Ổn định vĩ mô – cái gì, tại sao và thế nào?
(Bài đăng trên Doanh nhân Sài gòn, ngày 25/2/2014, bản gốc)
Điểm lại nhiều bài nói và viết của các chuyên gia, các tổ chức liên đới trong và ngoài nước ở Việt Nam trong mấy năm qua, ta có thể thấy đa phần cách dùng của cụm từ “ổn định kinh tế vĩ mô” như một nhiệm vụ riêng biệt, song song với (một số trong) những nhiệm vụ/mục tiêu khác, ví dụ như “kiềm chế lạm phát”, “ổn định tỷ giá”, và “thúc đẩy/hỗ trợ/ổn định tốc độ tăng trưởng”. Chẳng hạn, ta vẫn hay nghe nói đến câu: “Phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát”, và cách dùng này có thể nói là đã trở nên phổ biến nhất trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Hiếm khi nó được sử dụng với cái nghĩa là bao hàm luôn cả (một số những) nhiệm vụ/mục tiêu khác này.
Thực tế, trên thế giới, cách dùng cụm từ “ổn định kinh tế vĩ mô” với nghĩa là bao hàm cả những mục tiêu khác như giữ ổn định các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng (tiệm cận với mức tăng trưởng tiềm năng), mức giá cả và tỷ lệ thất nghiệp... là cách dùng chuẩn mực và phổ biến. Cách dùng này đương nhiên dựa trên khái niệm về “kinh tế vĩ mô”, là một hệ thống kinh tế của cả một quốc gia và khu vực, với các chỉ tiêu đo lường “sức khỏe” của nó như tốc độ tăng trưởng thu nhập, thất nghiệp, lạm phát... Bởi vậy, ổn định kinh tế vĩ mô có nghĩa là giảm thiểu biến động (trong ngắn hạn) của những chỉ tiêu này. Mục đích của ổn định kinh tế vĩ mô là để tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư làm cải thiện tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn.
Ngoài lý do là chuẩn mực và phổ biến, cách dùng với nghĩa này còn tránh được sự mơ hồ về mục đích như trong cách dùng đang phổ biến ở Việt Nam nói ở trên, mà vì thế có thể ngăn cản Chính phủ có các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô đúng đắn. Cứ như cách hiểu và dùng ở Việt Nam thì dường như ổn định kinh tế vĩ mô là cái gì đó khác và độc lập với ổn định giá cả/kiềm chế lạm phát, và càng khác và độc lập với thúc đẩy/hỗ trợ/ổn định tăng trưởng kinh tế, vì rõ ràng hiện nay việc thúc đẩy, duy trì tốc độ tăng trưởng (hiện đang được cho là ở mức thấp so với tăng trưởng tiềm năng) đã được gạt xuống hàng ưu tiên thứ yếu, sau mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô”.
Nếu đã coi là khác và độc lập với lạm phát và tăng trưởng thì câu hỏi được đặt ra ở đây là, vậy thì cụ thể “ổn định kinh tế vĩ mô” là ổn định cái gì? Rất tiếc, câu trả lời từ việc lục tìm các bài viết và nói của Chính phủ, các tổ chức và chuyên gia trong ngoài nước lại có xu hướng liệt kê chính việc kiềm chế lạm phát là một biểu hiện và cũng là mục tiêu của ổn định kinh tế vĩ mô.
Như thế, có nghĩa là cách nói và nghĩ về ổn định kinh tế vĩ mô như hiện nay là chưa đúng và cần phải sửa lại theo cách chuẩn mực. Nhưng đến đây lại phát sinh ra một vấn đề mới là theo cách chuẩn mực thì ổn định kinh tế vĩ mô là việc đạt được sự ổn định trên nhiều chỉ tiêu, trong số đó có những chỉ tiêu mà việc thực hiện được chúng có tính đối nghịch với việc thực hiện những chỉ tiêu khác, ít nhất trong ngắn hạn, ví dụ như ổn định lạm phát và duy trì, ổn định tốc độ tăng trưởng.
Cụ thể hơn, với mục tiêu ổn định tốc độ tăng trưởng (hiện đang có xu hướng tụt thấp so với tăng trưởng tiềm năng) trong “gói” ổn định kinh tế vĩ mô, thì cần thiết phải khôi phục lại và ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế sao cho tiệm cận với tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Điều này cần thiết đòi hỏi phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ (và/hoặc tài khóa) hơn. Nhưng, mặt khác, vì lạm phát đang ở mức khá cao như hiện nay, cần thiết phải duy trì một chính sách tiền tệ (và/hoặc tài khóa) một cách chặt chẽ hơn. Như vậy, trong ngắn hạn, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung có khả năng không thể lồng ghép với sự phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế. Điều này thì bản thân Chính phủ cũng đã nhận thức được nên mới tách mục tiêu tăng trưởng kinh tế ra khỏi “gói” ổn định kinh tế vĩ mô.
Loại bỏ mục tiêu tăng trưởng ra thì trong gói ổn định kinh tế vĩ mô, ngoài mục tiêu giữ cho giá cả ổn định (lạm phát thấp), sẽ còn những mục tiêu chính khác là hạ lãi suất, ổn định tỷ giá, việc làm, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại... Nhưng xét cho cùng, yếu tố chính chi phối việc đạt được những mục tiêu này vẫn là lạm phát thấp. Khi giá cả ổn định (lạm phát thấp) thì biến động việc làm sẽ có xu hướng giảm thiểu (vì chi phí sản xuất bao gồm chi phí tiền lương sẽ không bị tác động nhiều bởi lạm phát nên chủ doanh nghiệp có xu hướng duy trì ổn định số việc làm hơn). Khi lạm phát thấp thì áp lực phá giá nội tệ đến từ việc lên giá thực của nội tệ so với ngoại tệ sẽ không lớn nên tỷ giá sẽ được ổn định hơn. Đồng thời, tỷ giá ổn định do nội tệ ít bị lên giá thực sẽ tạo điều kiện duy trì một cán cân thương mại cân bằng hơn. Lạm phát thấp cũng có nghĩa là chính sách tiền tệ (và/hoặc chính sách tài khóa) thường là thắt chặt hơn nên thâm hụt ngân sách cũng ít bị áp lực gia tăng hơn.
Nói cách khác, khi nói đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam thì chỉ cần nói, đại loại, là “(phấn đấu) kiềm chế lạm phát (ở mức thấp) và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (theo diễn biến của lạm phát)” là đủ và thích hợp vì đã chỉ ra được cái gì là ưu tiên (tức là lạm phát), cần tập trung thực hiện, và cái gì là thứ yếu.
http://phan-minh-ngoc.blogspot.ch/2014/02/on-inh-vi-mo-cai-gi-tai-sao-va-nao-bai.html?showComment=1393405860951#c7112187998806350451
Bản đăng trên DNSG ở link sau (biên tập khá lủng củng, theo tớ)
http://www.doanhnhansaigon.vn/online/dien-dan-doanh-nhan/thoi-su/2014/02/1079852/on-dinh-kinh-te-vi-mo-cai-gi-tai-sao-va-the-nao/
http://www.doanhnhansaigon.vn/online/dien-dan-doanh-nhan/thoi-su/2014/02/1079852/on-dinh-kinh-te-vi-mo-cai-gi-tai-sao-va-the-nao/
Tôi hiểu ý CP là muốn "ổn định kinh tế vĩ mô" và nâng cao hơn nữa "tốc độ tăng trưởng", còn lạm phát thì kiềm chế được bao nhiêu thì được miễn là không để quá đáng, kiểm soát chặt LP không phải là quan trọng nhất.
Tôi hiểu "ổn định kinh tế vĩ mô" là đưa các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế về các tọa độ cân bằng, hiệu quả và bền vững ngắn hạn; trên cơ sở này sẽ củng cố tạo thành cân bằng bền vững dài hạn; rồi từ đó mới nới dần và đưa các các cân bằng này lên mức cao hơn để có được một tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Tham khảo thêm bài viết mới của tôi ở đây: http://toithichdoc.blogspot.ch/2014/01/kinh-te-vi-mo-khai-quat-2013-va-inh.html
Bản viết dài hơn đăng trên tạp chí nghiên cứu kinh tế tháng 2.2014 có đoạn:
Đánh giá toàn cảnh kinh tế vĩ mô năm 2013:
Nhìn bức tranh tổng thể kinh tế vĩ mô năm 2013 nêu trên, có thể khẳng định nền kinh tế đã có những tiến bộ nhất định và quan trọng hơn, đang đi đúng hướng. Đối với một nền kinh tế mới thoát khỏi ngưỡng nước nghèo chưa lâu, trong điều kiện cơ cấu kinh tế vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng kéo dài và môi trường quốc tế không thuận, đạt được những thành tựu vĩ mô nêu trên là rất đáng khích lệ.
Điểm sáng lớn nhất là các cân đối vĩ mô đã bước đầu chuyển dịch về các “tọa độ” cân bằng trung hạn, tới đây có thể sẽ bền vững và hiệu quả. Thực vậy, đối với mỗi nền kinh tế đều có một tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng (trung, dài hạn) đi kèm với những cân đối vĩ mô tương ứng. Điều này cũng giống như một tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng phải đi kèm với một tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên hay một tỷ lệ lạm phát tự nhiên vậy.
Tôi muốn đưa vào bài viết các con số tọa độ cụ thể, song sợ nhiều nhà quản lý sốc. Ai cần biết chi tiết vài con số khi tôi phân tích cụ thể từng mặt KTVM thì xem thêm trong Tạp chí NCKT.
Đúng đấy bác Mai à. Tôi cũng từng có dự định làm một cái nghiên cứu nhỏ nhằm chỉ ra rằng có khi tăng trưởng tiềm năng của VN giai đoạn hiện nay chỉ là quanh quẩn 5% nên mọi nỗ lực tăng trưởng hơn nữa chỉ làm mất cân đối vĩ mô. Nhưng rồi lại gác ý định này vì công việc lu bù, và đã ly khai giới nghiên cứu học thuật rồi, không có điều kiện làm nghiên cứu nghiêm túc nữa.