Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Vụ "Thông tư 16 trái Luật": Bộ Xây dựng từ chối xin lỗi dân

Tôi không thạo về xây dựng và không đọc các văn bản về xây dựng, nhưng thái độ và cách ông Thứ trưởng Nam trả lời tại cuộc họp báo khá phản cảm. Với bộ mặt vô cảm, ông dùng ngôn ngữ mạnh để thẳng thừng bác bỏ chuyện xin lỗi, đồng thời đưa những chuyện linh tinh khác (DN không minh bạch, kinh nghiệm thế giới...) để hướng mũi dùi dư luận sang đối tượng khác thay vì Bộ XD. Tuy nhiên, ý kiến TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) rất đáng lưu ý. TS khẳng định: "cách tính diện tích theo tim tường đưa ra tại Thông tư 16 là trái với Luật Nhà ở và Nghị định 71, gây thiệt hại cho người dân mua chung cư", và "đề nghị Bộ Xây dựng phải có phương án giải quyết thiệt hại trình Ủy ban pháp luật của QH". Khi dân và Bộ Tư pháp có ý kiến thì xử lý cần rất thận trọng, mềm mỏng và nhất là phải minh bạch.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng từ chối xin lỗi dân
Người mua nhà bị móc túi ngàn tỷ vì thông tư sai luật của Bộ XD

Đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định tại cuộc họp báo Chính phủ: “Bộ xây dựng ban hành (Thông tư 16 - PV) đúng thẩm quyền, hợp lý. Vì thế không có chuyện phải xin lỗi”.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: 
"Không có chuyện phải xin lỗi" vì chuyện ban hành Thông tư 16
Tại cuộc họp báo chính phủ chiều 28/2, phóng viên đề cập đến việc ban hành thông tư 16 của Bộ Xây dựng. Nếu thông tư 16 ban hành sai thì Bộ có nhận trách nhiệm, có xin lỗi dân và hướng khắc phục như thế nào?...

Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Chính phủ đã có chủ trương về việc này từ lâu rồi. Quan điểm của Chính phủ là khi ban hành văn bản phải tuân thủ đúng pháp luật, nhưng nếu trái thì phải sửa chữa. Trường hợp nếu quy định chưa phù hợp thì phải lắng nghe, tập hợp lại các ý kiến để từ đó sửa chữa, rút kinh nghiệm ngay.

Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã “phát biểu nhân danh Bộ Xây dựng, chứ không phải quan điểm cá nhân”.

Về chủ trương chung, ông Nam nói: Chính phủ luôn chỉ đạo các Bộ, ngành trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc trước hết phải phù hợp với Hiến pháp và các đạo luật cao hơn, phù hợp với điều kiện KTXH của đất nước, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên…

Trong phiên điều trần mới đây với UBPL về Thông tư 16, có ý kiến cho rằng, một số đại biểu nói thông tư 16 là trái luật. Nội dung gây tranh cãi là quy định cách tính diện tích không đúng thẩm quyền.

“Tôi đại diện Bộ Xây dựng khẳng định việc ban hành Thông tư 16 đúng luật pháp, đúng thẩm quyền”.

Thứ trưởng Nam khẳng định, và giải thích Luật nhà ở 2005 đến thời này vẫn còn có hiệu lực, trong đó có điều 153, Chính phủ giao quy định chi tiết toàn bộ những vấn đề quy định trong luật mà chưa được chi tiết hóa. Trong Nghị định 71 của Chính phủ, có quy định nội dung hình thức về hợp đồng nhà ở, trong đó có loại hình chung cư.

Việc ban hành Nghị định 71 để thực hiện hướng dẫn khoản 2 điều 93 luật nhà ở. Chính phủ quy định các bên tham gia hợp đồng phải ghi rõ một số nội dung như diện tích thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng, kinh phí bảo trì 2% và cách tính diện tích căn hộ mua bán.

“Qúa trình ra Thông tư 16 là tuân thủ theo quy định được nêu trong luật đang có hiệu lực. Bộ Xây dựng ban hành đúng với trách nhiệm, thẩm quyền được giao”.

Ông Nam cũng đề cập đến tính hợp lý của việc hướng dẫn 2 cách tính được căn cứ vào thực tiễn, thông lệ trong nước và quốc tế. Trước thời điểm 1994 chưa có giao dịch mua bán, nhưng từ 2004 – 2005 luật nhà ở ra đời, một số DN đã thực hiện giao dịch mua bán. Tất cả các hợp đồng giai đoạn này đều tính diện tích từ tim tường. Nhiều DN xây dựng như HUD, UDIC, VINACONEX đều tín diện tích như vậy mà không xảy ra khiếu kiện.

"Sang giai đoạn 2005 – 2010 cũng không có hướng dẫn cách tính diện tích quy định như thế nào. Các bên quy định tính trong hợp đồng theo nhiều cách, mà khi tòa nhà Keangam quy định hợp đồng tính theo phủ bì nên đã xảy ra tranh chấp".

Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn cách tính sàn chung cư, hoặc theo nguyên tắc thông thủy, hoặc theo tim tường để chủ đầu tư và người dân lựa chọn, thỏa thuận dân sự. Tuy nhiên việc tính này cũng không ảnh hưởng đến quy định đâu là sở hữu chung, đâu là sở hữu riêng.

Theo kinh nghiệm quốc tế, theo ông Nam, thế giới vẫn đang tồn tại 3 cách tính diện tích sản. Phổ biến là cách tính diện tích sàn sử dụng (thông thủy). Cách tính này đang được áp dụng ở Mỹ, Anh, Hồng Kông, rồi sau này có thêm quốc gia Ấn Độ.

Cách thứ 2 là tính diện tích sàn xây dựng, gọi là tim tường: cách này đang được áp dụng bắt buộc ở Hàn Quốc, Trung Quốc. Chúng ta thường tham khảo quy định của hai quốc gia này khi ban hành luật.

Cách thứ 3, tính phủ bì đang được áp dụng ở Úc, Malaysia. Bên cạnh đó một số nước cũng cho phép lựa chọn 1 trong 3 cách tính này.

“Bộ xây dựng ban hành (Thông tư 16 - PV) đúng thẩm quyền, hợp lý. Vì thế không có chuyện phải xin lỗi”.

Tuy nhiên ông Nam cũng cho rằng, thực tế cũng có một số DN không minh bạch khi hợp đồng ghi không rõ ràng. Những hợp đồng nào trái Thông tư 16, Nghị định 71 phải được xử lý. Hai bên sẽ gặp nhau bàn bạc, thảo luận để tìm cách giải quyết và có thể đưa nhau ra tòa.

Lý do thông tư 03 ban hành vừa qua, có sửa một điểm từ Thông tư 16, Theo Thứ trưởng đó là “áp dụng thông lệ và truyền thống từ xưa đến nay của Việt Nam. Chúng ta điều chỉnh lại một cách tính, nhưng không có nghĩa Thông tư 16 sai, mà cái sau phù hợp với giai đoạn hiện nay”.

Về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, căn cứ từ thông tin một tờ báo về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đang vướng mắc. Ngay sau khi có chỉ đạo, Bộ Xây dựng và TNMT đã ngồi với nhau, thống nhất Bộ TNMT sẽ thay mặt hai bộ báo cáo Chính phủ. Bộ TNMT sau đó đã có công văn báo cáo lại với Phó Thủ tướng Chính phủ...

Nguyễn Dũng
http://infonet.vn/thu-truong-bo-xay-dung-tu-choi-xin-loi-dan-post120990.info

*******
Người mua nhà bị móc túi ngàn tỷ vì thông tư sai luật của Bộ Xây dựng

"Đẻ" ra cách tính diện tích chung cư sai luật, Bộ xây dựng đã khiến người mua nhà bị móc túi hàng ngàn tỷ đồng và số tiền này bay sang túi các chủ đầu tư.

Việc Bộ Xây dựng tự “vẽ” thêm một cách tính diện tích căn hộ chung cư theo tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ tại Thông tư 16/2010/TT-BXD trái với Luật Nhà ở đã “giúp” chủ đầu tư nhiều dự án chung cư thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.

Điển hình, một số chung cư đã xảy ra tranh chấp, khiếu kiện do chủ đầu tư áp dụng cách tính diện tích theo hướng dẫn của thông tư 16 mâu thuẫn luật, gây thiếu hụt diện tích thực tế sẽ thấy rõ số tiền mà người dân mua chung cư bị thiệt hại do cách tính diện tích căn hộ chung cư theo tim tường là con số khổng lồ.

Một trong những dự án gây thiệt hại lớn cho người dân mua nhà là dự án chung cư cao cấp Keangnam trên đường Phạm Hùng (Từ Liêm, Hà Nội).

Theo số liệu mà bà Trịnh Thúy Mai, một cư dân đang sống tại chung cư Keangnam cung cấp cho PV Infonet, chỉ tính riêng căn hộ B606 bị tính gộp cả diện tích thuộc sở hữu chung lên tới 20,99m2 (gồm diện tích cột chịu lực, hộp kỹ thuật, tường chung) và diện tích thuộc sở hữu riêng theo quy định tại Luật Nhà ở là 176,66 m2. Trong khi đó, diện tích mà chủ căn hộ này phải trả tiền mua theo hợp đồng là 206,95 m2, dẫn tới thiếu 30,21m2 so với hợp đồng.

Với giá bán lên tới 3.000USD/m2, những căn hộ bị thiếu tới hơn 30m2 như căn B606 thì số tiền trả “oan” này lên tới trên 1,5 tỷ đồng.

Với những căn thiếu diện tích ở mức ít nhất, người dân cũng đã phải trả “oan” cho chủ đầu tư vài trăm triệu đồng.

Tương tự, kết quả đo giám định tại căn hộ A610 xác định diện tích còn thiếu so với hợp đồng là 14,74m2; căn B3306 thiếu 27,48 m2. Tại các căn hộ A1101, A710, B3504, B4511, A1404... cũng đều thiếu tới gần 20m2 diện tích so với tổng số diện tích đã trả tiền ở hợp đồng.

Bà Mai cho biết: Theo kết quả trưng cầu giám định, toàn bộ diện tích phần sở hữu chung đã được Keangnam phân chia và cộng vào diện tích của các căn hộ bán cho khách hàng. Trung bình mỗi căn hộ phải thanh toán khoảng 15% diện tích thuộc sở hữu chung.

Người mua nhà tại dự án chung cư cao cấp Keangnam có lẽ đang là những người bị thiệt hại nặng nhất từ Thông tư 16 của Bộ Xây dựng. Ảnh: Minh Thư

Bà Lê Xuân Hoa, một cư dân ở Keangnam tính toán: Nếu chỉ tính trung bình mỗi căn hộ bị chủ đầu tư “ăn gian” diện tích thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng, thì tại Keangnam, chủ đầu tư nghiễm nhiên “đút túi” tới 900 tỷ đồng từ 900 căn hộ bị "ăn gian" diện tích.

Hay như tại dự án khu đô thị mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường (Hà Đông, Hà Nội) có tới xấp xỉ 3.000 căn hộ, trung bình mỗi căn hộ phải trả thêm tiền khoảng 10% cho diện tích sở hữu chung.

Chị Phương, một cư dân sở hữu căn hộ có diện tích nhỏ tại dự án Nam Cường chỉ 56m2, nhưng chị cũng đã phải trả “oan” tới 6m vì cách tính diện tích đến tim tường của chủ đầu tư. Tại thời điểm chị Phương mua, giá nhà là 22 triệu đồng/m2, như vậy cũng mất đứt thêm hơn 130 triệu đồng.

Chưa kể, có những cư dân khác còn mua nhà với giá cao hơn, diện tích căn hộ lớn hơn, với ước tính mỗi căn hộ phải chia trả thêm từ 130-200 triệu đồng cho phần diện tích chung, thì khi bán ra 3.000 căn hộ tại khu đô thị Dương Nội, chủ đầu tư đã "móc túi" khách hàng lên tới con số xấp xỉ nghìn tỷ đồng.

Tương tự, các dự án của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản cũng từng nổ ra xô xát căng thẳng vì cách tính diện tích theo "bảo hộ" của Bộ Xây dựng.

Từ những diện tích người dân phải trả “oan” tiền lúc mua, người dân còn phải trả thêm tiền cho những khoản phí dịch vụ quản lý hàng tháng, hàng năm cho đơn vị quản lý chung cư, điều này được người dân ví như “một cổ hai tròng”!

TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định: cách tính diện tích theo tim tường đưa ra tại Thông tư 16 là trái với Luật Nhà ở và Nghị định 71 và dù Bộ Xây dựng hướng dẫn 2 cách tính nhưng các chủ đầu tư chỉ áp dụng theo cách tính tim tường, có lợi cho họ và gây thiệt hại cho người dân mua chung cư.

Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đề nghị Bộ Xây dựng phải có phương án giải quyết thiệt hại trình Ủy ban pháp luật của QH.


Nhiều ý kiến truy trách nhiệm của Bộ Xây dựng, trách nhiệm bồi thường nhà nước về việc ban hành văn bản sai trái (Thông tư 16). Lợi ích thuộc về ai khi có cả triệu căn nhà “ôm” thêm cả cột, tường chung, hộp kỹ thuật như thế? Giải quyết, bồi thường hậu quả như thế nào đối với những hợp đồng đã ký?...

Đó là những vấn đề nóng tại phiên giải trình việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức chiều 25/2, mà trọng tâm “xoáy” vào Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Dư luận đòi hỏi, Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan quản lý thị trường BĐS và cũng là cơ quan ban hành quy định có sai lỗi, cần rà soát, thống kê xem đã có bao nhiêu dự án áp dụng cách tính diện tích theo tim tường, dẫn đến thiếu diện tích. Qua đó mới có thể tính cụ thể con số thiệt hại mà những người mua chung cư đã phải “gánh” suốt 3 năm qua, để tìm giải pháp bồi thường những thiệt hại ngàn tỷ mà người dân đã và đang phải gánh chịu.

Minh Thư
http://infonet.vn/nguoi-mua-nha-bi-moc-tui-ngan-ty-vi-thong-tu-sai-luat-cua-bo-xay-dung-post120914.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét