thủ đi biển thường dùng để định hướng và họ gọi là sao dẫn đường, đâu là chòm hùng tinh, đại hùng tinh, tiểu hùng tinh v…v… Trên nền trời tối đen, còn có mặt trăng và cả ngàn ngôi sao khác, nhưng xa hơn cả, có một ngôi sao nhỏ luôn luôn lấp lánh như mời gọi, nơi đó là phương đông, quê hương của tôi, nơi tôi đã sinh ra và sống suốt quãng đời thơ ấu. Ngày xưa mẹ tôi cũng thích ngắm sao, mỗi khi có vì sao xẹt, bà lại chắp hai tay, nói thật nhanh một điều uớc… Kỷ niệm xưa hiện về làm tôi cảm động, tôi nói với ngôi sao như nói với một người bạn:
- Sao ơi, chờ nhé! tôi sẽ về, thế nào tôi cũng sẽ về…
Phải về thôi, ý định trở về đã manh nha có từ lâu rồi, ở đây đời sống căng thẳng quá, lúc nào cũng phải lo lắng cho sự tồn tại của mình, ấy là chưa kể những sự kỳ thị về màu da của những người bản xứ. Nhớ lại lúc xưa, đi thăm một bà cô bị đau nặng, nghe bà ấy nói:
- Cô không sợ chết cháu ạ, chỉ sợ sau khi chết sẽ bị ma Mỹ nó bắt nạt.
Lúc đó nghe xong, tôi chỉ buồn cười, bây giờ nghĩ lại mới thấy thương, những sự lo ngại của bà đâu phải là vô căn cứ, ắt hẳn phải có nguyên do nào cô tôi mới thốt lên câu nói bi quan như vậy? Phải mà, không cùng ngôn ngữ, khác phong tục tập quán, khác màu da thì làm gì có tình đồng bào…
- Đã đến lúc quay về rồi, sao ơi!
Sao nhấp nháy như vui mừng. Ý muốn trở về càng ngày càng thôi thúc, khi Khang dục tôi làm chúc thư, tôi đồng ý ngay, nhưng với một điều kiện:
- Hãy cho em về Việt Nam để em được chết trên quê hương.
Khang ngần ngừ, nhưng tôi rất quyết liệt:
- Em chỉ đưa chúc thư cho anh trước khi đặt chân lên máy bay.
Nhìn vẻ mặt băn khoăn của Khang, tôi hiểu ngay và tôi nói:
- Đừng lo gì cả, em đã tính toán đâu vào đó cả rồi, anh sẽ được hưởng chúc thư trong lúc em còn sống, như thế có phải hơn không?
Tôi nhìn thẳng vào mắt chàng, nói thong thả từng tiếng một:
- Vì biết đâu em còn ngắc ngoải lâu lắm…
Khang cúi mặt xuống, trốn tia nhìn của tôi. Quan sát thái độ lăng xăng nịnh bợ của chàng những ngày sau đó, tôi càng thấy quyết định của mình là đúng.
Ra tiễn tôi tại phi trường có Khang, Huệ và người luật sư riêng của tôi. Khi người tiếp viên hàng không đẩy cái xe lăn của tôi tới chân thang phi cơ, tôi quay lại và nhìn thấy rõ ràng người luật sư của tôi đang trao cho Khang cái phong bì lớn màu nâu trong đựng những giấy má văn tự về căn nhà, và tờ chúc thư của tôi với phần chia cho Khang. Sau đó ông ta dơ tay lên vẫy vẫy làm hiệu như đã dặn trước. Tôi cũng dơ tay lên vẫy lại, rồi sau đó mới yên tâm để cho cô nhân viên hàng không tiếp tục đẩy xe lăn của tôi vào trong phi cơ và giúp tôi ngồi xuống ghế, buộc dây lưng an toàn.
Tôi mỉm cười khi tưởng tượng đến những bộ mặt thất vọng lẫn tức giận của Khang và Huệ khi đọc tờ chúc thư. Không, tôi đâu có xử ép họ, toà biệt thự đang ở tôi để lại cho họ đã dư thừa để trả công cho cả hai người đã săn sóc tôi trong thời gian vừa qua. Tất cả tiền bạc trong ngân hàng gồm cả những bất động sản khác, tôi đã ngầm bán hết, gom cả cho vào một chương mục dưới tên của tôi để sử dụng trong thời gian tôi còn sống. Tôi dự tính một phần sẽ tặng cho giáo hội, phần còn lại sẽ tặng cho một cơ quan từ thiện để xây dựng trường học, bệnh viện, hoặc để cứu giúp các nạn nhân đang bị thiên tai. Đây là lúc những đồng bào khốn khổ của tôi cần được giúp đỡ hơn bao giờ hết, tôi muốn đóng góp một tấm lòng, muốn chia sẻ với họ để làm vơi bớt những đau thương mà họ đã phải gánh chịu trước những trận bão lụt thật khủng khiếp. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa nếu trước khi chết đi, có thể làm được một việc gì có ích cho mọi người.
Ra đón tôi tại phi trường là mẹ bề trên và một sơ họ đạo trong dòng Chúa cứu thế. Mẹ bề trên chính là dì Tư, em ruột của má tôi, bà đi tu từ thuở còn trẻ, chính bà đã nuôi dưỡng tôi trong suốt quãng đời thơ ấu, từ khi má tôi qua đời từ năm tôi mới lên tám tuổi, nay cũng chính bà đã đón tôi về.
Trước khi đỡ tôi ngồi xuống xe lăn, mẹ bề trên dang rộng đôi tay ôm tôi vào lòng xiết chặt:
- Sau cùng thì con đã về.
Tôi gật đầu cảm động:
- Phải, mẹ ạ! Lá rồi sẽ rụng về cội thôi, đâu có nơi nào bằng quê hương mình.
- Hy vọng về đây, con sẽ thấy khá hơn.
- Nhất định rồi.
Tôi nói với mẹ bề trên cũng như nói với chính mình, giã từ mảnh đất xa lạ với những con người xa lạ không cùng màu da, tiếng nói, giã từ lối sống hối hả bon chen làm đầu óc lúc nào cũng căng thẳng. Xa rời những người chỉ biết có đồng tiền như Khang và Huệ, không phải lo đối phó với những âm mưu, toan tính của họ, chắc chắn tôi sẽ thoải mái, dễ chịu hơn.
Chúng tôi ra khỏi phi trường, trời vừa mới qua cơn mưa, mặt đường ướt loáng, không khí trong mát thoảng một mùi hương dễ chịu, một thứ mùi quen thuộc… Tôi chợt à lên một tiếng:
- Mùi hương đất!
Đúng rồi, mùi hương của đất sau cơn mưa tôi vẫn thích hít thở từ khi còn bé… Tôi mỉm cười nhớ lại khi xưa bà ngoại vẫn thường nói “ Ai thích ngửi hương đất thì sẽ khó lòng mà sống xa quê hương bởi vì đó không phải đơn thuần chỉ là hương đất, mà chính là hương quê. ’’ Đúng quá rồi, nơi xứ người, tìm đâu ra mùi hương nồng nàn của đất có pha lẫn mùi rơm rạ như mùi hương quê ngoại, tìm đâu ra những buổi chiều vàng có tiếng sáo diều chơi vơi và những tiếng hò của các cô thôn nữ đang cấy lúa trên đồng xa…
Lòng tôi rộn ràng, nhớ sao là nhớ cái thuở còn thơ, mái trường xưa, thày học cũ. Nhớ sao là nhớ cây đa, cái miếu đầu làng, dòng sông hiền hoà uốn khúc quanh co, nước trong veo in bóng những rặng tre xanh mọc dọc theo hai bên bờ, dòng sông êm ả tôi vẫn qua đò hàng ngày để đi học. Nhớ sao là nhớ những đêm lễ hội với những đám hát chèo… Ôi tuổi thơ thần tiên, ôi dĩ vãng êm đềm! tất cả đã đi vào quá khứ. Quá khứ qua đi không bao giờ trở lại, nhưng kỷ niệm thì còn mãi vì đã in sâu vào ký ức, nó làm rung động con tim, nó làm nung nấu lòng người mỗi khi gợi lại, bởi vì có ai quên được nơi chôn nhau cắt rốn của mình?
Tôi sung sướng đến chảy nước mắt khi nhìn lại những cảnh cũ sau nhiều năm xa cách. Quê hương ơi! tôi đã trở về, tôi đã đặt chân lên mảnh đất của quê mẹ, nơi tôi đã ra chào đời và sẽ nằm xuống khi nhắm mắt. Mảnh đất mẹ Việt Nam sẽ ôm trọn hình hài của tôi, cũng như đã ôm trọn hình hài của tất cả những đứa con Việt Nam từ bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau ra đời, qua bao nhiêu thăng trầm rồi sau cùng quay về nằm xuống, an giấc thảnh thơi trên đất mẹ.
Tôi bồi hồi kéo cao cổ áo nhìn ra ngoài trời, nắng sắp tắt rồi, nhưng ráng chiều còn đỏ rực, mây từng cụm trôi lang thang trên nền trời đang từ từ ngả thành màu tím. Chiều đang chậm buông, gió xoáy từng cơn đuổi lá khô nghe xạc xào, chim chóc đua nhau bay về tổ, con người cũng tìm về với cội nguồn. Trời mùa đông lạnh lẽo, nhưng lòng tôi ấm áp lạ thường, tôi đã toại nguyện rồi.
( Trích trong BỐN MƯƠI NĂM CUỘC TÌNH của Phương Lan do nhà sách Tự Lực phát hành ) Truyện này đã được chuyển thành audio Cd cũng do nhà sách Tự Lực phát hành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét