Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Ông Truyền từng đuổi người biếu chiếc cặp chứa hàng xấp USD

Ông Truyền từng đuổi người biếu chiếc cặp chứa hàng xấp USD
(GDVN) - Ông Truyền nói: “Ai đến chơi để lại quà kèm theo tiền thì tôi bảo họ cầm về và nhắc nhở nghiêm khắc không được làm thế...". Ngày 21/2/2014, bài vết trên Báo Người cao tuổi phản ánh về khối tài sản khổng lồ của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) được dư luận đặc biệt quan tâm.
Căn biệt thự trên mảnh đất rộng hàng nghìn mét vuông được cho là một phần trong khối tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre.

Theo bài báo, ngoài một số biệt thự, lô đất sở hữu trước đây, ông Trần Văn Truyền đang triển khai một “dự án gia đình” trên lô đất khoảng 30.000m2 (3 héc-ta) tại xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Trong khuôn viên đó, ông Truyền đã và đang xây dựng một biệt dinh hoành tráng và 4 căn nhà gỗ lợp ngói đỏ, nghe nói có cả tốp thợ Nam Hà thi công nhiều tháng qua.

Những căn nhà gỗ thuộc nhóm gỗ đặc biệt không dùng đến một cái đinh sắt. Bài viết dẫn nguồn tin từ một số cán bộ ở TTCP và cán bộ ở Bến Tre, ông Truyền còn có 3 cơ ngơi ở TP.Hồ Chí Minh là phường Thảo Điền (Quận 2), ở Quận 5, ở khu đô thị “5 sao” Phú Mỹ Hưng do người thân đang quản lí, sử dụng. Người ta còn đồn rằng, cái giường “đặc biệt” của vợ chồng ông có giá trị khoảng nhiều tỉ đồng, v.v…

Trước cáo buộc trên, trả lời báo giới trong nước, ông Trần Văn Truyền tỏ ra bức xúc cho rằng nhiều thông tin trong bài báo không chính xác.

Từng là Tổng Thanh tra Chính phủ, một cơ quan chuyên về kiểm tra sai phạm, tiêu cực Nhà nước, do đó ngày còn đương chức ông Trần Văn Truyền được biết đến là người có nhiều phát ngôn mạnh mẽ, quyết liệt trong việc phòng chống tham nhũng.

“Hô hào chống tham nhũng nhiều nhưng làm chưa tốt”

Vào tháng 10/2009, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (ngày ông Truyền còn đương chức) đã dành gấp đôi thời gian giải lao (15 phút) để trả lời nhiều câu hỏi của PV Báo Thanh niên liên quan đến lĩnh vực phòng chống tham nhũng.

Ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 
nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Vnexpress)

Ngày ấy ông Truyền cho rằng, tình trạng tham nhũng ở nước ta vẫn còn nghiêm trọng. Xét về quy mô thì biểu hiện, dấu hiệu tham nhũng có ở nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành. Thăm dò trong cán bộ công chức và người dân thì thấy họ còn lo lắng; tình trạng nhũng nhiễu trong công việc vẫn là điều bức xúc.

Nhưng xét về mặt vụ việc ngày càng ít đi thì đó cũng là tất yếu của quá trình tiến lên. Nhưng vẫn còn điều đáng lo là còn một bộ phận tổ chức, cá nhân hô hào chống tham nhũng thì nhiều nhưng thực tế làm thì chưa tốt.

Nói về hình thức xử lí các cá nhân, đơn vị tham ô, tham nhũng, ông Truyền đưa ra ý kiến: “Nếu hình phạt nặng và người ta không khắc phục được thì coi như mình mất tất. Mất cả con người, cả vật chất. Cho nên phải ưu tiên thu hồi cho được tài sản đã bị chiếm đoạt. Khi người ta nhận ra lỗi lầm rồi thì phải nộp lại số tiền này”.

Tháng 6/2010, cũng bên hành lang Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến việc kê khai tài sản của ông Ðặng Hạnh Thu, người khi đó vừa bị cho thôi chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).

Dưới đây là trả lời PV Báo Công an nhân dân về phản ánh trước đó từ người dân và báo chí cho rằng ông Ðặng Hạnh Thu có nhiều lô đất ở Ðồng Nai, nơi ông này từng làm cục trưởng Cục Hải quan (trước khi làm tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Thu là Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan):

Công an nhân dân: Về việc này, Thanh tra Chính phủ đã xem xét bản kê khai tài sản của ông Thu, vậy bản kê khai đó có đầy đủ?

Ông Truyền: Trong việc này, sở dĩ đặt vấn đề xem xét vì người ta có tố cáo anh Thu, nói rằng anh là cán bộ mà có nhiều đất nên Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan chức năng xem và đã có kết luận rồi.

Thứ nhất, về đất mua như vậy là đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Thứ hai là có kê khai tài sản, và nói chung trong việc này nếu xét trên nhiều góc độ cũng không có vấn đề gì gọi là sai trái nghiêm trọng.

Thế nhưng có việc anh là cán bộ mà mua quá nhiều đất.


“Đuổi” người mang đến nhà biếu cặp tiền chứa đô la

Vào tháng 2/2011, chia sẻ trên Vnexpress, ông Trần Văn Truyền cho biết: “Có lần, cũng chỉ mới đây thôi, một người quen với một họ hàng của tôi qua nhà chơi, nói là vừa đi Trung Quốc, có chút quà nhỏ thăm tôi. Đó là một chiếc cặp, nhìn cũng rất giản dị thôi, nhưng khi yêu cầu mở cặp ra thì bên trong chứa hàng xấp tiền toàn là đôla. Người này sau đó đã xin lỗi và cầm tiền về”.

Theo ông, thực tế là những người nào có cơ hội đến tận nhà mình biếu quà như vậy, đều là có quen biết với người thân của mình.

Ông Truyền nói: “Ai đến chơi để lại quà kèm theo tiền thì tôi bảo họ cầm về và nhắc nhở nghiêm khắc không được làm thế. Những trường hợp như vậy, người ta đều xin lỗi, nhận lại. Nếu người ta cố tình không chịu nhận lại thì mình phải lập biên bản, báo cáo cơ quan chức năng xem xét chứ nếu lập biên bản ngay khi người ta vừa mang quà đến thì thật tình không nỡ”.

Còn có nhiều lúc họ đến tôi chơi, mang quà nhưng nói không phải biếu tôi mà gửi biếu mẹ tôi ở quê. Tôi vẫn nói thẳng: “Mấy ông thương tôi thì không nên làm vậy. Dùng tiền quan hệ với nhau, mai mốt không vướng chuyện này cũng dính việc khác nên thôi đành mất lòng trước vậy" - ông Truyền chia sẻ.

Cũng trong cuộc trò chuyện với báo Vnexpress ngày ấy, ông Truyền khẳng định, riêng đối với những người đang là đối tượng thanh tra của mình thì dứt khoát một xu quà cũng không được nhận và phải xử lý đúng quy định.


3 nhận xét:

  1. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều người đến mang cả cặp đầy đô la biếu ông , nhưng ông chỉ đuổi có một người thôi vì chắc vụ đó khó nuốt

    Trả lờiXóa
  2. Đuổi là đúng vì hành động biếu quá lộ liễu, phải kín đáo chự

    Trả lờiXóa
  3. Đuổi là đúng vì mở cặp ra ông sửng sốt vì toàn giấy ... 1 đô la, không đủ đô.

    Trả lờiXóa