Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Chuyện đặt tên Võ Nguyên Giáp cho đường phố ở Điện Biên

Bài này trên trang gốc có duy nhất 1 bình luận: "Đặt tên TP Điện Biên là Thành phố Võ Nguyên Giáp mới xứng tầm. Tiếc thật cho bà con các dân tộc Điện Biên và cho nhân dân cả nước". Tôi thì nghĩ tại sao cứ nhất thiết phải đặt tên vĩ nhân cho các con đường, tại sao lại phải xóa những tên đường đang có ý nghĩa để có chỗ ghi danh cho vĩ nhân mới từ trần ? Xem thêm bài viết cũ của tôi: "Lan man từ chuyện đặt tên Võ Nguyên Giáp cho đường phố". Theo tôi, tất cả các tên lịch sử cần được giữ lại, nên tìm những đường, những địa danh chưa có tên để đặt cho vĩ nhân mới từ trần. Trong trường hợp tỉnh Điện Biên, nên đặt tên Quảng trường trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh (đây chưa phải là tên chính thức) là Quảng trường Võ Nguyên Giáp và giữ nguyên tên cho đường 7/5. Tôi tin là Quảng trường này khá to đẹp, tương xứng với Đại tướng vì nó phải vậy mới tương xứng với tên 7/5 mà UBND tỉnh dự kiến đặt.
Đường đẹp nhất Điện Biên sẽ mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(GDVN) - Ngày 22/2, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiển về việc đổi tên, đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên địa bàn thành phố. Theo đó, phương án đổi tên đường 7/5 thành đường Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận được sự đồng thuận cao. Được biết, đường 7/5 là tuyến đường đôi đẹp nhất tỉnh với chiều rộng 32m và tổng chiều dài hơn 7.900m, xuyên suốt toàn bộ trục chính của thành phố Điện Biên Phủ.
Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng 
Võ Nguyên Giáp đã lên thăm bà con vùng căn cứ cách mạng. Ảnh: Trần Hồng
Kiến nghị đổi tên Quảng trường trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh thành Quảng trường 7/5, để ghi dấu ấn lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vào một công trình lớn của tỉnh.


Các đại biểu cũng nêu kiến nghị cần chỉnh trang lại cảnh quan đô thị, quy hoạch lại hệ thống vỉa hè trên tuyến đường này.

Tuyến đường này đi qua rất nhiều di tích liên quan đến Chiến thắng Điện Biên Phủ, như đồi Him Lam, đồi D1, đồi A1, nghĩa trang A1, Bảo tàng chiến thắng...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những gắn bó, cống hiến đặc biệt với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên. Đã từ lâu, nhân dân các dân tộc Điện Biên coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một "vị thần" của bản làng, chỉ huy đánh đuổi giặc ngoại xâm. Chính vì thế, con đường đẹp nhất tỉnh sẽ được mang tên đại tướng chính là nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân. Đây cũng là một hoạt động chào mừng Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2014).


Ý KIẾN BẠN ĐỌC (1)
Nguyễn Thị Dân - 24/02/14 15:220
Điện Biên! Tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên, huyện Điện Biên và huyện Điện Biên Đông. Nên Đặt tên TP Điện Biên là Thành phố Võ Nguyên Giáp mới xứng tầm. Tiếc thật cho bà con các dân tộc Điện Biên và cho nhân dân cả nước.


http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Duong-dep-nhat-Dien-Bien-se-mang-ten-Dai-tuong-Vo-Nguyen-Giap-post140343.gd

3 nhận xét:

  1. Xóa tên cũ một địa danh đặt tên mới cho địa danh đó là xóa đi dấu ấn lịch sử của nó. Hãy để nguyên những gì sự thật lịch sử để lại, đừng nhào lặn vì mục đích gì. Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đời Trần có câu thơ " "Chương Dương cướp giáo giặc/
    Hàm Tử bắt quân thù/...". Hiện tại Hà Nội có cây cầu Chương Dương, rất nhiều người lầm tưởng nơi đó (cầu Chương Dương) đã diễn ra trận Chương Dương 700 năm trước. Còn cái tên "Hàm Tử" bây giờ còn không? Ở đâu ? liệu có mấy người biết ?.
    "Đặt tên TP Điện Biên là Thành phố Võ Nguyên Giáp"? Đừng làm chuyện đó. Sau này, một vài thế hệ, con cháu chúng ta không biết trận Điện Biên Phủ diễn ra ở đâu.
    Nằm cạnh đèo Nhọt, thuộc xã Gia Phù, huyện Phù Yên (Sơn La) có một khu rừng đặc biệt được người dân địa phương đặt tên là "Khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Nhân dân (không phải Quốc hội, nhà nước) đã đặt tên như vậy, hãy giữ nguyên tên này vì lịch sử như vậy.

    Trả lờiXóa
  2. Bến Chương Dương nơi ghi dấu chiến thắng oanh liệt góp phần quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 năm 1285. Địa danh lẫy lừng này ngày nay thuộc xã Chương Dương, huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 cây số ( không phải nơi cầu Chương Dương hiện nay).

    Trả lờiXóa
  3. Hàm Tử là tên một xã thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Tên xã được đặt theo địa danh lịch sử nổi tiếng là cửa Hàm Tử hay Hàm Tử quan, nơi xảy ra trận Hàm Tử trong cuộc Kháng chiến chống quân Nguyên 1285 của quân dân Đại Việt.

    Trả lờiXóa