Cần “giải mật” cuộc chiến biên giới Tây Nam
TT - Đạo diễn Lê Phong Lan nói rằng bà bị ám ảnh bởi cuộc chiến biên giới Tây Nam và mong muốn cuộc chiến ấy được “giải mật” như những cuộc chiến trước đó. Và với nỗ lực của mình, bà đã phần nào “giải mật” về cuộc chiến biên giới Tây Nam trong những tập phim mới nhất của mình.
Ảnh: Gia Tiến
Nhân kênh HTV9 đang phát sóng những tập đầu tiên của bộ phim tài liệu Biên giới Tây Nam - cuộc chiến bắt buộc, Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Phong Lan...Một cuộc chiến bắt buộc
* Bà đã chọn cách tiếp cận nào khi bắt tay vào dự án phim tài liệu Biên giới Tây Nam - cuộc chiến bắt buộc?
- Tôi đã có 15 năm làm phim tài liệu truyền hình về chiến tranh VN, đi từ cuộc chiến chống Pháp qua chống Mỹ. Nhưng những cuộc chiến tranh tiếp theo mà dân tộc ta phải gánh chịu thì tôi luôn bị ám ảnh. Hai cuộc chiến giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân và cuộc chiến thống nhất đất nước gần như đã được giải mật phần lớn (cả về phía ta lẫn phía đối phương), chúng ta đã có thể thảo luận công khai trên cơ sở các chứng cứ lịch sử xác thực. Ví dụ như sự kiện Mậu Thân 1968, tôi cũng đã làm phim với nhân chứng và nguồn sử liệu ngồn ngộn cả từ phía Mỹ và VN.
"VN đã không còn con đường nào khác khi buộc phải cầm súng để bảo vệ biên giới, bảo vệ đồng bào mình và đứng về phía quân cách mạng Campuchia để giải phóng dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng" - Đạo diễn Lê Phong Lan
Trong khi đó, cuộc chiến biên giới Tây Nam lại thiếu sự tổng kết ngay trong nội bộ ta, thiếu những bàn luận công khai dù đâu đó cũng có những hồi ký, những ghi chép của một số người trong cuộc. Những câu hỏi như: Pol Pot là ai? Tại sao Khmer Đỏ lại giết người Campuchia? Vì sao Pol Pot lại gây sự với VN? Ai đứng sau Pol Pot? Liên Hiệp Quốc và cộng đồng thế giới ở đâu?... ám ảnh tôi như là một bí mật. Nhưng cái gọi là “bí mật” không làm tôi lùi bước mà còn thôi thúc tôi mong muốn được giải mã cuộc chiến này theo cách của tôi.
Tôi cố gắng kiểm chứng, lắp ghép các sự kiện tưởng như rời rạc của các nhân chứng, các tài liệu được công bố ít ỏi từ phía ta, các nghiên cứu độc lập của những học giả, tổ chức nước ngoài...
* Không phải ai cũng biết thảm họa diệt chủng ở Campuchia thời Pol Pot ra sao. Các nhân chứng đã kể gì với bà?
- Khủng khiếp! Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (nguyên phó bí thư Ban cán sự Bộ tư lệnh Quân tình nguyện VN tại Campuchia) kể rằng khi vào Campuchia, đó là một đất nước vắng tanh như chốn không người. Bởi chế độ Pol Pot thực hiện triệt để “năm không”: không bệnh viện, không trường học, không chợ, không tiền, không chùa chiền. Khi quân tình nguyện VN tiến vào nhà tù Tuol Sleng, chân đi mà đạp lên giòi nổ lốp bốp, xác chết vương vãi khắp nơi. Có những người bị cưa cổ bằng lá thốt nốt nửa chừng, còn đang thở, máu phun ra. 26% dân số Campuchia đã bị giết chết. Số còn lại bị dồn trong các công xã, bị bắt cầm vũ khí...
Chỉ đến khi tiến vào Campuchia, chúng ta mới biết sự thật đó.
* Trong quá trình “giải mật” cuộc chiến này, bà có tìm ra lý do hay câu trả lời cho việc tại sao Khmer Đỏ lại cố ý kích động sự thù hằn giữa hai dân tộc VN và Campuchia?
- Để lấy lòng dân và tập trung quyền lực thì kích động thù hằn dân tộc và gây chiến là biện pháp đơn giản nhất. Khmer Đỏ kích động, tuyên truyền rằng VN đã chiếm đất Campuchia từ thời đế chế Khmer cổ đại. Thậm chí chúng còn cho rằng từ cây thốt nốt mọc ở chợ Bà Chiểu tại Sài Gòn trở ra là đất của Campuchia. Từ những luận điệu vô căn cứ ấy, Khmer Đỏ đã kích động người dân Campuchia cầm vũ khí đánh sang tận VN, khởi lên cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam. Đầu tiên là đánh vào tận đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, giết hại hàng ngàn người dân Việt vô tội...
Chúng ta đã nhiều lần đánh bật quân Pol Pot ra khỏi biên giới, nhưng chúng trở lại và nhiều người dân bị giết hơn sau mỗi lần chúng tràn qua. Làm thế nào để kết thúc được cuộc chiến này? Đây là câu hỏi phải trả lời và cuộc chiến là bắt buộc phải có!
* Cộng thêm lý do Pol Pot với chế độ diệt chủng của chúng đang đẩy nhân dân Campuchia đến bờ vực diệt vong. Và đó là lý do bộ đội tình nguyện VN đã phải vừa đánh đuổi giặc ngoại xâm vừa phải làm nhiệm vụ quốc tế cao cả trên nước bạn?
- Không phải chỉ đến khi đó chúng ta mới biết Khmer Đỏ tàn ác. Khi phỏng vấn các nhân chứng chiến tranh, tôi được biết rằng sau cuộc chiến Mậu Thân 1968, khi một phần quân đội của chúng ta bị đánh dạt qua biên giới Campuchia, lập căn cứ bên đó thì nhiều khu tập kết vũ khí, đạn dược của chúng ta đã bị Khmer Đỏ tấn công, giết người và cướp đi hết.
Tôi đã phỏng vấn nhiều chính khách của Campuchia khi tìm tư liệu và ngạc nhiên thay những vấn đề tưởng như là... của VN thì các chính khách Campuchia lại rất cởi mở nói ra. Ông Hun Sen kể với tôi rằng lúc sang VN cầu cứu ông ấy mới chỉ 25 tuổi và đã gần như tuyệt vọng, ông chuẩn bị trong người chín cây kim để nếu VN kiên quyết từ chối, trả ông qua biên giới thì ông sẽ tự sát. Bởi lẽ rất nhiều người Campuchia trở về bên kia biên giới gần như đều bị Khmer Đỏ bắn chết.
Ông Hun Sen đã viết trong hồi ký rằng chính cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam mà Pol Pot gây ra, sự tàn sát của Pol Pot với người Việt là cơ hội để ông ấy hi vọng VN sẽ giúp người dân Campuchia được giải phóng. Đúng thế, VN đã không còn con đường nào khác khi buộc phải cầm súng để bảo vệ biên giới, bảo vệ đồng bào mình và đứng về phía quân cách mạng Campuchia để giải phóng dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng.
Sứ mạng lịch sử vinh quang
* 10 năm làm nghĩa vụ trên đất bạn, chúng ta đã có những tổn thất, hi sinh lớn về con người và vật chất. Tại sao chúng ta phải ở lại 10 năm chứ không phải là đánh xong về ngay?
- Tại sao chúng ta phải ở lại 10 năm chứ không phải là đánh xong về ngay? Có rất nhiều lý do tôi đã tìm hiểu được. Quân Pol Pot không bị tiêu diệt hết. Một phần không nhỏ chỉ bị tan rã, lãnh đạo Khmer Ðỏ đều chạy thoát. Ngay sau đó chúng tập hợp lại và tìm cách đánh trả. Lực lượng cách mạng Campuchia non trẻ không đủ sức gìn giữ đất nước. Ðất nước Campuchia lúc đó tan hoang, nếu chúng ta bỏ về thì ai sẽ bảo vệ họ khỏi Khmer đỏ, giúp họ khôi phục xã hội? Và rồi chúng ta có được yên không? Một câu hỏi không thể không nhắc lại: Ðằng sau cuộc chiến này là ai?
Ðó là lý do chúng ta dù vừa trải qua chiến tranh chống Mỹ, dân ta còn nghèo khó nhưng vẫn chia sẻ với Campuchia cả về vật chất và nhân lực. Nhiều nhân lực cấp cao là các đoàn chuyên gia về y tế, giáo dục, kinh tế đã phải lần lượt sang làm nghĩa vụ trên đất bạn, giúp bạn khôi phục phần nào đất nước sau thảm họa. Bộ đội VN trước khi sang nước bạn đã được quán triệt rằng không được đụng đến bất cứ thứ gì của bạn. Bộ đội có khi đói nhưng thấy thóc lúa trong kho, ngoài đồng cũng không động đến một hạt. Và đã có nhân chứng kể bộ đội mình phải lấy nước ở một giếng nước để uống và khi nước hết mới thấy trơ ra toàn xương người!
* Quân tình nguyện VN đã giải phóng dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng Pol Pot nhưng sau nhiều năm đã trôi qua, nhìn lại cuộc chiến vẫn còn có những ý kiến trái chiều. Bà có gặp những ý kiến đó khi thực hiện phim không?
- Đất nước Campuchia đã hồi sinh sau thảm họa diệt chủng. Tuy còn nhiều khó khăn, cùng với VN, họ đang hội nhập toàn diện với thế giới. Năm 2008, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, một tòa án quốc tế đã được lập để xét xử tội ác diệt chủng của chính quyền Khmer Đỏ. Hàng loạt công trình nghiên cứu độc lập của các học giả quốc tế về giai đoạn lịch sử này đã được công bố. Ngay tại Đại học Yale (Hoa Kỳ) cũng có riêng một chương trình nghiên cứu nạn diệt chủng tại Campuchia... Đó là minh chứng cụ thể nhất cho sứ mệnh lịch sử vinh quang của dân tộc VN.
Tất nhiên có những ý kiến trái chiều chưa hẳn là do thiếu thông tin mà có khi do hời hợt trong suy nghĩ. Một số người đã không thể hiểu hết được bối cảnh phức tạp lúc bấy giờ nên trong lòng vẫn có chút hoài nghi. Lịch sử là cái đã qua nhưng chúng ta có thể học hỏi nhiều từ lịch sử cho hôm nay và mai sau. Tôi nghĩ cần phải có cơ chế công bố các tài liệu sau một thời hạn nào đó để bổ sung những mảng thông tin còn thiếu của lịch sử.
CÁT KHUÊ thực hiện
Kỷ niệm 35 năm chiến thắng chế độ diệt chủng
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin phát biểu cảm ơn và đánh giá công lao to lớn của quân tình nguyện Việt Nam đối với nhân dân Campuchia - Ảnh: Nguyễn Khánh
Ngày 5-1 tại Hà Nội, đại diện Chính phủ Việt Nam và Campuchia cùng nhiều đại biểu cựu quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam tại Campuchia đã cùng nhau kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 - 7-1-2014). Lễ mittinh kỷ niệm do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN chủ trì tổ chức với sự phối hợp của Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gọi việc đánh đổ chế độ diệt chủng ngày 7-1-1979 là “chiến thắng chung, niềm vui chung của nhân dân hai nước” để qua đó bảo vệ được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia và Việt Nam, khép lại một trang sử đen tối nhất của đất nước Campuchia.
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin đánh giá sự giúp đỡ của Việt Nam là nhân đạo nhất và đúng đắn nhất trong bối cảnh nhân dân Campuchia phải hứng chịu đau khổ, thế giới bàng quan, thậm chí cấm vận nặng nề Campuchia. Ông nói: “Chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính mạng của người dân Campuchia trong lúc vô cùng nguy nan...”.
Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin xem lễ mittinh này là dịp hội ngộ quan trọng để nhân dân Campuchia bày tỏ sự ghi nhớ công lao giúp đỡ to lớn của quân tình nguyện Việt Nam và một số nước bạn bè trên thế giới vì đã góp phần chia sẻ nỗi đau với nhân dân Campuchia.
HƯƠNG GIANG
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/588750/can-giai-mat-cuoc-chien-bien-gioi-tay-nam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét