Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Về một chữ ”Đéo” đặt đúng chỗ

Đọc cho vui, không nên vì những bức xúc quá lớn mà chuyển sang dùng ngôn ngữ thiếu văn hóa. Từ chỗ dùng ngôn ngữ quá khích sẽ dẫn tới những hành động quá khích. Hãy giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Về một chữ ”Đéo” đặt đúng chỗ
Trước đây nghe ai mở miệng nói chữ “Đéo” tôi rất ghét nhưng sao lần này đọc chữ này ai viết trên tường ở VN, tôi thấy như nó có cái gì thật.
Ngày 26 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Tôi không biết những dòng chữ viết trên một bức tường ở đoạn giữa Lai Châu đi Điện Biên có còn không, hay đã bị xóa đi mất rồi.

Một nhóm vài ba sinh viên ở vùng Tây Bắc xuống học ở các thành phố ở dưới đồng bằng , trong một chuyến đi về thăm nhà, một nơi rất gần biên giới Việt Trung, đã quyết định dùng sơn viết những hàng chữ Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam, để bầy tỏ thái độ yêu nước của họ trên thành cầu, trên những bức tường sát bên đường xe đi.

Lúc đầu họ chỉ viết những chữ tắt HS.TS.VN. nhưng sợ người đọc không hiểu nên họ viết thẳng ra là Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam. Rồi họ lại nghĩ là viết như thế chưa rõ, nên trên một bức tường khác, họ viết rõ hơn: “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.”

Viết xong hàng chữ này, họ nghĩ điều muốn nói đã được nói lên rất rõ. Những chữ viết trên tường rất đẹp và rất rõ mầu sơn đỏ trên bức tường xi măng mầu xám rất dễ đọc.

Các sinh viên này cho biết là vừa viết xong thì một người đàn ông trung niên đến hỏi tại sao lại viết thế. Khi được các sinh viên giải thích là họ muốn khẳng định các hải đảo là của Việt Nam, ý nói không phải là của Trung quốc. Người đàn ông trung niên cho biết ông là bộ đội từng đánh nhau với quân đội Trung quốc, có thể là hồi xẩy ra cuộc chiến Việt Trung những năm 1984-1988. Ông nói viết dòng chữ như các sinh viên vừa viết có thể dân chúng đọc không hiểu. Ông lấy sơn viết thêm ở dưới bốn chữ, không cần tới phương châm 16 chữ của Giang Trạch Dân (...), mà nay đọc lên chỉ muốn giết hết mấy cái đứa nô dịch theo Tầu.

Bốn chữ mà ông trung niên viết thêm là, nguyên văn đọc thấy rõ trong bức hình chụp: “Đéo phải của Tầu”.

Chao ôi, chữ “đéo” nghe đã đời làm sao!

Không phải là một câu phủ định tầm thường như “không phải của Tầu”, mà là “đéo phải”.

Lối nói phủ định dùng những từ ngữ hoặc để nói về việc giao hợp (đéo) hay về một bộ phận cơ thể (đếch) có mục đích là làm cho ý nghĩa của câu mạnh hơn, khẳng định hơn, rõ ràng hơn, pha thêm ít nhiều sự phẫn nộ ở trong. Những chữ đó thường không được viết xuống, chỉ thường xuất hiện trong văn nói.

Trên bức tường, hai dòng chữ viết bằng sơn đỏ, một của mấy sinh viên, một của một người đàn ông trung niên, nhưng cả hai đều là những thông điệp chính trị.

Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam.
Đéo phải của Tầu.

Câu của các sinh viên được câu của người bộ đội từng đánh nhau với Tầu đã được làm cho mạnh hơn, quyết liệt hơn, và dễ hiểu hơn với những người dân quê ở cái vùng gần biên giới Việt Trung đó.

Chuyện xẩy ra đã mấy năm không biết những hàng chữ đó có còn không, hay đã bị bọn tay sai của Tầu cạo đi rồi. Nhưng tôi tin là còn, vì một người đàn ông khác đã hứa với mấy sinh viên rằng nếu có ai xóa những chữ ấy đi thì anh ta sẽ viết lại vì anh là người làm đường ở đó.

Lời nói của anh nghe đầy giọng của Phùng Quán:

“…Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá.”

Như vậy, nếu những hàng chữ ấy bị bôi xóa đi, thì nó sẽ được viết lại.

(............)

BÙI BẢO TRÚC
Nguồn :Thư Gửi Bạn Ta – Blog Bùi Bảo trúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét