Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

"Quyền trời cho…”

"Quyền trời cho…”
QĐND - Phó giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn đã dành cả buổi chiều một ngày cuối năm Nhâm Thìn trao đổi với tôi về tư tưởng đổi mới của Lãnh tụ Hồ Chí Minh tại Đại hội II của Đảng (dưới đây viết tắt là Đại hội).
Đảng của dân tộc Việt Nam
Vào đầu câu chuyện, ông nói:
- Ngay sau Tết Tân Mão năm 1951, Đại hội được tổ chức tại Tân Trào, Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19-2. Mồng Hai Tết Quý Tỵ năm nay trùng với ngày khai mạc Đại hội năm đó. Đây là Đại hội lịch sử, đánh dấu mốc son quan trọng trong quá trình lãnh đạo, trưởng thành của Đảng sau 21 năm kể từ ngày thành lập (3-2-1930). Đường lối của Đại hội không chỉ vạch ra nhiệm vụ trước mắt của cuộc kháng chiến mà còn đáp ứng yêu cầu lâu dài của cách mạng nước ta, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thành công của Đại hội phải kể đến vai trò đặc biệt có tính quyết định của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhưng ngọn nguồn đổi mới là chân lý về “quyền dân tộc” của Người. Người cho rằng: “Tự do độc lập là quyền trời cho mỗi dân tộc. Nghĩa là mỗi dân tộc và dân tộc đó phải tự tìm tòi, quyết định con đường, phương pháp thực hiện cách mạng và phát triển đất nước vì độc lập, tự do phù hợp với xu thế tiến hóa của thời đại”.

Trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của dân tộc là một. Chính vì vậy, Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.

Tranh luận đặt tên Đảng

Tôi gợi hỏi:

- Thưa ông, một trong những sự kiện quan trọng của Đại hội là đặt tên Đảng ta?
Phó giáo sư Lê Mậu Hãn đứng dậy lấy trên giá cuốn sách “Tổng tập hồi ký” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do NXB Quân đội nhân dân xuất bản năm 2006. Lật rất nhanh đến trang 688, ông chỉ cho tôi đoạn hồi ký của Đại tướng ghi lại sự kiện trên. Rồi ông nói

- Với đề nghị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đại biểu 3 nước (Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia) đã thống nhất trên cơ sở Đảng Cộng sản Đông Dương, tổ chức ở mỗi nước một Đảng Cộng sản để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc mình. Trong Đại hội, khi thảo luận đặt tên cho Đảng ta, đã không tạo được sự thống nhất, thậm chí còn tranh luận căng thẳng các câu hỏi: “Đảng của ai? Giai cấp nào lãnh đạo? Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là gì?”. Nhiều đại biểu cho rằng, lấy tên Đảng Lao động Việt Nam là xa rời Chủ nghĩa Mác - Lê-nin... (!).

Trong Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Một vài đại biểu nói Đảng Cộng sản phải là đảng của giai cấp công nhân, không thể là của nhân dân lao động nói chung, những phần tử tư sản, thân sĩ, đặc biệt là địa chủ, dù có yêu nước, tiến bộ cũng không thể nằm trong thành phần nhân dân lao động… Bác ngồi điềm đạm lắng nghe những ý kiến khác nhau, bằng những lời lẽ bình dị… Bác nhẹ nhàng nói: “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là cái gì có lợi cho cách mạng thì làm!”. Câu nói của Bác làm rộ lên những tiếng cười và những tràng vỗ tay kết thúc cuộc tranh cãi. Khi đó Bác không thể nói: “Cách mạng Việt Nam đã làm nhiều điều chưa có trong sách vở” (trang 688 sđd).

Lãnh tụ Hồ Chí Minh phát biểu trong Đại hội cho rằng, đặt tên Đảng là “Đảng Lao động Việt Nam sẽ thu nạp những phần tử công nhân, nông dân, trí thức và những người lao động hăng hái nhất, cách mạng nhất” (trích trong Biên bản Đại hội, lưu tại Kho lưu trữ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam).

Phó giáo sư Lê Mậu Hãn.

Cốt yếu là áp dụng cho đúng


Cũng tại Đại hội khi bàn về công tác lý luận của Đảng, có nhiều ý kiến viện dẫn chủ nghĩa Mác một cách máy móc. Bác đã dùng những dẫn chứng rất sinh động và gần gũi để phân tích. Người nói: “Tôi thấy các đồng chí lên phát biểu ý kiến nhắc đến chủ nghĩa Mác luôn. Cái đó rất đúng. Nhưng mà nhắc đến chủ nghĩa Mác, phải áp dụng Mác cho đúng. Cốt yếu là ở đấy. Chủ nghĩa Mác là gì? Là cộng sản. Mà làm cộng sản thì phải có người lãnh đạo… Chủ nghĩa Mác nói như thế cũng ví như nói: “đói thì ăn cho no”, nhưng không nói: “ở Việt Nam thì ăn bánh mì” cũng không nói: “ở châu Âu ăn cơm”. Chủ nghĩa Mác bảo ăn sao cho no, nhưng không bảo ai cũng ăn cơm như nhau… Chủ nghĩa Mác nói thế giới sẽ hóa ra cộng sản. Nhưng chủ nghĩa Mác không nói chỗ nào cũng lập Xô -viết, cũng lập chính quyền vô sản, vì thế lúc áp dụng phải cho khéo” (Biên bản Đại hội, trang 122 sđd).

Những ý kiến ngắn gọn, sâu sắc thể hiện rõ yêu cầu của Bác về phương pháp tiếp cận chủ nghĩa Mác là phải được vận dụng một cách khoa học với điều kiện cụ thể của từng dân tộc và từng thời kỳ.

Từ tư tưởng của Người, đã được cụ thể hóa trong Luận cương cách mạng Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh báo cáo tại Đại hội. Báo cáo đã vạch ra mô hình kinh tế của đất nước lúc bấy giờ là “xây dựng nền kinh tế dân chủ nhân dân” gồm 5 thành phần: Kinh tế nhà nước; kinh tế HTX; kinh tế nông dân, tiểu thương tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước. Luận cương nhấn mạnh: “Vì trình độ phát triển kinh tế nước ta còn thấp, nên thời kỳ quá độ lên CNXH không thể ngắn. Kinh tế tư nhân nước ta còn tồn tại và phát triển trong thời gian lâu dài”.

Phó giáo sư Lê Mậu Hãn dẫn giải:

- Ngay sau Đại hội - năm 1953, trong tác phẩm “Thưởng thức chính trị” của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phân tích những lợi ích mang lại cho các bên tham gia vào quá trình sản xuất, lưu thông. Đây là chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ được Người khái quát lại thành 4 câu rất dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm: “Công tư đều lợi” ( “tư” là tư bản dân tộc); “Chủ thợ đều lợi”; “Công nông giúp nhau”; “Lưu thông trong ngoài”.

Bốn chính sách kinh tế là sự thể hiện quan điểm phát triển kinh tế nhiều thành phần vận hành trong nền kinh tế hàng hóa của thời kỳ quá độ đã phát huy tác dụng ngay những năm sau...

Hơn 60 năm qua, nhất là gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, những quan điểm cơ bản của Đại hội II đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mang lại những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Chúng ta vẫn biết rằng, cuộc sống luôn biến động, phát triển nên việc tiếp tục đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phù hợp với thực tiễn theo tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu tất yếu trong hoạch định đường lối, chính sách của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Xuân Quý Tỵ 2013
Huy Thiêm (Báo QĐND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét